Gió to làm rơi cẩu trục 70 tấn xuống biển
- Do mưa lớn, biển động, hơn 10 ngày qua huyện Đảo Lý Sơn (Quãng Ngãi) bị cô lập với đất liền. Huyện phải mở kho lương thực dự trữ cứu đói cho dân. Một cẩu trục tại KKT Dung Quất bị rơi xuống biển.
>>Lũ rút, bùn cao hơn 1m
>>Thủy điện đồng loạt xả lũ, người dân ’lãnh đủ’
Sáng 5/11, Công ty Doosan Vina cho biết, gió to và sóng lớn đã làm xà lan của Công ty Đông Ban-Hàn Quốc đang vận chuyển cẩu trục GMQC, bị đứt hệ thống chèn buộc, làm rơi cẩu trục xuống biển tại khu vực cảng biển Dung Quất - Khu kinh tế Dung Quất. Cẩu trục GMQC là thiết bị do công ty Doosan Vina sản xuất và lắp ráp để xuất sang Ấn Độ. Cẩu trục GMQC có trọng lượng nặng 1.000 tấn, sức nâng 70 tấn, trị giá gần 10 triệu USD. Hiện cơ quan chức năng đang khắc phục hậu quả trên.
Cũng trong sáng 5/11 ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngoài khơi Quảng Ngãi có gió cấp 7, cấp 8, biển động dữ dội. Hơn 10 ngày qua huyện đảo Lý Sơn đã bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Biển động không những khiến huyện bị cô lập với đất liền, mà xã An Bình (đảo Bé) chỉ cách trung tâm huyện đảo chưa tới 3 hải lý cũng bị cô lập hơn 10 ngày qua.
Hiện nguồn lương thực của nhân dân trên xã đã cạn kiệt, huyện đã chỉ đạo xã tiến hành mở kho lương thực dự trữ để cấp phát cho dân. Với hai xã còn lại là An Vĩnh và An Hải, đến thời điểm này, lương thực thực phẩm dự trữ trong dân vẫn còn. Nếu trong vài ngày nữa thời tiết còn diễn biến bất lợi huyện sẽ mở kho lương thực dự trữ để cứu trợ cho dân.
Ngoài ra một khó khăn khác là nguyên liệu xăng dầu gần cạn kiệt. Lợi dụng điều này, một số tư thương đã tự ý nâng giá bán các mặt hàng thực phẩm, xăng dầu. Huyện đã chỉ đạo kiểm tra chấn chỉnh vấn đề này...
Tuyến đường lên Tây Trà bị sạt lở nghiêm trọng |
Ông Nguyên còn cho biết, mưa liên tục kèm theo gió trong những ngày qua, khiến hàng trăm ha hành của nông dân trên huyện bị hư hại, mất trắng.
Còn tại các địa phương khác trên địa bàn Quãng Ngãi, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi sạt lở nặng.
Tại huyện Tây Trà, mưa lớn đã làm đoạn Eo Tà Mỏ thuộc xã Trà Thanh, huyện Tây Trà nằm trên tuyến đường sông Trường - Trà Bồng - Bình Long - Dung Quất bị sạt lở nặng gây ách tắt giao thông. Tuyến đường Di Lăng - Trà Trung cũng bị sạt lở ở khu vực thôn Bắc Nguyên, xã Trà Thọ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Mưa lớn đã làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nứt núi, trước tình hình trên, chiều 4/11, huyện Tây Trà đã tiến hành di dời 188 hộ dân với trên 900 nhân khẩu đến nơi ở mới an toàn.
Tại huyện Trà Bồng, hiện có 5 điểm sạt lở núi tại các xã Trà Lâm, Trà Sơn, Trà Giang, Trà Tân và Trà Hiệp đe doạ cuộc sống của 147 hộ với 714 nhân khẩu.
Trước tình hình trên, UBND huyện Trà Bồng đã trích kinh phí 100 triệu đồng cộng với số bạt do tỉnh cấp cho mỗi nhà một tấm rộng 60m2 làm 147 nhà bạt để đưa dân ra khỏi điểm sạt lở phòng khi mưa lớn kéo dài.
Hiện, nhiều hồ chứa nước trong tỉnh đứng trước nguy cơ bị vỡ nếu nước tràn bờ. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị quản lý và vận hành các hồ đập chủ động triển khai lực lượng, thường xuyên kiểm tra các hồ đập để điều tiết nước phù hợp, sẵn sàng phương tiện, con người để ứng phó với các tình huống xấu xảy ra. Các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi túc trực 24/24 giờ, để sẵn sàng di dời dân khi có lệnh.
Ngoài huyện đảo Lý Sơn, còn có xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, Thị xã Hội An, Quảng Nam đã bị cô lập từ nhiều ngày nay do biển động mạnh, mọi phương tiện giao thông ra đảo bị cắt đứt…
Chiều ngày 5/11, lãnh đạo Thị xã Hội An khẳng định với P.V VietNamNet, giao thông từ đất liền ra Tân Hiệp đã bị tê liệt từ nhiều ngày nay. Tình trạng khan hiếm xăng dầu, lương thực, thực phẩm đang xảy ra.
Điều đáng quan ngại là một số chủ buôn đã bất chấp nguy hiểm của thời tiết bất thường trên biển đã liều mạng cho tàu chở hàng ra đảo, bất chấp sự ngăn cản của các cơ quan chức năng. Ngoài giao thông bị chia cắt hoàn toàn, mưa lớn đã gây thiệt hại lớn cho nông dân trên huyện đảo Lý Sơn. Có hơn 300 ha hành tỏi của nông dân vừa xuống giống đã bị cát bay vùi lấp gây thiệt hại nặng. Còn tại xã đảo Tân Hiệp (Thị xã Hội An), giao thông cũng bị tê liệt gần 1 tuần nay. Rất may là lương thực, thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu đã dự trữ đảm bảo cung cấp cho nhân dân nên không xảy ra tình trạng khan hiếm. Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch HĐND TP. Hội An Nguyễn Sự khẳng định, mặc dù giao thông bị chia cắt nhiều ngày nay, nhưng đời sống của hơn 3.000 dân trên xã đảo này được đảm bảo tối thiểu 1 tháng nhờ công tác dự phòng trước mùa mưa bão. Vũ Trung |
-
Minh Bảo