Xả lũ "đến hẹn lại lên", chỉ nông dân chịu thiệt!
– Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng vẫn quyết tâm yêu cầu ngành điện hỗ trợ thiệt hại cho nông dân do xả lũ gây ngập úng trên diện rộng. Tuy nhiên, trả lời VietNamNet chiều 9/11, ông Trần Duy Việt - Chủ tịch Hội nông dân cho rằng cần giải quyết tận gốc vấn đề thuỷ điện xả lũ, không thể “đến hẹn lại lên”, người nông dân thiệt thòi mãi..
>>Nông dân đòi ngành điện bồi thường thiệt hại do xả lũ
- Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc công ty thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận – Đa Mi trả lời trên báo cho rằng Hội nông dân Lâm Đồng không nắm được quy trình xả lũ nên việc phản ứng đòi bồi thường của Hội Nông dân là vội vàng, theo ông chuyện này như thế nào ?
Nước lũ tàn phá hoa màu của người dân Lâm Đồng. Ảnh: tuoitre.vn |
Đúng là việc xả lũ có quy trình của nó, nhưng xin khẳng định việc xả lũ đã xảy ra nhiều năm nay và gần như năm nào cũng gây thiệt hại cho người dân. Nghịch lý dai dẳng là mùa nắng thì thủy điện tích nước, không điều tiết phần nước cho sản xuất phía hạ lưu, còn khi mưa lớn thì xả lũ gây thiệt hại cho dân trên diện rộng…
Thời gian qua, chỉ tính riêng hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ đã làm gần một nghìn hécta hoa màu của người dân ở hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương bị ngập, trong đó có 640ha rau, gần 200ha lúa đang vào vụ cho thu hoạch bị mất trắng…thiệt hại ước tính trên 23 tỷ đồng. Theo ông Trần Duy Việt, trong ngày 8/11, Hội Nông dân tỉnh cũng đã gửi văn bản đến Công ty thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi để kiến nghị về việc hỗ trợ thiệt hại và có giải pháp khắc phục lũ lụt do các thủy điện xả lũ gây ra. |
Như chúng ta thấy, vừa qua tình trạng ngập lụt khiến nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng, nếu không chia sẻ rủi ro thì coi làm sao được ?
- Phía công ty thủy điện cũng cho rằng, phần diện tích hoa màu bị ngập, hầu hết là do người dân lấn chiếm lòng suối Đa Nhim để canh tác ?
Tôi cũng chỉ biết việc này qua báo chí và đang yêu cầu anh em dưới huyện thống kê số liệu. Nhưng tôi chắc rằng, số thiệt hại do xả lũ là rất lớn. Chính vì thiệt hại như vậy nên phía huyện Đơn Dương, Đức Trọng mới có kiến nghị lên cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ. Hội Nông dân cũng chỉ góp tiếng nói để bảo vệ nông dân thôi.
- Ngoài việc kiến nghị công ty thủy điện hỗ trợ thiệt hại do xả lũ gây ra, được biết phía Hội nông dân còn kiến nghị Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh có nghị quyết về vấn đề này ?
Đúng như vậy. Từ thực tiễn nếu luật chưa điều chỉnh hết thì phải có quy định nào có giá trị để xử lý tình thế trước mắt. Ví dụ, để hạn chế tối đa thiệt hại thì phải tiến hành trưng cầu, tham vấn các ngành chức năng tại địa phương khi xây dựng thủy điện, bảo đảm thẩm định kỹ luận chứng kỹ thuật của dự án…
Theo tôi, cần có kiến nghị về chuyện xả lũ của ngành điện, khi mà luật chung của cả nước vẫn chưa điều chỉnh được. Từ nhận thức này, trong ngày 8/11, chúng tôi đã có văn bản gửi HĐND tỉnh kiến nghị trong kỳ họp sắp tới (dự kiến vào tháng 12/2010) HĐND nên xét ban hành nghị quyết về vấn đề này để các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh doanh thủy điện có cơ chế, chính sách thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định trong xây dựng và vận hành, nhằm không để việc xả lũ của các hồ thủy điện trong mùa mưa và tích nước trong mùa nắng gây thiệt hại, hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.
- Tiến trình xử lý vụ việc này ra sao, Hội luật gia tỉnh sẽ tư vấn pháp lý cho vụ kiện này ?
Chưa, chúng tôi chưa kiện ai cả. Chúng tôi chỉ mời một số sở - ngành, hội (trong đó có Hội luật gia) họp để tư vấn về vụ việc. Sau đó thống nhất làm từng bước, trước mắt chỉ dừng ở gửi kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước, tới ngành điện... để có chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Kiện tụng là chuyện chẳng đặng đừng, hiện chúng tôi chưa đặt ra vấn đề này.
-
Thái Thiện