(VietNamNet) - Đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa phát hiện: Hầu hết các hộ gia đình, cá nhân có đất ở tại các vùng nội thị mới đang... chuẩn bị nhận "sổ đỏ" do UBND tỉnh "lờ" luật, "ẵm" quyền cấp giấy này của cấp huyện, thành phố.
Áp “luật con”, dìm cấp sổ đỏ
Sau đợt làm việc tại Khánh Hoà, Đoàn kiểm tra (ĐKT) thực hiện Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho rằng, bên cạnh thành tích “về cơ bản đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp với trên 137.600 giấy cho hộ gia đình, cá nhân và 114 tổ chức thì tỉnh này đoạt kỷ lục chậm cấp giấy này cho đất ở.
Đại diện các hộ dân khu vực Bãi Tiên ( nơi có dự án tai tiếng Rusalka) trình bày bức xúc với đoàn kiểm tra. Ảnh: Lan Trang. |
Cụ thể, theo Trưởng ĐKT - Vụ phó Vụ Đất đai Bùi Ngọc Tuân, “cả nước có tỷ lệ bình quân cấp GCNQSDĐ đất ở là trên 40%, nhưng tỉnh Khánh Hòa mới đạt... 26%”.
Sở dĩ có tình trạng trên là do tỉnh vẫn “ôm” toàn bộ việc cấp đất đô thị. Trong khi đó, từ năm 2003, theo Luật Đất đai, đất đô thị được phân cấp cho cấp huyện cấp GCNQSDĐ đối với hộ gia đình và cá nhân.
Trong khi quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) là càng khẩn trương cấp GCNQSDĐ, càng có điều kiện thuận lợi để quản lý tốt đất đai thì không ít cán bộ chính quyền và địa chính ở tỉnh lại có quan điểm ngược lại.
"Tỉnh phải cân nhắc những được, mất và cái giá phải trả cho tình trạng đảo lộn cuộc sống của các hộ nông dân khi không còn đất canh tác".
Dự án khu dân cư Ninh Long (396 ha) là một trong nhiều dự án chiếm đất "hoành tráng" ở Khánh Hoà của Cty TNHH Hoàn Cầu nhiều năm nay vẫn hoang vu. Ảnh: Lan Trang.
Trên thực tế, việc thu xếp chuyển đổi nghề nghiệp và an sinh cho người dân không hề dễ dàng chút nào. Không có công ăn việc làm, tất dẫn đến những hiện tượng tiêu cực hết sức phức tạp về mặt xã hội. Vì vậy, cần xem việc đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động kinh tế -xã hội của mỗi dự án là nội dung cực kỳ quan trọng trước khi cho triển khai.
Trưởng đoàn Bùi Ngọc Tuân chất vấn lãnh đạo tỉnh: “Nếu không cấp GCNQSDĐ thì sau này Nhà nước thu hồi đất, sẽ đền bù thế nào? Ai là người hợp pháp để được đền bù đầy đủ và ai là người đang sử dụng đất lấn chiếm, chiếm dụng? Nguồn gốc đất mù tịt như thế, khi tổ chức thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng sẽ phải đi xem xét lại từ đầu. Việc thu hồi đất ở Khánh Hoà phức tạp, kéo dài là vì vậy”.
Khánh Hòa còn thêm một “luật con” nữa, theo lãnh đạo ĐKT, là "cho đến nay trong tất cả các văn bản qui phạm pháp luật thì đất hành lang an toàn giao thông (ANGT) khi người dân đang sử dụng hợp pháp thì vẫn phải công nhận và cấp GCNQSDĐ cho họ... Chỉ có những công trình gây mất ATGT nghiêm trọng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có phương án bồi thường sau đó dỡ bỏ... Thế nhưng thời gian qua tỉnh Khánh Hòa không cấp GCNQSDĐ cho dân có đất nằm trong hành lang ATGT”.
Những “luật con” nói trên của tỉnh Khánh Hòa đã “bóp nhỏ” và tước đi nhiều quyền của người sử dụng đất mà hiến pháp và pháp luật đã qui định là của họ, để họ được mưu sinh như: chuyển đổi; chuyển nhượng; cho thuê; cho thuê lại; thế chấp; bảo lãnh; góp vốn bằng QSDĐ...
Ông Bùi Ngọc Tuân: "Chỉ trong 2 ngày chúng tôi đã nhận được tới 305 kiện hồ sơ. Gọi là kiện hồ sơ bởi kèm theo mỗi đơn là... một bọc, một kiện hồ sơ rất dày. Có đơn là của 425 hộ, có đơn đại diện cho 15 hộ...; dân ký dày đặc trang sau. Số đơn thì chừng ấy nhưng số trường hợp trong đó cần phải được xem xét cho dân thì rất nhiều..." |
“Buông... quản lý”; nhiều dự án "đục nước béo cò"
Theo đánh giá của ĐKT, trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất thì cho đến nay tòan tỉnh Khánh Hoà đã có 1.771 dự án, công trình và kể từ ngày 1/7/2004 đến ngày 31/7/2005 thì tòan tỉnh đã phê duyệt 186 dự án, công trình.
Công tác xây dựng qui họach của các huyện, thị, thành phố và hầu hết xã phường của tỉnh được đánh giá là tốt nhưng riêng qui họach, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của các dự án, công trình tại tỉnh Khánh Hòa là “có vấn đề”.
Kiểm tra nhiều doanh nghiệp, dự án (DA), ĐKT không khỏi ngạc nhiên: Các DA đã được điều chỉnh đều “không cụ thể; không rõ ràng và thiếu minh bạch... Điều này giúp các DA đầu tư có thể điều chỉnh theo ý muốn mà không bị... “thổi còi”...”.
Trưởng đoàn Bùi Ngọc Tuân dẫn chứng nhiều DA được “buông lỏng” quản lý để được làm trái luật. Dự án ở Sông Lô, trong khi điều chỉnh Sở Xây dựng Khánh Hòa trình UBND tỉnh một cái tờ trình, được tỉnh đóng dấu và nêu: “Vì mở một tuyến đường giao thông quốc lộ nên cho phép di chuyển một số vị trí...”. Di chuyển vị trí nào ? Nhưng di chuyển đến đâu thì đều không nói đến...
Hay là đối với Công ty Kinh doanh và phát triển nhà Khánh Hòa, khi ĐKT tới, thì trong DA chỉ nêu là cái nhà này thay đổi, cái nhà kia thay đổi, không đề cập diện tích dù những diện tích này liên quan mật thiết đến tổng mặt bằng. Rồi từ nhà để giao cho các hộ gia đình theo cái gọi là lô mặt phố đến khi biến đổi thành nhà chung cư cao tầng, có bao nhiêu tầng thì trong DA có nêu nhưng mà tổng diện tích nó tăng giảm bao nhiêu lại không có. Khi ĐKT tới, Công ty mới “bò” ra cộng trừ nhân chia. Ông Tuân hỏi: "Người thi hành, thi công còn như vậy, người quản lý làm sao hay?"...
Một dự án khác, Hòn Tre, được đánh giá là thực hiện tốt cũng trong tình trạng tương tự. DA đầu tư ban đầu gồm rất nhiều khách sạn, biệt thự, nhưng chỉ xây 1 phần rồi... dừng. Lý do được đưa ra thế này: “Xây dựng như vậy khiến diện tích sử dụng quá dày; các cơ quan tư vấn nước ngoài khuyên không làm...”. Trong khi Luật quy định phải có dự án điều chỉnh (kể cả không xây tiếp); nếu không có DA điều chỉnh, sẽ qui vào vi phạm để hoang đất quá 24 tháng, phải thu hồi (theo khoản 12 điều 38 của Luật Đất đai)...
Vẫn về chuyện quản lý qui hoạch và dự án, Trưởng đoàn Bùi Ngọc Tuân kể thêm: Có doanh nghiệp đã xây dựng các công trình không có trong đồ án, giải thích vi phạm này bằng lý do: "Chúng tôi đang trình tỉnh và tỉnh duyệt rồi, chưa ký...” trong khi công trình đã hoàn thành rồi.
Để xảy ra tình trạng "tiền trảm hậu tấu" như trên, theo nhận định của ĐKT, là do Khánh Hoà lơi là kiểm tra thực hiện sau qui họach. ĐKT đề nghị UBND tỉnh hậu kiểm thường xuyên trong thời gian tới; và kiểm tra đến nơi đến chốn.
-
Phan Sơn Tịnh - Lan Trang