(VietNamNet) - Dân nghèo mất sạch tài sản. Đại dịch đã xộc vào nhà. 3 xã đã công bố dịch ở Bắc Giang đang phải gồng mình chống dịch bằng mọi phương tiện sẵn có.
Thôn Trung Đồng, ngày thứ 4 chống dịch. Từ đầu làng đến cuối ngõ đã sạch bóng gia cầm. Đội "đặc nhiệm" đập gà nhận lệnh: Vùng ổ dịch, cứ thấy gia cầm là vụt. Ngày 6/11, cỗ cưới đầu tiên trong xã vắng bóng thịt gà.
Hơn 1 năm trước, khu Đồng ổ gà thuộc thôn Trung Đồng (xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chỉ là vùng đồng đất chua phèn. Xã quyết định chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, giao khoán cho người dân địa phương "khai hoá" khu vực này.
Hơn 1 năm, 34 hộ dân lần lượt có mặt, vay tiền ngân hàng đầu tư, mua chịu giống, thức ăn chăn nuôi, tính kế làm giàu trên vùng đất bỏ hoang. Khu đồng ổ gà trở thành Khu chuyển đổi Đạc 20-21.
Khu 20-21 phút chốc đổi thay. Vật nuôi chủ yếu là ngan, vịt, gà. Người dân đào thêm ao thả cá. Những căn nhà xây tạm giữa cánh đồng bằng lòng nhường vốn cho cho ông bà chủ tiếp tục tái đầu tư vào những vụ nuôi trồng tiếp theo. Nhà ít cũng có gần 200 con ngan, nhà nhiều có đàn hơn 1.000 con cả gà, ngan và vịt.
Trước đây, ''kinh tế nhỏ'' của 34 hộ nuôi ngan, gà ngoài ở cánh đồng thôn Trung Đồng là nỗi thèm muốn của nhiều hộ khác. Nhà nào cũng đầy ắp gia cầm trong chuồng, ngày nào cũng bán cho dân buôn vài chục con, mỗi con từ 50-60 ngàn đồng, rủng rỉnh tiền trong túi.
Bây giờ, khi dịch cúm đến, thuỷ cầm bị tiêu diệt đầu tiên. Họ đang đối mặt với khó khăn, nợ nần. Trong khi đó, mỗi con ngan bị tiêu huỷ, chính sách tạm thời của xã chỉ đền 10 ngàn đồng.
''Giấc mơ gà vịt'' bay theo... cúm
Chiều muộn ngày 6/11, trong cơn sốt dịch cúm gia cầm ở Vân Trung, chúng tôi về khu 20-21. Đường vào ''khu chuyển đổi'' thôn Trung Đồng gập ghềnh, mong manh như công việc chăn nuôi gia cầm mùa cúm. Trẻ con, người lớn sặc mùi gia cầm đang túm tụm ''khóc'' về ''giấc mơ gà vịt'' nhẹ nhàng cùng vôi bột bay theo gió.
Chỉ thấy vơ vất vài sợi lông gà, vịt, ngan vương vất trên đầu ngọn cỏ ven con đường liên thôn dẫn ra khu vực tách biệt 34 hộ dân quây quần sinh sống. Mới tuần trước, cả làng xao xác tiếng gia cầm. Trong 2 ngày, hàng tấn gia cầm khoẻ mạnh bị huỷ vì lý do an toàn khi đại dịch đã vởn vơ ngay thôn bên cạnh
Bà Hoàng Thị Mẫn mếu máo khi gặp chúng tôi: "Nhà tôi mất sạch rồi. Còn gì nữa đâu. Lại nợ rồi". Chỉ trong một buổi chiều, toàn bộ tài sản, công sức của 2 vợ chồng chị phải đem tiêu huỷ. Tiếc nuối, xót xa nhưng không thể không làm theo chủ trương an toàn của xã.
Chị Mẫn bảo: thật xót lòng khi chính bàn tay những người trong gia đình hôm trước vừa cho ngan, gà ăn, hôm sau lại cầm gậy giết chúng và tống vào bao tải mang đi chôn. Đứa em gái chị Mẫn thường ra đồng giúp chị cho ngan, gà ăn ngồi thừ góc nhà. Chị bảo: ''Hôm đập gà, ngan để mang đi chôn, nó khóc ròng vì thương chúng...''.
Bà Mẫn là vợ ông Hoàng Công Huấn, 1/34 hộ dân khu 20-21, ra làm kinh tế chuyển đổi hơn 1 năm nay. Thống kê từ xã Vân Trung cho biết: ông Hoàng Công Huấn có 300 con ngan, 330 con gà huỷ chiều 5/11. Em vợ ông Huấn là Hoàng Công Đạo mất 510 con ngan, mỗi con 1-3kg. Giá thị trường hiện nay 13.000-15.000đồng/kg thịt ngan. Cả 2 anh em ông Huấn mất gần 1,2 tấn thịt. Đó là tất cả tài sản của họ.
Kết quả "làm sạch" ổ dịch Trung Đồng: ông Hoàng Công Liền chôn 509 con ngan, ông Nguyễn Văn Khánh diệt 1.774 con, ông Hoàng Công Đĩnh diệt 410 con vịt... Chiều 5/11, tại khu chuyển đổi 20-21 xứ Đồng ổ gà (thôn Trung Đồng), phải mất 3 xe công nông, đến 7h tối mới chuyển hết gia cầm ra hố chôn.
Bà Mẫn ngẩn người vì tiếc của mấy hôm nay. Chủ vựa cám vào đòi nợ liên tục. 10 triệu đồng tiền vay ngân hàng, 5 triệu tiền nợ mua cám chăn nuôi, gia đình bà đang chuẩn bị xuất lứa ngan để trả thì dịch cúm ập đến. Trung Đồng lại là ổ dịch. Cùng với Bài Xanh, Trung Đồng nhận được lệnh: huỷ 100% gia cầm. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước tính chi ly được vẻn vẹn 6,3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Ninh (Trưởng phòng Kỹ thuật-Chi cục thú y tỉnh Bắc Giang) tính toán: Thời gian dập ổ dịch, theo dõi sau tiêm phòng là 28 ngày. Sau 2 tháng từ ngày cuối cùng theo dõi tiêm phòng dịch, nếu không có biến động gì thêm, sẽ công bố hết dịch. Tròm trèm 3 tháng, chưa thấy tỉnh Bắc Giang thông báo gì tới việc hỗ trợ đời sống của người dân. Trong khi, toàn bộ gia sản của họ đã theo nhau... xuống hố!
Hoàng Công Đạo chán chường ngồi trong căn nhà dựng tạm. Tỏ ra hiểu biết, Đạo khuyên nhủ những hộ dân gần kề: "Chính phủ quyết định rồi. Đó là luật, phải tuân theo". Nhưng Đạo cũng không biết sẽ tiếp tục làm gì để nuôi gia đình 4 miệng ăn trong thời gian chờ hết dịch. Bao nhiêu vốn liếng, Đạo đã đổ hết vào bầy ngan 510 con vừa đem tiêu huỷ chiều 5/11 vừa rồi.
Đang làm ăn ở miền Nam, anh Đạo về quê cưới vợ, vay vốn nuôi gia cầm ngoài đồng. Tất cả hy vọng của nông dân nghèo được tập trung vào từng con gà, con ngan. Thế nhưng, giống như chị gái mình và hơn 30 hộ khác ở đây, bàn tay Đạo đã phải giết 510 con ngan, vịt để chống dịch.
Ngồi thừ trên đống rơm trong góc nhà, gương mặt Hoàng Công Đạo méo xệch nói: ''Thế là hết rồi, nợ ngân hàng 10 triệu tháng nào cũng phải trả lãi, tiền thức ăn ngan 7 triệu ngày nào chủ nợ cũng vào đòi. Chẳng biết sắp tới chúng em sẽ sống như thế nào đây? Có lẽ lại vào miền Nam làm thợ hồ thôi...''.
Ông Nguyễn Văn Lượt (Bí thư Đảng uỷ thôn Bài Xanh) thật lòng: "Đập hết đàn vịt, gà, ngan trong nhà xong, vợ tôi ốm luôn mấy hôm. Phải động viên suốt mới nguôi ngoai". Ngày 5/11, nhà ông Lượt đem huỷ 177 con gia cầm. Ngày 6/11: diệt nốt 90 con còn lại. Đàn gia cầm đã trưởng thành, con nhỏ nhất cũng nặng hơn 1kg. Một đống tiền đổ chôn vào lòng đất. Số tiền hỗ trợ nhiều nhất nhà ông có thể nhận được: 2.670.000 đồng.
Anh Dương Văn Báu ở thôn Bài Xanh có hơn 300 con ngan. Hôm đội đặc nhiệm chống cúm" đến thôn làm nhiệm vụ, vợ anh Báu dứt khoát không đồng ý cho chồng đập ngan mang ra nộp. Có việc phải đi ăn giỗ ở làng bên, khi anh về đến nhà, đội đặc nhiệm đập và mang hết ngan đi tiêu huỷ. Nhìn mãi, anh thấy vợ đang ngồi ủ rũ ở góc vườn. Anh gọi điện ''cầu cứu'' xã: ''Tối nay cho em ngủ trên xã, sợ vợ em không cho em vào nhà mất...''.
Xã phải mua nợ vôi chống... dịch!
Ông Jim Adams (Chủ tịch phụ trách về chính sách chương trình và dịch vụ quốc gia - Ngân hàng thế giới) khuyến cáo: "Hiển nhiên đối với nông dân, đặc biệt đối với nông dân nghèo, gia cầm là thu nhập của họ. Nếu họ được bồi thường thoả đáng và được trả theo giá thị trường, các chương trình tiêu huỷ sẽ thành công. Kinh nghiệm cho thấy nếu không được bồi thường thoả đáng, họ sẽ tìm cách đưa gia cầm ra thị trường, và bệnh dịch sẽ lây lan". |
Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được: Số gia cầm đã tiêu huỷ xong ở Vân Trung đến nay đã vượt qua con số 10.000 con. 60 người được huy động tham gia chiến dịch dập ổ dịch ở Vân Trung những ngày qua. Bắc Giang đã thiết lập 10 trạm gác tại các xã có dịch. Việc vận chuyển gia cầm bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Hai trong ba xã đầu tiên ở Bắc Giang công bố dịch là Tăng Tiến và Vân Trung đều có nghề nông là nghề chính. Nhưng chăn nuôi lại là được quan tâm hơn hết vì đồng tiền ''thật'' hơn trước mắt. Lúa gạo làm ra chỉ để ăn, gà vịt nuôi đến kỳ được mang ra chợ bán hoặc dân buôn vào tận nơi lấy. Vì vậy, khi dịch đến, tự giác đập gia cầm hoặc cho ''đội đặc nhiệm đập gà'' vào tận từng góc vườn nhà mình làm nhiệm vụ là cả một quyết định không đơn giản của người nông dân.
Khi có chủ trương phải đập gia cầm (dù còn khoẻ mạnh) để mang đi tiêu huỷ, mặc dù xã Vân Trung đã làm công tác tư tưởng trước cho bà con nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Nhất là tâm lý tiếc của, tiếc công chăm sóc, nâng niu của người dân.
Của đau, con xót, bà Mẫn lấy lồng sắt quây nhốt vội đàn gà chừng 20 con, đem đi giấu, khi cán bộ xã đến dập dịch ở khu 20-21. "Tiếc lắm nhà báo ạ. Nhìn đàn gia cầm bị đập chết mà rơi nước mắt. Biết là làm liều, nhưng nhà tôi mất sạch rồi". Sự "liều lĩnh" ấy cũng là điều dễ hiểu trên khía cạnh tâm lý, khi những người nông dân nghèo ngay trong 1 đêm đã trở nên trắng tay.
Còn xã Vân Trung cũng đang đối mặt với những khó khăn bất ngờ. 13,5 tấn vôi bột tiêu độc, khử trùng đã được sử dụng chỉ trong 4 ngày. Riêng tại ổ dịch Trung Đồng "ngốn" hết 7 tấn. Giá mỗi tấn 400.000 ngàn đồng, xã đang phải lấy nợ. Dự kiến, để dập dịch, toàn xã cần tới 35 tấn vôi bột để sát trùng.
Ông chủ tịch xã Vân Trung gương mặt phờ phạc sau mấy ngày chống dịch. Găng tay thiếu, khẩu trang thiếu, ủng thiếu, quần áo phòng hộ cũng... thiếu. Người dân Vân Trung quyết liệt vào cuộc chống dịch với những trang bị thô sơ nhất. Găng tay cao su y tế trang bị cho các đội tìm diệt gia cầm vừa đeo đã hỏng, mua găng tay rửa bát loại dày có bán trên thị trường. Quần áo phòng hộ: Ai phải tiếp xúc trực tiếp với gia cầm thì được... ưu tiên. Vôi bột: đích thân chủ tịch đi xin... mua nợ.
Nhiều người dân tích cực tham gia với tay trần, khẩu trang chống bụi mua tạm, quần áo lao động thường dùng. Không thiếu quyết tâm trước đại dịch bất ngờ đe doạ xóm làng, nhưng rõ ràng họ đang cần thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa.
Bên cạnh hố chôn gia cầm đào ngoài cánh đồng thôn Bài Xanh (xã Vân Trung), chúng tôi gặp 2 chị Tống Thị Lượng, Dương Thị Ly. Cả 2 đều có gia cầm phải tiêu huỷ. Mỗi người ghé 1 vai, từ ngày 27/10 đến nay, họ tham gia gánh vôi, phun thuốc giúp thôn tẩy trùng tất cả những nhà có gia cầm chết. Trang bị của họ cũng chỉ có chiếc nón lá, khăn bịt mặt chống nắng và đôi ủng thường dùng của người phụ nữ nông thôn.
Khi chúng tôi hỏi về H5N1, về nguy hiểm của dịch cúm gà, họ cũng chỉ biết trả lời: "Nghe nói là rất nguy hiểm".
Những hình ảnh chúng tôi ghi lại được, trong 24 giờ theo chân những người dập ổ dịch Vân Trung cho thấy, việc phổ biến kiến thức cúm gia cầm, cơ chế truyền nhiễm, lây lan, mức độ nguy hiểm cần được tiến hành khẩn trương, cụ thể hơn nữa về các vùng nông thôn. Đặc biệt, các vùng đã công bố, lân cận vùng công bố dịch.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng thừa nhận những tồn tại: "Chưa ngăn chặn triệt để được ngay việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm trong ổ dịch. Việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, thực hiện chậm, chưa đạt yêu cầu ở nhiều địa điểm. Ý thức phòng chống dịch của nhiều người dân còn kém".
Bắc Giang đặt mục tiêu trong 10 ngày, sẽ khống chế, dập tắt các ổ dịch đã công bố. Điều đó không quá khó khăn với cách làm quyết liệt như ở Vân Trung hiện nay. Nhưng cả nước sẽ rất khó khăn trong việc hạn chế thiệt hại trong thời gian tới, nếu các địa phương vẫn với cách làm: xảy ra mới quyết liệt, như vậy.
Vân Trung, cùng với Tăng Tiến, Yên Lư, đang phải gồng mình chống dịch. Trường hợp người phụ nữ mang thai ở huyện Việt Yên nghi nhiễm H5N1 đã được khẳng định: Xét nghiệm âm tính. Một tin mừng. Nhưng, như ông Lê Đắc Tá (Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh) trả lời VietNamNet: "Cần có sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ từ phía người dân trong cuộc chiến chống cúm gia cầm này".
-
Hà Trường - Thế Vinh
Kỳ sau: Bắc Giang đang chống cúm gia cầm ra sao?
Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang trả lời về việc địa phương tổ chức chống đại dịch cúm gia cầm như thế nào? Những vấn đề các địa phương đang phải đối mắt? Lý do Bắc Giang quyết định công bố dịch cúm.