Đi XKLĐ, bị chủ nhốt vào... "chuồng cọp"
- “Chúng tôi làm 3 tháng không lương, mỗi ngày phải lao động 12 tiếng, ăn bánh mì và thường xuyên bị cảnh sát bắt… Thậm chí, ông chủ sợ chúng tôi bỏ trốn nên đã nhốt chúng tôi như... nhốt vào chuống cọp, cứ đến giờ ăn thì được mở khoá ra…” - lao động Vi Thị Phương bàng hoàng nhớ lại những ngày tháng lao động khổ sai tại Liên bang Nga.
Khổ sai nơi đất khách
Đã hai ngày nay, hàng chục lao động và người nhà từ Thanh Hoá, Thái Bình có người đi XKLĐ qua Công ty CP phát triển quốc tế Việt Thắng đã tập trung trước cổng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) để mong được giải quyết quyền lợi sau những ngày bị đầy ải tại Liên bang Nga.
Ngồi trong quán trà đá trước cổng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vi Thị Phương, 22 tuổi, ở thôn Thoi, xã Bình Sơn, Triệu Sơn (Thanh Hoá) cho biết, kể từ khi về nước đến nay, Phương và bố là ông Vi Văn Khất đã nhiều lần khăn gói khắp nơi gõ cửa cơ quan chức năng “kêu cứu”, nhưng đều không được giải quyết.
Lao động đi XKLĐ tại Nga qua công ty CP quốc tế Việt Thắng tập trung trước cổng Cục Quản lý lao động ngoài nước mong được cơ quan này giải quyết quyền lợi. |
Phương kể, tháng 7/2008, Công ty CP phát triển quốc tế Việt Thắng (trụ sở ở Thanh Hoá) thông qua Hội Cựu chiến binh xã Bình Sơn về tuyển lao động đi XKLĐ sang Nga. Theo đó, mỗi lao động phải nộp mức phí 46 triệu đồng/người để được sang Nga làm công nhân may và xây dựng. Mức lương mà phía Công ty Việt Thắng thông báo là từ 400 – 500 USD (chưa tính làm thêm giờ, tiền thưởng).
Tin lời công ty, Phương được đưa đi học nghề may rồi đưa sang Nga làm công nhân may từ tháng 9/2008. Tuy nhiên, khi nhóm lao động 5 người cùng đi với Phương vừa đến sân bay ở Nga thì được một người đàn ông ra đón đưa về một nhà may chỉ có vỏn vẹn 5 chiếc máy khâu công nghiệp, họ cũng bị ông chủ người Việt thu toàn bộ giấy tờ tuỳ thân.
Sau 3 tháng lao động vất vả, nhóm lao động 5 người cùng Phương bất ngờ được ông chủ thông báo: “Chúng mày mỗi đứa còn nợ 600 USD tiền hộ chiếu nên phải làm việc trả hết nợ cho tao!”.
“Chúng tôi phải làm quần quật 12 tiếng mỗi ngày, ăn thì toàn bánh mì khô, giấy tờ tuy thân thì bị chủ thu đem đi cắm nên cứ hết bị cảnh sát bắt rồi lại chuộc. Chưa dừng lại ở đó, đến tháng thứ tư, ông chủ còn đưa chúng tôi đi nhốt ở một ngôi nhà như chuồng cọp, cứ đến giờ ăn thì thả chúng tôi xuống, ăn xong rồi lại nhốt chúng tôi lại như nhốt chó!”, Phương cho biết.
Vi Thị Phương (bên trái) cho biết, Phương và 5 lao động bị chủ sử dụng nhốt như nhốt chó. |
Cuộc sống của Phương cùng 5 lao động lay lắt như những "nô lệ", cho đến một ngày Phương đã trốn ra ngoài tìm cách kiếm sống rồi tìm mua được thẻ điện thoại gọi về cầu cứu gia đình gửi tiền sang để mua vé máy bay. Đến ngày 30/7/2009, Phương đã được gia đình gửi tiền sang Nga mua vé máy bay về nước.
Cũng như Phương, những lao động nam làm công nhân xây dựng mà Công ty Việt Thắng đưa đi làm việc tại công trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Delta ở Matxcova (Nga) cũng không thoát khỏi những ngày tháng bị "đày ải".
Anh Vũ Xuân Quý ở khu Tân Tiến, ở thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, anh phải làm việc 12 giờ mỗi ngày. Chỗ ăn ở tạm bợ, thiếu thốn, khổ cực. Khi thấy 5 tháng làm việc ròng rã mà không được thanh toán tiền lương, gần 100 công nhân làm việc tại công trường đã gửi kiến nghị và nhờ Công ty Việt Thắng sang can thiệp.
Ngày 10/4/2009, Công ty Việt Thắng đã cho người đại diện là ông Nguyễn Bình Thuận sang can thiệp, nhưng chưa giải quyết xong thì người đại diện cũng bỏ về nước và thông báo “ai ở lại làm thì hết khủng hoảng sẽ thanh toán lương, còn ai không làm thì tự lo tiền về nước".
Thấy công ty trong nước phủi tay, gần 100 lao động đã ngừng việc đòi quyền lợi thì bị chủ sử dụng đẩy ra đường giữa đêm. Không một xu dính túi, họ lang thang trốn vào rừng.
Anh Quý cho biết, anh và một số lao động khác như anh Lê Đình Kỷ, Nguyễn Trọng Minh, Nghiêm Đình Nghĩa, Lê Văn Sơn còn may mắn là được gia đình gửi tiền sang mua vé về nước. Còn nhiều anh em còn lại vẫn phải lang thang, tìm việc mưu sinh để kếm tiền mua vé máy bay.
“Nếu không được giải quyết, ngân hàng sẽ lấy nhà của chúng tôi”
Để có được số tiền cho con đi Nga và tiền vé máy bay cho con về nước, ông Vi Văn Khất, bố Phương, đã phải bán đất, bán gia súc và vay nợ ngân hàng.
Bà Xinh bảo: "14/11 này gia đình bà không trả được nợ vay cho con đi XKLĐ ở Nga thì ngân hàng sẽ tiến hành phát mãi tài sản, coi như gia đình tôi hết cách”, |
Cuộc sống của gia đình Phương giờ như ngồi trên đống lửa, khi mới đây, ngân hàng đã ra thông báo đến ngày 14/11 này gia đình phải hoàn trả toàn bộ cả gốc lẫn lãi từ số tiền hơn 40 triệu đồng vay ngân hàng.
“Tưởng cho con đi XKLĐ cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn hơn, nào ngờ đi về chẳng được gì lại rước nợ vào thân. Cứ tình trạng này chắc gia đình tôi không còn cách nào khác là phải giao nhà đất cho ngân hàng rồi ra đường mà ở”, ông Khất nói.
Cũng như ông Khất là tình cảnh của bà Hà Thị Xinh, mẹ của lao động Hà Thị Hà (ở xã Bình Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hoá). Trong những ngày này, bất chấp tuổi cao sức yếu, bà cũng phải khăn gói theo con ra Hà Nội để gõ cửa cậy nhờ các cơ quan chức năng, với mong muốn giúp gia đình đòi được số tiền đã cầm cố tài sản, vay nợ ngân hàng nộp cho Công ty Việt Thắng.
Bà Xinh bảo bà ra Cục Quản lý lao động ngoài nước lần này là lần thứ 3, mà vẫn chưa được Cục giải quyết. Cứ mỗi lần lên thì được một người của Cục trả lời "cứ từ từ mới giải quyết được"!
“Cục bảo cứ từ từ Cục giải quyết thì ngân hàng lấy nhà chúng tôi mất. 14/11 này nếu không trả được nợ cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ tiến hành phát mãi tài sản, thì coi như gia đình tôi hết cách”, bà Xinh nghẹn ngào cho biết.
Được biết, sau khi về nước hơn 1 năm nay, các lao động đã chạy đôn chạy đáo tìm công ty và Cục Quản lý lao động ngoài nước để mong được giải quyết, nhưng chẳng hiểu vì sao sự việc vẫn rơi vào im lặng.
Trước tình trạng này, trao đổi với VietNamNet, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ông đã chuyển đơn thư cho Phòng thanh tra của Cục và yêu cầu làm công văn gửi ngay cho Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng, yêu cầu Việt Thắng phải báo cáo ngay vụ việc và hướng xử lý với người lao động.
Trước đó, trong công văn số 1494 ngày 18-9-2009 của Cục do bà Nguyễn Thị Thúy Lai, Trưởng phòng Thanh tra gửi cho Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng, xác nhận đã nhận được đơn thư của lao động và yêu cầu công ty có biện pháp giải quyết. Nhưng đến nay vẫn không có tiến triển gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc
-
Gia Văn