(VietNamNet) - Đây là chi phí được thống nhất trong buổi họp bàn chiều 27/8. Trong khi chưa quyết được thời điểm xây thì một người dân đã tự bỏ tiền ra làm trước.
Người dân vùng sạt lở lặn vớt đồ đạc sau khi nhà mình bị nhấn chìm. |
Chiều 27/8, các nhà khoa học, các nhà làm công tác quản lý nhà nước đã cùng nhau góp ý cho giải pháp xây dựng bờ kè Thanh Đa.
Theo dự kiến, TP.HCM sẽ xây dựng bờ kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa dài 2.800m với số tiền đầu tư gần 600 tỉ đồng; trước đó sẽ giải tỏa 810 hộ dân. Vấn đề vướng mắc nhất khi thực hiện dự án này là công tác giải tỏa và tái định cư. Hầu hết, các hộ dân nằm trong khu vực bán đảo Thanh Đa dọc sông Sài Gòn đều thuộc diện lấn chiếm sông, rạch.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo chuẩn bị phương án giải tỏa các hộ dân lấn chiếm sao cho vừa có tính lại vừa có lý. Ông chỉ đạo các cơ quan liên quan từ nay đến cuối năm phải có phương án phân loại và di dời các hộ dân.
Vì 600 tỷ đồng là số tiền khá lớn nên có nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc tập trung vào vấn đề kỹ thuật, nên chú ý hạ mức vốn đầu tư dự án xây bờ kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Ông Đặng Quang Kính (Viện quy hoạch phía Nam) đề nghị xem xét lại dự án này với lý do sạt lở Thanh Đa chỉ đứng hàng ưu tiên thứ tư trong 16 vấn đề cấp bách đối với TP.HCM (sau vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường…).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân lại cho rằng, sạt lở ở bán đảo Thanh Đa là một trong những vấn đề mà chính quyền TP đặt lên hàng đầu vì nó ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân.
Ông Tần Xuân Bảo - Phó chủ tịch UBND Quận thì giãi bày: “Báo chí nói sạt lở Thanh Đa dân lo sốt vó, chính quyền tà tà là chuyện không đúng. Hơn ai hết, chính quyền Q.Bình Thạnh rất lo lắng và mong muốn tìm ra giải pháp”. Ông cho biết, khi xảy ra sạt lở, địa phương đã khảo sát, báo cáo nhanh về thành phố, đình chỉ các hộ kinh doanh lấn chiếm bờ sông, phân loại những hộ nằm trong vùng có thể sạt lở, nghiêm cấm ngủ qua đêm ở những vùng nguy cơ sạt lở cao.
Ông Bảo nói tiếp: “Quận Bình Thạnh cũng đã yêu cầu các hộ dân di dời ra khỏi vùng sạt lở. Nhưng người dân không tuân thủ vì lý do: ở lại để bảo vệ tài sản. Chúng tôi cũng muốn di dời nhưng không thể cưỡng chế. Hầu hết các hộ dân đều lấn chiếm kênh rạch, cưỡng chế thì họ biết đi đâu?''.
Đa số đều cho rằng chủ trương triển khai Dự án Chống sạt lở Thanh Đa là đúng và thực sự cần thiết. Ông Lê Huy Ngọ - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý thêm: ''Cần phải xem xét “trong 20 năm nữa, bán đảm Thanh Đa là gì và sẽ như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đảm nhận tốt vai trò chỉnh trang đô thị''.
Người dân đầu tiên xây kè tại bán đảo Thanh Đa |
Ngay sau khi các cơ quan chức năng bàn thảo Dự án Xây dựng bờ kè Thanh Đa, sáng 28/08, công trình xây kè '‘tự cứu lấy nhà mình” chi phí gần 1 tỉ đồng của ông Lý Phi Hậu (chủ biệt thự Lý Hoàng) đã được động thổ. Ông Hậu cho biết, bờ kè sát nhà ông sẽ được xây theo đúng thiết kế các cơ quan chức năng đã xét duyệt. |
-
Trần Duy