(VietNamNet) - Đứa trẻ khóc váng phòng; khát sữa mẹ và thèm một vòng tay ấm áp. Năm nay cháu đón cái Tết đầu tiên tại trại trẻ mồ côi.
Bé Hồng nhỏ xíu bằng cánh tay người lớn. |
Cháu gái tên là Hồng, họ gì không biết, bởi cháu bị ''vứt'' lại cùng một mảnh giấy gài trong mấy cái áo quần, trong vẻn vẹn mấy chữ: Tên cháu là Hồng. Hồng mới chưa đầy tháng tuổi, bị mẹ bỏ rơi ngay sau khi sinh và được đưa về nhập vào ngôi nhà chung này mới được 15 ngày.
Hồng nhỏ chỉ bằng cánh tay người lớn; bế chỉ chực lọt tay. Nhưng khuôn mặt cháu xinh đến lạ kỳ, từ đôi mắt đến sống mũi, khoé miệng; ai nhìn cũng thấy yêu và muốn nâng trên tay và nâng niu không muốn rời. Khi đặt bình sữa lên cái miệng nhỏ xíu như một dấu chấm, Hồng ngậm chặt, mút chút chít, mắt nhắm nghiền cho đến khi ngủ lúc nào không hay.
''Mẹ nuôi'' (người trực tiếp chăm sóc Hồng trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Tây) của Hồng cho biết, khi mới vào đây cháu còn chưa biết ăn bằng bình, chưa quen với núm cao su vừa to so với cái miệng quá bé. Rồi cháu quen dần, bởi đâu biết thế nào là sự mềm mại và ngọt ngào của vú mẹ - người đã bỏ rơi cháu...
Có gần 30 đứa trẻ từ 1 tháng đến 2 năm tuổi trong ''làng mồ côi và khuyết tật'' này. Khi chúng tôi đến thăm, đứa thì ngủ, đứa thì khóc. 30 con mà chỉ có 12 ''mẹ''. Mỗi mẹ trông hai đứa, thành ra các mẹ xoay như chong chóng, nào cho ăn, nào ru ngủ, nào giặt giũ và dọn dẹp đồ...
Chị Vũ Thị Ngà đã làm mẹ của... vài chục cháu. Chị có số phận truân chuyên nên muốn gắn bó cả cuộc đời để chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh này. Chị Ngà rơm rớm: ''Thương lắm, gọi chúng là mồ côi nhưng biết đâu bố mẹ chúng vẫn tồn tại trên đời. Mình muốn nuôi mà lực bất tòng tâm. Khi bị bỏ rơi, đứa nào may mắn thì khi bị bỏ lại còn có giấy ghi tên tuổi, hay kèm theo vài bộ quần áo, có đứa chẳng có gì, vì thế tiện mồm, người ta gọi chúng là thằng Rơi, con Bạt, con Thương... khổ ngay từ cái tên''. Chị Ngà nghẹn ngào.
Những em bé vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Tây, nếu không bị bỏ lại ở bệnh viện cũng bị ''vứt'' ngoài cổng Trung tâm. Cách đây vài ngày, một cô bé còn đỏ hỏn cũng bị bỏ ở cổng trung tâm lúc 11h đêm, cháu khóc váng lên, tiếng khóc của cháu xói vào tai mọi người. Và mọi người hiểu ''làng mồ côi'' lại có thêm một cư dân mới. Nhưng tiếng khóc của thành viên mới này không chỉ báo hiệu một số phận côi cút, mà còn báo hiệu một cuộc sống bất hạnh sau này: Cháu bị thiểu năng, từ lúc sinh ra và nhập vào đây đến nay, cháu chỉ khóc ra rả.
Cô bé chẳng cần biết cha mẹ mình còn hay mất, chẳng cần biết năm mới là gì, cũng chẳng biết buồn vui... |
Đối với những bé mồ côi, nhất là những cháu từ 1 tháng đến 2 năm tuổi, Trung tâm có sự chăm sóc 24/24, lúc nào các mẹ nuôi cũng ở bên. Các bé còn quá nhỏ, đâu biết mình là ai, đâu cần biết năm mới là gì... Trong những hình hài bé bỏng, các cháu chỉ biết đến sữa từ những bình vú giả đưa lên miệng, những vòng tay và câu nựng của mẹ nuôi và sự quan tâm không phải của nhiều người.
''Cháu còn nơi nào mà về ăn Tết?!''
Hôm nay, các cháu mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Tây phấn khởi nhận quà Tết của một cô mang từ Hà Nội tặng. Những lần nhận quà như thế này không nhiều với các cháu. Khác với các em bé, chỉ cần thức ăn và áo ấm, những anh chị lớn đã đi học nên cần rất nhiều thứ, từ sách vở, bút giấy, quần áo mới... Cái gì cũng quý, cũng hết sức cần thiết cho cuộc sống mà ngay từ khi bắt đầu đã phải trông chờ vào sự quan tâm của xã hội.
Món quà tuy nhỏ nhưng đúng vào dịp Tết, cháu nào cũng vui hơn. Dung, cô bé có khuôn mặt tròn sáng và thông minh kể, mẹ Dung mất sớm, bố sau này đi rừng kiếm sống cũng vĩnh viễn không về, 3 chị em Dung đều được sống trong Trung tâm với sự đùm bọc nuôi dưỡng của Nhà nước đã 6-7 năm nay. Dung cũng là niềm tự hào của Trung tâm vì cô học rất tốt, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện.
Thời gian áp Tết này, lũ trẻ phấn khởi mong đến Tết. Những chú lợn trong trung tâm đang được vỗ béo, được thịt ăn và làm nhân bánh chưng. Háo hức nhất là được chạy lăng xăng quanh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, được ngắm mâm ngũ quả, cây quất, cành đào và được vui chơi... Một cậu bé hồn nhiên: ''Năm nào cháu cũng ở lại ăn Tết ở đây vì cháu chẳng còn chỗ nào để đi nữa. Cháu mong đến Tết lắm, dù sao thì Tết cũng vui hơn các ngày thường''.
Dung buồn hay vui khi 3 chị em được tặng quần áo mới đón Tết. |
Ông Lê Trung Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng tổ chức cho các cháu đón Tết trước, khoảng từ 22 - 25 Âm lịch. Sau đó, những cháu khuyết tật và một số cháu mồ côi được người thân đón về ăn Tết với gia đình. Đa số các cháu mồ côi không còn nơi nương tựa thì ở lại. Mỗi cháu được ăn Tết hơn ngày thường với số tiền 20.000 đồng/ngày.
Tết năm nay, có tới 40 cháu ở lại ăn tết. Trung tâm gắng tạo ra không khí Tết ấm cúng và mang không khí gia đình nhất cho những mảnh đời nhỏ nhoi bất hạnh này. Ông Bình cũng cho biết, năm nay, nhiều đoàn khách đăng ký đến thăm và tặng quà cho các cháu mồ côi và khuyết tật ở đây để các cháu đón Tết vui hơn. ''Nhưng nói thật, dù thế nào thì không khí mấy ngày Tết cũng ảm đạm vì đứa về đứa ở'' - ông Bình nói thêm.
Niềm vui nhỏ bé của các cháu không nơi nương tựa trong những ngày Tết chỉ là được chơi thể thao, được đi theo người lớn chúc Tết mọi người xung quanh (trong phạm vi gần). Trong khi trẻ nhỏ khắp nơi được người thân, họ hàng, làng xóm chúc phúc, nhận tiền mừng tuổi, đi chơi đây đó với chúng bạn... thì những cháu nhỏ ở đây vẫn thầm lặng một mình...
-
Kiều Minh