(VietNamNet) - Thủ tướng Phan Văn Khải chiều nay (26/9) đã có cuộc họp khẩn cấp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TW (PCLB) để chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 7. Thủ tướng yêu cầu cần có những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người do bão gây ra.
Bão số 7 sắp đổ bộ vào VN. Ảnh chụp từ vệ tinh của Hải quan Mỹ. |
Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, đây là cơn bão mạnh nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ trong 10 năm qua. Tình hình rất khẩn cấp, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện tất cả các biện pháp để đối phó cơn bão số 7, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân.
Cần chú ý di dời người già và trẻ nhỏ
Chính phủ đã có công điện chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành và địa phương khẩn cấp triển khai triệt để công tác phòng chống bão, đặc biệt, phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào bờ tránh trú bão; kiên quyết di dời dân ven biển và cả ở vùng trũng thấp đề phòng mưa lớn gây ngập lụt. Chính quyền và các cơ quan địa phương có trách nhiệm bố trí đưa dân đến tránh bão ở những điểm an toàn như công sở, trường học; đồng thời tổ chức huy động dân giúp nhau trong những ngày bão.
"Các địa phương phải di dời dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ", Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cũng đề nghị lực lượng chủ lực là quân đội, công an (đặc biệt là Quân khu III và Quân khu IV) huy động tối đa lực lượng và tổ chức đưa quân tới ngay các tỉnh ven biển: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An trợ giúp chính quyền địa phương và nhân dân di dời khẩn cấp, đồng thời khẩn trương kiểm tra gia cố hệ thống đê kè và tập trung lực lượng túc trực thường xuyên để sẵn sàng ứng cứu khi bão vào.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các kho dự trữ Quốc gia xuất vật tư dự trữ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của các lực lượng quân đội, công an và Ban chỉ đạo PCLB TW. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban chỉ huy PCLB địa phương cần bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia ứng cứu và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại địa bàn.
Hải Phòng: Chặt cây chống bão (Ảnh: Kim Trung) |
Các tuyến đê có thể không chống đỡ nổi
Hồi 10h sáng 26/9, Ba Chỉ huy PCLB TW đã có Công điện khẩn số 95 gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Ban chỉ huy PCLB Bộ Thuỷ sản, GTVT.
Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, bão số 7 đã gần vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió vẫn ở cấp 12. Hiện nay trên vịnh Bắc bộ đã có gió cấp 8, giật cấp 10. Vùng đất liền của Nam Định đã có gió cấp 5, giật cấp 7. Chiều và tối nay, bão số 7 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển nước ta và các tỉnh ven biển nước ta. Dự báo từ sáng sớm mai đến trưa mai, bão sẽ đổ bộ vào nước ta với sức gió vùng tâm bão ở cấp 11, giật trên cấp 11. Vùng tâm bão sẽ là các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hoá. Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng của bão sẽ kéo dài ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh.
Đây là cơn bão mạnh, có khả năng đổ bộ vào ban đêm, thời gian bão duy trì trên đất liền có thể kéo dài, lại gặp lúc triều cường, nước dâng cao. Các tuyến đê biển có thể không chống đỡ được.
Ban chỉ đạo PCLB TW yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo số 1443/TTg-NN ngày 23/9 và 1445/TTg-NN ngày 25/9 của Thủ tướng Chính phủ.
Bằng mọi biện pháp thông báo cho ngư dân, các chủ công trình trên biển và chủ các phương tiện có tàu, thuyền còn hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Đồng thời, cần kiểm tra các khu neo đậu tàu thuyền và khu nuôi trồng thuỷ sản, kiên quyết cưỡng chế không để dân ở lại trên các tàu thuyền đã vào khu neo đậu và trên các chòi canh khu nuôi trồng thuỷ sản.
Ban chỉ huy PCLB TW yêu cầu các địa phương phải kiên quyết sơ tán dân ở các vùng ven biển, vùng trũng không đảm bảo an toàn và việc sơ tán dân phải hoàn thành chậm nhất trước 19 giờ ngày 26/9. Đối với các trường học phải chủ động cho học sinh sơ tán khi xuất hiện gió mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục khẩn trương sửa chữa, gia cố các tuyến đê biển. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu, hộ đê, khắc phục sự cố. Triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, các công trình đang thi công ngay trong ngày hôm nay.
Đối với khu vực miền núi: Theo dõi sát tình hình mưa lũ để có thông báo kịp thời cho nhân dân và di dời dân ra khỏi những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cục bộ, sạt lở đất. Có biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa. Các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và các địa phương duy trì các lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.
Đây là một cơn bão mạnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng, hệ thống đê biển không có khả năng chống đỡ với gió mạnh kết hợp triều cường. Vì vậy, Ban chỉ huy PCLB TW chỉ thị các địa phương cần tập trung chỉ đạo và ban hành lệnh kiên quyết sơ tán dân, bố trí lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh, trật tự và giúp dân sơ tán, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và bố trí lãnh đạo trực trong ngày và đêm để chỉ đạo xử lý các tình huống.
Dốc sức lo đối phó bão số 7
Tính đến chiều 26/9, các địa phương đã tiến hành sửa chữa trên 10 km đê, kè biển và cơ bản hoàn thành việc khắc phục các điểm sự cố do cơn bão số 6. Tới nay, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển đã về bờ.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã di dời trên 61.000 dân trong tổng số 287.000 dân ven biển, trong đó tỉnh Quảng Ninh đã di dời 2.000 dân; Hải Phòng di dời 15.650 dân; Nam Định đã di dời 19.000 dân và đang di dời tiếp 79.000 dân; Ninh Bình đã di dời 3.600 dân; Nghệ An đã di dời 27.000 dân và Hà Tĩnh đã di dời 23.500 dân.
Cùng với việc khẩn cấp di dời dân, các địa phương đã chuẩn bị vật tư sẵn sàng ứng cứu cho hệ thống đê biển. Ban chỉ đạo PCLB TW đã huy động hỗ trợ cho các địa phương 17.000 rọ thép, 142.000 m2 vải bạt chống sóng, 20.000 m2 vải lọc, 550.000 bai bải, 1.000 áo paho. Các địa phương cũng đã huy động 10.700 m3 đá hộc, 125.000 m2 vải chống sóng, 21.800 m2 vải lọc, 5.162 rọ thép, 194.000 bao tải và trên 25.000 m3 đất...
Bộ Tổng tham mưu đã có Công điện số 09 gửi các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, Thủ đô; Quân chủng PK-KQ, Hải Quân; Bộ tư lệnh Bộ đội biên Phòng; Quân đoàn 1 và 2; 6 binh chủng và các Tổng cục chỉ thị , giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: trực tiếp phối hợp với các địa phương xác định khu vực đê dễ vỡ, các khu vực phải di dời dân để có phương án và đưa lực lượng đến trước để sẵn sàng ứng cứu, bố trí lực lượng ở tuyến đê biển xung yếu. Tại vùng núi phối hợp với địa phương kiên quyết di dời dân tại những nơi có nguy cơ sạt lở đến khu vực an toàn. Các Quân chủng, binh chủng sẵn sàng chuẩn bị tác chiến khi bão số 7 đổ bộ vào. Đã cử 2 đoàn cán bộ đị kiểm tra công tác phòng chồng lụt bão tại quân khu 3 và quân khu 4.
Quân chủng Phòng không không quân tổ chức 3 chuyến bay quan sát thông báo bão để thông báo và gọi cho các tầu thuyền vào bờ tìm nơi trú ẩn:
Bộ Tư lệnh biên phòng đã chỉ đạo đôn đốc các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, trong đó tập trung là biên phòng các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định và Hải Phòng tiếp tục bắn pháo hiệu và dùng máy thông tin thông báo cho các tầu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh bão. Tổ chức huy động 3.261 cán bộ chiến sỹ và 224 tàu, xuồng, xe ô tô thường trực cơ động sẵn sàng tham gia phòng chống bão số 7. Tính đến 18h ngày 25/9, đã gọi được gần 11.120 phương tiện đang hoạt động trên biển cùng 19.056 người trên phương tiện tìm nơi trú ẩn. Vận động di dời 2.802 hộ trong đó có 6.702 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Quân chủng Hải quân sử dụng tầu số 635 của vùng 1 và tầu số 628 của vùng 3 thông báo cho các ngư dân trên tầu thuyền tìm nơi tránh bão. Duy trì thường trực tại Hà Nội 08 tầu; Hạ Long 01 tàu; Hải Phòng 02 tầu , Bến Thủy 01 tầu; Đà Nẵng 02 tầu.
Quân khu 3 chuẩn bị 40 ô tô; 130 tầu thuyền, 04 phà tự hành, 04 bộ phà PMP, 3143 phao, 9557 áo phao, 288 phao bè, 50 phao. Quân khu 4, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 bố trí lực lượng phương tiện theo kế hoạch được giao.
Bộ Công an cũng đã có Công điện hỏa tốc số 605 gửi giám đốc công An 64 tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Thủ trưởng các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công an giao nhiệm vụ và chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7. Sẵn sàng huy động các vật tư phương tiện dự phòng chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết.
-
Nhóm PV Thời sự