(VietNamNet)- Việc đưa tin sóng thần tại Đà Nẵng vừa rồi đang đặt ra vấn đề cơ quan nào có trách nhiệm chính trong việc cảnh báo sóng thần. Phóng viên VietnamNet đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực về việc này.
Bộ trưởng cho biết: Trong tháng này sẽ chính thức có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về cơ quan được giao quản lý nhà nước về cảnh báo sóng thần.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì cùng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu đề xuất việc giao một cơ quan đảm nhận chức năng quản lý nhà nước về cảnh báo sóng thần, đề xuất việc thành lập Trung tâm Cảnh báo sóng thần cũng như việc tham gia Hệ thống Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương.
Bộ đã sơ bộ trao đổi với các cơ quan có liên quan và trong tháng này sẽ chính thức có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về cơ quan được giao quản lý nhà nước về cảnh báo sóng thần cũng như việc đặt Trung tâm Cảnh báo sóng thần ở Bộ, ngành nào là phù hợp.
- Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về cảnh báo sóng thần, Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến của mình về việc này?
- Thực ra, ý kiến đó xuất phát từ lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang quản lý một số lĩnh vực liên quan ít nhiều đến cảnh báo sóng thần như địa chất, môi trường, khí tượng thuỷ văn và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu. Tuy nhiên, việc giao cho bộ nào quản lý nhà nước về cảnh báo sóng thần còn tuỳ thuộc vào sự cân nhắc của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, mới mẻ, phức tạp và nhạy cảm mà bất cứ bộ nào được giao cũng phải cố sức mới có thể đảm đương được.
- Thế còn việc thành lập Trung tâm Cảnh báo sóng thần, đến bao giờ thì trung tâm này ra đời, thưa Bộ trưởng?
- Chưa thể trả lời ngay là lúc nào trung tâm này ra đời. Hiện nay, đang có nhiều phương án khác nhau về việc trung tâm này nên do cơ quan nào đứng ra thành lập và quản lý. Hai phương án đang được cân nhắc là Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoặc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thuộc Bộ TN&MT sẽ được giao nhiệm vụ này. Theo tôi, trong hai cơ quan đó, giao cơ quan nào cũng được. Tất nhiên là phải có sự phối hợp rất chặt chẽ của cơ quan còn lại.
- Việc đầu tư cho Trung tâm Cảng báo sóng thần chắc chắn là tốn kém?
- Tốn kém thì đã đành nhưng vì sự an toàn cho đất nước và tính mạng của nhân dân, Nhà nước sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất là nguồn nhân lực với việc cần có ngay đội ngũ các nhà khoa học am hiểu, thành thạo về cảnh báo sóng thần. Hơn nữa có tiền cũng không thể hình thành ngay một trung tâm có đủ khả năng đưa ra những thông tin chính xác về sóng thần. Ngay cả Hệ thống Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương thành lập từ năm 1948 với các điều kiện vật chất và con người hầu như hoàn hảo, vẫn có tới 61 người thiệt mạng khi cảnh báo sai về trận sóng thần xảy ra ở Hilo năm 1960.
- Trong khi chưa có Trung tâm Cảnh báo sóng thần, theo ông, cần làm gì để có thể tránh thiệt hại nếu sóng thần ập vào bờ biển nước ta?
- Trong khả năng của mình, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và Viện Vật lý địa cầu đang tích cực tìm ra các cách thức tốt nhất để có được những thông tin về cảnh báo sóng thần. Bộ TN&MT đang chỉ đạo các các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sóng thần trên Biển Đông, phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền những điều cần biết về sóng thần và biện pháp phòng tránh. Tại mục Khoa học công nghệ trên trang web của Bộ (www.monre.gov.vn), chúng tôi đã đăng tải khá kỹ các thông tin liên quan đến sóng thần.
- Nếu cần một lời khuyên với người dân sống ven biển về hiểm hoạ sóng thần, Bộ trưởng sẽ nói gì?
- Bà con hãy bình tĩnh trước những tin đồn về sóng thần. Khi đang ở bãi biển, nếu thấy có động đất, thấy nước biển rút xuống một cách nhanh chóng và bất thường thì hãy nghĩ tới sóng thần có thể đang ập tới và lập tức chạy sâu vào đất liền hoặc tìm nơi đất cao để tránh.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
-
Kiều Minh (thực hiện)