Theo kết quả kiểm tra mới đây của Chính phủ, thông tư 02/2003/TT-BCA ngày 13-1-2003 của Bộ Công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới được coi là văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Đúng là như vậy, thông tư này không những trái luật mà còn không đạt mục đích giảm thiểu vi phạm giao thông.
Không ai chạy một lúc hai xe ra đường
Bà Ngô Minh Hồng - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - nói rằng dù một người có đăng ký sở hữu nhiều xe gắn máy đi nữa nhưng khi đi đường thì mỗi người cũng chỉ chạy được một xe.
Điều này chứng tỏ rằng số lượng xe gắn máy được đăng ký khác hoàn toàn với số lượng xe lưu thông. Chính vì có qui định hạn chế đăng ký nên mới xuất hiện hiện tượng nhờ người khác đứng tên giùm.
Theo bà Hồng, việc đứng tên giùm sẽ để lại những hậu quả pháp lý rất phức tạp, tương tự như chuyện ngày xưa không có hộ khẩu TP thì không được đứng tên nhà nên nhiều người phải nhờ anh chị em, bạn bè đứng tên, rồi sau đó đã phát sinh các tranh chấp rất phức tạp; gần đây có tình trạng Việt kiều không đủ điều kiện mua nhà nên nhờ người khác đứng tên cũng vậy.
Bà Hồng khẳng định, về nguyên tắc, tài sản do người dân tạo lập một cách hợp pháp thì phải được quyền đăng ký sở hữu.
Vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM - dẫn điều 221 BLDS, theo đó: tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng và giá trị, do đó người dân có quyền mua và đăng ký tài sản hợp pháp của mình mà không ai có thể ngăn cản hoặc hạn chế quyền về tài sản của họ.
LS Hậu nhấn mạnh trong một nhà nước pháp quyền, các văn bản dưới luật được ban hành cần phải phù hợp với hiến pháp và luật hiện hành.
Không đạt mục đích
Theo thạc sĩ Nguyễn Hoài Phương - giảng viên Đại học Luật TP.HCM, trên lý thuyết, hạn chế đăng ký xe là hạn chế giao dịch dân sự của người dân, người muốn bán xe không bán được, người mua không thể mua, trong khi đó thì luật không cấm việc này. Nhằm đối phó với các qui định (trái luật), người dân sẽ tìm cách “lách luật” để có xe theo sở thích mà chạy.
Chưa kể trong đời sống, nhiều người còn mua xe để làm của, để làm bộ “sưu tập”. Vô tình, qui định đã sinh ra tính gian dối trong người dân và phát sinh dịch vụ “mua bán quyền” (quyền ở đây là quyền được mua xe). Đây là điều hoàn toàn bất lợi, chưa kể những việc làm gian dối đó sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy khác trong công tác quản lý.
Bà Phương nêu rõ không cớ gì phải hạn chế việc người ta đăng ký xe gắn máy. Mấy năm nay, kể từ khi có qui định hạn chế đăng ký xe, theo bà Phương, tai nạn không vì thế mà giảm, kẹt xe, ùn tắc giao thông không vì thế mà bớt đi, thậm chí lại phát sinh loại tiêu cực mới.
(Theo Tuổi Trẻ)