(VietNamNet) - Mưa ngập đã khổ, đằng này trời nắng... cũng ngập! Nỗi khổ phải sống chung với "lụt" của nhiều người dân TP.HCM cứ kéo dài từ năm này sang năm khác, nguyên nhân khi thì hệ thống thoát nước yếu kém hoặc khi lại do triều cường...
Nỗi khổ người trong cuộc
Chẳng mấy chốc, cả căn phòng lênh láng, nước đã ngập hơn nửa mắt cá chân. Nhìn sang nhà bên cạnh, chị Hạnh vừa dùng thau tát nước ra ngoài, vừa luôn miệng nhắc chồng cúp cầu dao điện, kê những đồ gia dụng sử dụng điện lên cao. Tát một hồi, thấy nước lại càng dâng cao hơn, chị nản trí quăng bịch cái thau, lấy tay quệt mồ hôi, miệng lẩm bẩm "...Triều đợt này cao quá, tát không xuể!”.
Trong những ngày đầu tháng 9 qua, ảnh hưởng của triều cường đã làm TP.HCM bị chìm ngập trên diện rộng. Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 8 như: Mai Hắc Đế, Lưu Hữu Phước... hay những tuyến đường thuộc huyện Nhà Bè như Đào Sư Tích, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Bình... mực nước cao hơn 0,5m. Nhiều người dân đã phải khổ sở vì đợt triều cường này, chị Bé nhà ở đường Mai Hắc Đế (Q.8) cho biết, để đề phòng ngập lụt, đầu mùa mưa năm nay, nhà chị đã bỏ gần 1,5 triệu đồng để nâng nền. Thế nhưng, vẫn không thể thoát khỏi cảnh ngập. Những lúc có xe lớn chạy qua, nước lại như những đợt sóng đập ào ào vào nhà.
“Thật khó chịu, tôi làm tiếp tân cho một công ty nước ngoài. Họ buộc phải mặc đồng phục áo dài mỗi ngày. Vào mùa triều cường này khổ sở thật không thể kể xiết” - chị Vân Anh (Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh) nói. Chị cho biết thêm, cứ khoảng 5h là nước triều từ ống cống cứ tuôn lên ào ạt, nước đen đặc như cà phê đen, bốc mùi hôi khủng khiếp. Đến giờ đi làm, chị buộc phải trèo lên xe máy, quần xắn lên cao gần bắp vế rồi từ từ lên ga xé dòng nước đen ngòm ngập nửa bánh xe mà chạy. Có hôm xe tắt máy buộc phải xuống dẫn bộ thế là cả bộ áo dài ướt sũng nước, đành lại phải quay trở về nhà thay bộ đồ khác.
Anh Nguyễn Hoàng Giang (Lê Hữu Phước, Q.8) cũng rất bức xúc: “Nước tuôn lên từ cống rất độc, lội thứ nước này vài ngày, chân tôi đã nổi ngứa, lở loét thật khó chịu. Tôi lại bị chứng viêm xoang mũi, ngửi thứ nước này là cả ngày đầu cứ nhức suốt” - anh rùng mình.
Triều cường khiến nước ngập gần đến đầu gối. |
Van chặn triều cường và máy bơm - vô phương cứu chữa!
Từ nhiều năm nay, khu vực đường Chu Văn An (Bình Thạnh), Mai Xuân Thưởng (Q.6) lâm vào cảnh ngập nước triền miên. Đầu năm 2004, những khu vực này đã được Công ty Thoát nước đô thị đầu tư lắp đặt van chặn triều cường, máy bơm nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết, trong những ngày qua, chỉ tính riêng khu vực nội thành đã có đến 31 điểm ngập thuộc các Q.4, 6, 7, 8, Bình Thạnh. Nếu so sánh với cùng thời điểm năm trước, số điểm ngập năm nay đã tăng lên khá nhiều, phạm vi ngập nước rộng và thời gian rút nước kéo dài hơn. Việc lắp đặt một số van chặn triều cường, hay sử dụng máy bơm để hút nước cũng chỉ là giải pháp tính thế, không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
TP.HCM hiện hình thành rất nhiều khu dân cư, khu đô thị mới. Nhưng điều đáng nói là trong những dự án khu dân cư ấy, các nhà thực hiện dự án chỉ chú trọng giải pháp xử lý thoát nước trong phạm vi dự án mình phụ trách. Xét trên diện rộng, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư mới này không được nối kết liên hoàn với những vùng kế cận, dẫn đến cảnh nơi này thoát ngập thì nước lại chảy về địa điểm mới, nơi có địa hình trũng, thấp hơn.
Trong thực tế, quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị luôn nảy sinh và tồn tại những mâu thuẫn. Một mặt, do nhu cầu muốn tăng quỹ đất xây dựng, người ta có xu hướng muốn lấp các ao hồ, kênh rạch. Mặt khác, theo yêu cầu thoát nước đô thị, người ta lại muốn giữ lại các ao hồ, kênh rạch hiện có. Giải quyết mâu thuẫn này đòi hỏi những người làm quản lý phải có cái nhìn thật rộng và xa. Một vấn đề đang được đặt ra và cần nhanh chóng xác định đó là cốt-san nền cho toàn thành phố.
Ông Trần Đình Phú, Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM cho biết, phải nhanh chóng xác định được điều này. Vì đây chính là một trong những cơ sở để giải quyết những vùng dân cư bị ngập.
-
Trần Duy