Nguyên thượng úy Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an Tiền Giang - Phan Thanh Hải. |
(VietNamNet) - Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã thỏa thuận bồi thường oan sai cho ông Phan Thanh Hải, nguyên sỹ quan công an Tiền Giang 103 triệu đồng.
Đại diện cho TAND Tối cao tại TP.HCM, thẩm phán Nguyễn Xuân Phát, Phó Chánh Tòa phúc thẩm vừa có buổi thương lượng với ông Phan Thanh Hải, nguyên sỹ quan công an Tiền Giang về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị oan theo Nghị quyết 388 và hai bên thống nhất số tiền được bồi thường là 103 triệu đồng.
Ông Phan Thanh Hải, nguyên thượng úy Phòng Cảnh sát bảo vệ công an tỉnh Tiền Giang đã bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM kết án 5 năm tù oan về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Và trên thực tế sau hơn 6 năm rơi vào vòng lao lý, tù đày và đối diện với 5 lần nghe tuyên án ông mới được xác định bị oan.
Công an thành... kẻ tội đồ!
Ông Phan Thanh Hải (Tư Na), là dân Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhưng cả tuổi trẻ, sự nghiệp và nỗi oan ức của ông đều gắn liền với mảnh đất Tiền Giang. Ông tham gia cách mạng từ năm 1972 đến năm 1981 được vào Đảng và công tác tại Công an tỉnh Tiền Giang với cấp bậc thượng uý, chức vụ Đội trưởng đội tham mưu của Phòng Cảnh sát bảo vệ.
Năm 1989, ông Hải được lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ điều động miệng sang giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty FADICO chi nhánh tại Tiền Giang với tên gọi là Trung tâm Đầu tư phát triển Tiền Giang. Công ty này được thành lập từ sự liên doanh giữa Công ty Phân bón miền Nam và Phân lân nung chảy Hà Nội. Công việc của ông Hải là ngày làm việc ở cơ quan công an, tối về làm ở trung tâm, chủ yếu là chạy mối mua bán hàng để hưởng hoa hồng tạo thu nhập cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị.
Làm được khoảng 5 tháng (từ 15/11/1989 đến 14/4/1990), ông Hải đã ký hợp đồng mua 1.000 tấn phân DAP của Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu Tiền Giang với giá 390.000đ/tấn. Trung tâm của ông nhận được 458 tấn và bán lại ngay cho Xí nghiệp 19/8 thuộc Công an huyện Cai Lậy và Xí nghiệp VIMEXCO của tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau). Số còn lại đang tiến hành nhận thì toàn bộ Ban Giám đốc Trung tâm bị bắt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước.
Ngày 14/4/1990, trong khi ông Phan Thanh Hải đang nghỉ phép năm 1989 thì được lệnh của lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ triệu tập đến cơ quan để họp. Khi đến cơ quan, không có cuộc họp nào mà ông Hải được một đồng nghiệp lệnh lên xe u-oát chờ sẵn và chạy thẳng xuống trại giam với lệnh tạm giữ ba ngày. Sau ba ngày tạm giữ thì ông mới biết mình bị tạm giam, bị khởi tố nhưng không được tống đạt các quyết định này. Lúc đó mọi thủ tục về mặt Đảng, chính quyền chưa được tiến hành đình chỉ theo luật định.
Sau thời gian điều tra, Cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước của ông Hải nên đã chuyển sang tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.
5 phiên tòa: 4 buộc, 1 gỡ
Mặc dù hợp đồng được ký kết giữa Trung tâm của ông với Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu Tiền Giang đang thực hiện, không tranh chấp, phía bên bán cũng không yêu cầu gì nhưng ông vẫn bị quy chụp là có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và bị TAND tỉnh Tiền Giang xử 6 năm tù.
Sẽ có cơ quan độc lập xét xử các vụ bồi thường oan sai Ông Ngô Quang Liễn, Viện trưởng Khoa học Kiểm sát cho biết: sắp tới, sẽ có một cơ quan độc lập với tòa án, viện kiểm sát và công an đứng ra xét xử các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do các cơ quan tố tụng gây ra theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Liễn, việc các cơ quan như viện kiểm sát, tòa án gây ra oan sai nay lại xét xử bồi thường cho người bị oan sai là chưa khách quan. Thậm chí dư luận cho rằng cách giải quyết này thiên về bảo vệ quyền và lợi ích cho nhà nước, cho các cá nhân, tổ chức gây ra oan sai. |
Ngày 27/4/1992, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã kết luận chưa đủ căn cứ cho thấy ông Hải có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN vì phía Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu Tiền Giang trong phiên toà vẫn khẳng định đến thời điểm này giữa họ và Trung tâm vẫn đang tiếp tục tiến hành thực hiện hợp đồng, không ai chiếm đoạt tiền của ai, họ cũng chưa bao giờ có đơn tố cáo việc này. Đại diện Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu Tiền Giang còn yêu cầu Tòa thả ông Hải để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Với những chứng cứ quá "mỏng" của hồ sơ vụ án, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy án đưa về điều tra lại. Trước đó, ngày 2/4/1992, Tòa Phúc thẩm đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông từ tạm giam chuyển sang tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngày 30/6/1993, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm lần hai và tuyên phạt ông Hải 5 năm tù về tội danh này. Đến phiên tòa phúc thẩm vào ngày 26/4/1994, dù không có chứng cứ gì mới so với lần phúc thẩm trước nhưng HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vẫn tuyên y án sơ thẩm.
Quá oan ức, ông Hải làm đơn liên tiếp gửi các cơ quan nội chính Trung ương xin xem xét lại vụ án của ông. Đầu năm 1995, lời kêu oan khẩn thiết của ông đã được VKSND Tối cao xem xét và cơ quan này đã có kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị TAND Tối cao tuyên bố ông không phạm tội.
Ngày 29/2/1996, TANDTC đã mở phiên xử giám đốc thẩm và tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho VKSND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 30/9/1996, VKSND tỉnh Tiền Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hải. Trong quyết định này nêu rõ: Hành vi của ông Hải không cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa Kinh tế TAND tỉnh Tiền Giang giải quyết theo thẩm quyền. Vậy là sau hơn 6 năm trời ròng rã kêu oan, nỗi oan ức của ông Phan Thanh Hải mới được giải tỏa.
- Tấn Thuấn