(VietNamNet) - Gần hai năm nay, mỗi tuần hai buổi, phòng máy của Công ty Tin học IDC (số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM) có một lớp đặc biệt đào tạo đồ hoạ cho 28 trẻ khiếm thính đến từ các trường Hy Vọng 1, Hy Vọng Bình Thạnh, Hy Vọng Gò Vấp...
Khởi đầu... miễn cưỡng
Thầy Nguyễn Duy Thơ đang hướng dẫn trẻ khiếm thính. |
Lớp học đặc biệt này có hai giáo viên: thầy Nguyễn Duy Thơ (giảng viên của IDC) và cô Triệu Thị Đào (giáo viên trường Hy Vọng Bình Thạnh). Cô Đào nguyên là học trò thầy Thơ, sau khi theo học đồ hoạ, tin rằng những đứa học trò của mình có thể học và lấy đó làm sinh kế nên gõ cửa xin IDC hỗ trợ đào tạo... miễn phí. Đề nghị này được cô Bùi Thu Thảo - Trưởng phòng Đào tạo của IDC ủng hộ. IDC cử thầy Thơ đứng ra giảng dạy trong một năm, với sự tham gia của cô Đào trong vai “thông dịch viên” phụ giảng.
Thầy Thơ tâm sự: “Lúc đầu, tôi nhận lời vì cả nể. Thế nhưng sau khi tham quan trường Hy Vọng Bình Thạnh, tôi thực hiện công việc hoàn toàn tự nguyện. Tôi đến nơi vào giờ ra chơi của các em song cả trường lặng như tờ. Hơn một trăm học sinh nhưng mỗi em lặng lẽ một góc. Các cô giáo cũng vậy, túm năm, tụm ba, nói năng khẽ khàng. Trong tôi, sự thương cảm dậy lên và tôi thèm làm được điều gì đó cho những đứa trẻ không may này...”.
Thầy Thơ vẫn còn tiếp tục ngỡ ngàng khi: “Ngày đầu tiên vào lớp, tôi rùng mình vì những tiếng ú ớ như người ngủ mớ phát ra từ các em. Chúng cố chào cho tôi nghe song chỉ khiến âm thanh càng trở nên méo mó. Tôi muốn bật khóc khi đọc được trong hai mươi mấy đôi mắt trẻ thơ kia lòng biết ơn, sự háo hức không thể diễn đạt được bằng lời...”.
Có bảy năm giảng dạy ở IDC, song thầy Thơ vẫn gặp vô số khó khăn với những học trò đặc biệt này. Những ngày đầu, thầy trò trao đổi với nhau qua “thông dịch viên” mặc dù không phải ý tưởng nào cũng có thể diễn dịch. Dù các em biết đọc biết viết nhưng với nhiều khái niệm thì cả thầy lẫn “thông dịch viên” đành chịu thua. Không ít chỗ phải truyền đạt theo kiểu cầm tay truyền đạt, hy vọng khi làm theo, các em sẽ “ngộ” ra ý nghĩa. Thông thường, dạy chương trình đồ hoạ cơ bản mất 18 tuần song với những học trò đặc biệt này, thầy Thơ phải bỏ ra một năm rưỡi...
Và tự nguyện lãnh nhận
Càng dạy, thầy Thơ càng thấy không thể bỏ cuộc. Lớp chỉ có khoảng năm em nhạy bén hơn người bình thường, còn những em khác chậm hơn, thậm chí có em tâm thần chậm phát triển nhưng tất cả đều học miệt mài. Có nhiều chỗ khó dạy quá, thầy Thơ định bỏ qua nhưng học trò không chịu, đòi học bằng được.
Phòng học có 80 máy, lớp chỉ sử dụng 28 máy, số máy còn lại để cho các giáo viên khác của IDC dạy lập trình, khai thác internet,... Dĩ nhiên, đám học trò thầy Thơ không ngừng quan sát, học lóm, đề nghị ông giải thích thêm. Có những em như Nguyễn Thị Minh Châu nhà ở phường 21, quận Bình Thạnh, cả cha lẫn mẹ đều câm điếc, đã miệt mài học “để có thể đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Hoặc như Lý Minh Tâm, nhà ở phường 22 quận Bình Thạnh, bị cha mẹ bỏ rơi phải nương nhờ bà ngoại, đã cương quyết “học tới cùng để tìm cơ hội vào đời cho mình”...
Gần hai năm qua, chỉ có ba học sinh bỏ học giữa chừng (hai vì lý do sức khoẻ, một vì gia cảnh khó khăn). Thầy Thơ bảo: “Các em có thể bỏ mình chứ mình không bỏ chúng nó được”. Ngay cả Công ty IDC, lúc đầu chỉ định hỗ trợ về cơ sở vật chất trong một năm nhưng nay đã tán thành chuyện: “Sẽ dạy tới chừng nào cảm thấy xong mới thôi”.
Bây giờ, lũ trẻ đã học xong phần căn bản, có thể dùng CorelDraw, Photoshop để thiết kế những mẫu đơn giản. Kế hoạch nửa năm tới của thầy Thơ là dạy những kỹ năng mang tính “nghề nghiệp” như phục hồi ảnh cũ, in card, in lụa, thiết kế, trình bày văn bản... Ông rất tin rằng mình có thể kiếm việc cho lũ học trò của mình. Trong thực tế, đã có một vài doanh nghiệp như Công ty Điện tử Tân Bình (VTB) ngỏ ý giúp đỡ nhưng thầy Thơ chưa thật sự yên tâm vì học trò của ông chưa đủ vững vàng cả về nghề nghiệp lẫn tâm lý trong việc hoà nhập cộng đồng. Ông sợ sự tiếp nhận vì tội nghiệp sau này sẽ gây khó khăn cho cả hai bên...
Từ các học trò của mình, thầy Thơ nghĩ nhiều đến việc hướng nghiệp cho người khuyết tật: Nên dạy họ đủ cách “bắt cá”, đừng câu nệ “câu” hay “lưới”. Cũng vì vậy, không nên xem đồ hoạ như hướng ra duy nhất. Lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều hướng để các em lựa chọn theo sở thích, và TPHCM hiện không chỉ có 25 đứa trẻ khiếm thính hay khuyết tật. Cũng vì vậy, ông mơ có một phòng máy riêng để hướng nghiệp cho những đứa trẻ không may, để giúp các em có đủ điều kiện học các nghề chúng thích và xã hội cần. Cần làm như vậy, bởi để một doanh nghiệp như IDC cứ san sẻ mãi trách nhiệm này chẳng khác gì “không biết điều”. Cũng đã có nơi như Trường Tin học Huy Hoàng tặng ông một số máy và bàn ghế cũ nhưng ông đã tặng lại trường Hy Vọng Bình Thạnh. Hiện nay, thầy Thơ vẫn tiếp tục dành dụm tích luỹ để thực hiện ước mơ ấy...
-
ECHIP