(VietNamNet) - Quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý, dịch cúm gia cầm dù đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng gần đây vẫn diễn biến phức tạp ở các nước trong khu vực; nguồn lây bệnh khó kiểm soát, nguy cơ tái phát cao.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ông Bùi Quang Anh, cho biết, kết quả nổi bật nhất trong Tháng Hành động Phòng chống dịch cúm gia cầm là số điểm có bệnh giảm rõ rệt. Trong khoảng thời gian này, dịch bệnh chỉ xảy ra ở 8 cơ sở chăn nuôi hộ gia đình, thuộc 5 xã ở 5 quận, huyện của 5 tỉnh, thành. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 530 con gà, 1.775 con vịt, ngan và 2.500 chim cút.
Trong tháng 8, những tỉnh xuất hiện bệnh là Hậu Giang, TP.Hà Nội, Hải Dương, Quảng Trị và Hà Tây. Còn tháng 9, chỉ có một điểm dịch được ghi nhận phát ra ngày 13/9 trên đàn vịt 1.533 con ở xã Thanh Xuân, huyện Châu Thanh A, Hậu Giang. So với một tháng trước, tức từ 8/7-8/8, thì trong Tháng Hành động, số tỉnh xảy ra dịch bệnh giảm 60%; số quận, huyện giảm 70%; số xã giảm 80% và số gia cầm chết và tiêu hủy cũng giảm hơn 90%..
Tháng Hành động Phòng chống dịch cúm gia cầm được Bộ NN&PTNT phát động ngày 9/8, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác và ý htức hợp tác của cộng đồng trong phòng, chống dịch cúm gia cầm và đặc biệt là được thực hiện đồng loạt ở tất cả các địa phương, với nhiều biện pháp phòng chống dịch một cách đồng bộ, mạnh mẽ để khống chế, ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xảy ra, tránh nguy cơ tái phát dịch ở Việt Nam. |
Hưởng ứng Tháng Hành động, hầu hết các tỉnh, thành đều duy trì và củng cố Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp, chỉ đạo phối hợp với Ban thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông duy trì hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn tỉnh, thành phố. Với mục đích đảm bảo không để dịch cúm gà lây lan theo con được cung cấp giống gia cầm, các trung tâm thú y đã tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh ở các trại do TW quản lý (Viện Chăn nuôi, Tổng công ty Chăn nuôi) và các trại giống của các công ty nước ngoài. Kết quả cho thấy, các trại giống này đều an toàn và đã xuất bán hàng triệu con giống.
Tuy nhiên, để tiếp tục chủ động phòng tránh nguy cơ lây lan của dịch cúm từ việc buôn bán gia cầm sống, Cục Thú y cũng cho biết, đến năm 2005 sẽ quy hoạch lại toàn bộ vùng giết mổ tập trung tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ cùng hỗ trợ kinh phí tổ chức xây dựng các trung tâm giết mổ gia cầm; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, tại các vùng có nguy có mắc dịch cao như Tây Nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng phải siết chặt kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm theo đúng quy định của thú y. Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, gồm Viện Thú y, Viện Chăn nuôi, Cục Nông nghiệp tiếp tục kiểm tra, kiểm soát toàn bộ tình hình tại ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; các cơ sở giống, các cơ sở chăn nuôi trực do TW quản lý.
Về việc tái phát dịch cúm gia cầm ở Thái Lan, Malaysia và đang có nguy cơ lây lan sang gia súc, sang người, ông Bùi Quang Anh khẳng định, ở Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy cúm gia cầm lây sang người. Tuy nhiên, Việt Nam đã thiết lập một cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin chặt chẽ với hai nước trên nhằm nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ lây lan dịch bệnh qua đường biên giới.
-
H.Yên