(VietNamNet) - 15 năm nay, người dân nhà P3, tập thể Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội phải sống trong cảnh nghiêng ngả do tòa nhà họ đang ở bị lún sụt trầm trọng.
Nhà nghiêng đến mức, mọi thứ đồ đạc trong phòng gần như đổ dạt về một phía. Những ai mới đến đây lần đầu, leo lên cầu thang hay đứng trên tầng cao nhìn xuống đều có cảm giác chếnh choáng, chóng mặt như người say rượu…
Nhìn bằng mắt thường cũng thấy nghiêng. |
Sống trong thế giới nghiêng
“Tháp nghiêng” là cách nói đùa của người dân nơi đây về khu tập thể của họ. “Tòa tháp” này cao 5 tầng được xây dựng từ năm 1988 và đưa vào sử dụng năm 1990. Tuy nhiên, không phải đến tận bây giờ, nhà mới bị lún sụt mà ngay từ khi những người dân đầu tiên dọn đến ở, cảnh nghiêng ngả đã xảy ra.
“Có 40 hộ dân sinh sống trong ngôi nhà này nhưng đến giờ chỉ còn hơn 20 hộ vẫn kiên trì bám trụ. Những hộ khác do lo sợ nhà sập, nguy hiểm đến tính mạng nên đã đóng cửa dọn đi hoặc cho sinh viên thuê chứ không dám ở đây nữa...”, ông Lê Tấn Khánh, tổ trưởng tổ dân phố 34 than thở. Theo chân ông Khánh lên phòng 405, chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến cuộc sống chật vật trong thế giới nghiêng của người dân ở đây.
Phòng 405, nguyên là nhà ở của bà Nguyễn Thị Hữu. Tuy nhiên, cách đây không lâu, bà Hữu đã phải khăn gói ra đi vì không thể sống nổi. Hiện tại, căn phòng này được bà Hữu cho đám sinh viên trọ học thuê với giá 800 nghìn đồng/tháng. Nhà có 4 phòng ngăn cách với nhau bởi 4 gờ xi măng lớn. Những gờ xi măng được chủ nhà xây không phải để phân biệt các phòng với nhau mà là để… chống nghiêng. Nếu không có gờ ngăn cách thì mỗi lần giặt giũ, hay tắm gội… nước trong nhà vệ sinh cứ thế đổ tuồn tuột vào phòng ngủ, phòng khách.
“Anh cứ thử đặt nằm cái chai xuống nền nhà mà xem. Cam đoan với anh là nó sẽ chạy thẳng băng từ vách trong ra vách ngoài. Nhưng thế cũng vẫn chưa ăn nhằm gì. Có lần, cả cái bếp dầu tụi em hàng ngày vẫn đun nấu còn bị trôi từ tít ngoài cửa vào vào tận trong này nữa cơ…”, Nguyễn Việt Dũng, sinh viên Cao đẳng Bách khoa Hà Nội đang thuê trọ tại phòng 405 kể. Nói dứt lời, Dũng lôi trong tủ ra một vỏ chai rượu cỡ lớn. Quả thật, Dũng vừa rời tay khỏi cái vỏ chai là ngay lập tức nó lăn tròn một đoạn dài và dừng lại khi va phải chân tủ trong góc phòng.
Để chứng minh cho độ nghiêng trầm trọng của tòa nhà, Dũng bước ra hành lang chỉ lên một vết nứt dài trên vách: “Đây anh xem, nhà lún lâu năm, tường không chịu nổi lực nên rạn nứt tùm lum. Mỗi lần có đoàn tàu đi qua khu vực này là bọn em lại phải sống dở chết dở vì mọi thứ xung quanh cứ rung lên bần bật”.
Không đồ vật gì chịu đứng yên một chỗ. |
Không chỉ có phòng 405 mà hầu như tất cả các nhà đều lâm phải tình trạng “trôi dạt” một cách không định vị được. Gia đình ông Hà Ngọc Diễm, phòng 205 cách đây 4 năm đã phải tôn nền cao đến 10cm so với mặt bằng cũ mà cũng không tránh nổi cảnh nhà nghiêng ngả. Ông Diễm bảo, thời gian đầu khi mới xây, nhà lún rất nhanh nhưng mấy năm gần đây tốc độ lún đã giảm dần. Tuy nhiên, cả gia đình ông Diễm ai cũng cảm thấy lo sợ tòa nhà sẽ đổ sập một cách bất thình lình.
Bao giờ xây nhà mới?
Hầu như bất kỳ hộ dân nào trong khu P3 Phương Liệt cũng phải một lần xây cao nền nhà. Tuy nhiên, xây được một thời gian thì nhà lại tiếp tục lún, cuộc sống lại tiếp tục mất thăng bằng. Vì thế, có quá nhiều người cảm thấy mệt mỏi và mặc kệ cho mọi việc đến đâu thì đến. “Kêu ca nhiều cũng chẳng ích gì. Người ta cứ hứa lên hứa xuống là sẽ đập cái nhà này đi và xây mới hoàn toàn nhưng đến tận bây giờ chúng tôi vẫn cứ dài cổ chờ đợi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả”, ông Nguyễn Xuân Chiến, phòng 107 phàn nàn.
Trạm biến áp phương Phương Liệt đằng sau nhà ông Chiến cũng vặn vẹo vì sức ép của tòa nhà. Hồi đầu, khi mới xây dựng, khoảng cách trạm biến áp với nhà P3 là 140cm nhưng đến nay, độ dài đang co hẹp lại chỉ còn 60cm. Để chống nghiêng cho cái trạm này, người dân Phương Liệt dùng một biện pháp hết sức thủ công là kê cao bộ phận máy móc bên trong. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là biện pháp tạm thời vì mỗi năm nhà càng thêm lún và nếu nhà sập thì trạm biến áp cũng phải chung số phận.
Nhà P3 Phương Liệt do Tổng công ty Dệt may Việt Nam bỏ vốn đầu tư xây dựng. Nhà thầu thi công là Ban quản lý công trình nhà ở đường 1A nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (HUD). Theo kết quả do Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khảo sát thì độ nghiêng của nhà vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần. Đáng chú ý là nhóm kiểm định còn phát hiện khu nhà có hiện tượng vặn vỏ đỗ do độ nghiêng không đều.
Nước đọng thành vũng trong nhà. |
Mặc dù, trong các cuộc họp với người dân nhà P3, các đơn vị xây dựng và giám định xây dựng đều đưa ra kết luận phải phá bỏ ngôi nhà nghiêng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của hơn 40 hộ dân. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến tận bây giờ, “tòa tháp nghiêng” giữa lòng Hà Nội vẫn tồn tại. Ông Lê Tấn Khánh bức xúc: “Họ thông báo với chúng tôi là cố gắng đợi đến cuối năm. Đến cuối năm họ lại khất sang đầu năm. Bây giờ là tận tháng 3 rồi mà người dân chúng tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Không hiểu đến bao giờ thì chúng tôi mới có nhà mới để sống?”.
Chẳng hiểu sao nhà P3 Phương Liệt tồn tại suốt 15 năm trong cảnh ngả nghiêng, lún sụt trầm trọng nhưng Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vẫn giữ thái độ thờ ơ, không hay biết. Trong khi đó, trụ sở của HUD không nằm ở đâu xa xôi mà tọa lạc tại địa chỉ 168 đường Giải Phóng, cách “tháp nghiêng” chừng… 100m.
-
Lê Tân
Bài 2: Nhà tái định cư Cống Vị: Dân lo “tiền thật hàng giả”
Bài 1: Người dân khu đô thị Định Công nơm nớp lo nhà sập