(VietNamNet) - Theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải VN đến năm 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam sẽ có rất nhiều đường cao tốc.
Từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm nhiều tuyến đường cao tốc mới. |
Theo chiến lược này, trên trục dọc Bắc - Nam sẽ hoàn thành nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A từ Hữu Nghị Quan đến Năm Căn, nối thông và nâng cấp toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
Đối với khu vực phía Bắc, sẽ tập trung xây dựng mới đường bộ cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai -, Hà Nội - Thái Nguyên, Lạng Sơn - Hà Nội - Vinh...
Tại khu vực miền Trung, sẽ xây dựng các đoạn đường bộ cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị và đường bộ cao tốc Tây Nguyên đoạn Ngọc Hồi - Chơn Thành; nâng cấp, xây dựng các tuyến đường hành lang Đông - Tây và các đường ngang nối vùng duyên hải với các tỉnh Tây Nguyên, nối cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng, nâng cấp và mở rộng các cảng Cửa Lò, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, cụm cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Ba Ngòi...
Tại khu vực Đông Nam Bộ, sẽ xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dầu Giây - Đà Lạt... Các cụm cảng TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng tàu cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng. Khu vực Tây Nam Bộ sẽ xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, Cần Thơ - Bạc Liêu.
Về kết cấu hạ tầng, phải đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đến năm 2020 phải đạt 15 -25% tổng diện tích đô thị, bao gồm cả giao thông tĩnh và động. Từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng hệ thống vận tải khối lượng lớn cho thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Bao gồm, tàu điện mặt đất, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm...
Đặc biệt, đối với phương tiện vận tải hàng không, sẽ chọn mua thêm những máy bay chuyên vận tải hàng hoá và đội máy bay lên thẳng và cánh cố định chuyên dùng phục vụ nền kinh tế quốc dân và tìm kiếm cứu nạn.
-
TLV