(VietNamNet) - Nước mắt của hàng triệu nạn nhân da cam có thể được thêm 1 lần ngưng chảy, khi họ biết rằng họ không đơn độc với những khó khăn của mình. Nhưng để nước mắt da cam ngừng chảy, còn cần rất nhiều những tấm lòng cùng góp tay xoa bớt nỗi đau.
Không cầm nổi nước mắt. |
3 đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM đã có một đêm kết nối đầy xúc động, mô tả lại cuộc sống còn rất nhọc nhằn của những nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, nỗ lực vươn dậy của chính họ, với sự góp tay giúp đỡ của nhiều những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước, và cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân đang tiến hành tại Mỹ.
Một người dân quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam tại cầu truyền hình.
Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đã có mặt từ rất sớm, cùng với hàng triệu khán giả truyền hình trong cả nước, theo dõi trực tiếp chương trình này.
"Tôi cùng những bạn bè mình làm công việc này, như là một sự sẻ chia", GS. Nguyễn Trọng Nhân đã phát biểu như vậy từ đầu cầu TP.HCM. Trước ông, GS. Nguyễn Cao Đài đã cống hiến một đời tâm huyết của mình vì những số phận không may mắn. GS. Nhân đã đi cùng và bước tiếp con đường tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, cũng bởi ông là một người thầy thuốc, cũng như cố GS. Nguyễn Cao Đài.
"Nếu tính theo tỷ lệ 20% phơi nhiễm như phía Mỹ đưa ra, thì Việt Nam có 4,8 người nhiễm chất độc hoá học, trong đó có 3 triệu người nhiễm độc dioxin", Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam đã công bố con số thống kê trên tại đầu cầu Hà Nội. Trong khi đó, chất độc da cam/ dioxin đã để lại di chứng lên thế hệ thứ 3 tại Việt Nam.
Mặc dù rất nhiều nạn nhân chất độc da cam đã nhận được sự chăm sóc, nhưng sẽ là còn quá ít so với thống kê nêu trên, khi mà những làng Hoà Bình, Hữu Nghị được thành lập nuôi dưỡng các em trong cả nước đang còn rất khiêm tốn. Có lẽ vì vậy, những món quà, số tiền quyên góp được trong đêm "Chúng ta không vô cảm" này, cùng hàng ngàn chữ ký ủng hộ, sẽ thêm một lần góp phần giúp đỡ cuộc sống của hàng triệu người đang rất khó khăn.
"... Em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn
Em có miệng nhưng không thể cười nói
Em có tai nhưng không thể lắng nghe
Em có chân nhưng không thể bước
Em có đôi tay nhưng không thể ấp ôm
Em có trái tim nhưng đang thoi thóp
Em có một cuộc đời nhưng ai đã lấy đi"
Bài thơ chỉ có 7 câu của Bùi Công Khánh, hoạ sỹ trẻ từng bay qua Hàn Quốc tham gia Hội nghị nghệ thuật trình diễn quốc tế (Art Performance Congress) đọc lên trong tác phẩm trình diễn của mình được phát kèm phóng sự về anh đã khiến nhiều người có mặt tại đầu cầu Hà Nội không cầm được nước mắt.
Mang tên Có - không có (Have - have not), bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn, cùng với video art do anh tự quay, đã khiến những người có mặt tại Hàn Quốc lúc đó cảm thông sâu sắc hơn với nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu
Khi dàn nhạc cùng tốp ca Nhạc viện Hà Nội cất bài ca "Chúng ta không vô cảm" ngân vang, đã khiến người xem rùng mình. Rồi nước mắt vỡ oà khi người xem được chứng kiến tiếng hát trong những ngày cuối cùng của còn nhìn thấy bạn bè của một nạn nhân chất độc da cam ở TP. HCM. Tiếng hát của em đã không kịp đến với Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng hôm nay, bài ca "Tự nguyện" mà em từng hát đã khiến hàng triệu trái tim người Việt nghẹn ngào.
Có thể đêm nay, nước mắt rơi nhiều khi những hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam xuyên suốt 2h đồng hồ nối cầu truyền hình trực tiếp. Nước mắt của hàng triệu nạn nhân đang sống, có thể được thêm một lần ngưng chảy, khi họ biết rằng họ không đơn độc với những khó khăn của mình.
Nhưng để nước mắt da cam ngừng chảy, còn cần rất nhiều những tấm lòng cùng góp tay xoa bớt nỗi đau này!
Đà Nẵng là một trong những trọng điểm cuộc chiến tranh rải chất độc, với trên 5.000 nạn nhân trong đó có 3.000 trẻ em. Là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện chúng ta không vô cảm, từ 19/5 đến nay đã quyên góp hơn 900 triệu đồng. Tham gia cầu truyền hình đêm qua có một gia đình nạn nhân chất độc da cam - vợ chồng anh Trần Văn Hoè 37 tuổi và vợ là Ngô Thị Tính 36 tuổi ở thôn 4 Hoà Khương, Hoà Vang. Có 2 đứa con đứa lớn 4 tuổi, nhỏ 6 tháng… Hải Châu |
-
Trường Giang