Sau khi Thủ tướng tuyên bố nếu để dịch xảy ra, bộ trưởng Bộ Y tế, Nông nghiệp & phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm, không khí chống dịch đã trở nên khẩn trương hơn, PV đã có cuộc trao đổi với Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống dịch SARS và cúm gia cầm (Bộ Y tế)...
Xung quanh cách phòng dịch cũng như “kịch bản” được áp dụng nếu xảy ra đại dịch trên người ở VN, TS Trần Đức Long, phó tiểu ban tuyên truyền của BCĐ cho biết:
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về đại dịch cúm gia câm trên người hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực ở VN. Trong trường hợp đó, xin cảnh báo là bệnh có thể không chỉ lây qua đường hô hấp mà còn lây qua đường tiêu hóa và không loại trừ các con đường khác (tiếp xúc trực tiếp). Cũng theo khuyến cáo của WHO, có khả năng 10% dân số nước ta mắc bệnh và 1% trong số đó sẽ tử vong.
Để nâng cao ý thức của người dân, Bộ Y tế đã có kế hoạch in 200.000 cuốn tài liệu hỏi đáp về cúm gia cầm (cung cấp những thông tin cập nhật), 2 triệu tờ rơi, 200.000 apphich để phát rộng rãi cho các tỉnh thành, bộ ngành và các cửa khẩu biên giới. |
- Để đại dịch xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Mà muốn phòng tránh, yêu cầu đầu tiên là phải phát hiện được dịch. VN đã tự xét nghiệm được H5N1 chưa, và chúng ta có dụng cụ phát hiện nhanh loại virus này không?
- Dụng cụ phát hiện nhanh hiện nay chúng ta chưa có. Xét nghiệm H5N1 ở VN chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở có labo lớn như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, sau đó gửi ra nước ngoài xét nghiệm lại. Tuy nhiên, trước nguy cơ đại dịch xảy ra, chúng ta đang đầu tư xây dựng thêm ba phòng sinh học cấp 3 (có thể cho kết quả xét nghiệm chính xác H5N1) để qui trình chẩn đoán, phát hiện dịch và điều trị cho người nhiễm bệnh được kịp thời hơn. Dự kiến đến hết năm 2005, sang quí 1 - 2006 sẽ hoàn thành cả ba phòng sinh học này.
- Người bị nhiễm H5N1 nếu được điều trị ngay trong vòng 48 giờ đầu bằng thuốc Tamiflu thì khả năng bình phục sẽ cao hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để phát hiện các triệu chứng sớm của bệnh?
- Những người tiếp xúc với gia cầm trong vòng bảy ngày trước, nếu bị các triệu chứng sau thì phải nhanh chóng đến bệnh viện và có biện pháp tránh lây bệnh sang người khác: sốt cao liên tục (có thể rét run), ho (thường ho khan), đau ngực, khó thở, tím tái, nhịp tim nhanh, đau đầu, đau cơ, có thể tiêu chảy, rối loạn ý thức... Tamiflu sẽ có hiệu quả cao nếu người bệnh được điều trị chỉ sau 4-8 giờ có triệu chứng đầu tiên.
- Có thông tin cho rằng uống Tamiflu sẽ tăng khả năng miễn nhiễm trong bảy ngày nên rất nhiều người đổ xô đi mua. Xin hỏi ông người dân có thể mua Tamiflu ở đâu?
- Hiện VN mới nhập khẩu được khoảng 600.000 liều Tamiflu trong số 1 triệu liều theo yêu cầu của Chính phủ. Ta còn chưa đủ thuốc để dự trữ nên tất cả thuốc nhập khẩu được điều thẳng về kho dự trữ quốc gia. Vì vậy, về lý thuyết, chưa có Tamiflu lưu hành trên thị trường tự do. Tuy nhiên có thể do lo ngại dịch cúm, nhiều bà con VN ở nước ngoài, Việt kiều đã tìm mua rồi gửi Tamiflu về nước. Nhưng đó là con đường không chính thức, chất lượng và nguồn gốc không thể kiểm chứng được.
- VN chỉ định dự trữ 1 triệu liều Tamiflu? Con số đó có quá nhỏ so với yêu cầu nếu dịch xảy ra? Và để nhập 1 triệu liều đó cũng đang có nhiều khó khăn? Bao giờ ta sẽ nhập xong?
- Tiền nhập 1 triệu liều là kinh phí cấp bách Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chi. Thế còn nhu cầu và lượng thuốc nhập, khi dịch xảy ra chắc chắn sẽ cao hơn. Việc nhập thuốc còn tùy thuộc nguồn thuốc của hãng cung cấp và kinh phí của Nhà nước nhưng tinh thần của BCĐ phòng chống dịch Sars và cúm gia cầm là đến cuối năm nay phải xong.
- Hiện có tới hai BCĐ quốc gia hoạt động song song để phòng chống dịch cúm gia cầm?
- Đúng vậy. Trước đây, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế có thành lập BCĐ quốc gia phòng chống Sars. Nay có thêm dịch cúm gia cầm nên Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho ban này chuẩn bị phương án phòng chống cúm gia cầm trên người. Bên cạnh đó còn có BCĐ quốc gia phòng chống cúm gia cầm do bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng đầu. Cả hai BCĐ quốc gia đều có thành viên từ nhiều ngành khác nhau để tiện phối hợp. Tên và nhiệm vụ giống nhau nhưng đối tượng của hai ban này lại khác nhau.
Bộ NN&PTNT đang là đầu mối để trình lên Chính phủ tất cả các biện pháp để ngăn chặn dịch cúm trên gia cầm. Còn BCĐ do bộ trưởng Bộ Y tế đứng đầu thì chuẩn bị các phương án đối phó dịch cúm trên người. Sự liên quan của hai ban rất chặt nên Chính phủ đã chỉ đạo hai bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
- VN đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng để tiêm văcxin phòng cúm cho gia cầm. Bộ Y tế có khuyến cáo gì không cho người dân thích dùng các sản phẩm từ gia cầm?
- Về nguyên tắc, đã là văcxin thì có khả năng tạo miễn dịch. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn toàn bộ gia cầm đều được tiêm, không con nào bị bỏ sót và 100% số gia cầm được tiêm sẽ có miễn dịch tốt. Dù mấy tháng nay không có ổ dịch cúm trên gia cầm nào bùng phát ở VN nhưng dịch vẫn chưa dứt hoàn toàn. Từ 25-7-2005, không có ai phải nhập viện vì bị nhiễm H5N1 nhưng dịch vẫn lẩn khuất, có dấu hiệu tiềm ẩn.
Có con vịt đang sống bình thường nhưng khi xét nghiệm đã mang H5N1. Nếu sử dụng tiết canh, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc khi nguy cơ dịch còn cao chắc chắn rất nguy hiểm. Người dân nên có ý thức trước dịch cúm không chỉ vì sức khỏe bản thân mà còn vì cả sự an toàn của toàn xã hội.
- Bộ Y tế có chắc chắn về nguy cơ đại dịch xảy ra ở VN như khuyến cáo của WHO?
- WHO khuyến cáo gần như chắc chắn sẽ xảy ra đại dịch khi mùa đông đến. Trên gia cầm thì đã xảy ra và lan rộng ở cả châu Á, châu Âu. Còn dịch trên người thì lẻ tẻ có nạn nhân tử vong ở một số nước, nhưng mấy tháng nay ở VN không có ai nhiễm bệnh. Chúng ta cũng đang tích cực tiêm văcxin cho gia cầm nên khuyến cáo cũng chỉ là khuyến cáo.
Không ai dám khẳng định dịch có xảy ra ở VN hay không. Nhưng nếu để virus cúm gia câm H5N1 biến thể lây từ người sang người thì đại dịch sẽ xảy ra rất dễ dàng. Điêu này không lường trước được nên chúng ta đang trong trạng thái tích cực nhất để phòng chống. Cho dù đã chuẩn bị rất tốn kém mà dịch vẫn không xảy ra thì đó cũng là cái may cho đất nước.
- Trước đây khi có một vài bệnh nhân nhiễm H5N1 thì họ được chuyển thẳng đến Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở TP.HCM. Nếu đại dịch xảy ra thì hai cơ sở này không thể đáp ứng nổi yêu cầu. Người dân sẽ được điều trị ở đâu?
- Hiện nay dịch chưa xảy ra nhưng Bộ Y tế đã chuẩn bị các kế hoạch rất cụ thể. Nếu dịch xảy ra lẻ tẻ, tổng số bệnh nhân trên toàn quốc bị nhiêm H5N1 không quá 100 thì tại miền Bắc, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương được phân công tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ Hà Tĩnh trở ra. Ở miền Trung, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Người bị nhiễm H5N1 từ Ninh Thuận trở vào sẽ được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng1, Nhi Đồng 2 TP.HCM. Nếu dịch bùng phát ở mức trung bình (từ 101-300 người mắc trên toàn quốc), ngoài những bệnh viện trên, tại miền Bắc, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Đức Giang, Đống Đa (Hà Nội) sẽ hỗ trợ, tiếp nhận điều trị những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến trung ương như Đa khoa Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa; Bệnh viện VN - Thụy Điển (Uông Bí), Việt - Tiệp (Hải Phòng) sẽ tiếp nhận bệnh nhân ở khu vực tiếp giáp. Tại miền Trung, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ mở rộng khu vực cách ly để có thể tiếp nhận thêm khoảng 50 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em). Miền Nam sẽ huy động thêm Bệnh viện Chợ Rẫy, Đa khoa Cần Thơ, Kiên Giang. Trường hợp dịch bùng phát lớn (từ 300 - 3.000 người mắc), theo “kịch bản” các bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, đa khoa khu vực tỉnh, bệnh viện lao phổi tuyến trung ương và tuyến tỉnh, bệnh viện huyện, bệnh viện ngành sẽ đều phải vào cuộc. Mỗi bệnh viện này phải bố trí 10-30 giường cách ly (một nửa cho người lớn, một nửa cho trẻ em), khi xảy ra đại dịch sẽ được cung cấp thiêt bị, thuốc, phương tiện từ cơ số dự trữ quốc gia. - Nhưng thưa ông, nếu không may đại dịch xảy ra, sẽ không chỉ 3.000 người nhiễm H5N1 mà là trên 8 triệu. Chỉ cần 5% số này vào viện thì số bệnh nhân đã là trên 400.000. Trong khi đó, toàn bộ giường bệnh ở nước ta (cả bệnh viện công và tư) mới có 127.236. Ta đã dự phòng tình huống này chưa? - Chúng ta sẽ cố gắng đến mức tối đa để đại dịch không bùng phát. Song, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Sars và cúm gia câm (Bộ Y tế) đã dự phòng cả tình huống xấu nhất. Trong trường hợp dịch bùng phát quá lớn, chúng tôi sẽ đề nghị các bệnh viện quân y vào cuộc, cùng lập các bệnh viện dã chiến, sử dụng cả trạm y tế xã, phường, thậm chí nếu cần, biến trường học thành bệnh viện để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. |
Cầm Văn Kình (Tuổi Trẻ)