(VietNamNet) - Ngành ghép tạng đang phải ''gác dao'' chờ luật bởi Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người chưa ra đời, dù đã 9 lần lấy ý kiến xây dựng dự thảo.
Không luật, không tạng, nhiều người bệnh giã từ cuộc sống
Ngày 2/8, một lần nữa Bộ Y tế lại đưa ra thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cuộc họp lấy ý kiến.
Theo khảo sát của Bộ Y tế, có đến 60 -70 người bị suy thận mạn/1triệu dân. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có gần 6.000 trường hợp cần ghép thận để duy trì cuộc sống trong khi nguồn thận chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Còn các trường hợp cần ghép gan, tính theo số liệu điều tra tại 5 BV lớn của Hà Nội, trong 4.143 người bị bệnh gan mật thì có tới 1.353 trường hợp có chỉ định ghép bộ phận này (chiếm trên 33%).
Ghép thận cho bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương. |
Đó chưa kể tới các bệnh như tim, giác mạc... cũng cần được ghép mà không có nguồn tạng.
Mục tiêu của Việt Nam từ năm 2020 sẽ đạt mỗi năm trên 1.000 ca ghép thận, 80-100 ca ghép gan, 20-30 ca ghép tim, 10-15 ca phổi. Để thực hiện mục tiêu này, buộc phải có hành lang pháp lý, trong khi đến cuối năm 2005 Ủy ban thường Vụ quốc hội mới thông qua Pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được đưa ra thảo luận 9 lần nhưng vẫn chưa đến ''hồi kết''.
Trong khi đó, nếu có pháp lệnh nhiều người bệnh sẽ được cứu sống bằng nguồn tạng từ người khác. Theo thống kê của ngành y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông của Việt Nam trung bình 1.000ca/tháng. Với tính toán của các chuyên gia, phương pháp lấy nguồn tạng từ các bệnh nhân chết não sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tiến hành mổ lấy tạng trực tiếp từ những người tự nguyện hiến, vì phương án này sẽ tối giản được công đoạn bảo đảm an toàn tính mạng sống cho cả người cho và người nhận.
Có tạng để ghép cũng vẫn phải chờ?
Mặc dù không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế họp lấy ý kiến cho Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nhưng các ý kiến tại hội nghị lần này vẫn chỉ xoay quanh đến đối tượng người hiến tạng là trẻ em trong bản dự thảo Pháp lệnh.
Ông Trương Hồng Dương, chuyên viên vụ pháp chế Văn phòng Chính phủ, cho rằng: Đối với người hiến tạng là trẻ em dưới 18 tuổi cần có sự đồng ý của bản thân và gia đình (cha mẹ đẻ). Tuy nhiên, nếu cha mẹ đã mất thì không có ai xác nhận nên cần thêm sự công nhận của cơ quan chức năng (người giám hộ hợp pháp) để đảm bảo là trẻ thực sự muốn được hiến.
Cũng liên quan đến việc lấy tạng của trẻ em,
GS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc BV Việt Đức cho rằng: Không chấp nhận trẻ em còn sống hiến mô bởi trẻ còn cả một tương lai phía trước nếu lấy mô của trẻ em còn sống sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Do đó nên bỏ hẳn quy định về hiến mô tạng sống ở trẻ vị thành niên trong dự thảo Pháp lệnh.GS.TS Lê Ngọc Trọng - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: ''Ghép mô tạng là việc làm không nên tính đến lợi nhuận. Vì vậy, những điều khoản nào liên quan đến vấn đề này không nên đưa vào Pháp lệnh. Đồng thời, chỉ những cơ sở y tế nào được bộ Y tế chỉ định mới được phép lấy tạng và ghép tạng. Giám đốc cơ sở y tế đó là người hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định một người đã chết não hay chưa. Tuy nhiên, nếu BV tư nhân nếu có đủ điều kiện cũng sẽ được Bộ Y tế cấp phép lấy tạng và ghép tạng''.
Các ý kiến phát biểu đều rất đáng quan tâm nhưng đây mới chỉ là ý kiến đóng góp; còn khi nào pháp lệnh ra đời thì vẫn còn phải... chờ. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn người bệnh vẫn phải mỏi mòn chờ luật để được cứu sống.
-
Lệ Hà