(VietNamNet) - Theo lời “tư vấn” của một thanh niên cùng xóm, H.N, 15 tuổi, tìm đến gái bán dâm để… triệt tiêu mụn trứng cá trên mặt. Hậu quả là cậu bé nhiễm bệnh lậu, dù chỉ “chữa bệnh” đúng 1 lần.
Lời quân sư "quạt mo" lúc nào cũng có lý
H.N kể lại với chuyên viên của Trung tâm tư vấn Pasteur, theo giải thích của thanh niên trên thì em bị chứng “tức hạ phá thượng”, nên để chữa trị những cái mụn đáng ghét kia thì đó là cách duy nhất. Anh ta còn chứng minh cho N. thấy mình đã từng làm như thế nên mặt không có cái mụn nào.
T.L, 13 tuổi lại được hướng dẫn theo cách khác. Một người làm công trong gia đình L. nhiều lần nói với cô bé “nếu ăn nhiều đu đủ sau khi quan hệ tình dục thì sẽ không có thai…”. L. nghe theo và tin đó là sự thật. Rồi trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn của người làm công này, chị ta đã rủ L. quan hệ tình dục với một thanh niên cho biết và hai chị em sẽ ăn đu đủ để không bị gì. Suốt hai tháng sau đó, ngày nào mẹ L. cũng thấy con mình ăn đu đủ dù trước đó em chẳng thích gì trái này. Khi thai được gần 4 tháng, cả nhà mới phát hiện…
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Giám đốc TT Tư vấn Pasteur cho biết, trẻ rất dễ bị tác động bởi kiểu tư vấn “quạt mo” này, nhất là ở chuyện nhạy cảm về giới tính, sức khỏe sinh sản. Vì những quân sư này thường là người thân quen với gia đình trẻ và luôn lấy chính bản thân mình ra làm “bằng chứng sống” cho những lời tư vấn đó.
Rất nhiều trẻ vị thành niên gọi điện đến trung tâm thắc mắc: vì sao đã làm đúng theo lời khuyên của người này, người kia mà vẫn có thai (với nữ) hoặc nhiễm bệnh (với nam). Khi chuyên viên tư vấn hỏi cụ thể những lời khuyên này thì mới giật mình vì chất “quạt mo” quá nghiêm trọng của nó. Ăn đu đủ, rau răm, lá gừng hoặc xịt nước vào cơ quan sinh dục… ngay sau khi quan hệ để tránh thai đối với các em gái; hay quan hệ tình dục để hết vỡ tiếng, trị mụn, tóc quăn thành tóc thẳng, cao to hơn… với em trai là những hướng dẫn mà đa số trẻ được người lớn chỉ vẽ.
Đồng thời, theo nhiều chuyên viên, bác sỹ tâm lý trẻ em thì hiện nay trên thị trường có quá nhiều loại sách tư vấn giới tính cho trẻ được viết theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy…sai”. Bà Thương dẫn chứng một cuốn sách dạng này do một thạc sĩ, chuyên viên tâm lý viết nhưng lại phân tích những giai đoạn tuần tự của một cuộc quan hệ tình dục, rồi giải thích thế nào là “cao trào”, “khoái cảm” hay tiêu chuẩn của một dương vật ngắn, dài… Rõ ràng, loại sách này đang bị thả nổi trên thị trường, trong khi tác động của nó đến trẻ em lại vô cùng lớn.
Những rào chắn trong gia đình
Bố mẹ luôn là người gần gũi và theo sát trẻ trong từng giai đoạn trưởng thành, vì vậy, đây là nhân tố quan trọng nhất trong việc định hướng để trẻ có nhận thức, hiểu biết đúng đắn về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, hiện nay lại có quá ít bậc phụ huynh hiểu và làm đủ, đúng việc này.
Có một bà mẹ khi bất chợt nhìn thấy cậu con trai 15 tuổi của mình thủ dâm đã lăn đùng ra ngất xỉu, khi tỉnh dậy thì đòi “một là mày chết hai là mẹ chết cho đỡ xấu hổ”. Một ông bố phát hiện con trai xem phim sex trên mạng đã ném thẳng chiếc máy tính từ tầng hai xuống đất.
Một vị phụ huynh khác tìm thấy trong cặp của con gái tập photo truyện Cô giáo Thảo đã bắt con quỳ suốt một ngày trong phòng, còn mình thì đi tới đi lui hết la mắng đến đòi tự tử vì có “một đứa con quá hư hỏng”… Tất cả những trường hợp này khi gọi điện đến TT Tư vấn Pasteur và tổng đài 1088 đều cho biết họ phát điên lên vì hành động của con mình và không thể lý giải được vì sao chúng lại như vậy.
Nhiều em cho biết khi hỏi về việc có thai, hay những biến đổi về cơ quan sinh dục… thường bị bố mẹ gạt ngang không trả lời, thậm chí còn bị tát tai vì “còn nhỏ mà đã hư thân mất nết”. Có em khi xin đi picnic, cắm trại với bạn bè, có cả bạn trai thì được cha mẹ chỉ ra hàng loạt điều xấu xa như: trai gái tụ tập lúc nào cũng dễ sinh chuyện, hay đi chơi, hoạt động nhiều sẽ mệt, tối đến ngủ say dễ bị các bạn trai dở trò bậy bạ… Em T.N, 15 tuổi, từng phá thai nói khi chơi chung với bạn bè, cả trai và gái, em không bao giờ nghĩ đến những chuyện này. Nhưng từ khi, một bạn trai chở dùm em về nhà, mẹ thấy và la mắng, cấm đoán nhiều lần thì em bắt đầu tò mò…
Bà Nguyễn Thị Huệ, TT Tư vấn 1088, Văn phòng AIDS TP.HCM cho rằng, nhiều bậc phụ huynh đã dựng lên một rào chắn ngay trong gia đình, trẻ bị cấm cản thường cố vượt qua và khó tìm được cơ hội quay trở lại. Khi đó thì các em bị thường bị hút vào những nguy cơ bất lợi cho bản thân. Mặc dù, hàng rào đầu tiên bảo vệ trẻ chính là cha mẹ, tuy nhiên, nó thường quá lỏng lẻo hoặc không được sử dụng đúng mục đích.
Tiến sĩ xã hội Nguyễn Thị Oanh nhận định, cản ngại lớn nhất trong vấn đề này là vướng mắc về văn hóa. Chuyện tình dục còn bị nhiều người xem như một điều xấu xa, tội lỗi không thể nói ra được, nhất là với trẻ con. Vì vậy mà trẻ không được hưởng một nền giáo dục giới tính chính thống. Thậm chí có nhiều thầy cô vẫn còn… mắc cỡ khi giảng dạy cho học sinh vấn đề này. Và cũng chính vì vậy mà chương trình đưa giáo dục giới tính vào trường học dù triển khai bao nhiêu năm nay cũng chỉ dừng lại ở mức thí điểm. Và cũng trong tọa đàm về giáo dục giới tính cho trẻ em diễn ra ngày 29/9 tại TP.HCM, những người trong ngành giáo dục không có mặt, dù đã được mời.
-
Linh Trúc