221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
184126
Ráo riết chặn dịch cúm gà
1
Article
null
Ráo riết chặn dịch cúm gà
,

(VietNamNet) - Trong khi dịch cúm gà diễn biến phức tạp, các đại lý gà ở TP.HCM và Hà Nội vẫn lén lút bán ra ngoài những con gà chết. Trước tình hình trên, Chi cục Thú y Hà Nội sáng 11/1 tổ chức kiểm tra các điểm bán gà trên địa bàn thành phố. Cùng lúc, các tỉnh Long An, Tiền Giang... cũng thắt chặt việc kiểm soát dịch bệnh.

Các đại lý vẫn bán gà chết

Chúng tôi có mặt tại chợ gà bên đường Liên Tỉnh, phường 5, Q.8, TP.HCM, nơi được coi là một trong những chợ gà lớn nhất thành phố. Giá gà sống đã xuống 15.000 - 16.000 đồng/kg. Nhưng trong vai những đầu bếp tập thể cần mua gà với giá bèo bọt, chứ “không phải mua về nhà”, chúng tôi còn phát hiện ở đây  bán khá nhiều gà chết vẫn được bán với số lượng lớn.

Thật khó phân biệt thịt gà bệnh, thịt gà mạnh

Số gà mắc dịch này phần đã chết, phần còn thoi thóp. Một chủ đại lý đã khéo léo giấu trong thùng đan bằng phên, bên trên đặt khay đựng cám để ngụy trang. Sau khi chúng tôi nài nỉ một hồi với vẻ thành thật, anh này mới chịu tiết lộ và giao giá 7000 đồng/kg. Một chủ đại lý khác ở cuối chợ, lợi dụng trời tối bày đám gà đang gà gật, thậm chí đã nằm bất động cạnh đám gà sống. Nhưng trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ có mặt tại đó, chúng tôi không thấy một cuộc kiểm tra nào của các cơ quan chức năng.

Khác với những điểm bán gà nhỏ lẻ khác, chợ gà này khá đông người mua. Một người dân tại khu vực này cho biết, về khuya, chợ vắng hơn, nhưng mỗi khách thường mua với lượng lớn. Cả chợ có gần 10 đại lý. Khi được hỏi, hầu hết các chủ đại lý đều nói chở gà lên từ Bình Chánh, nơi “còn rất an toàn” trong dịch cúm này.

Tại liên tỉnh lộ 5, một người đàn ông chạy xe ôm ngỡ chúng tôi là những chủ tiệm cơm, nói: “Cứ mua gà chết cũng được. Một số người nhờ tôi chỉ chỗ bán, tiết lộ rằng, sau khi vặt sạch lông, nhúng vào phẩm vàng thì bằng mắt thường không thể nhận ra. Họ thường là chủ tiệm ăn uống hoặc làm trong những nhà bếp cho công nhân. Nếu khéo mua, chỉ cần bỏ ra 2.000 - 3.000 đồng là có một con gà”.

Trong chợ Tân Thuận Đông, Q.7, một tiểu thương đồng ý bán cho chúng tôi 30kg gà mái tơ, nhưng khăng khăng số gà đó hiện để ở nhà, và sẽ giết mổ giúp từ trước, để “các anh chỉ việc mang về nấu nướng”. Bên ngoài chợ, một chị khác bày lồng gà đang ủ rũ, phát giá khởi điểm 10.000/1kg, nói “đây là gà khỏe, nếu mang về phát hiện bệnh thì xin trả lại tiền”. Rất may, một cán bộ chi cục thú y thành phố kết hợp với ban quản lý chợ kiểm tra và tịch thu kịp thời. Khi chúng tôi vòng lại, ấn định thời điểm giao tiền với tiểu thương lúc trước, thoáng thấy bóng cán bộ thú y, chị này vội đánh trống lảng.

Chợ Hòa Bình, Q.5, rất hiếm hàng gà sống. Một chủ hàng đầu chợ ngần ngừ nhìn chúng tôi từ đầu đến cuối, dừng lại ở túi áo phồng chứa máy ảnh, rồi nói rằng đã hết gà.

Khu vực Q.7, Q.8, được coi là cửa ngõ của thành phố trước nạn gà cúm đang tràn về. Gà tập trung ở các điểm bán nêu trên.

“Người dân chưa thật ớn dịch”

Gà Hà Nội tăng giá 7.000-8.000 đồng/kg

 

 


Do ảnh hưởng của dịch cúm gà, tại nhiều chợ tại Hà Nội trong vài ngày qua, giá gà đã tăng mạnh lên 7.000-8000 đồng/kg khiến nhiều bà nội trợ lắng gà sẽ hiếm và đắt, nhất là ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) và Tết Giáp Thân đang đến gần.

Đây là nhận xét của một chủ hiệu gà nướng bên đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM khi lượng khách mua hàng của ông không giảm. Mỗi tối ông tiêu thụ khoảng 20kg gà sống. Khi chúng tôi ghé tai nói cần bán khoảng vài mươi ký gà vừa chết với giá bèo bọt, vì “nướng lên rồi, sống chết cũng thế”, ông một mực không nghe và đòi mua gà “mặt còn tươi”. Đây là cách kiểm định duy nhất của ông; trong khi một số người buôn gà cho biết, gà mới mắc bệnh trông bề ngoài không có gì khác gà khỏe, nhưng sau đó bệnh tiến triển rõ rệt theo từng tiếng đồng hồ.

Cũng tại một quán phở thuộc Q.7, sau khi nghe chúng tôi nói nhỏ, ông chủ gật đầu, hẹn mai xem cụ thể.

Một số quán phở, cháo gà tại Q.1, Q.3, Q.5 đã đóng cửa. Nhưng tại những nơi xa trung tâm thành phố như Q.7, Q.8, các quán này vẫn hoạt động bình thường. Anh Đồng Ngọc Tuyến, một người dân Q.7, có thói quen ăn sáng với món phở gà, nói: “Sợ dịch bệnh có mà sợ quanh năm. Từ ngày phát dịch đến nay đã có ai ngộ độc đâu!”.

Nhiều người dân nói, dịch cúm gà ảnh hưởng chất lượng thịt hơn là gây bệnh: thịt nhợt hơn, nhão hơn, và không có mùi thơm. Trong khi đó, ngành y tế đã bắt đầu tính đến khả năng dịch cúm từ gà lây sang người.

Gà chết được gom để tiêu hủy tại TP.HCM

Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát tại các chợ còn mỏng, phương tiện còn thô sô. Việc phân biệt gà bệnh, gà mạnh chủ yếu dựa trên việc gà còn sống hay đã chết, “mặt tươi” hay không. Một số chủ tiệm ăn uống phân biệt bằng cách dựa vào giá cả, cứ giá bèo là gà bệnh, không biết rằng có người cao tay, rao bán gà bệnh với giá cao. Ngay cả việc bỏ tiền thu mua gà chết rồi đem thiêu hủy của Ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu tuy đạt hiệu quả nhất định nhưng thật khó ngăn xuể lượng gà dịch tràn về.

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ quán S.C đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, cho biết: “Tôi chưa nhận được thông tin tỉ mỉ về cách nhận dạng gà bệnh, chẳng hạn lông thế nào, phân ra sao. Vì vậy, dù bản thân cũng thích ăn thịt gà, nhưng tôi đành phải chọn cách ngừng mua đến khi dịch qua. Còn về khả năng bệnh tật dịch gà gây cho người, biết đâu được, hôm nay nó chưa phát thì hàng chục năm sau lại phát thì sao”.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiên quyết chặn dịch

Nhằm triển khai thông điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn phòng chống dịch cúm gà đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa triệu tập cuộc họp đột xuất lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Tiền Giang và các Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thúy y các tỉnh phía Nam.

 

Gà chết được cán bộ thú y thiêu hủy.
Theo báo cáo của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, dịch gà tại đây xảy ra vào ngày 26/12/2003, đến nay tại Long An khoảng 236.000 con gà chết trong tổng số 589.000 con (chiếm 40% tổng đàn), tại Tiền Giang có 208.000 gà mắc bệnh trong đó 110.000 gà chết. Điều lo ngại là dịch bệnh không chỉ xảy ra đối với gà mà đang có dấu hiệu lan ra các loại gia cầm khác nhất là vịt. Riêng Long An đang có khoảng 50.000 con vịt chết. Chính vì vậy, 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đã công bố đây là vùng có dịch.

 

Tiến sĩ Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh, 2 tỉnh đã tích cực ngăn chặn nhưng do dịch lây lan quá nhanh và hiệu quả ngăn chặn chưa cao nên cho đến nay dịch vẫn còn lây lan. Hiện nay, 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đang lo lắng về việc tiêu huỷ số gà chết cũng như không để lây lan sang các địa phương khác. Tỉnh Tiền Giang đã cấp hơn 1 tấn thuốc bột và 2.000 liều thuốc sát trừng để tẩy rửa chuồng gà bị dịch. Tỉnh Long An cũng đã cấp kinh phí thu mua với con gà chết 5.000 đồng/con. Ngoài ra, các tỉnh này cũng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn không để các hộ dân đưa số gà chết đi tiêu thụ khắp nơi nhất là khu vực TP.HCM và các tỉnh miền đông Nam bộ. Tuy nhiên trong khả năng của mình các tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Chính Phủ và Bộ NN-PTNT.

 

TS. Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại cuộc họp.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Trong đợt dịch gà này, 2 tỉnh Long An và Tiền Giang bị thiệt hại rất nặng, do vậy Bộ Nông nghiệp sẽ làm việc với hai tỉnh và có đề xuất về sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc hỗ trợ này sẽ giúp hồi phục lại ngành chăn nuôi gia súc gia cầm của 2 tỉnh và phục hồi lại chuyện làm ăn sản xuất của nông dân.

 

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng như của Chính Phủ các tỉnh có dịch, các tỉnh có nguy cơ bị dịch và kể cả vùng chưa có dịch phải thực hiện nghiêm chỉnh công điện của thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan rộng. Trong khi chờ đợi phương án xử lý toàn diện, tỉnh có dịch kiên quyết không đưa gia súc, gia cầm ra ngoài địa bàn. Các công ty nhập khẩu gia súc gia cầm cũng tạm ngưng đưa con giống vào vùng dịch. Ông Bùi Bá Bổng nói, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với TP.HCM đề xuất phương án ngăn chặn cụ thể không đễ dịch lây lan vào khu vực TP.HCM vì đây là thị trường tiêu thụ lớn với hơn 7 triệu dân.

 

Hà Nội mạnh tay chặn dịch 

Tiêu huỷ gà chết.

Không chỉ ở phía Nam, hàng loạt chợ đầu mối tại Hà Nội như: Long Biên, Trung Văn, Vĩnh Tuy... đều đã xuất hiện gà chết bày bán. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc với những biện pháp ráo riết để chống bệnh dịch nhưng xem ra gà chết vẫn đang được tiêu thụ ra thị trường bằng nhiều cách.

Ngay sáng nay (11/1), Chi Cục Thú y Hà Nội đã có cuộc kiểm tra sơ bộ đối với một số chợ đầu mối tại Hà Nội, hầu hết các chợ giáp ranh với ngoại thành đều đã xuất hiện gà chết. Tại chợ đầu mối Long Biên, gần 100 con gà chết đã được phát hiện. Tại chợ Vĩnh Tuy cũng phát hiện được 12 con gà mình đã thâm lại, ngoẹo đầu, ngoẹo cổ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, hiện dịch cúm gà đã rất nghiêm trọng, nhất là tại các tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Long An, và quan trọng là đề phòng khả năng dịch bệnh lây lan rộng. Bộ NN-PTNT đã báo cáo với Tổ chức Thú y thế giới để họ hỗ trợ. Đồng thời, Bộ đã đồng ý cho một công ty chăn nuôi gia cầm nhập gấp một loại văcxin chống cúm gà từ Hà Lan về thử nghiệm, hiện đã tới TP.HCM; nếu có hiệu quả sẽ cho nhập ồ ạt và áp dụng trên diện rộng.

Tại chợ Trung Văn, Từ Liêm, hàng chục đầu gà chết đã xám ngoét được phát hiện. Những thân gà, lòng mề gà đã nhanh chóng được xẻ bán trước đó và trà trộn lẫn đống gà làm sẵn ở chợ từ bao giờ, đến khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đã không thể xác định được bao nhiêu gà chết dịch đã được tiêu thụ. Tại chợ Thủ Lệ, 20 con gà lạnh ngắt cũng đã được phát hiện ra. Tại chợ Hợp Nhất, Yên Hòa, một người phụ nữ quê ở Ba Vì, Hà Tây đang điềm nhiên xách gần chục con gà đã thẳng cẳng mang đến chợ thì bị lực lượng kiểm tra phát hiện và thu giữ.

Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Ngô Huyền Thuý cho biết: ''Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tình hình dịch tễ thú y ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, phát hiện kịp thời con vật bệnh, thực hiện nghiêm ngặt cơ chế báo dịch, chống dịch''.

Chi cục Thú y Hà Nội cũng lên chương trình tiêu độc tẩy uế môi trường. Cụ thể là xử lý hoá chất phun tiêu độc (BKA) khu vực nhiễm mầm bệnh như các chuồng trại chăn nuôi và bãi chăn thả, các chợ, phương tiện vận chuyển động vật bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Các phòng, đội thú y và các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, các ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố cũng đã được chỉ thị xây dựng ngay kế hoạch triển khai tổ chức kiểm tra chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm sống và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật vào địa phương. Nếu phát hiện gia cầm có bệnh cúm lưu thông tiêu thụ trên thị trường, các đội này sẽ tiêu huỷ ngay lập tức.

Phát hiện 3 ổ dịch gia cầm mới ở Cần Thơ

Sau Long An và Tiền Giang, thành phố Cần Thơ đã phát hiện ra 3 ổ dịch gia cầm mới. Chi Cục Thú y thành phố Cần Thơ đã thiêu hủy trên 2.500 con gà và cút.
 

Các ổ dịch mới được phát hiện ở Cần Thơ được xác định thuộc quận Bình Thủy, gồm xã Long Hòa phát hiện 2 ổ dịch và phường Bình Thủy 1 ổ dịch. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp cần thiết để diệt khuẩn và ngăn chặn tình trạng lây lan. Ngành thú y Cần Thơ cũng khẩn trương chuẩn bị các biện pháp đối phó với dịch.


Chính quyền tỉnh Long An đang thực hiện việc thu mua gà chết, gà dịch với giá 5.000 đồng/1con để mang đi thiêu hủy. Biện pháp trên nhằm gốp phần hỗ trợ người chăn nuôi trong thời gian gặp cảnh “thất bát” vì dịch gia cầm.

Vận động kinh phí chống dịch

Sau khi Chính phủ có Công điện công bố về dịch cúm gà, ngày 9/1, UBND tỉnh Long An cũng quyết định công bố dịch cúm gà trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 7/13 huyện, thị xã đã và đang xảy ra dịch bệnh, gồm thị xã Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Cần Đước, Bến Lức, được công bố là có dịch cúm gà.

Ngày 9/1, Chi cục Thú y Long An đã triển khai quyết định thành lập bốn trạm kiểm dịch động vật và một đội kiểm dịch lưu động để kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia cầm bị nhiễm bệnh, nhằm phong tỏa dịch bệnh lây lan từ Long An ra các vùng lân cận. Các trạm kiểm dịch động vật trong vùng công bố dịch có quyền kiểm tra tất cả phương tiện qua lại nếu thấy nghi vấn có chở gia cầm nhiễm bệnh. Bất kỳ một phương tiện nào chở gia cầm và các loại động vật khác mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y thì sẽ bị tịch thu thiêu hủy.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gà, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nói rằng, Bộ sẽ quyết tâm giải quyết hai vùng dịch và không để xảy ra tại tỉnh thứ ba". Bộ cũng sẽ vận động các nguồn kinh phí, kể cả của quốc tế để hỗ trợ các tỉnh trong cuộc chiến chống dịch, trong đó có khoảng 400.000 USD của Tổ chức FAO. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng đề nghị TP.HCM tập trung cao độ để phòng dịch vì đây là phòng tuyến quan trọng, nếu dịch tràn vào đây thì nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Sắp tới, vùng bị dịch uy hiếp có thể được công bố để các tỉnh tích cực chuẩn bị.

Các cơ quan tài chính được lệnh phải cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí phục vụ công tác ngăn ngừa dịch bệnh gia cầm. Chi cục Thú y được phép sử dụng quĩ dự trữ nhà nước về thuốc thú y để phục vụ công tác phòng chống dịch. Trước đó, UBND tỉnh Long An và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm tỉnh đã quyết định xuất ngân sách mua với giá 5.000 đồng/con gà nhiễm bệnh để đem thiêu hủy.

Trong ngày 9/1, tỉnh Tiền Giang cũng công bố dịch bệnh gia cầm tại bốn địa phương là Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TP. Mỹ Tho. Quyết định ghi rõ “Loại dịch bệnh: tụ huyết trùng gia cầm ghép với một loại virus có độc lực cao, gây chết nhanh và lây lan nhanh. Hiện nay, các xã trong vùng có dịch đang tổ chức đội xung kích giúp các hộ chăn nuôi chôn gà chết theo quy trình được Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn.

Đối với các địa phương khác như Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, Chi cục Thú y các tỉnh này đều có biện pháp tăng cường kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào tỉnh. Hiện các tỉnh này đều chưa xuất hiện dịch cúm gà. Riêng tại địa bàn huyện Châu Phú - An Giang, nơi có nhiều gia cầm bị dịch chết - cán bộ kỹ thuật chi cục đã xuống kiểm tra nắm tình hình, lấy bệnh phẩm để xác định rõ nguyên nhân. Đồng thời, tăng cường lực lượng xuống địa bàn nắm tình hình dịch bệnh, chỉ thị các trạm thú y trong toàn tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra tình hình mua bán gia cầm, gia súc bị chết, bị bệnh, cần kiên quyết đưa đi thiêu hủy ngay.

  • Hà Yên - Phương Thanh - Nam Anh - Phạm Cường - Phan Công

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,