(VietNamNet)- Đó là quyết định của Thủ tướng chính phủ đối với loại phương tiện đang được sử dụng vận chuyển hàng hoá phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi này. Thay thế sẽ là xe tải nhẹ.
Xe công nông là phương tiện vận chuyển hàng hoá đắc dụng ở vùng nông thôn, miền núi... |
Mặc dù thừa nhận loại phương tiện này "có tác dụng nhất định trong việc vận chuyển hàng hoá, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi", nhưng thủ tướng Phan Văn Khải trong chỉ thị 46/2004/CT-TTg vẫn quyết định "Đình chỉ sản xuất mới các loại xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ); nếu đạt an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn mới được đăng ký sử dụng; các xe đã cấp đăng ký thời hạn tối đa được tham gia giao thông đến 31/12/2004".
Chính phủ cho phép các địa phương có thể căn cứ theo điều kiện cụ thể có thể quy định thời hạn sớm hơn.
Nguyên nhân, do xe công nông sản xuất với công nghệ lạc hậu, chất lượng kém và chưa được quản lý tốt nên nhiều xe hoạt động không có đăng ký, chưa được kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nhiều người điều khiển chưa có giấy phép lái xe... nên hoạt động của xe công nông đã gây ra nhiều tai nạn giao thông, trong đó rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Được biết, hiện cả nước có gần 120 nghìn xe công nông các loại (đầu dọc, đầu ngang, xe tự chế...), gồm khoảng 66 nghìn xe máy kéo nhỏ và 54 nghìn xe lắp ráp từ các động cơ diezel một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô.
Theo lộ trình, trước mắt các loại xe công nông tham gia giao thông phải có đăng ký, đăng kiểm. Xe có kết cấu tương tự ô tô phải được kiểm tra định kỳ chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Người điều khiển phải có giấy phép lái xe.
Xe ô tô tải nhẹ được lựa chọn là phương án thay thế xe công nông bị thải loại. Bộ Công nghiệp được giao chuẩn bị cung cấp đủ số lượng ô tô tải nhẹ với giá cả phù hợp để đáp ứng nhu cầu thay thế theo thời hạn trên.
Trong thời gian tới, tất cả các xe công nông lưu hành phải được cấp biển số.
-
Hà Trường