(VietNamNet) - Ngày 19/1, dịch cúm gia cầm lại phát tại 2 hộ chăn nuôi gà ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì trên đàn gà 300 con, có hiện tượng gà chết nhiều. Toàn bộ số gà đã được tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc môi trường và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Thịt gia cầm bán la liệt không biết đâu là gà khỏe, đâu là gà bệnh? |
Theo báo cáo của Cục Thú y ngày 19/1 có thêm 29 điểm phát dịch ở 23 xã, 12 huyện của 6 tỉnh, thành là
Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Nam và Hà Nội với số gia cầm chết, tiêu hủy là 5.670 gà, 8.016 vịt, ngan, ngỗng và 4.930 chim cút. So với ngày hôm qua số diêm phát dịch đã giảm nhưng số gia cầm mắc vẫn cao.Từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 189 xã, 74 huyện của 22 tỉnh là Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Hà Nam, TP.Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, TP.HCM và Hải Dương với số gia cầm chết, tiêu hủy là 101.332 gà, 109.902 vịt, ngan và 150.956 chim cút.
Liên quan đến cúm gia cầm, hôm nay Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp với UBND TP.Hà Nội bàn các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Các biện pháp được đưa ra đó là công tác kiểm soát, ngăn chặn, và dập tắt dịch phải được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền cho người dân cần đặt lên hàng đầu.
Cũng tại cuộc họp, đại diện UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT nhanh chóng đưa ra cách phân biệt gà bệnh và gà khỏe để người dân dễ dàng nhận biết, tránh tình trạng gà khỏe và ốm bị đánh đồng để người tiêu dùng khó xác định. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung cũng cần được quan tâm để tránh việc người dân tự làm thịt gia cầm dễ tăng nguy cơ lây lan bệnh.
-
L.Hà