Những thói quen ăn uống “trêu ngươi” thần chết
Phòng cấp cứu và khoa chống độc nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân ở tình trạng hôn mê do thực phẩm ôi thiu trong tiệc hiếu, hỉ. Nhiều người lìa đời vì ăn thịt cóc sống.
An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là đề tài nóng bỏng trong đời sống, bởi nó gắn liền với sinh hoạt thiết yếu của người dân, len vào từng ngóc ngách, từng ngôi nhà, tác động đến từng con người. Dù đã có nhiều cảnh báo từ phía cơ quan quản lý nhưng do thiếu hiểu biết, do thói quen tập quán ăn uống lâu đời lạc hậu nên tình trạng ngộ độc, thậm chí tử vong vì an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra thường xuyên.
Ăn thịt cóc sống để chữa bệnh ung thư
Trong thời gian gần đây, dư luận cả nước xôn xao về vụ việc có những người bệnh bị ung thư không hiểu do ai mách nước đã ăn thịt cóc, gan, mật cóc, da cóc sống để chữa bệnh. Kết quả là người bệnh tử vong.
Khoảng tháng 6/2009, 28/6, ông Nguyễn Văn D., 53 tuổi, trú tại xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã tử vong do ăn da, nội tạng cóc.
Được biết, trưa cùng ngày, ông D. đã xào gan, da và trứng cóc ăn. Sau khi ăn xong, ông D. thấy chóng mặt và buồn nôn, liền được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên trong tình trạng tụt huyết áp, loạn nhịp tim, nôn nhiều, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do nhiễm độc quá nặng, ông D đã không qua khỏi.
Người dân chế biến thịt cóc. Dù được cảnh báo nguy hiểm khi ăn thịt cóc, mật cóc, da cóc sống, ... nhưng người dân vẫn để ngoài tai. |
Cùng thời gian này anh Nguyễn Thanh Lân (37 tuổi), trú tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng tử vong vì ăn thịt cóc và nội tạng cóc sống.
Đến năm 2010, bất chấp cảnh báo của Bộ Y tế “người dân không theo kinh nghiệm dân gian hay theo thông tin truyền miệng mà sử dụng gan, mật, cóc sống (hoặc cá nóc) để chữa bệnh, như vậy là rất nguy hiểm. Người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành”, những người dân ở các địa phương vẫn tiếp tục ăn thịt cóc.
Cụ thể là ngày 24/5/2010, Khoa cấo cứu hồi sức BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận bé Ph. V. Th. 8 tháng tuổi (Long An) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, khó thở, nôn ói. Được biết, mẹ bé bắt được cóc trong vườn sau nhà nên làm thịt (còn lẫn trứng cóc) cho trẻ và mẹ cùng ăn. 1 giờ sau bé bị ngộ độc và được đưa tới BV Long An. Sau khi sơ cứu, các bác sĩ đã chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1.
Tại đây, bé được rửa dạ dày để loại bỏ độc chất và cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, đồng thời các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim để kích thích tim trẻ đập đều như bình thường. Đến nay, bé đã tỉnh táo và không phải dùng máy tạo nhịp tim. Rất may, bé đã qua khỏi.
TS Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: “Gan, mật, da, trứng cóc sống đều chứa nhiều chất rất độc hại. Tuy không có quy định cấm và dù có hiện tượng một số bệnh nhân ăn gan, mật cóc mà vẫn sống bình thường, thì khi chưa có kết luận khoa học, người dân phải ngừng ăn ngay để tránh nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.
Tiệc tùng linh đình dài ngày
Tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn có thói quen tụ tập ăn uống linh đình, kéo dài suốt vài ngày liền khiến thức ăn bị ôi thiu, dẫn đến việc bùng phát các dịch bệnh (như tiêu chảy cấp là một ví dụ cụ thể).
Từ khi dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ở Việt Nam đến nay, hầu như năm nào cũng có những trường hợp sau khi ăn cỗ đám hỉ (hoặc đám hiếu), rất nhiều người cùng bị tiêu chảy cấp.
Mới đây nhất, tại Hà Nam, sau khi cùng ăn cỗ ở một đám cưới tại thôn Hàn, xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân) vào ngày 22/4 vừa qua, đã có 47 người bị tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.
Ăn uống linh đình trong các đám hiếu hỉ là tập quán của người Việt nhiều nơi nhưng cách này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Nguyên nhân ban đầu được xác định do các bệnh nhân ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm tại đám cưới. Phần lớn các bệnh nhân sau vài ngày theo dõi, điều trị tại nhà đã ngừng tiêu chảy, sức khỏe ổn định. 2 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tỉnh và một trường hợp được chuyển lên Bệnh viện nhiệt đới quốc gia.
Vào năm 2007, khi dịch tiêu chảy cấp bùng phát rồi trở nên nóng bỏng và căng thẳng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn gửi tất cả các đơn vị trên địa bàn nhằm thực hiện công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp là cấm tụ tập ăn uống ở đám cưới, hội nghị, thậm chí cấm tụ tập ăn uống đông người nếu nơi tổ chức không đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo người dân tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ để không có khả năng ăn phải thức ăn ôi thiu, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, thực hiện ăn chín uống sôi, …
- Ngọc Anh