(VietNamNet) – TPHCM vẫn còn 28/41 “điểm nóng” mua bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch, trong khi nguy cơ nguồn bệnh từ các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, phía Bắc là rất cao; chưa kể công tác phòng chống dịch tại các quận - huyện vẫn còn nhiều lúng túng..
Đó là các nội dung được bàn tới trong buổi họp giữa UBND.TPHCM và ngành Thú y, Nông nghiệp, Y tế và đại diện các Quận trên địa bàn TP vừa diễn ra chiều tối 12/1.
“Phát sinh” thêm 1.000 hộ nuôi gia cầm ?
Phó chủ tịch thường trực UBND.TP Nguyễn Thiện Nhân tỏ ý ngạc nhiên khi đưa ra số liệu (ông tình cờ phát hiện qua báo cáo của ngành thú y – P.V): trước đây TP có 320 hộ nuôi với 800.000 con gia cầm, nhưng chỉ sau một ngày đêm từ 31/12 đến 1/1 đã phát sinh thêm 1.000 hộ nuôi mới với 290.000 con mà hầu hết là nuôi nhỏ, lẻ. Như vậy, những hộ nuôi này có ý đón đầu, kinh doanh trong dịp Tết.
Khả năng nguồn gia cầm này được chuyển từ nơi khác tới? Vậy quản lý đăng ký hộ nuôi đang có “vấn đề”, bởi lẽ đến nay TP chỉ quản lý được 90 hộ nuôi lớn? Ông Nhân cương quyết “Yêu cầu phải có đăng ký mới được nuôi!”.
Trở lại vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của TP: vẫn còn 28/41 “điểm nóng” buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch. Theo ông Nguyễn Phước Thảo – Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn TP (Sở NN&PTNT) tình trạng này xảy ra ở các địa bàn giáp ranh: khu vực chợ Trần Chánh Chiếu, Q5; khu vực cầu Tham Lương, Chợ Cầu, phường 12; đường Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp; khu vực đường Bình Long giáp ranh quận Bình Tân và Tân Phú…
Ngoài một số địa phương làm quyết liệt để dẹp bỏ các điểm này thì vẫn còn một số địa phương xử lý còn lưng chừng, do đó hoạt động kinh doanh vẫn còn tiếp diễn. Ông Thảo cho rằng “Ở TP.HCM với mật độ dân số dày, nhiều khu dân cư, khu công nghiệp… nếu phát sinh dịch bệnh từ các “điểm nóng” này thì hậu quả sẽ rất lớn”. Tuy nhiên ông Thảo tỏ ra lạc quan về thông tin, hiện nay trên địa bàn TP vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus H5N1.
Một nguy cơ khác đến từ bên ngoài là trứng nhập lậu. Từ 29/12/2004 đến 4/1/2005 ngành Quản lý thị trường TP đã phối hợp bắt giữ 2 vụ vận chuyển trứng, tổng cộng trên 125 nghìn trứng từ biên giới Trung Quốc vào TP. Đáng chú ý là số trứng này đi cùng với hàng lậu, có chủ trương, cấu kết chặt chẽ.
Trong buổi họp, đại diện Thú y Bình Chánh tỏ ý lo ngại về nguy cơ xâm nhập dịch cúm từ các tỉnh lân cận. Điển hình ở Bình Chánh, trong khi phía TP tiến hành chốt chặn, thì tại chợ gà Mỷ Yên (giáp ranh Bình Chánh) vịt, gà chưa qua kiểm dịch lại được vận chuyển bằng xe máy chạy theo vào các đường nhỏ, đường tắt đổ về TP. Đó là chưa kể, ở khu giáp ranh, gà vịt chết từ Long An, người dân “vô tư” vứt qua địa giới TP, ngành thú y phải mang đi tiêu hủy.
“Theo tôi, UBND.TP, trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT và các tỉnh tới đây, nên đề nghị các tỉnh giáp ranh phải tham gia phối hợp chống cúm gia cầm” đại diện thú y Bình Chánh nói.
Chống dịch: còn quá nhiều điểm “vướng”
Sau phát biểu của đại diện ngành NN&PTNT về tình hình từ đầu tháng 1/2005 đến nay ngành thú y đã kiểm tra 1.605 mẫu trên 417.000 con gà, vịt, trong đó tỷ lệ dương tính là 1,1 %, Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi “Gà, vịt khi lấy mẫu xét nghiệm dương tính có nên ăn không, nên bán hay không?”...
Ông Huỳnh Hữu Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP cho rằng nguy cơ lây nhiễm là có, nhưng tùy thuộc vào cơ địa, môi trường tiếp xúc của từng người. Trong khi ngành Y tế thì khẳng định đun sôi nấu chín thì không sao; những người trực tiếp chế biến thì có nguy cơ lây nhiễm cao !
Riêng ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Sở NN&PTNN thì quyết liệt “Phát hiện huyết thanh dương tính tới đâu là phải mạnh dạn xử lý tới đó, không thể nấn ná trong trường hợp những đàn gia cầm quy mô nhỏ. Nếu chùn tay không xử lý còn nguy hiểm hơn nhiều, TP đã chính sách hỗ trợ rồi, chúng ta cứ làm”.
Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch tại các quận - huyện cũng được đại biểu thẳng thắn nêu. Trường hợp cán bộ thu ý quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi không được phép kiểm tra tại nhà dân, thậm chí người dân phản ứng chống đối... nhưng không biết xử lý ra sao? Hay trường cán bộ Thú y quận 2, vận động người dân tiêu hủy gia cầm nhưng không thể giải thích cho dân hiểu về chính sách hỗ trợ có gì khác trước hay không (trường hợp tăng số lượng so với đăng ký)…chỉ vì chưa được hướng dẫn?
Còn trường hợp ngành Quản lý thị trường, ngành Thú y đi tiêu hủy trứng, về nguyên tắc người vi phạm phải bỏ tiền túi để tiêu hủy (500 đồng/trứng), nhưng đối tượng bỏ trốn, không có tiền đóng (khi số lượng trứng quá lớn) thì xử lý ra sao ? Đó là chưa kể vấn đề kho bãi, phương tiện vận chuyển trong thời gian chờ xử lý số trứng này cũng chưa ổn...
UBND.TP: phải làm mạnh, cương quyết !
Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ thái độ này trước lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành. Theo ông, việc xuất hiện 1.000 hộ nuôi mới là đột biến, thế nhưng cương quyết không có phép thì không được nuôi! Đối với 28 “điểm nóng” về mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn TP đến ngày 17/1 tới phải chấm dứt ngay họat động. Ông bày cách “Cử các đoàn kiểm tra chốt chặn, xử lý liên tục thì người ta phải “rụt” lại thôi !”… “Nếu chúng ta không làm mạnh, cương quyết để dẹp các điểm này là có tội với đồng bào..Không thể để người dân TP chết vì cúm gia cầm ” - ông Nhân nhắc.
Trong chỉ đạo, Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn yêu cầu Sở Y tế, ngành Thú y trong 2 tuần tới phải trình cho TP phương án xử lý gia cầm bệnh; ngắn hạn là 250.000 con gia cầm và xử lý dài hạn có thể lên tới 500.000 con gia cầm nếu xảy ra dịch.
- Thái Thiện