221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
727870
Việt Nam đối phó dịch cúm ra sao?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Việt Nam đối phó dịch cúm ra sao?
,

(VietNamNet) - Lần đầu tiên, những câu hỏi tầm quốc gia (giải pháp ngăn, chống dịch) đến thắc mắc cụ thể nhất (đứt tay sao lại dễ nhiễm H5N1? Có cần tiêm vaccine cúm và trữ thuốc Tamiflu? Triệu chứng bệnh...) được đưa lên bàn tròn trực tuyến, với sự tham gia của bạn đọc và đại diện 3 cơ quan quản lý, nghiên cứu, đào tạo tâm huyết chống dịch.
>
> Toàn cảnh dịch cúm gia cầm

 
Soạn: AM 607947 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và 2 vị khách mời. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Một lần nữa, cúm gia cầm quay trở lại; "bản đồ" đại dịch đang lan rộng, chuẩn bị mở đường biên vào Việt Nam.

Thông tin cảnh báo lại rầm rộ đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhưng người dân như đã "kháng thuốc". "Năm ngoái có chết mạng nào đâu? Mới lại, dịch chưa vào Việt Nam!".

Thế là, trong khi chỉ một bộ phận nhỏ dân chúng (đa số ở các đô thị) bắt đầu cảnh giác với các sản phẩm gia cầm, thì đại bộ phận dân ta vẫn thờ ơ với đại dịch.
 
Chính phủ đã ra quyết định cấm nuôi, giết mổ gia cầm trong nội thành, nội thị, nhưng tại các chợ lớn nhỏ, người bán (vì mưu sinh), kẻ mua (vì niềm yêu thích ẩm thực) vẫn hồn hậu cười trên những khoảnh đất la liệt lông, lòng, tiết.
 
Tiết canh gia cầm bị cấm bán trên toàn quốc, nhiều thực khách vẫn không thể cưỡng lại sức quyến rũ cũng như từ bỏ thói quen để nhịn hẳn món ăn này.
 
Soạn: AM 607169 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Với một số cơ quan có nhiệm vụ trực tiếp phòng chống dịch, Việt Nam cũng chưa công bố có dịch! Kiểm dịch vẫn hoạt động kiểu "thời bình", cho người bán dễ làm ăn và người mua yên tâm "chén". Mạng lưới giám sát thú y thì như thế, các trạm kiểm soát vận chuyển gia cầm, đến giờ phút này, chưa được thiết lập.

Ở các cửa ngõ đô thị, các xe lớn bé lúc nhúc gà vịt vẫn nối đuôi nhau tiến vào phục vụ. Vì mưu sinh, các cơ sở lông gà lông vịt vẫn ngày này qua ngày khác phơi phóng và đóng gói. Các điểm giết mổ gia cầm vẫn nhộn nhịp hoạt động ngày đêm trong những khu chợ ẩm ướt.
 
Điều nguy hiểm là dù đây là năm thứ hai dịch cúm quay trở lại, rất nhiều người dân vẫn chưa có mấy thông tin và nhận thức về ảnh hưởng của đại dịch đến tính mạng bản thân.
 
Gần như 100% người trực tiếp chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ gia cầm không biết triệu chứng bệnh, cách phòng và xử lý khi lây nhiễm H5N1.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng trăm  triệu người có thể chết vì cúm gia cầm; còn theo lo ngại của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, con số này ở Việt Nam có thể lên đến cả triệu.
 
Làm thế nào để người dân hiểu, cúm gia cầm nguy hiểm không kém gì SARS, không chỉ buộc nhiều nước phải tiêu huỷ hàng triệu con gà, mà còn là mối đe doạ nghiêm trọng với sức khoẻ và tính mạng con người.

Và để các nhà quản lý ôn lại bài học vỡ lòng: với các đại dịch, phòng mới giảm được thương vong; còn khi đã chống, dập dịch, phải hơn cả cứu hoả.

Lần đầu tiên, những câu hỏi tầm quốc gia (như giải pháp ngăn, chống dịch) đến thắc mắc cụ thể nhất (như tại sao đứt tay lại dễ nhiễm H5N1, có cần tiêm vaccine cúmtrữ thuốc Tamiflu, tự phát hiện triệu chứng bệnh...) được đặt lên bàn tròn trực tuyến, với sự tham gia của bạn đọc và 3 cơ quan quản lý, nghiên cứu, đào tạo tâm huyết chống dịch.

Đại diện các cơ quan, các ông Nguyễn Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và TS Trần Hữu Bích - Hiệu phó Trường ĐH Y tế công cộng sẽ trò chuyện cùng bạn đọc lúc 18h chiều nay.
 
Dưới đây là nội dung cuộc bàn tròn:

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, chúng ta đang đối mặt với dịch cúm gia cầm; không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.  Châu Âu cũng đang rất lo sợ. Các chính phủ, các quốc gia đang tận dụng mọi nguồn lực để ngăn chặn, không để xảy ra đại dịch.

VN cũng đã có những nỗ lực rất cao, những quyết tâm lớn nhất từ các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ. Bộ Chính trị, Ban bí thư, Thủ tưởng Chính phủ đều đã có các văn bản, chỉ thị quyết tâm không để xảy ra đại dịch này.

Trước hết, chúng tôi xin cám ơn các vị khách mời đã đến đây tham dự và trao đổi với bạn đọc VietNamNet về vấn đề hệ trọng này. Tới trường quay hôm nay có hai vị khách mời trực tiếp: ông Nguyễn Văn Bình - Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và ông Trần Hữu Bích - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y tế công cộng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, do phải chuẩn bị tới Geneva để tham dự một cuộc họp quốc tế, bàn hợp tác chống đại dịch này vào sớm mai, sẽ trả lời câu hỏi của bạn đọc qua email và qua VietNamNet.

Điều mà bất kể ai cũng quan tâm trong hoàn cảnh đại dịch cận kề, sẽ được bàn đến trước tiên, là cúm gia cầm có lây từ người sang người hay không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Cúm gia cầm bắt đầu xuất hiện tại VN từ cuối năm 2003, cho tới nay đã qua ba đợt dịch nhưng chỉ mới tìm thấy virus lây từ gia cầm sang người. Các chuyên gia dịch tễ trong nước và thậm chí nhiều nhóm chuyên gia nước ngoài đã tới  VN hợp tác với chuyên gia VN khẳng định rằng cho tới hôm nay chưa có hiện tượng lây từ người sang người.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chưa có hay không có, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện tại thể H5N1 chưa có lây sang người. Nhưng chúng ta biết virus cúm A hoặc virus cúm chung cũng như virus cúm A H5N1 luôn biến đổi. Và người ta nghĩ sự biến đổi của nó có thể tạo ra một chủng mới và chủng đó là chủng có thể lây từ người sang người.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có thể có biến thể mới nhưng chưa thấy biến thể đó.

TS. Nguyễn Văn Bình: Vâng, chưa có biến thể đó.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cầu cho không có biến thể đó. Còn ông Bích, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Trần Hữu Bích: Về vấn đề này, đúng như ông Bình đã có ý kiến. Vẫn chưa có những xác định mang tính chất rất khoa học về đường lây truyền giữa người và người  ở Việt Nam và một số nước.  Nhưng mối lo về đường truyền giữa người và người là mối lo chung, tức là về khả năng biến đổi của virus này. Và người ta còn lo khả năng virus này kết hợp với virus khác, nhất là trong giai đoạn mùa đông (khi nhiều người mắc bệnh cúm). Khi một người nhiễm cúm thông thường nhiễm virus cúm gia cầm, có khả năng virus cúm thường kết hợp với virus cúm gia cầm, tạo thành một chủng mới có nguy cơ lây nhiễm sang người.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Lo ngại chính là ở chỗ đó. Nếu bệnh không lây từ người sang người mà chỉ từ người sang gia cầm thì ta có thể cô lập và kiểm soát dịch dễ dàng hơn, phải không?

TS. Trần Hữu Bích: Vâng, việc truyền virus cúm gà từ người qua người sẽ gây ra đại dịch.

Vaccine cúm và thuốc Tamiflu

TBT Nguyễn Anh Tuấn
: Hiện nay ở VN, Trung Quốc và các nước, nhiều người đang đổ xô đi tiêm phòng cúm. Nhiều bạn đọc hỏi: tiêm phòng vaccine cúm có chống được cúm gà không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện thế giới chưa có vaccine để phòng chính virus cúm A H5N1. Tuy nhiên, trên thị trường hiện cũng có các loại vaccine để phòng các thể cúm khác, như H3N2. Nhưng những vaccine đó chỉ có tác dụng đối với chính chủng của nó, chứ không có khả năng phòng các chủng khác. Cho nên đi tiêm vaccine để phòng H5N1 là không có tác dụng.

Tuy nhiên chúng ta có thể dùng vaccine để phòng các bệnh cúm khác. Và trong một cộng đồng có nhiều người tiêm, khả năng phát dịch sẽ bị hạn chế, bởi một trong những điều kiện để virus biến đổi là có sự kết hợp giữa H5N1 với một virus cúm khác. Nếu ta phòng các bệnh virus cúm khác thì sẽ giảm khả năng biến thể của virus.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, mọi người vẫn nên đi tiêm vaccine cúm. Việc này tuy không bảo đảm ngăn được H5N1, nhưng ít nhất giúp ta không bị cúm và hạn chế khả năng xảy ra biến thể. Còn thuốc Tamiflu hiện nay, mọi người đang nói là “cháy” chợ, kể cả Hà Nội. Thuốc Tamiflu có trị được cúm gia cầm không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Tamiflu không phải là thuốc đặc trị đối với virus cúm nói chung cũng như virus H5N1, nhưng có khả năng ngăn cản sự tiếp xúc ban đầu của H5N1 bám vào tế bào. Như chúng ta đã biết, tất cả virus không thể sống và phát triển độc lập mà phải thông qua một tế bào cụ thể để sinh sôi và phát triển. H5N1 cũng vậy. Tamiflu có khả năng ngăn cản virus này bám vào tế bào trong giai đoạn đầu. Khi virus đã vào trong tế bào rồi thì Tamiflu hoàn toàn không có tác dụng gì hết. Chính vì vậy, nếu chúng ta có thể uống sớm, uống trong vòng 24 tiếng đồng hồ thì có thể cũng có tác dụng.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy khi có một triệu chứng gì đó thì uống Tamiflu ngay mới có tác dụng…

TS. Nguyễn Văn Bình: Có tác dụng ban đầu nhưng tất nhiên, không phải có tác dụng 100% mà chỉ ngăn cản phần nào sự bám của H5N1 vào cơ thể thôi.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy là mọi người mua thuốc Tamiflu là có cơ sở, và cần phải mua?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện mọi người thường hay trữ một ít Tamiflu rồi uống khi cảm thấy cần. Việc này, theo tôi không nên vì bản thân mỗi người không biết mình có bị nhiễm virus H5N1 không. Nhất là Tamiflu không giúp phòng được lâu dài, mà chỉ được 1 tuần hoặc 10 ngày, sau đó sẽ bị cơ thể đào thải ra ngoài, và cần một đợt thuốc khác. Chẳng lẽ lại cứ uống Tamiflu liên tục? Chẳng tốt chút nào!

Vì thế không nên mua và trữ Tamiflu tại mỗi gia đình. Tốt nhất là nếu thấy những triệu chứng chẳng hạn như sốt, ho, khó thở thì tới ngay cơ quan y tế.

TS. Trần Hữu Bích: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến TS. Bình về mua, uống và trữ Tamiflu. Bởi việc nhiều người bỏ tiền mua một lượng thuốc lớn để trị không đúng bệnh khi chưa được chẩn bệnh rõ ràng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế mà còn sức khoẻ chung của cộng đồng.

Chưa kể, uống không đúng chỉ định và không đủ liều sẽ gây nguy hại rất lớn là kháng thuốc. Chúng ta biết việc kháng hiện nay nói chung là do biến đổi của virus, do vậy kháng thuốc rất hay xảy ra (nhất là khi chúng ta uống không đúng chỉ định, không đúng liều).

Vũ khí hết sức mỏng manh mà chúng ta có hiện nay là Tamiflu (mặc dù nó không có tác dụng lắm), nhưng nếu chúng ta sử dụng sai cách thì thật nguy hại cho chính chúng ta.

Dịch cúm bắt đầu chu kỳ mới?

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Lại bàn về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. WHO cảnh báo, hàng trăm triệu người sẽ chết nếu đại dịch xảy ra. Hiện H5N1 mới chỉ lây truyền từ gia cầm, mà chúng ta hoàn toàn có khả năng cô lập gia cầm. Vậy tại sao mọi người lại hoảng sợ tới mức độ như vậy? Dự báo này có chính xác không?

TS. Nguyễn Văn Bình:  Thực ra H5N1 là virus chỉ lây giữa gia cầm. Cúm gia cầm không lây sang người  thường xuyên mà chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên; rất ít người mắc.Tuy nhiên, dự báo nào cũng có cơ sở của nó. Nếu cúm gia cầm chỉ lây từ động vật và gia cầm sang người như hiện nay thì số người mắc không lớn. Vấn đề người ta lo ngại là sự biến đổi. Khi có sự biến đổi của H5N1, virus này sẽ lây từ người sang người; hàng trăm triệu người nhiễm và hàng chục triệu người tử vong. Chúng ta đã trải qua ba đại dịch cúm, và nguy cơ lây H5N1 từ người sang người hoàn toàn có cơ sở.

Năm 1918 dịch cúm Tây Ban Nha làm 40 triệu người chết, sau đó là đại dịch cúm năm 1957 và năm 1968, mỗi đại dịch có hàng triệu người tử vong,  Mặc dù khoa học hiện phát triển hơn những năm trước đây, chúng ta hiểu biết về cúm nhiều hơn và khả năng phòng chống tốt hơn nhưng mức độ giao lưu hiện nay lại tăng nhiều lần so với những năm trước đây. Sự giao lưu đó chính là điều kiện để cúm lây lan rộng ra. Và người ta tính toán số người có thể thiệt mạng vì cúm gia cầm dựa vào những cơ sở đó.

TS. Trần Hữu Bích: Tôi rất đồng ý với ý kiến của TS. Bình. Người ta đã có những thống kê về các đại dịch trước và có cảm giác như là có chu kỳ lặp lại của các đại dịch, cứ 25 năm một lần chẳng hạn. Tính chu kỳ là một cơ sở để người ta dự báo được một số hiện tượng có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Văn Bình: Anh Bích nói đúng, đúng là dịch có tính chu kỳ. Đây chính là thời điểm hết một chu kỳ; và người ta đưa ra dự báo một đại dịch có thể xảy ra.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, vấn đề đáng lo ngại nhất là biến thể của cúm. Nếu chúng ta tập trung tận diệt nguồn gốc của nó, cô lập tất cả các bầy gia cầm nhiễm bệnh thì mất đi hẳn một nguồn sản sinh biến thể nữa. Vậy có gì phải lo ngại tới mức như vậy?

Báo động đỏ” trong từng hộ chăn nuôi

TS. Nguyễn Văn Bình: Đó là hy vọng của loài người và cũng là ý chí của chúng ta. Chúng ta đang cố gắng làm nhưng làm điều đó không dễ dàng gì. Chúng ta biết Đảng và Chính phủ trong hai, ba năm vừa qua đã cố gắng rất nhiều để hạn chế hoặc loại trừ nguồn lây. Nhưng loại trừ tất cả gia cầm lại không dễ.

Nhà nước hiện đang có các chính sách để thay đổi cơ cấu chăn nuôi, không chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình mà phải chăn nuôi tập trung. Tất cả những trại chăn nuôi lớn đều có khả năng bảo vệ đàn gia cầm tốt, không bị mắc bệnh hoặc khi dịch bệnh xảy ra thì việc xử lý sẽ dễ dàng.

Cái khó hiện nay là có khoảng 6 triệu hộ nông dân nuôi quy mô một vài chục con gia cầm và chăn thả trong hộ gia đình. Đó là nguy cơ lớn.

TS. Trần Hữu Bích: Thế nên, thật khó cho các cơ quan có nhiệm vụ khoanh vùng, cô lập dịch. Rất khó đi sâu vào từng ngõ ngách từng nhà người dân. Ở các nước có thể dễ hơn nhưng ở VN quả thực là khó khăn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Các nước đang phát triển người ta chăn nuôi tập trung, họ kiểm soát được dịch bệnh. Vậy tại sao VN làm không làm được?

TS. Trần Hữu Bích: Thêm một nguồn lây nữa, đó là chim trời. Chúng thải phân trên đường bay qua các nông trại. Mà ai có thể kiểm soát được chim trời. Chẳng nhẽ chúng ta tiêu diệt hết chúng như tiêu diệt chim sẻ ở Trung Quốc? Cho nên lý do để lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Hơn nữa dịch này đã bắt đầu từ ngoái và người ta đã nghi ngờ về đường lây không xác định. Chúng ta phải thực sự thấy đó là quan trọng.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy là giải pháp trước mắt vẫn là chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đưa nông nghiệp tiến lên chính quy, tập trung, quy mô lớn. Vậy ta đã có biện pháp gì để kiểm soát đàn gia cầm hoặc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa?

TS. Nguyễn Văn Bình: Việc chính là của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà nước đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một dự án về thay đổi cơ cấu chăn nuôi. Hy vọng năm nay dự án sẽ được trển khai. Tất nhiên từ nay cho tới lúc triển khai được thì cũng cần có thời gian. Giải pháp trước mắt là phải dự phòng cho mỗi cá nhân và mỗi gia đình.

Vùng nào sắp “đỏ”?

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay chúng ta khẳng định đã có người chết vì H5N1, tuy nhiên chưa có dịch. Theo các ông, những vùng nào ở Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra dịch đầu tiên?

TS. Nguyễn Văn Bình: Cho tới hôm nay Việt Nam có 91 trường hợp mắc và 41 người tử vong. Phân bố của 91 trường hợp mắc tập trung chủ yếu vào hai vùng đồng bằng: Bắc Bộ và Nam Bộ. Đó là những nơi mật độ chăn nuôi lớn nên mức độ, cơ hội lây nhiễm từ gia cầm sang người cũng lớn, số người mắc cũng sẽ cao.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cụ thể là tỉnh nào, thưa TS.?

TS. Nguyễn Văn Bình: Phía bắc một số tỉnh mắc nhiều như Thái Bình, Hà Tây, Hà Nam. Miền Nam thì có An Giang...

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Các ông có thể dự đoán, dịch sẽ sẽ bùng phát mạnh ở vùng nào?

TS. Nguyễn Văn Bình: Dịch cúm gia cầm hoành hành nhiều đợt trên diện rộng. Đợt lớn nhất ở 57 tỉnh thành, tiêu hủy tới 50 triệu con gia cầm. Có nghĩa, mầm dịch hiện vẫn còn nằm lưu chứa trong số các gia cầm (đặc biệt là thủy cầm) trên một địa bàn cả 57 tỉnh thành, sẽ phát tán bệnh ra môi trường. Khử trùng tẩy uế rất khó khăn.

Hai nữa, do tập quán chăn thả của người dân, gà ta thường được nuôi thả, đi lại tự do ngay trong nhà.Vịt cũng được thả chạy khắp đồng, rất dễ tiếp xúc với chim di cư, chim hoang dã mang bệnh dịch từ nơi khác đến.

Khả năng bùng phát dịch cũng rất lớn do việc vận chuyển tự do gia súc, gia cầm. Nông dân tha hồ tẩu tán gia cầm để trốn tiêu hủy, cũng là tránh bị sạt nghiệp. Tôi nghe nói có người trên miền núi còn đào cả hầm giấu gia súc để “chạy” tiêu hủy. Trong khi đó, mạng lưới kiểm dịch của thú y lại quá mỏng…

Khẩn cấp ngăn, dập dịch

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tượng trốn tiêu huỷ gia cầm, thật nguy hại, nhưng chẳng lẽ không có giải pháp khắc phục?

TS. Trần Hữu Bích: Tôi cho giáo dục nhận thức là hết sức cần thiết, nhưng để có tác dụng khẩn cấp ngay thì cần đặt ra những chế tài đặc biệt. Chúng ta đã biết về tác phong, cách sống, cách mưa sinh của người VN thì chúng ta phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trong vấn đề đền bù.

Các nhà hoạch định chính sách thử đặt mình vào vị trí người nông dân; có thể mất cả gia sản vì dịch cúm gia cầm. Cần phải đặt mình vào vị trí người dân để có chính sách đúng đắn hơn về kinh tế, bù giá để người dân đỡ thiệt thòi, từ đó có sự hợp tác tốt. Đi đôi với đó là thi hành luật, giám sát làm sao và thực thi một cách nghiêm túc. Tiếp theo nữa là giải thích về vaccine và thuốc như chúng ta đã nói. Đấy là những biện pháp mang tính đồng bộ, giảm nguy cơ đại dịch.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: TS. Bích ở ĐH Y tế công cộng, vậy qua những chuyện này anh có thể mở ra những chương trình, những cách thức truyền thông giáo dục, không chỉ trong trường mà giáo dục cho cả cộng đồng ý thức, trách nhiệm về sức khoẻ cộng đồng cũng như tôn trọng quyền lợi cộng đồng không?

TS. Trần Hữu Bích: Tôi cho rằng điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà trường vì nhà trường có bộ môn chuyên về khoa học xã hội và tuyền truyền giáo dục sức khoẻ cũng như social marketing.

Đối với giáo dục cộng đồng, để có hiệu quả phải có những bức thông điệp cụ thể đến từng nhóm đích cụ thể thì người ta mới hiểu thông điệp mình muốn truyền đạt vì mỗi người tham gia vào quá trình này có sự ưu tiên, mối quan ngại và sự hiểu biết khác nhau. Có như thế thì mới thay đổi được. Ngay khi nhận được lời mời của VietNamNet thì tôi cũng nghĩ ngay vai trò của giáo dục truyền thông là hết sức quan trọng, truyền thông phải đa phương, nhiều chiều, tới từng nhóm đích cụ thể với những bức thông điệp cụ thể. Như thế truyền thông sẽ mang lại hiệu quả cho cộng đồng.

Tuyên truyền về dịch cúm với dân chúng “nhờn” thông tin

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi nhận được từ bạn đọc rất nhiều câu hỏi, tâm sự lo ngại trước dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đợt dịch này dân chúng đã “nhờn” thông tin. Ngay đợt SARS hoành hành, ai cũng hoảng loạn, nhưng sau khi ta khống chế thành công dịch, người ta lại bảo chỉ có vài người chết, không đáng kể so với tai nạn giao thông! Dịch cúm gia cầm năm ngoái cũng chỉ có vài người chết, nhiều người cũng không cho đó là đại dịch.

Cùng với các báo bạn, VietNamNet phát nhiều phóng sự về cúm gia cầm (cả trên VietNamNet TV và trên báo điện tử), nhưng dường như dân chúng vẫn còn thờ ơ với cúm gia cầm lắm. Theo các anh, chúng ta có giải pháp nào không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Tôi nghĩ quan trọng nhất là phối hợp thông tin cơ bản với cách đưa phong phú tạo sự hấp dẫn cho người xem, người nghe mới có hiệu quả. Không nên nói quá nhiều, nói ít được ít, nói nhiều đôi khi chẳng được gì cả.

TS. Trần Hữu Bích: Nhờn thông tin chắc cũng như nhờn thuốc. Như là 1 người mắc bệnh không phải thuốc của nó cũng không khỏi bệnh, dùng thuốc đúng nhưng không đủ liều cũng vẫn mắc bệnh, lứa tuổi khác nhau cũng dùng thuốc khác nhau.

Ví dụ, người chăn nuôi, dân buôn bán, người tiêu thụ gia cầm cần những loại thông tin riêng. Chúng ta cũng nên quan tâm tới cách truyền đạt thông tin đúng đối tượng, không gây hoảng loạn thay vì bình tĩnh đối phó với đại dịch.

Giải đáp những thắc mắc… nhỏ nhất

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Đặng Thị Trà, một người chăn nuôi gà ở Đồng Nai hỏi: H5N1 có trong môi trường hay do gà vịt sinh ra? Nếu tiêu hủy hết gà vịt thì H5N1 có còn hay không? Tại sao năm 1918 H5N1 không biến đổi mà năm 2005 khi tổ chức WTO khuyến cáo thì nó mới biến đổi? Bộ Y tế khuyến cáo không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm; người chăn nuôi có thể đành để một lượng lớn gia cầm đói vì không còn khả năng tiếp tục nuôi dù đã tiêm vaccine cúm cho chúng; các cấp ngành sẽ giải quyết sao đây?

TS. Nguyễn Văn Bình: Bản thân khi sinh ra gà vịt không có H5N1 mà nó bắt đầu từ môi trường, lưu chứa từ hoang dã và con gia cầm khác, lưu chứa như thế và lấy nhiễm cho nhau chứ không phải tự nhiên có mà bắt đầu từ môi trường xâm nhập và phát triển trong cơ thể và gây bệnh cho gia cầm khác và có thể gây bệnh cho người.

Việc tiêu huỷ hết gia cầm không giúp tiêu diệt hoàn toàn H5N1 do hiện tại vẫn còn chim di cư. Chỉ có thể tiêu huỷ ở những điểm có gia cầm mắc bệnh để tiết kiệm về kinh tế và không gây hoảng loạn trong dân.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc thắc mắc, có còn nên ăn thịt gia cẩm?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hiện tại Bộ Y tế chưa khuyến cáo ngừng sử dụng các sản phẩm từ gia cầm, chỉ đề nghị không tiếp xúc và ăn gia cầm ốm.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, thịt gia cầm chín vẫn đang an toàn?

TS. Nguyễn Văn Bình: Đúng. Nhưng quan trọng là gia cầm ốm hoặc khỏe mạnh mà mang virus thì nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn vẫn rất cao.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có trường hợp nào gà vịt nhiễm H5N1 mà không ốm, không chết?

TS. Nguyễn Văn Bình: Có, trên vịt rất nhiều. Vịt lành còn mang virus H5N1 khá nhiều. Theo thông báo của Cục Thú y, có những vùng, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long lên đến 15-20%, rất cao. Trước nay gà sức chịu đựng kém hơn, trước có gà mắc bệnh nặng mà chết nhưng gần đây có gà mang virus H5N1mà không có biểu hiện bệnh.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Gia cầm mang H5N1 không ốm, không chết có lây virus này sang người không?

TS. Nguyễn Văn Bình: Những con gia cầm này rất nguy hiểm ở chỗ có thể mang mầm bệnh đi reo rắc khắp nơi, gây mắc bệnh hàng loạt. Trong điều kiện đó, con người có thể mắc bệnh ngẫu nhiên.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Văn Khánh, Cục thuế Ninh Bình hỏi: khi bị nhiễm H5N1, bệnh nhân có triệu chứng như thế nào? Nếu mắc bệnh nên điều trị ở đâu là tốt nhất?

TS. Nguyễn Văn Bình: Người nghi mắc bệnh nên đi xét nghiệm. Triệu chứng về mặt lâm sàng thường là: sốt trên 38 độ, đau họng, ho, khó thở, diễn biến nhanh nặng... Sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính mới khẳng định bệnh nhân nhiễm H5N1.

TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Một bạn đọc ở TP.HCM thắc mắc: Viện Paster TP HCM lớn như vậy mà vẫn chưa có khả năng xét nghiệm H5N1…

TS. Nguyễn Văn Bình: Viện Paster TP HCM và Viện VSDT TW là 1 trong 2 cơ sở hiện được Bộ Y tế giao cho chẩn đoán H5N1.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vẫn bạn Khánh hỏi, H5N1 lây nhiễm qua con đường nào?

TS. Nguyễn Văn Bình: Những trường hợp cụ thể thì chưa khẳng định được.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Hương Lan, 140 Dư Hàng Kênh, Hải Phòng hỏi: Virus H5N1 phát triển và tồn tại lâu nhất trong môi trường nào?

TS Nguyễn Văn Bình:
  H5N1 sẽ sống lâu hơn trong phân gà, trong môi trường khí hậu thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Nhưng về nguyên tắc thì virus này không sống trong môi trường lâu, sẽ chết nếu chịu tác động của môi trường. Tất cả các virus nếu muốn sống và sinh sản, phát triển, phải bám vào được tế bào.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vẫn bạn Lan hỏi, làm thế nào để nhận biếtgia cầm đã giết mổ rồi bị nhiễm bệnh?

TS. Nguyễn Văn Bình: Đây là việc của Thú y, kết quả kiểm dịch sẽ trả lời cho bạn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Minh Châu (Ngọc Khánh, Hà Nội): Nhà nước đã chủ trương dành số tiền cần thiết để chi cho người dân phòng dịch cúm chưa?

TS. Nguyễn Văn Bình: Ngay từ dịch 2003 tới nay Nhà nước luôn có chính sách, có nguồn kinh phí để đền bù khi gia cầm mắc bệnh, hỗ trợ một phần thiệt hại cho dân (ngành nông nghiệp sẽ lo việc này). Các nước khác cũng vậy. 

Theo tôi, giá đền bù của VN chấp nhận được. Nhưng theo tôi biết, người dân chưa thỏai mái lắm chính là do sự triển khai đền bù hỗ trợ ở cơ sở chưa đươc kịp thời (chứ không phải do giá đền bù). Như có nơi phản ảnh,  5 - 7 tháng sau tiêu huỷ mới nhận được tiền hỗ trợ.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Các biện pháp cụ thể của Chính phủ và Bộ Y tế cụ thể thời gian vừa qua đã rõ nhưng hiện nay đã triển khai những gì?

TS. Nguyễn Văn Bình:
Chính phủ chỉ đạo rất rõ, quyết tâm không để đại dịch xảy ra. Nếu có xảy ra thì thiệt hại thấp; nhất số người mắc, cũng như số tử vong. Để có thể đáp ứng mục tiêu này, ngành y tế nông nhiệp và các ngành liên quan có kế haọch xây dựng giải pháp không để đại dịch xảy ra.

Riêng ngành y tế, với mục tiêu không cho đại dịch xảy ra, phải kếp hợp các ngành đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh trong dân- đây là 1 trong những giải pháp hàng đầu vì hiện nay ta không có thuốc điều trị đặc hiệu. Không mắc bệnh chính là từng người phải biết bảo vệ cho mình, cho gia đình mình.

Biện pháp hàng đầu Bộ Y tế đặt ra là tuyên truyền để cho mọi người dân biết đường lây cơ bản hiện nay là theo hô hấp và tiếp xúc khác. Không tiếp xúc với gia cầm ốm, và gia cầm. Trường hợp buộc phải tiếp xúc thì phải phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt, ngay cả trong chế biến gia cầm làm thức ăn, vệ sinh các nhân, phải rửa tay, súc miệng... và khám y tế ngay nếu có triệu chứng.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ tăng cường năng lực của hệ thống giám sát, phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh dịch đầu tiên để bao vây dập tắt, tránh lây lan thành đại dịch (Ngay ở Mỹ, dịch lan khắp nước chỉ trong hai ba tuần).

Đặc biệt, phải quan tâm tới hệ thống giám sát xã phường. Các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phải tập trung giám sát để phát hiện ngay sự biến đổi số lượng người mắc. Có vậy mới phát hiện sớm được.

Chính phủ cũng đã đồng ý cho Bộ Y tế nâng cấp hệ thống chẩn đoán là Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ và Viện Paster TP.HCM. Tới đây, những kỹ thuật chẩn đóan xác định sẽ được đưa xuống các tỉnh trọng điểm. Chúng tôi dự định chỉ đạo các tỉnh chủ động lấy hàng chục mẫu từ những người cúm nặng mỗi ngày, đưa về xét nghiệm có nhiễm H5N1 hoặc cúm hay không.

Việc khác nữa, Bộ Y tế cũng chỉ đạo 2 viện nói trên chủ động theo dõi sự biến đổi kháng thể trong huyết thanh của quần thể, đồng thời theo dõi virus để phát hiện sự biến đổi của gen để dự báo, cảnh báo- đó là công tác dự phòng.

Cùng với đó, biện pháp giảm tử vong trong hệ thống điều trị ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân trên tinh thần kỹ thuật, vật tư, xử lý tại chỗ. Ngành y tế đang xây dựng các đội cơ động trong các bệnh viện, khi có vấn đề gì đó ở xã phường thì tăng cường từ trên xuống.

Các tỉnh huyện cũng xây dựng các đội cơ động đó để giải quyết tình hình tại chỗ vì di chuyển người bệnh là hãn hữu vì quá trình di chuyển có thể phát tán bệnh ra ngoài môi trường.

Trang thiết bị bệnh viện cũng được Chính phủ trang bị tới tỉnh, huyện để điều trị tại chỗ, giảm thiểu tử vong.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chống cúm gia cầm là việc lớn của quốc gia. Vậy ai sẽ là tổng tư lệnh trong trận chiến này?

TS. Nguyễn Văn Bình: Tôi nghĩ Chính phủ sẽ ra toàn bộ quyết định đến đời sống dân sinh, kể cả sức khoẻ. Thủ tướng sẽ giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch (hiện nay chúng tôi vẫn báo cáo hàng tuần về diễn biến của tình hình dịch cúm A trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, các biện pháp phối hợp cùng các ngành và các địa phương).

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo chống cúm gia cầm?

TS. Nguyễn Văn Bình: Theo chỉ đạo của nhà nước, sẽ vận hành toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước tham gia vào đợt phòng chống dịch cúm gia cầm. Bộ trưởng Bộ Y tế đang chỉ đạo một đợt diễn tập phòng chống cúm để xem tính sẵn sàng , tính ứng trực của các địa phương và trong đấy có các UBND các ngành trong ban chỉ đạo và đặc biệt là y tế trong khả năng ứng trực để đáp ứng tình hình như thế nào. Dự kiến thực hiện vào trung tuần tháng 11 ở Hà Nội, tháng 12 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác

TBT. Nguyễn Anh Tuấn: Sự phối hợp với các ngành khác cụ thể như công an, quân đội, những lĩnh vực khác đã bắt đầu như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Bình:
Từ năm 2002, đã có một Ban chỉ đạo phòng chống SARS do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban, gồm nhiều ngành (ngoại giao, quân đội, giao thông vận tải, du lịch, thương mại…).

Chính phủ giao nhiệm vụ chống cúm gia cầm cho Ban chỉ đạo này. Hàng tuần hoặc vài ngày ban sẽ họp một phiên, cuộc họp của Ban chỉ đạo đó vào thứ 4 tuần tới sẽ là cuộc họp thứ 176.

Tình hình căng thẳng như thế này thì thứ 4 tuần nào 16h Ban chỉ đạo sẽ họp để kiểm điểm lại tất cả những sự hợp tác, sự phối hợp các hoạt động của các ngành để đáp ứng cho tình hình cúm.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại với nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch cúm gia cầm cho người dân. Bộ Y tế dự kiếnsử dụng phương tiện truyền thông nào để đến với người dân?

TS. Nguyễn Văn Bình: Trong Ban chỉ đạo có một tiểu ban là Ban Truyền thông, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan thông tin để truyền tải chủ trương, biện pháp phòng chống dịch, tình hình dịch trong và ngoài nước, kiến thức về dịch cúm cho nhân dân. Đồng thời, thông tin cho quốc tế nắm tình hìnhcủa VN để cùng nhauchống dịch.

Tiểu ban tuyên truyền này hoạt động rất mạnh. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần cả sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành.

TS. Trần Hữu Bích: Trường ĐH Y tế công cộng chúng tôi sẽ góp sức bằng cách xây dựng chương trình dịch tế bệnh truyền nhiễm. Các nghiên cứu của học viên sẽ chuyển sang hướng tìm hiểu đánh giá kiến thức thái độ phòng chống cúm gia cầm của nhân dân.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Về phía VietNamNet, chúng tôi đã thành lập chuyên trang phục vụ bạn đọc, có mục tư vấn giải đáp thắc mắc về cúm gia cầm, bạn đọc báo tin nóng về cúm gia cầm, hiến kế chống dịch…, sẽ đăng tải thông tin từ Bộ tư lệnh nếu được đồng ý hợp tác

Với chuyên trang này, VietNamNet hy vọng là cầu nối bạn đọc với Nhà nước (tức Bộ tư lệnh chống dịch cúm gia cầm), góp phần cùng cả nước ngăn chặn đại dịch.

Cuộc bàn tròn diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ; các vị khách không đủ thời gian giải đáp hết thắc mắc của bạn đọc về dịch bệnh cúm gia cầm. Mời các bạn tiếp tục gửi câu hỏi tại đây và xem trả lời trên chuyên trang về cúm gia cầm của VietNamNet. 

  • VietNamNet

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,