221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
510090
VKSND tỉnh Bến Tre truy oan rồi… để mặc!?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
VKSND tỉnh Bến Tre truy oan rồi… để mặc!?
,

Ông Châu Ngọc Ngừng với chồng hồ sơ khiếu nại bồi thường oan sai.

(VietNamNet) – Chỉ mới nghi thôi đã khởi tố, bắt giam rồi truy tố; nay trắng đen đã rõ, họ vô tội vậy mà VKSND tỉnh Bến Tre lại thoái thác trách nhiệm. 

 

Cứ nghi là bắt!

 

Cuối thập niên 80, ông Châu Ngọc Ngừng là Thị ủy viên, Bí thư Chi bộ phường 6, thị xã Bến Tre. Lúc ấy, ông được đánh giá là 1 cán bộ lãnh đạo có năng lực của địa phương, là cán bộ nòng cốt nằm trong cơ cấu phát triển. Nhưng, tương lai xán lạn đang đợi chờ ông ở phía trước đã đóng sập lại với hàng loạt quyết định sai lầm của các cơ quan tố tụng.

 

Ngày đó, Bí thư thị xã là ông Trần Đông Phong đã khuyến khích cán bộ, đảng viên nếu có quan hệ, quen biết với các tổ chức kinh tế Nhà nước hay tư nhân nên thu hút họ về mua bán, kinh doanh làm lợi cho địa phương. Tuy nhiên, phải đúng pháp luật. Ở phường 6, nơi ông Ngừng làm Bí thư dù mang tiếng là nội thị nhưng đường sá đi lại rất khó khăn, trường học cho con em xập xệ, rách nát, thiếu thốn đủ điều. Việc này đang là nỗi băn khoăn trăn trở của ông Bí thư cũng như các vị lãnh đạo địa phương.

 

Trước chủ trương của cấp trên, với tính năng động, khẳng khái vốn có của người Nam bộ, ông Ngừng với cương vị là Bí thư chi bộ đã sẵn có mối quan hệ rộng và rất nhiều bạn bè tốt sẵn sàng giúp đỡ  khi ông lên tiếng.

 

Giữa lúc đó, ông được 1 người bạn làm ở Công ty Cung ứng tàu biển và đại lý xăng dầu Vũng Tàu cho biết đang có 1 lượng phân urê cần bán trả chậm nhờ ông giới thiệu đối tác làm ăn ở Bến Tre. Ông Ngừng đã tìm được 2 nơi đồng ý mua hàng là HTX mua bán Phú Ngãi do Hồ Văn Hoàng làm chủ nhiệm và Công ty XNK huyện Ba Tri do Nguyễn Văn Quang làm Giám đốc. Qua giới thiệu của ông, phía Vũng Tàu cùng 2 đơn vị  ở Ba Tri (Bến Tre) đã ký hợp đồng làm ăn với nhau. Phía Ba Tri tự nguyện đặt vấn đề nếu vụ mua bán thành công ông Ngừng sẽ được hưởng hoa hồng 30 đồng/kg. Do mua hàng trả chậm nên theo thủ tục cần phải có đơn vị đứng ra bảo lãnh, vì thế phía Ba Tri đã nhờ ông Ngừng giới thiệu đến gặp Trần Văn Khâm - Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp để xin bảo lãnh và đơn vị này đồng ý. Sau khi việc giao nhận  hoàn tất, ông được Hoàng và Quang chi cho số tiền hoa hồng được 66.870.000 đồng, theo thỏa thuận nói trên.

 

Thế nhưng, do làm ăn không hiệu quả, lại có hành vi không minh bạch nên Hoàng và Quang bị Công an huyện Ba Tri, sau đó là công an tỉnh khởi tố, bắt giam về nhiều tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "tham ô tài sản XHCN"... Sau 2 bị can này, ông Ngừng cũng bị khởi tố bắt tạm giam với 2 tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và "nhận hối lộ" vào ngày 8/12/1990.

 

Không có tội cũng phải trả lại tiền!

 

Vào buổi sáng định mệnh ấy, khi ông Ngừng đang chủ trì cuộc họp tại phường thì công an ập vào và đọc lệnh bắt và khám xét nơi ở, phòng làm việc của ông. Ngỡ ngàng đến bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông đã bị còng tay và bị lôi vào phòng làm việc để chứng kiến việc khám xét. Rồi tiếp đó, ông bị đưa lên xe chở thẳng về nhà để tiếp tục cuộc khám xét.

 

Ông Ngừng hồi tưởng: "Vì nghi ngờ tui nhận hối lộ với số tiền lớn nên cán bộ điều tra cứ tra hỏi tiền bạc cất giấu ở đâu? Sau khi khám không thấy gì, cán bộ điều tra ra lệnh đào bới từng viên gạch tàu lót nền nhà, xới tung cả những chậu kiểng để ở ngoài sân để kiểm tra xem có cất giấu gì không, nhưng vẫn không phát hiện được gì".

 

Trong quá trình điều tra, dù không có 1 bằng chứng, chứng cứ nào chứng minh ông Ngừng có hành vi phạm tội nhưng VKS vẫn quy kết cho ông tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", còn tội danh "nhận hối lộ" đã khởi tố đối với ông được đình chỉ điều tra.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 1/11/1993, đại diện VKSND tỉnh sau phần xét hỏi và tranh luận đã rút lại quyết định truy tố ông Ngừng và đề nghị TAND tỉnh tuyên ông Ngừng không phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN". Trong bản án được tuyên ngày hôm ấy, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên bố ông Ngừng vô tội.

 

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, VKSND tỉnh Bến Tre không hiểu sao lại ra kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tịch thu số tiền 66.870.000 đồng mà ông Ngừng được hưởng để khắc phục hậu quả cho các bị cáo Hoàng, Quang!? Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/8/1994, ông Ngừng cho rằng tiền đó là tiền hoa hồng, nếu Tòa thấy cần tịch thu thì cứ tịch thu, ông không có ý kiến gì. Trong phần quyết định của bản án phúc thẩm, Tòa buộc ông Ngừng phải nộp lại số tiền này và ông đã thực hiện đầy đủ!

 

Ông Châu Ngọc Ngừng bức xúc trước sự thờ ơ, vô trách nhiệm của VKSND tỉnh bến Tre.

Còn đợi gì mà chưa bồi thường cho người bị oan?

 

Sau khi được tuyên vô tội, ông Ngừng đã làm đơn gửi cho các cơ quan của tỉnh đề nghị phục hồi sinh hoạt Đảng, phục hồi chức vụ cho ông. Một thời gian sau, ông được bố trí về làm việc tại tổ chức Thị ủy và làm cán bộ tăng cường cho các xã ngoại thị. Làm  không được lâu, sức khỏe ông bị giảm sút nghiêm trọng, bị tai biến mạch máu não, không còn khả năng làm việc nên ông xin nghỉ hẳn về ở nhà dưỡng bệnh.

 

Trong thời gian này, ông liên tục làm đơn gửi cho VKSND tỉnh Bến Tre yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị bắt, truy tố oan, nhưng VKS tỉnh lại từ chối trách nhiệm. Tại văn bản được ký vào tháng 5/2004, kiểm sát viên Nguyễn Bình thừa lệnh Viện trưởng VKSND tỉnh trả lời ông Ngừng: trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông là của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM?

 

Trước đó, ngày 23/8/2002, ông Ngừng còn nhận được văn bản hết sức trái khoáy của VKSND tỉnh Bến Tre do Viện trưởng Huỳnh Thị Kim Uyên, ký trả lời ông Ngừng: "ông Ngừng bị khởi tố và tạm giam để điều tra là đúng theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự (?). Các cơ quan tố tụng không có lỗi trong việc tạm giam ông. Đáng lẽ phải truy tố ông đúng với tính chất mức độ phạm tội mà ông đã gây ra, nhưng đồng chí Viện trưởng lúc đó chỉ yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét trách nhiệm dân sự nhằm khắc phục hậu quả mà các bị cáo đã gây ra... Nếu hành vi môi giới của ông không vi phạm pháp luật thì sao án phúc thẩm lại tuyên tịch thu 66.870.000 gọi là tiền thu nhập bất hợp pháp, điều này ông cần suy nghĩ"!?

 

Đến nay, cả nước đang khẩn trương rà soát lại danh sách những người bị xử lý oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra thì VKSND tỉnh Bến Tre vẫn thản nhiên để cho vụ oan sai này chìm dần vào quên lãng?

 

Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp là kiên quyết khắc phục oan sai trong tiến trình tố tụng. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự trong thời gian qua là nhằm đảm bảo tính dân chủ hơn nữa trong tố tụng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Thiết nghĩ, VKSND tỉnh Bến Tre đã làm sai thì nên thẳng thắn nhìn nhận cái sai của mình và phải xin lỗi, bồi thường cho người bị oan sai.

  • Tấn Thuấn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,