Xã "đuổi" đoàn cứu trợ: Chuyện không hiếm?

Cập nhật lúc 09:38, 10/11/2010 (GMT+7)

– Sau khi đăng tải thông tin về việc Phó chủ tịch xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã nổi nóng và đuổi đoàn cứu trợ ra khỏi xã vì đoàn cho người dân quà trước khi chuyển vào kho của xã, VietNamNet đã nhận được nhiều phản hồi bày tỏ thái độ bất bình, bức xúc. Trong đó có không ít người nhân câu chuyện này đã kể thêm câu chuyện tương tự của mình ở địa phương khác trong các đợt cứu trợ. Có không ít ý kiến cho rằng động cơ của việc này là không trong sáng.

Qua những sự việc này, có thể thấy việc cứu trợ là nhân văn nhưng tổ chức tiếp đón và cách thức phân phối thế nào để cả bên đi cứu trợ lẫn bên nhận cứu trợ đều cảm thấy thoải mái là việc không hề nhỏ.

>> Phó chủ tịch xã đuổi đoàn cứu trợ lũ lụt

Việc nổi nóng thái quá có gì khuất tất phía sau?

Mô tả ảnh.
Việc ông Trần Văn Phương, PCT UBND xã Quảng Văn đuổi đoàn cứu trợ vì đoàn cho quà trước khi đưa hàng vào kho của xã gây bất bình trong dư luận (Ảnh: LĐ)

Chỉ duy nhất 1 ý kiến phản hồi cho rằng “cần thông cảm cho anh Phương vì trong thời gian này, các anh cán bộ ở địa phương vùng lũ cũng đang rất vất vả để cùng bà con khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Các nhà hảo tâm đến tặng hàng cứu trợ cho cho bà con vùng lũ là tấm lòng cao đẹp và cần thông cảm cho các anh cán bộ ở địa phương”.

Tuy nhiên, ý kiến này bị phản bác vì tất cả bạn đọc cho rằng không chỉ cán bộ vất vả, mà dân mới là người khổ hơn cả sau mỗi trận lũ. Không thể tìm được một lý do nào để có thể cảm thông với hành động của Phó Chủ tịch xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

“Tại sao ông phó chủ tịch lại có thái độ như vậy? Đằng sau của phản ứng này là gì? Những vị quan xã như thế này là nguyên nhân chính khiến những người đóng góp và đi cứu trợ không yên tâm, họ có thể lặn lội từ nơi xa xôi, chịu khó khăn vất vả để mang tiền, thực phẩm đến với người dân cần được trợ giúp còn bị làm khó, bị xúc phạm thế ư?”, bạn đọc Bùi Long.

“Qua vài sự việc về cách nhận cứu trợ của địa phương, người ta thấy cách hành xử của cán bộ địa phương thể hiện động cơ thiếu trong sáng.

Đồng bào cả nước cứu trợ các địa phương chịu lũ lụt với mong muốn hoàn toàn trong sáng, nhưng có cảm giác khi hàng cứu trợ không phải là tiền thì cán bộ địa phương kém vui .Từ đó người ta dễ nghĩ đến động cơ thiếu trong sáng của cán bộ địa phương. Xin trần tình với đồng bào, ngay tại Hà Nội rất nhiều người vẫn mua quần áo đã dùng rồi về mặc cho rẻ và bền”, bạn đọc ngcuong50.

“Cho dù đoàn cứu trợ không thông qua xã mà phát hàng trực tiếp đến tay người dân khốn khổ kia thì đó cũng là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, một nghĩa cử thiêng liêng của tình đồng loại, và không hề sai trái. Đừng nghĩ ta là có chức có quyền, mà hãy nghĩ ta là một trong số con người nhỏ nhoi kém may mắn kia để hành xử cho phải lẽ”, bạn đọc Trần Thị Ngọc Mai.

“Sự việc chẳng có gì nhưng vô cớ chửi mắng, đuổi những người muốn giúp đỡ người dân đang khó khăn ở xã mình và lại còn khăng khăng là mình làm đúng, không biết ông phó chủ tịch xã Quảng Văn có một chút nào đó nghĩ đến những người dân bị lũ cuốn trôi mất nhà cửa, không có cơm ăn, áo mặc hay không? Một người nổi tiếng nóng nảy trong xã mà lại được làm Phó chủ tịch xã, trưởng ban tiếp nhận hàng hóa cứu trợ thì cần phải xem lại việc đề bạt nhân sự của lãnh đạo tại địa phương này”, bạn đọc Nguyễn Thành Duy.

Thất vọng và mất lòng tin

“Các nhà hảo tâm không nên vì cá nhân ông Trần Văn Phương, hay một ai đó có hành động thiếu văn hóa mà bỏ xa đồng bào. Người dân đang cần lắm những tấm lòng của các bạn, hãy tha thứ và đến với người dân các bạn nhé”,
(Bạn đọc Hà Quảng)

“Không thể nói là người nóng tính nên mới làm thế. Nếu có cái đầu nóng mà trái tim lạnh thì cũng nên loại bỏ”, bạn đọc Đình Thiên.


“Với Đoàn cứu trợ mà vị Phó chủ tịch xã này còn hách dịch như thế. Vậy với dân thì không biết thế nào?”, bạn đọc Lê Văn Khải.

“Việc biến quần áo cứu trợ thành giẻ lau xe. Rồi bây giờ lại xảy ra chuyện đoàn cứu trợ bị xúc phạm, bị đuổi ra khỏi uỷ ban. Người dân xã đó chắc chắn sẽ không được chăm lo tốt khi có những cán bộ như vậy. Cần kỷ luật nghiêm khắc, không nên giao cho những người như vậy giữ trọng trách được”, bạn đọc Văn Thanh.

“Với những gì xảy ra ở Nghệ An, nay lại ở Quảng Bình thì còn ai tin vào Hội Chữ thập đỏ, vào chính quyền địa phương nữa?”, bạn đọc Tran Duc.

Chuyện không hiếm?

“Đây là một lối hành xử thật đáng buồn và cần phải chấn chỉnh. Tôi cũng gặp điều gần như vậy!”


Bạn đọc janettran...@yahoo.com kể lại câu chuyện thực tế của chính mình:

“Ngày 27/10/2010, tôi theo đoàn từ thiện của Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai đi các tỉnh miền Trung phát quà cho bà con ở môt số xã bị ảnh hưởng nặng của cơn lũ vừa qua.

Khi đi phát tới tỉnh Q., đến được nơi, chúng tôi rất hào hứng và rất vui khi được phát cho những người dân vùng sâu vùng xa như thế.

Mô tả ảnh.
Các đoàn cứu trợ vượt đoạn đường đầy khó khăn đến với nhân dân vùng lũ với mong muốn được trực tiếp trao cho họ tấm lòng của mình. Việc cứu trợ không thể diễn ra tự phát nhưng rất cần phối hợp nhịp nhàng của lãnh đạo địa phương. Nhiều độc giả gửi phản hồi cho biết những chuyến cứu trợ của họ cũng bị làm khó vì lãnh đạo địa phương cứ bắt đoàn phải chuyển hàng vào xã trước, rồi xã sẽ chủ động phát cho người dân. Điều này gây ra nhiều bức xúc cho những người làm từ thiện (Ảnh: VietNamNet)

Nhưng rất tiếc...

Trước khi tới, ban tổ chức đã liên hệ với lãnh đạo địa phương là đoàn sẽ đến phát trực tiếp cho dân chứ không phải giao lại cho UBND xã rồi sau đó xã sẽ phát cho dân! Vì thế UBND xã có trách nhiệm tập hợp dân lại để đoàn phát cho họ.


Tuy nhiên, khi đến nơi thì dân không thấy ai, lác đác hai ba người, còn lại thì chỉ thấy cán bộ. Họ nói, đưa quà cho họ để phát cho dân sau, do dân ở xa, trời mưa nên người dân không tới! Nhất định là như vậy. Họ không tập hợp dân cho đoàn trước khi tới!


Vậy là, sau một hồi trao đổi không đi đến thống nhất, đoàn đành phải đi tiếp đến tỉnh khác cũng trong vùng bị lũ nặng mà trong lòng mang bao suy tư, tâm trạng buồn, thất vọng lẫn trách móc đối với cơ quan chính quyền địa phương. Buồn thương cho người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng lũ...

Một ni sư trong đoàn phát biểu rằng: “Chúng tôi đến đây là muốn phát trực tiếp cho dân nghèo, cho người dân bị lũ...chứ không phải giao cho cán bộ rồi sau đó cán bộ đi phát. Nếu vậy chúng tôi đã giao tiền cho chính quyền để họ mua đồ cần thiết sau đó phát cho dân, chứ chúng tôi cất công từ TP Hồ Chí Minh, theo sau là xe khách, xe tải chở hàng làm gì....


Lẽ ra, chính quyền địa phương phải thực sự chu đáo trong vấn đề này chứ! Phải thông báo cho dân. Có thực sự là... do xa dân không tới? Trong khi họ rất thiếu thốn, khó khăn...? Vậy mà cán bộ tận tình đến mức đem đến trực tiếp cho dân? Hay tiền và hàng đưa lại cho chính quyền rồi để họ còn phải " xem xét", "tính toán" lại.....?”

Thật là đau lòng! Chỉ thương dân nghèo khó!


Chưa hết, sau khi phát xong ở tỉnh này, đoàn đã liên hệ ra tỉnh bên cạnh thì cũng nhận được yêu cầu rằng: Phải thông qua chính quyền xã chứ không được phát trực tiếp cho dân! Vậy là thêm một vùng quê bị lũ không nhận được quà!


Vậy đó, thật đau lòng phải không? Những người có cái tâm và có cả sức lực thậm chí là sinh mạng bởi họ cũng phải trải qua những nguy hiểm trên đường đi... Họ sẽ suy nghĩ như nào? Sẽ tiếp tục quyên góp hay cần phải suy nghĩ khi mà chính quyền địa phương không nhiệt tình hợp tác với họ? Họ suy nghĩ gì đây khi mà tiền họ chắt chiu lại để quyên góp tới đồng bào nghèo khó không biết có đến được trọn vẹn hay không?

Sau khi đi về, tôi đau đáu trong lòng những suy nghĩ về TRÁCH NHIÊM, TÌNH ĐỒNG BÀO, và một chữ TÂM!”

Hai bên cần phối hợp nhịp nhàng

Hầu hết bạn đọc (trong đó có không ít người cho biết đã từng tham gia các đoàn cứu trợ) đều cho biết các đoàn cứu trợ đều muốn tự tay trao tận tay hàng cứu trợ cho người dân. Cách này là cách nhanh nhất, người dân được nhận ngay để đảm bảo cuộc sống, không phải chờ đợi quá lâu. Đây là tâm lý bình thường của những người đi làm từ thiện trong hòan cảnh đó.

Trong khi đó, về phía lãnh đạo các địa phương, họ cho rằng đoàn cứu trợ phải giao hàng cứu trợ cho xã để xã phát cho dân sau là có lý do khác: Để xã phát thì sẽ không có tình trạng chồng chéo, lẫn lộn, một hộ gia đình cùng lúc nhận được quá nhiều thứ. Hơn nữa, nếu xã phát, xã sẽ chủ động phân phối được, nơi nào bị nặng sẽ được nhiều, bị nhẹ sẽ được ít.

Bạn đọc Trần Văn Phương cho rằng “có rất nhiều đoàn cứu trợ đến cùng một địa phương, nếu đoàn nào cũng tự động làm một mình thì cũng không ổn, vai trò của chính quyền của địa phương nữa ở đâu? Giống như đến nhà người ta, dù muốn thế nào thì trước tiên cũng phải xin phép đã”.

Vì thế, một số bạn đọc cho biết cách tốt nhất là nên dung hòa, kết hợp chặt chẽ giữa đoàn cứu trợ với lãnh đạo địa phương để hàng cứu trợ đến trúng nơi cần nhất. Nơi nào nặng nhất sẽ được nhiều nhất, hộ nào mất mát lớn nhất sẽ được ưu tiên, … Những thông tin này địa phương sẽ nắm rất rõ và đoàn cứu trợ cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Đến được tay người dân, mì tôm, gạo đã mốc trắng

“Các đoàn cứu trợ trực tiếp cho nhân dân, không thông qua chính quyền đều bị gây trở ngại, đó là một thực tế. Vì lý do gì đó mà chính quyền địa phương muốn mình là người phân phát hàng cứu trợ trực tiếp chứ không phải là người mang hàng cứu trợ đến trực tiếp phân phát cho dân? Việc hành xử của ông Phương là không nên có, nó thể hiện tính gia trưởng, cửa quyền, làm giảm lòng tin của người có tấm lòng nhân ái.

Tình trạng hàng cứu trợ không đến tay người nhận đã xảy ra đâu đó có lẽ cũng sẽ tái diễn.

Chúng tôi đã chứng kiến thực trạng đáng buồn ở những địa phương có nhận hàng cứu trợ nhưng không còn khả năng sử dụng, nên khi được phân phát nhân dân đã vứt bỏ trước trung tâm cứu trợ, vì thời gian nhận hàng đã lâu (3 tháng sau lũ) nên những thứ như mì tôm, gạo đã bị mốc meo. Trong khi hàng cứu trợ còn để trong kho ủy ban rất nhiều thì nhân dân thì đang thiếu thốn. Tôi mong các cấp chính quyền nên phân phát ngay những hàng đã nhận, chỉ có thế tấm lòng của những người hảo tâm mới được gửi đúng chỗ” - (bạn đọc Đỗ Phi Hạnh).

  • Cẩm Quyên (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác