Về sản phẩm kem đánh răng Close-up trên thị trường VN, Unilever toàn cầu khẳng định: Tại VN, triclosan được đánh giá là an toàn và không nằm trong danh mục các chất bị cấm hay bị giới hạn sử dụng của Bộ Y tế.
Ngày 27/4, Unilever toàn cầu có văn bản trả như sau:
"Triclosan có thể tác dụng với Clo nhưng chỉ khi có Clo dư như ở trong các nhà máy xử lý nước và trong môi trường acid. Phản ứng không thể xảy trong nước máy. Ngoài ra, ngay cả khi cloroform được tạo ra trong điều kiện thí nghiệm như thông tin nói trên, cũng chỉ với liều lượng rất thấp (50ppb). Lượng cloroform cực thấp này không thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Khi kem đánh răng có triclosan, cũng không thể có Clo dư trong nước máy để phản ứng với triclosan, vì liều lượng Clo trong nước máy luôn được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, kem đánh răng cũng chỉ tiếp xúc với nước máy trong một thời gian rất ngắn khi sử dụng, so với thời gian cần thiết để phản ứng có thể xảy ra. Do đó, khả năng tạo ra cloroform do triclosan có trong kem đánh răng hoàn toàn có thể loại bỏ. Tại Việt Nam, triclosan cũng được đánh giá là an toàn và không nằm trong danh mục các chất bị cấm hay bị giới hạn sử dụng của Bộ Y tế Việt Nam.
Tương tự đối với sản phẩm xà phòng, lượng Clo trong nước cũng được kiểm soát và thời gian tiếp xúc của xàphòng ướt với da là rất ngắn và hạn chế (do bị xả sạch), nên trong nước máy không thể có Clo dư. Do đó, phản ứng tạo cloroform không thể xảy ra".
Các nhà sản xuất khác: Triclosan an toàn cho người
Ở Trung Quốc, việc nghiên cứu về triclosan được thúc đẩy từ gần 10 năm trước. Học viện hoá học của khí tự nhiên Sichuan đã thử nghiệm đặc tính của triclosan trên nhiều phương diện: Do hiệu quả diệt khuẩn cao và chất lượng ổn định, nhiều sản phẩm có thành phần triclosan do Trung Quốc sản xuất không những được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Australia, Anh, Pháp, Hàn Quốc.
Theo ý kiến của Hãng Ciba Speciality Chemicals (Mỹ) - Cty sản xuất các sản phẩm có chứa triclosan, nếu được dùng theo đúng chỉ định, chất này sẽ không gây tác hại nào. Bởi để được đăng ký và lưu hành, các sản phẩm đã phải qua khâu kiểm nghiệm và kiểm duyệt khắt khe của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ. Khi thải ra theo nguồn nước, triclosan sẽ phân huỷ dưới tác động của vi sinh vật và ánh sáng.
Triclosan xâm nhập vào cơ thể người qua con đường da và miệng cũng sẽ được loại bỏ nhanh chóng ra khỏi cơ thể và không có tác dụng phụ nào. Chất này cũng tồn tại trong sữa mẹ với nồng độ thấp hơn mức độ an toàn cho phép ít nhất 1.000 lần và không gây hại cho trẻ khi bú mẹ. Triclosan cũng có thể tìm thấy trong một số nội tạng của cá, dưới dạng chuẩn bị đào thải, nên người ăn cá cũng không bị ảnh hưởng do không bị tồn dư chất này trong cơ thể.
Vì sao triclosan có hại?
Peter Vikesland bắt đầu nghiên cứu khi các sản phẩm tẩy rửa hoá mỹ phẩm, xàphòng, polime, dệt may để chống vi khuẩn có triclosan là chất được sử dụng phổ biến. Ông nghiên cứu trong các điều kiện giống như điều kiện thực tế khi bạn rửa bát, sử dụng mỹ phẩm, kem đánh răng. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên đưa ra cảnh báo những nguy cơ: Triclosan có thể xâm nhập vào cơ thể người qua mũi, thấm qua da. Thậm chí các sản phẩm dưỡng da cũng có thể tác dụng với clorinat, tạo ra cloroform gây ung thư.
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Minesota: "Phần lớn các sản phẩm có tri đều được thải qua hệ thống nước thải và dưới tác động của ánh sáng mặt trời, triclosan có thể chuyển thành dioxin - đây là chất khó phân huỷ và dễ dàng tích luỹ trong cơ thể người qua thực phẩm, dù nồng độ thấp cũng có hại bởi là một trong những tác nhân gây ung thư".
Nhà vi sinh vật học Laura McMurray thuộc Trường ĐH Y khoa Tufts (Mỹ) cũng nói rằng: "Không phải triclosan có thể diệt được tất cả các loại vi khuẩn có hại. Ngược lại, việc sử dụng lan tràn triclosan trong các sản phẩm gia dụng từ kem đánh răng trẻ em đến chất rửa bát có thể tạo ra các loại siêu vi khuẩn rất khó diệt, hậu quả xảy ra tương tự như khi lạm dụng kháng sinh. Nhiều luật quốc tế và quốc gia (nghị định về mỹ phẩm của EU, nghị định về các chất diệt sinh vật của EU) đã yêu cầu việc sử dụng các sản phẩm có triclosan phải được kiểm soát chặt chẽ.
Nguyễn Hằng (Lao Động)