221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
514888
Giúp người mù lướt web
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Giúp người mù lướt web
,

(VietNamNet) - Gần đây, giới truyền thông nhắc nhiều đến Trần Bá Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai với sản phẩm "Trình duyệt web dành cho người mù" (Sao Mai browser).

Trần Bá Thiện.

Nhiều người xem anh như một chuyên viên tin học nhưng anh Thiện đính chính: "Tôi cũng là người ứng dụng như mọi người. Sự khác biệt nếu có chỉ ở chỗ tôi bị mù nên hướng sự quan tâm của mình vào các chương trình dành cho người mù".

Năm 1998, anh Thiện tham gia vào một nhóm hợp tác với công ty Scitec xây dựng phần mềm Nguyễn Đình Chiểu (NDC). Đây là một trình soạn thảo văn bản, tương tự chương trình Microsoft Word nhưng có khả năng đọc màn hình. Các thao tác của người sử dụng được chuyển thành tiếng nói theo nhiều chế độ: đọc từng chữ, từng từ hay từng câu. Ngoài ra, còn có thể chuyển văn bản từ chữ thường sang chữ nổi để in bằng máy in chữ nổi. Nhờ phần mềm miễn phí này mà người khiếm thị ở Việt Nam có thể tiếp cận với tin học. Trước đó, trên thế giới đã có phần mềm Jaws, nhưng chỉ người khiếm thị nào giỏi ngoại ngữ mới dùng được.

Tháng 8/2003, anh Thiện cùng với một người bạn là thạc sĩ Nguyễn Tiến Hiệp - Việt kiều Pháp, làm phần mềm Vì người mù Việt Nam (VMV). Phần mềm này có một số chương trình ứng dụng dành cho người khiếm thị như: Máy tính điện tử, Đồng hồ điện tử, Lịch âm dương, Xplayer (giúp nghe nhạc), Thông tin hệ thống, Quản lý tập tin... và một số tài liệu hướng dẫn việc học tin học, sử dụng máy tính, sách, truyện... VMV cũng là phần mềm miễn phí, bổ sung thêm nhiều ứng dụng vào danh sách các ứng dụng CNTT dành cho người khiếm thị.

Năm 2003, Trung tâm Sao Mai tham gia chương trình “Ngày sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Dự án “Thiết kế trình duyệt Web cho người khiếm thị” của Sao Mai được tài trợ 10.000USD. Anh Thiện cùng các đồng sự đến từng cơ sở của người khiếm thị, khảo sát yêu cầu rồi “đặt” công ty Scitec thực hiện. Chương trình có thể giúp người khiếm thị “xem” các trang Web tiếng Việt và tiếng Anh bằng âm thanh. Khi mở trang Web, trình duyệt sẽ đọc các thông tin trên các mục cơ bản như trang Web có bao nhiêu cột, tiêu đề, các khung, biểu mẫu, đường link... Những phần nào được hiển thị dưới dạng văn bản thì trình duyệt có thể đọc nội dung. Đến nay, trình duyệt Web này đã hoàn tất về cơ bản, đang chạy thử nghiệm. Nhờ vậy, người khiếm thị có thể lướt Web. Nhóm thực hiện sẽ thêm một số tính năng nữa như thay đổi tốc độ đọc (nhanh hay chậm).

Nhiều tháng qua, Trung tâm Sao Mai và Công ty Scitec còn tiến hành nâng cấp trình soạn thảo văn bản NDC 3.7 để nó có thể chạy trên Win XP. Trong lần nâng cấp này, trung tâm sẽ làm bộ đọc mới thay cho bộ cũ do Scitec thực hiện từ đầu thập niên 1990, với mục tiêu có thể thay đổi tốc độ, tần số đọc, đặc biệt là có thể xài trực tiếp trên các phần mềm khác của Windows. Từ trước đến nay, muốn đọc văn bản ở chương trình nào, người khiếm thị phải cắt, dán chúng vào NDC.

Hai chương trình đang trong quá trình hoàn thiện này cũng sẽ đựơc cung cấp miễn phí.

Nhiều người thắc mắc, một người tự cho là chưa rành về tin học, lại bị mù như anh Thiện thì tham gia làm phần mềm như thế nào? Anh bảo, người mù chưa thể lập trình được, mình chỉ tham gia vận động kinh phí, nhân lực, thu thập yêu cầu của người dùng và kiểm tra chất lượng bằng cách dùng thử... rồi góp ý.

Trung tâm Sao Mai do anh Thiện làm phó giám đốc có chức năng nghiên cứu các ứng dụng, sản xuất sản phẩm và đào tạo tin học phục vụ người mù. Từ nơi này, nhiều dự án, hội thảo về CNTT cho người khiếm thị đã ra đời (như dự án đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị mà e - CHÍP đã giới thiệu trên số 48).

Ngày “Bảo vệ và chăm sóc người tàn tật Việt Nam” (18/4) năm nay, người ta thấy anh Thiện xuất hiện nhiều trên truyền hình, báo chí, các diễn đàn. Nhận thức xã hội về khả năng tiếp cận CNTT của người khiếm thị chưa đầy đủ. Anh muốn nói thay bạn bè đồng cảnh về những thiệt thòi của người khiếm thị. Cụ thể nhất là việc người khiếm thị đã có trình duyệt Web thích ứng cho mình. Nhưng cách thiết kế các Website hiện nay chưa tạo điều kiện hỗ trợ để người khiếm thị có thể tiếp cận chúng một cách thuận lợi.

Tâm sự của anh Thiện cũng là ý nguyện của người khiếm thị đã được gửi đến nhiều nơi: “Người khiếm thị cũng là một bộ phận trong cộng đồng. Chúng tôi mong muốn và có quyền được nắm bắt thông tin từ một trong những kênh quan trọng như Internet. Trước tiên là ở các Website thông tin công cộng. Đây là vấn đề tương đối mất thời gian, nhưng chúng tôi mong được tạo cơ hội để có thể tự mình vượt các rào cản”.

Năm nay 46 tuổi, Trần Bá Thiện bị mù đã 26 năm. Điều khiến anh hối hận sau khi không còn nhìn thấy ánh sáng là lúc còn lành lặn, đã không giúp gì đựơc cho ai, nhất là người tàn tật. Trong số những người khiếm thị ở Việt Nam, anh Thiện may mắn hơn nhiều người khi có vợ hiền, con xinh, sớm được tiếp cận với tin học (1998), được học đại học (đang là sinh viên khoa xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM). Lúc này, anh Thiện xem nỗ lực “chia sẻ” là cách để tự giúp mình, giúp người.

NHỮNG KIẾN NGHỊ MÀ TRẦN BÁ THIỆN THA THIẾT MONG ĐƯỢC CÁC NHÀ THIẾT KẾ WEB QUAN TÂM:

- Đừng sử dụng văn bản được tạo ra từ việc quét bằng máy scanner
- Đừng dùng nhiều bảng mã chữ khác nhau, sẽ khiến cho trình duyệt không hiểu
- Nhạc nền (background) khá thú vị với bạn đọc sáng mắt, nhưng là trở ngại đối với người khiếm thị vì họ phải nghe cùng lúc nhiều loại âm thanh khác nhau. Cho nên, việc nhúng nhạc như vậy hãy là một tùy chọn chứ đừng mặc định.
  • Nguyễn Mỹ
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,