221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
677194
Phân phối viên - nụ cười và nước mắt của TAHITIAN NONI!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Phân phối viên - nụ cười và nước mắt của TAHITIAN NONI!
,
Sản phẩm từ cây nhàu thanh sạch, trong sáng và hữu ích cho loài người vừa bị vướng vào sacndal tại Việt Nam. Lỗi tại ai?

(VietNamNet) - Những ''đòn đau'' nhà lãnh đạo NONI vừa ''lĩnh đủ'' tại Việt Nam thật ra là do chính ''chiếc gậy'' của các phân phối viên đập trở lại ''lưng'' công ty này...

Cách đây chừng 1 năm, cả trong từ điển lẫn vốn sống của người Việt Nam, chưa ai biết NONI là cái gì. Riêng với người Bắc, chỉ khoảng 3 tháng trước đây, 2 tiếng ''trái nhàu'' vẫn vô cùng xa lạ cho dù loài cây này có mọc tràn lan và gần gũi thế nào với người dân Nam, Trung Bộ. Thế nhưng, giờ đây, khắp Việt Nam người ta đã biết NONI là ''nhàu'', ''nhàu'' là NONI cũng như biết hàng loạt chuyện bi hài quanh nó...

Công bằng mà nói, cây nhàu chưa bao giờ và cũng không bao giờ có tội, NONI cũng vậy! Vậy thì cái gì đã đẩy cây nhàu và các chế phẩm đáng ra phải rất đáng quý của nó vào những scandal đáng tiếc? Hàng chục tờ báo đồng loạt lên tiếng thời gian qua đủ để những người đại diện TAHITIAN NONI INTERNATIONAL (TNI) tại Việt Nam hiểu được tại sao họ quá trắc trở khi mới đặt chân đến đây (nói chính xác hơn là còn chưa chính thức ''nhập gia'' để mà ''tùy tục'') trong khi họ luôn tự tin là một tập đoàn lớn và danh tiếng, vào Việt Nam hợp pháp, kinh doanh đúng pháp luật, đóng thuế đầy đủ, sản phẩm đầu tiên được nhập khẩu - nước trái nhàu TAHITIAN NONI JUICE đã đăng ký chất lượng tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) theo quy định.

Tại sao?

Thực tế, đã có rất nhiều người sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ cây nhàu của tập đoàn TAHITIAN NONI INTERNATIONAL, không chỉ Việt Nam mà khắp thế giới. Theo con số trên giấy tờ, hóa đơn đóng thuế và nhập khẩu Công ty Noni Vina đưa ra, khi chưa rơi vào sacndal vừa qua, mỗi tháng đã có hơn 1.000 thùng (khoảng 5 - 6.000 chai nước trái nhàu NONI) được tiêu thụ trên toàn quốc.

Một số người tại Hà Nội đã uống nước trái nhàu TAHITIAN NONI JUICE cho biết, nó có mùi gần giống rượu vang đỏ, đầu tiên hơi khó uống nhưng khi đã uống quen vài lần thì lại cho cảm giác dễ chịu, ngọt tự nhiên, hơi chua dôn dốt. Họ cũng cho biết không quan tâm những gì xảy ra quanh chai nước này, cũng như không kỳ vọng vào khả năng chữa bệnh của nó mà vẫn mua về, cất tủ lạnh uống như những loại nước trái cây thông thường khác, chỉ đơn giản vì họ cảm thấy ''nhẹ bụng và sảng khoái'' khi uống NONI (tất nhiên đây là những người được xem như ''có điều kiện'').

Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ cây nhàu (NONI) hiện đang được bán tại nhiều nước trên thế giới.

Vài Việt kiều ở Mỹ và một số nước khi biết sản phẩm NONI gặp rắc rối tại Việt Nam, cho hay: Việt Nam mới nhập khẩu duy nhất nước trái nhàu của TNI nhưng họ đã biết và dùng quen rất nhiều sản phẩm khác của tập đoàn này như kem dưỡng da mặt, tay, người, kem chống thâm và nhăn quanh mắt...

Theo họ, đây là dòng sản phẩm có đẳng cấp cao, thực sự tốt và ở các nước khác cũng không mua được chúng tại các cửa hàng, siêu thị vì chiến lược chung của tập đoàn này là kinh doanh đa cấp trên toàn cầu nên thậm chí, khi dùng hết sản phẩm, muốn tìm mua còn phải ''cậy nhờ'' các phân phối viên.

Tuy nhiên, họ cũng công nhận rằng giá của các sản phẩm đều rất cao so với mức sinh hoạt của người Việt Nam nói chung (nước trái nhàu có lẽ là rẻ tiền nhất trong loạt sản phẩm này, còn mỹ phẩm nếu tính ra tiền Việt thì phải gần 2 triệu đồng/1 tupe 120ml kem dưỡng da toàn thân, hơn 1 triệu đồng/1 tupe 10ml kem chống nhăn quanh mắt...).

Vậy là đã rõ, sản phẩm không có vấn đề gì, chiến lược kinh doanh cũng được nghiên cứu và áp dụng chung cho toàn cầu nhưng khi vào Việt Nam lại bị ''đánh cho tơi bời'' (theo cách nói của chính những người trong tập đoàn này) - lý do, khúc mắc lớn nhất chỉ có thể nằm ở 2 điểm: Sự quá mới mẻ của loại hình kinh doanh này (mới đến mức Việt Nam còn chưa có luật cho nó và thường những cái mới phải nhận nhiều khen chê, phản đối, ủng hộ lẫn lộn) và hoạt động của các phân phối viên. Trước tiên cần nói đến các phân phối viên - những người rõ ràng nắm giữ tương lai, vận mệnh, kinh tế cũng như tiếng tăm, uy tín của tập đoàn này tại Việt Nam.

Việt Nam mới nhập khẩu duy nhất nước trái nhàu của TNI nhưng tập đoàn này còn sản xuất nhiều mặt hàng khác được bán khắp thế giới.

Không thể khống chế ngôn từ của hàng nghìn phân phối viên?

Như VietNamNet đã dẫn chứng trong các bài viết trước, không dễ gì để một phân phối viên thuyết phục thành công 1 người ''xuống tiền'' mua dù chỉ 1 chai nước trái nhàu NONI. Chưa bàn đến chất lượng và công dụng của nó (là những điều sẽ được khám phá sau), ngay cái giá 800.000 đồng/1 chai đã tự ''khoanh vùng'' để sản phẩm này chỉ có thể đến được với một lượng khách hàng chọn lọc tại Việt Nam, mà còn rất lâu nữa mới phấn đấu trở thành mặt hàng ''sử dụng rộng rãi''. Và có lẽ, nguyên nhân mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đây...

Là một tập đoàn đã áp dụng hình thức kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) ''khắp 70 quốc gia trên thế giới, nơi các sản phẩm TAHITIAN NONI đang được tiêu thụ'', chủ trương của tập đoàn này là không quảng cáo trên báo chí và truyền hình. Thậm chí, việc dán poster quảng cáo các sản phẩm NONI ở nơi công cộng hay bày công khai sản phẩm này trong các tủ, quầy hàng... còn bị tuyệt đối nghiêm cấm. Sở dĩ vậy vì những nhà hoạch định chiến lược này muốn tạo điều kiện thuận lợi tối đa, cũng như trông đợi tối đa ở sự ''quảng cáo truyền miệng'' của các phân phối viên độc lập - để họ được chủ động, sáng tạo và tự rút kinh nghiệm trong kinh doanh.

Giờ đây không ai ngạc nhiên khi biết 1 doanh nghiệp nước ngoài nào đó với tiềm lực tài chính hùng hậu, với chiến lược và sự ưu tiên trong các giai đoạn tập trung chiếm lĩnh thị trường và phát triển thị phần - sẵn sàng bỏ ra hơn 1 triệu USD/năm để quảng cáo 1 nhãn bột giặt, hoặc gần 700.000 USD cho 1 thương hiệu sữa chua uống liền. Song, theo lý giải của những nhà hoạch định chiến lược TNI, đồng tiền lẽ ra phải trả cho một số công ty quảng cáo, hoặc thuê siêu sao này, siêu mẫu nọ rầm rộ gây chú ý... được tập đoàn này chia đều cho những người dân vì chính lao động của họ.

 

Không ai nói trái nhàu không tốt, nhưng quả là nó khá ''cao số'' (nhất là từ khi vào Việt Nam dưới dạng nước ép trái cây)?!

Đây là một chính sách kinh doanh khá nhân đạo và từng thành công mỹ mãn tại nhiều quốc gia. Chính vì xét đến những mặt tốt, mặt lợi của nó đối với cộng đồng nên Bộ Thương mại Việt Nam đã cân nhắc không cấm hình thức kinh doanh này mà sẽ quản lý nó tốt hơn bằng các điều luật sắp ra đời. Tuy nhiên, khi các công ty kinh doanh đa cấp nói chung và TNI nói riêng đặt toàn bộ sự nghiệp kinh doanh, tương lai và các cơ hội phát triển của họ vào... miệng phân phối viên - nghĩa là họ biết rằng họ đang chơi một trò chơi cực kỳ mạo hiểm!

Những đúc kết từ ngàn xưa: ''Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo'', ''Lời nói chẳng mất tiền mua'' hay ''Lời nói gió bay''... vẫn chưa hề cũ và tỏ ra quá đúng trong trường hợp này. Để bán được hàng và thu về món lợi trông thấy, các phân phối viên thoải mái uốn éo cái lưỡi của họ - tất nhiên không bao giờ nói xấu mà chỉ toàn nói tốt về sản phẩm. Đòi hỏi các phân phối viên (thuộc đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, trình độ...) cùng giữ một thái độ, lời ăn tiếng nói đúng mực và ''chuẩn'' trong trường hợp này là điều không tưởng, trong khi việc nói thái quá lại dễ xảy ra hơn rất nhiều! Và thế là, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các phân phối viên này ''bơm thổi'' nước trái nhàu TAHITIAN NONI JUICE lên thành ''thần dược trị bá bệnh'' có thể lập tức làm người sử dụng say goodbye hàng loạt chứng nan y như: đái đường, thấp khớp, tim mạch, HIV/AIDS...

Công ty càng không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, càng khiến các phân phối viên dễ bề quảng cáo theo các ''phong cách riêng'' của họ - bởi không có gì làm ''chuẩn'' để người nghe so sánh. Chẳng biết những phân phối viên này đã làm được bao nhiêu người tin, bao nhiêu người ''rơi tiền'', song có nhiều người tuy tiền vẫn trong túi họ, họ chưa mua và hoàn toàn có quyền không mua, không nghe - vẫn rất giận dữ trước những lời lẽ thái quá kia, bảo rằng các phân phối viên này đi lừa!? Báo chí bắt đầu vào cuộc. Qua báo chí phản ánh, các lãnh đạo NONI biết chuyện, chất vấn các phân phối viên thì các phân phối viên lại khẳng định là: không lừa, không nói quá, không, không và không!!! Nếu lừa, phải có bằng chứng, có nạn nhân, có hậu quả - vậy những chứng cớ ấy đâu? Đến thế thì thôi, công ty, rồi tập đoàn cũng chẳng làm gì được họ - ''khẩu thiệt vô bằng'' mà...

Giám đốc trẻ Lê Minh Khôi của Công ty TNHH Noni Vina giãi bày: Việc kiểm soát hoặc khống chế ngôn từ của các phân phối viên tựa như ''Hoài công mà đấm bị bông - Đấm được bên nọ nó phồng bên kia'' vậy!

Con dại, cái mang?!

Cơ quan công an lập biên bản quả tang nữ phân phối viên NONI tại hiện trường (Ảnh: Phạm Duẩn).

Cần lưu ý, phân phối viên không phải là nhân viên của công ty hoặc tập đoàn. Trên các-vi-dít của họ, bao giờ cũng ghi rõ PHÂN PHỐI VIÊN ĐỘC LẬP cùng mã số quốc tế. Trong Hợp đồng phân phối viên ký với Công ty Noni Vina, họ phải cam đoan rõ rằng: ''Tôi - phân phối viên của công ty - là một người ký hợp đồng độc lập mà không phải là nhân viên, người đại diện, cộng tác viên, cố vấn pháp luật, hoặc các công ty liên kết. Tôi không có quyền và cũng sẽ không làm phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào thay mặt, nhân danh công ty''.

Có thể hiểu: Chẳng hạn như sản phẩm Coca-Cola hay Pepsi, người kinh doanh nó sẽ là một cô bán hàng trong siêu thị, một nữ tiếp thị nơi quán bar nhà hàng, một ông bán quà vặt trước cổng trường hay một bà bán quán nước vỉa hè. Họ lấy hàng về bán và đương nhiên các công ty Coca-Cola hay Pepsi không bao giờ biết hết họ là những ai, họ không bao giờ là nhân viên của các công ty này. Với NONI và các phân phối viên sản phẩm này cũng vậy! Vị trí, vai trò của các phân phối viên NONI đối với Công ty Noni Vina hay tập đoàn TNI cũng như cô bán hàng siêu thị, nữ tiếp thị quán bar hay bà bán nước trước cổng trường kia đối với các công ty Coca-Cola hoặc Pepsi.

Nước trái nhàu có lẽ là rẻ tiền nhất trong loạt sản phẩm này, còn mỹ phẩm, thậm chí hơn 1 triệu đồng/1 tupe 10ml kem chống nhăn quanh mắt...

Cuốn Nội quy phân phối viên TAHITIAN NONI INTERNATIONAL, Inc. cũng ghi rõ: ''Phân phối viên tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, sức khỏe, phương tiện di chuyển, thương tật, bảo hiểm, bồi thường và cả tiền sử dụng cho kinh doanh của họ cùng các chi phí khác''. Nội quy này thậm chí còn bắt buộc ''tất cả phân phối viên đến bất cứ văn phòng TNI nào phải ghi tên tại bàn lễ tân và đeo thẻ khách. Khi đi lại trong khu vực văn phòng, phân phối viên cần có 1 nhân viên của TNI đi theo''.

Thế nhưng, những điều khoản, nội quy này dĩ nhiên chỉ công ty và các phân phối viên biết với nhau, còn khi ra ngoài, dưới con mắt mọi người, chẳng ai hiểu được quan hệ giữa phân phối viên NONI và công ty, tập đoàn kia như thế nào!? Phân phối viên cũng chẳng tội gì ''không khảo tự xưng'', chẳng tội gì đi nói mình không liên quan, không có quyền gì với công ty (được hiểu là người của 1 tập đoàn lớn vẫn thích hơn không là gì cả chứ?!). Những người có trách nhiệm với thương hiệu NONI cho biết, phân phối viên cũng vận dụng rất linh hoạt vai trò của mình: họ ỷ lại vào từ ''độc lập'' để muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói mà công ty không thể cấm cản được, mới có chuyện...

... ngày 11/6/2005 vừa qua, khi việc quảng cáo thái quá của một số phân phối viên NONI chưa được chấn chỉnh một cách thuyết phục để bớt ì xèo dư luận thì một số khác lại hiển nhiên vi phạm pháp luật Việt Nam khi tổ chức hội nghị ''chui'' tại Hải Phòng (không xin phép các cơ quan chức năng, Công ty Noni Vina cũng như Tập đoàn TNI cũng chẳng hề hay biết) và bán vé, thu tiền vào nghe hội nghị ''giới thiệu sản phẩm'' này. Báo chí đăng ảnh, đưa tin và cơ quan công an lập biên bản ''tại trận''. Sau đó, lãnh đạo công ty ''hỏi tội'' phân phối viên thì những cái có chứng cứ họ đành nhận, còn tất thảy những gì thuộc phạm trù ''lời nói gió bay'' thì họ cũng chẳng tội gì mà không chối biến!

Bao giờ trái nhàu và các sản phẩm của nó (tên gọi NONI) mới hết bị con người lợi dụng để trục lợi và được thanh thản với đúng vai trò của nó: phục vụ con người?

Hơn nữa, Giám đốc Công ty Noni Vina cho biết, thậm chí họ còn quay lại trách công ty sao những lúc ''tai bay vạ gió'' ấy không đứng ra bênh vực cho họ và còn yêu cầu lãnh đạo phải từ TP.HCM ra tận Hải Phòng giải quyết sự vụ cho họ!!! Dù biết rằng như vậy là phân phối viên đã ''tự làm luật'' chứ thật ra phân phối viên phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của họ, không liên quan gì đến công ty, song những lãnh đạo này cũng cho biết: lý là vậy, nhưng xét về tình, nghĩ cũng không thể bỏ mặc nên cách giải quyết của công ty cứ ''chòng chành như nón không quai''... Đây chính là điều chưa làm hài lòng các nhà báo đã vào cuộc cũng như nhiều người biết chuyện.

Nhiều ý kiến cho rằng: Đáng lẽ trước sự mập mờ, không minh bạch, thiếu hiểu biết pháp luật trong cung cách triển khai công việc của các phân phối viên - thì hơn lúc nào hết, đây là lúc các nhà lãnh đạo NONI cần tỏ ra hiểu biết pháp luật, minh bạch, không mập mờ. Tuy nhiên, nói riêng chuyện tại Hải Phòng, công ty hoàn toàn phó mặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, còn phần mình, công ty khá lúng túng trong việc xử lý các phân phối viên gây chuyện.

Rõ ràng, chính tư tưởng của công ty, tập đoàn này tại Việt Nam đang mâu thuẫn nặng nề giữa sự đối xử với các phân phối viên như những người tiêu thụ hàng ''độc lập'' (theo đúng tiêu chí) và cách xử sự theo kiểu ''cả nhà ta cùng thương yêu nhau'' - càng làm cho mối quan hệ này trở nên rắc rối và khó hiểu trong mắt người ngoài cuộc.

                                                                                                                    (còn nữa)

  • Hoàng Huy

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,