221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
560190
"Cú bắt tay" 800 đồng vì trẻ nhiễm chất độc da cam
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
'Cú bắt tay' 800 đồng vì trẻ nhiễm chất độc da cam
,

(VietNamNet) - Hai người bạn: Một người Mỹ, một người Việt bắt tay nhau biến 3 sào đất cằn thành những luống rau xanh, tăng 800 đồng/khẩu phần ăn cho hàng trăm trẻ nhiễm chất độc da cam.

Rau xanh từ bãi đất cằn này sẽ giúp góp 800 đồng/khẩu phần ăn mỗi bữa  cho 120 trẻ thiệt thòi ở làng Hữu Nghị. Ảnh: Hà Trường.

Chiều cuối đông, Hà Nội rét căm căm. Chị Nguyễn Thị Huệ vẫn cặm cụi xới những thân đậu tương đang trỗi dậy khỏi mảnh đất cằn. Gần đó, những luống cà chua xanh ngăn ngắt đã cho trái. Và những thân bắp cải đã cho thu hoạch vài lứa từ đầu vụ.

Mỗi ngày, chị Huệ đạp xe từ xã Liên Mạc (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây), cách ngôi làng có những luống rau xanh mướt này 6km, để tới đây. Công việc chỉ là xới cỏ, trồng rau (hơn 10 loại giống, mùa nào cây đó). và chăm bẵm cho những mầm cây lớn. Hằng tháng, chị vui vẻ nhận thù lao 700 ngàn đồng, cho những ngày công cật lực của mình.

Ngôi làng rộng chỉ 3 ha, nằm sâu mãi xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Tây), có tên là Hữu Nghị (Friendship Village), thành lập từ năm 1998.

Ngay cổng vào, một tấm biển đá hoa cương cắm cờ nhiều quốc gia, ghi rõ "Đề án làng Hữu Nghị theo sáng kiến của ông Geogre Mizo, cựu chiến binh Mỹ (...) Đây là một biểu hiện của hoà bình, hữu nghị và hoà giải". Nơi đây, nuôi dưỡng 120 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, đồng thời là nơi an dưỡng của 30 cựu chiến binh từ 34 tỉnh thành của đất nước.

Mizo là cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Năm 1995, khi sang thăm lại đất nước mà ông và các đồng đội từng gieo rắc những kinh hoàng, ông bắt đầu tiến hành những vận động cần thiết "để góp phần bù đắp lại những nỗi đau" mà ông và những đồng đội của mình đã gây ra, khi hàng chục triệu lít chất độc da cam/dioxin đã được quân đội Mỹ sử dụng rải xuống đất nước đau thương này. Phải mất 3 năm sau, làng Hữu Nghị mới ra đời, với sự đóng góp của nhiều tấm lòng hảo tâm từ Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Anh, Canada và Việt Nam.

Nay, Geogre Mizo đã mất. Nhưng những gì ông để lại đang góp một phần xoa dịu những nỗi đau của các gia đình nạn nhân chất da cam về từ nhiều tỉnh, thành phố. Cháu bé về với làng Hữu Nghị xa nhất, mãi từ tỉnh Quảng Nam.

Hằng ngày, chị Huệ vẫn mỉm cười rất tươi ngước nhìn những đứa trẻ nhẩn nhơ đùa nghịch đến từ ngôi nhà phục hồi chức năng rộng 400m2 ngay cạnh vườn rau chị đang chăm bẵm. Chị biết, mỗi ngày, công sức chị đang bỏ ra, dù chỉ với thù lao ít ỏi, đang góp đầy thêm bữa ăn cho những thân phận trẻ thiệt thòi.

"Cú bắt tay" vì...  800 đồng

Lớp thiểu năng có hơn 20 cháu. Ảnh: Hà Trường

Thành lập từ 1998, nhưng đến mãi tháng 4/2004, làng Hữu Nghị mới bắt đầu "công cuộc" khẩn hoang 3 sào đất hoang hoá sau trung tâm phục hồi chức năng để thực hiện dự án trồng rau cung cấp cho những bữa ăn đạm bạc cho 150 người thường xuyên có mặt tại làng. Câu chuyện gắn liền với cái tên John Berlow.

Chàng cựu sinh viên trường ĐH Havard (Mỹ) từng là người nhiệt tình xuống đường tham gia những cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Đến Việt Nam, John Berlow tham gia dạy tiếng Anh cho các trung tâm, dù chỉ kiếm thêm tiền phục vụ cho việc làm từ thiện của mình. John từng đau đáu nhìn bãi đất hoang hoá ngay sau làng Hữu Nghị, nghĩ cách tận dụng nó, khi mà mỗi bữa ăn, trong khẩu phần đạm bạc của những đứa trẻ vốn đã chịu thiệt thòi, lại phải bớt đi 800 đồng để mua rau, để đảm bảo chất dinh dưỡng.

Mãi tháng 4/2004, trong một hội nghị tại Hà Nội, John mới gặp được người có thể chia sẻ với mình: Phạm Đình Nam, GĐ Cty sản phẩm nông nghiệp bền vững (SAPRO Co.Ltd). Nam là GĐ một công ty chuyên cung cấp phân bón hữu cơ và các sản phẩm rau sạch trồng theo những tiêu chuẩn "sạch" nghiêm ngặt: không có bất kỳ sự can thiệp từ một loại hoá chất nào.

"Các cháu đã là những nạn nhân của một loại hoá chất cực độc đối với sức khoẻ con người: dioxin. Chúng tôi không muốn trong môi trường các cháu đang sống, và trong các thực phẩm các cháu sử dụng hàng ngày, có mặt của bất cứ một loại hoá chất nào. Điều này, có thể đảm bảo từ những luống rau được sản xuất ngay tại làng", ông Đặng Vũ Dũng, Phó GĐ làng Hữu Nghị, tâm sự.

Phải mất 2 tháng rưỡi, 3 sào đất hoang hoá đầy đá sỏi ngay trong làng Hữu Nghị, nơi vốn là địa điểm trồng nấm, mới được làm sạch. Hàng trăm ngày công của CBCNV làng Hữu Nghị, những thanh niên tình nguyện rất trẻ đến từ nhiều trường ĐH-CĐ, và những người làm hợp đồng, đã phải vắt mồ hôi xuống mảnh đất nhỏ này.

Cậu bé này gắng hết sức cũng không thể xếp lại bức hình đơn giản này (trước đó 30 phút em đã xếp xong theo hướng dẫn của cô giáo). Em không thể phân biệt màu sắc đơn giản nhất... Ảnh: Hà Trường

Chị Huệ là một trong những người có mặt ngày đầu "cải tạo" 3 sào đất bạc màu này. Chị kể: "Đất này, ngày tôi mới đến đây, chỉ có cỏ mới mọc nổi".  John Berlow và Phạm Đình Nam cũng cởi trần xới những tảng đất, nhặt những mảnh đá vụn lật lên sau mỗi nhát cuốc, từ những ngày giữa tháng 5 nóng rực. "Tôi phải lái xe chở những bao phân hữu cơ đầu tiên vào để trực tiếp rải lên đất, mới an tâm", anh Nam cho biết.

3 sào đất bạc màu đến nỗi, mỗi sào đất bình thường cải tạo chỉ cần dùng 5kg phân vi sinh, thì cũng diện tích đó tại làng Hữu Nghị phải cần tới... 5 tạ. Giữa tháng 7/2004, khi những hạt giống rau đầu tiên gieo xuống, lên mầm, thì những người trực tiếp vắt mồ hôi lên mảnh đất này mới có thể mỉm cười ngước lên nhìn những gương mặt trẻ thơ ngẩn ngơ ngó xuống từ hành lang gần đó.

Hạnh phúc là sự chia sẻ

Đã nhiều tháng nay, những bữa cơm của đám trẻ ở làng Hữu Nghị đã "đầy" hơn, vì có thêm 800 đồng mỗi bữa vốn trước phải dành mua rau, nay có thể gia giảm thêm nhiều loại thực phẩm khác. Chưa nhiều, nhưng cũng đã là thành quả.

Vườn rau ấm tình này được cũng được đặt tên: Vườn rau Hoà Bình, giữa làng Hữu Nghị. Từ lớp học nhỏ chăm sóc hơn 20 cháu nhỏ thiểu năng, mở cửa sổ nhìn ra, đã là một màu xanh mướt mắt. Rau cải đã cho thuc hoạch, súp lơ đã tốt tươi, bầu bí chuẩn bị bắc giàn, đậu đang trồng đuổi.

Một "Ban quản lý dự án vườn rau" gồm 3 "đối tác" được lập ra, mỗi người lo một phần việc: PGĐ Dũng lo quản lý vườn rau, chăm sóc bữa ăn cho các cháu; John Berlow lo xin kinh phí mua giống, trả tiền cho nhân công trực tiếp chăm sóc; Phạm Đình Nam lo phần kỹ thuật chăm sóc, nguồn phân bón cho hơn 10 loại giống rau trồng trên mảnh đất này. Mỗi tuần, 3 người có một cuộc họp "bàn tính" chuyện lo cho bữa ăn của các cháu vào sáng thứ 3, ngay tại làng Hữu Nghị.

Trẻ em làng Hữu Nghị chỉ có thể xin chụp ảnh bằng cách huơ tay, hoặc với những âm thanh ú ớ trong cổ họng. Ảnh: Hà Trường.

Ông Dũng nói: "Cũng chưa đã đủ nguồn rau, nhưng không còn phải mua nhiều ở ngoài. Chúng tôi cũng không nghỉ mảnh đất cằn này lại có thể làm được nhiều như vậy". Nam cho biết thêm, kế hoạch sẽ chưa dừng ở đó. Anh và John Berlow sau thành công ở vườn rau này, sẽ lại tiếp tục tìm về Thái Bình, nơi cũng có một làng trẻ nhiễm chất độc da cam, để góp thêm một chút muỗng rau xanh vào bữa cơm cho những cháu bé thiệt thòi.

Trong một cuộc gặp với cựu TT Mỹ Bill Clinton, GS. Nguyễn Trọng Nhân (hiện là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam) từng bày tỏ: Điều mà hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang cần nhất, là những động thái thiết thực giúp đỡ cho cuộc sống vốn rất khốn khó của họ. Còn những nghiên cứu khoa học, những cuộc hội thảo, hiện chưa cần là điều phải ưu tiên số một. Thực tế đó, đang hiện hữu, từ những thành quả rất nhỏ, như vườn rau Hoà Bình này.

Mỗi ngày, ông Dũng, vẫn đáo qua vườn rau vài lần, dù chỉ để trông luống rau nào đã có thể thu hái vào cho nhà bếp. Cũng hằng ngày, chị Huệ vẫn đạp xe hơn 6km, để đến vườn rau cặm cụi tưới nước cho những luống rau giữa thời tiết đang vào hạn, rồi mỉm cười hạnh phúc nhìn những bữa cơm bớt đạm bạc của các cháu, dù có nhận phần thù lao còn hạn hẹp.

Cuối mỗi tuần, anh Nam vẫn có thói quen chở đứa con nhỏ vượt quãng đường 20km từ Hà Nội vào làng Hữu Nghị, dù chỉ để ngắm vườn rau nhỏ, và nói với con rằng: "Đây là thành quả của bố".

7 tạ rau xanh đã thu hoạch được, từ 3 sào đất cằn này, sau 5 tháng gieo mầm.

Hạnh phúc, với họ cũng có nghĩa là sự chia sẻ. "Tại sao một người Mỹ như John đến đây để làm nhiều việc ý nghĩa như vậy, mà mình lại từ chối khi những người nhận sự giúp đỡ đó là đồng bào của chính mình?", anh Nam nhớ lại những ngày đầu, khi cùng John Berlow "bắt tay" khẩn hoang 3 sào đất cằn.

Họ đã chọn lựa, và định nghĩa đó là hạnh phúc. Cũng như hạnh phúc mà John Berlow đã chọn, khi rời trường Havard, để xuống đường vì hai tiếng "Việt Nam", cho mãi đến bây giờ.

  • Trường Giang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,