221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
184958
Dịch cúm gà đang diễn biến phức tạp
1
Article
null
Dịch cúm gà đang diễn biến phức tạp
,

(VietNamNet) - 15h30 chiều 12/1, Trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết bệnh dịch cúm gà đã xuất hiện tại địa bàn xã Hưng Long. Bệnh dịch đã diễn ra trước đó 6 ngày, nhưng Trạm thú y Bình Chánh chỉ biết tin thông qua VietNamNet.

Gom gà dịch vào thùng nhựa rồi đem đi thiêu hủy.
Trong quá trình đi thực tế tìm hiểu về bệnh dịch tại khu vực xã Hưng Long (khu giáp ranh với huyện Cần Giuộc) chúng tôi tình cờ phát hiện tại nhà ông Ba Hoàng, ngụ tại ấp 3 đối diện UBND xã có tình trạng gà chết hàng loạt. Ông Trần Văn Thuận - Bí thư Đảng ủy xã thừa nhận tại địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng gà chết cách đây 5 - 6 ngày, nhưng địa phương chưa có thông tin thông báo vì chưa rõ nguyên nhân (?!). Ông Ba Hòang - chủ trại gà cho biết, cách đây 6 ngày gà lăn ra chết hàng loạt, mỗi ngày từ 200 -  300 con, đến nay đã có khoảng 2.000 con gà chết. Tiếp theo, ông Hoàng nói: “Lứa gà 1 tháng 2 ngày nuôi (tổng số 2.200 con) đã “đi sạch” mà chẳng có dấu hiệu bệnh tật nào, ăn no rồi lăn đùng ra chết; trước khi nghe tin có bệnh dịch tôi đã phun thuốc sát trùng nhưng cũng chẳng ăn thua gì ! Thiệt hại ước tính khoảng 13 – 14 triệu đồng”.

Cũng theo lời ông Hoàng, từ khi gà chết, ông chỉ mới báo cho cán bộ thú y của Công ty kinh doanh thuốc thú y xuống lấy mẫu, nhưng không ngăn chặn được tình trạng gà chết. Còn theo cán bộ địa chính - nông nghiệp xã thì đến nay vẫn chưa thấy lực lượng thú y của huyện, TP trực tiếp xuống giúp địa phương và người dân tổ chức phòng dịch. Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Đang – Trạm trưởng Trạm thú y Bình Chánh cho phóng viên VietNamNet biết, hiện cơ quan đang kiểm tra dịch ở địa bàn xã Tân Quý Tây, tại đây cũng đã xảy ra điểm dịch với 300 con gà chết, sự việc gà chết tại xã Hưng Long qua thông báo của phóng viên thì ông mới biết.

Đến 15h30, ông Lê Văn Đang gọi điện lại khẳng định tin gà chết ở Hưng Long là do dịch cúm gà và ông cùng đồng sự đang sử dụng các biệm pháp kỹ thuật để khống chế ổ dịch.

Trong khi đó, tình hình kiểm soát dịch bệnh gia cầm ở Long An, Tiền Giang, đặc biệt là Cần Thơ đang ráo riết triển khai. Chi Cục Thú y các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang rà soát, thực hiện kiểm dịch nghiêm ngặt tại tất cả khu vực của vùng.

Cúm gà xuất hiện ở... miền Nam Nhật Bản!

Sau 79 năm từ khi dịch cúm gà lần cuối bùng phát tại Nhật Bản vào năm 1925, tín hiệu báo động về bệnh này lại được phát ra từ một nông trại ở thành phố Ato, quận Yamaguchi ở miền Nam nước Nhật. Ngày hôm nay 12/1/2004, các nhà chức trách Nhật Bản đang cho triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Riêng ở Long An, trong hai ngày vừa qua (10 và 11/1), địa phương này đã thực hiện tiêu hủy hơn 24.000 con gà bị dịch bệnh và gà chết. Nhưng theo báo cáo của Long An, tình hình lây lan dịch bệnh ở gia cầm trong những ngày qua có dấu hiệu chậm lại.

Trước tình hình dịch cúm gà ở Tiền Giang ngày càng trầm trọng hơn, chính quyền địa phương đang khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong những ngày qua, Tiền Giang đã xác định được gia cầm ở 28 xã, phường của bốn huyện bị mắc dịch cúm, trong đó có 400.000 con gà và 20.000 chim cút, vịt bị nhiễm dịch bệnh. Với tình trạng trên, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm Tiền Giang đang có kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch cúm gà bằng cách thu mua gà dịch,gà chết với giá 5.000 đồng/con để tập trung thiêu hủy.

Đối với hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau, cơ quan ch

ức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa phát hiện trường hợp nào về gia cầm bị dịch bệnh ở hai địa phương nay.

Tập trung vào 3 khu vực trọng điểm

Nhân viên thú y thu giữ gà chết bán tại chợ để tiêu hủy.

Để đối phó nạn dịch, Cục trưởng Cục thú y Bùi Quang Anh chỉ đạo: “Phía Nam, trọng tâm hiện nay là tập trung vào ba khu vực chăn nuôi trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nơi tập trung rất nhiều đàn gà trong đó có gà giống”.

Thông tin mới nhất từ Cục thú y, ngày 12/1/2004, dịch cúm gà đã xuất hiện tại tỉnh Vĩnh ong, Cần Thơ và An Giang. Như vậy, đến nay có 5 tỉnh xuất hiện bệnh cúm gà. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đag có dấu hiệu xuất hiện dịch bệnh. Do đó, tình huống đặt ra trong lúc này là bảo vệ các vùng trọng điểm. Đối với các tỉnh phía Nam, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là nơi tập trung rất nhiều đàn gà trong đó có gà giống. Do vậy, Cục Thú y chỉ đạo, phải tập trung gìn giữ ba khu vực này, không để bị lây lan dịch bệnh.

Kể từ khi Chính phủ ra công điện chỉ đạo, TP.HCM đã chuẩn bị một số dụng cụ phòng dịch như các thùng nhựa, quần áo, đội tuần tra xử lý các hành vi vi phạm, làm trái với Pháp lệnh Thú y. Những trường hợp vận chuyển gà trái phép lập tức bị cơ quan chức năng tịch thu và tiêu hủy ngay. Lực lượng này hoạt động 24/24.

Ông Bùi Quang Anh cho biết, cách tốt nhất hiện nay là làm sao chúng ta phân biệt được chổ nào có dịch chổ nào chưa có dịch để đề ra hướng xử lý. Cái khó hiện nay là lực lượng của mình chưa đảm bảo được chuyện đó.

Triển khai mạnh chống dịch gà phía Bắc

Ông Đậu Ngọc Hào, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho VietNamNet biết, hôm nay (12/1), Ban Chỉ đạo Chống dịch cúm gà phía Bắc đã họp để triển khai thực hiện Công điện 71 của Chính phủ. Ngoài việc lên lịch trực từ nay đến Tết, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, Ban chỉ đạo đã thành lập ngay 3 đoàn kiểm tra để khảo sát tình hình bệnh cúm gà tại Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình trong ba ngày tới.

Ngày 13/1, một đoàn kiểm tra sẽ đi khảo sát tại các chợ lớn ở Thủ đô, do Giám đốc Trung tâm Thú y vùng Hà Nội, ông Hoàng Khai, làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ thú y và triển khai thêm những việc cần thiết, như kiểm tra thực hiện ATVSTP ngày Tết, nghĩa là không chỉ kiểm tra dịch bệnh cúm gà, mà sẽ xem xét cả thịt trâu, bò và các loại gia cầm khác. Phó Cục trưởng Đậu Ngọc Hào sẽ dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Hà Tây vào 14/1 - một địa bàn phải quan tâm đặc biệt vì hiện nuôi đến 10 triệu con gia cầm. Ngày thứ năm (15/1), bà Phương Song Liên, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán của Cục Thú y sẽ dẫn đầu đoàn kiểm tra khác thực hiện khảo sát tại Hòa Bình.

Đã tìm ra virus H5N1 gây ra cúm A!

Làm sao để phòng chống là câu hỏi chúng tôi nêu lên, sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) đã phát hiện ''thủ phạm'' gây cúm A ở trẻ em tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương chính là virus H5N1.

Ngoài ra, hàng ngày, Ban Chỉ đạo Chống dịch phía Bắc phải liên lạc xuống các địa phương để lấy và kiểm tra thông tin. Theo ông Hào, Ban này phải nắm rõ thông tin về diễn biến dịch bệnh từng ngày, do hai Trung tâm Thú y vùng là Hà Nội và Hải Phòng thu thập.

Đối với các tỉnh, nếu phát hiện bị nhiễm bệnh, sẽ thành lập ngay các Ban Chống dịch cúm gà mà trưởng ban phải là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh. Trưởng ban phải huy động thú y, công an, các Sở KHCN, NN-PTNT, Tài chính để giúp việc này; đồng thời phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng người để khoanh vùng bệnh tật, tiêu hủy. Hiện nay, các thành viên Ban Chỉ đạo đang soạn thảo văn bản để xin Chính phủ trợ cấp gấp 300-400 triệu đồng cho hoạt động chống dịch, như xăng xe, kinh phí đi lại, bồi dưỡng ngoài giờ cho nhân viên thú y, ở tất cả các địa phương có dịch.

Riêng tại Hà Nội, do Tết sắp đến nên lượng gà vận chuyển, đưa vào các chợ bán ngày một nhiều, trong đó nhiều khả năng lẫn gà chết vì dịch cúm. Nguyên nhân gà chết mặc dù chưa được xác định rõ ràng, có thể chết do vận chuyển, do tụ huyết trùng, thậm chí là do cả cúm, nhưng tất cả sẽ được đem đi tiêu hủy. Hôm nay, toàn bộ Chi cục Thú y Hà Nội đã tỏa đi các chợ kiểm tra, bắt và tiêu hủy những con gà đã chết. Cục Thú y Hà Nội sáng nay cũng đã có cuộc họp đột xuất nhằm triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình gia cầm trên địa bàn Thủ đô, trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP.

Theo Cục Thú y, tính đến nay, Hà Tây đã là nơi có ổ dịch lớn. Công ty CP của tỉnh này có một trại giống tại xã Xuân Tiên (Chương Mỹ), với 80.000 con gà giống đã bị nhiễm dịch và chết. Ngày 10/1, UBND tỉnh cho phép chôn toàn bộ số gà này tại trại, đến nay đã chôn được khoảng 60%, đến 13/1 là hết. Các nhân viên thú y cho gà chết vào các túi nilông rồi cột chặt lại, phun hoócmôn để tránh lây lan. Sau đó, chôn xuống đất, ngay trên địa bàn trại, hoàn toàn cách ly bên ngoài. Song, theo ông Hào, đến nay, chưa thấy phát tán dịch bệnh rộng ở Hà Tây, mà tập trung chủ yếu tại ổ dịch là Công ty CP.

Cục Thú y cũng báo cáo, tại phía Nam, Long An là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm gà. Số gà bị chết và bị bắt khi bán chạy lên đến 710.963 con, và tỉnh đã tiêu hủy 24.770 con. Có 11/14 huyện ở Long An xác định bị dịch. Tỉnh cũng đã mua 5.000 đồng/con gà sống để tiêu hủy, với 13.090 con. Ngày 9/1, Long An đã công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Quỹ dự phòng của tỉnh cũng đã huy động 6.769 lít thuốc sát trùng BKA để tẩy uế và tiêu độc. Hiện dịch cúm gà ở tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng lây sang TP.HCM.

Tại Tiền Giang, số lượng gà chết lên tới 443.820 con, tỉnh đã hỗ trợ 3.000 đồng/con gà sống, với khoảng 3.000 lít thuốc sát trùng.

Như vậy, Cục Thú y xác định, ngoài 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Hà Tây đã công bố bị dịch cúm gà, thì một số tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ là TP.HCM, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai; phía Bắc là Hà Nội, Hòa Bình, một số tỉnh vành đai TP như Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng.... Ông Đậu Ngọc Hào cho biết, ít nhất là hai tuần nữa mới có kết quả của mẫu gửi đi kiểm tra tại Australia và Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch gia súc Mỹ (CDC).

  • H.Yên - Hoài Bắc – Phan Công - Nam Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,