Những 8X sợ... người sống hơn cả xác chết

Cập nhật lúc 15:34, 16/11/2010 (GMT+7)

- Kĩ thuật viên Trần Hải Đăng tâm sự: “Mình không sợ ám ảnh xác chết, chỉ sợ… người còn sống?! Nhiều lúc nghĩ tới chuyện vợ con, gia đình lại thấy chán nản. Cô nào biết mình làm giám định pháp y trước sau cũng…cố tránh xa mình ra!”.

>> Người từng ’làm việc’ với 10.000 xác chết

Chiếm gần ¾ trong số 15 con người đang âm thầm làm công việc ở Trung tâm giám định pháp y Vĩnh Phúc là những chàng trai thuộc thế hệ 8X. Thế nên anh em có chuyện gì buồn vui cũng dễ để sẻ chia, tâm sự.

Lâu lâu mới có người lạ tới thăm nên anh em càng phấn khởi. Cuộc trò chuyện giữa tôi với các anh cứ miên man hết chuyện nghề lại qua chuyện đời.

Từ “liều” rồi thành yêu

Dáng người gầy, dong dỏng cao, kĩ thuật viên Trần Hải Đăng (sinh năm 1984, quê Hạ Hòa, Phú Thọ là thế hệ 8X có "thâm niên" công tác lâu nhất trong số các em. Anh đã có 4 năm gắn bó với công tác giám định pháp y tại trung tâm.

Một ca giám định pháp y (Ảnh: CA Tp.HCM)
Một ca giám định pháp y (Ảnh: CA Tp.HCM)

Chia sẻ về lí do vào làm tại đây, anh cười xòa: "Trước mình học Trường Trung cấp quân y I, ngành Y sĩ đa khoa, tốt nghiệp xong xin về đây ngay. Thú thực, nói lý do thì có lẽ đó là cơ duyên thôi. Lúc đầu khi chưa vào trung tâm mình cũng thấy công việc này thú vị chứ chưa hiểu nhiều về nó. Cứ “liều” xin vào đây, giờ làm lâu dần cũng thấy quen và yêu nghề”.

Còn với Nguyễn Văn Định, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, sinh năm 1988, người trẻ nhất trong số các 8X mọi thứ đã được xác định từ buổi ban đầu: “Mình tâm niệm là nghề nào cũng vất vả, khó khăn. Cái quan trọng là mình được sử dụng những kiến thức đã được dạy vào chuyên môn, nghề nghiệp của mình”.

Điểm chung của hai chàng trai này đó là gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp. Kĩ thuật viên Hải Đăng tâm sự: “Khi biết con theo nghề pháp y, bố mẹ chỉ hỏi con có sợ không? Mình đứng thẳng người, đáp là không nên bố mẹ cũng yên lòng, nói “đấy là tao hỏi thế, còn thì tùy ở mày quyết định, bố mẹ ủng hộ”. Bạn bè thì phần đa không hiểu cứ “chất vấn” tại sao lại “đâm đầu” theo nghề cực chẳng đã này làm gì?”.

Công việc chính của các kĩ thuật viên giám định là làm việc cùng giám định viên chuyên trách giải phẫu tử thi, giám định thương tích, giám định tình dục,…

Những cuộc marathon vất vả và ghê sợ

Sau gần 4 năm lăn lộn trong nghề, để nhớ con số chính xác các trường hợp đã giải quyết, anh Đăng cũng như một số đồng nghiệp đều thật thà “có khi nào thống kê đâu mà rõ”. Riêng với anh Đăng, “chắc chắn là gần đến 1.000 ca”.

Anh Đăng nhớ nhiều về những câu chuyện, những trường hợp phải tiếp nhận, người chết rất thương tâm và vô số những vụ án giết người đến kinh hoàng.

Trường hợp đầu tiên anh phải trực tiếp “xắn tay cùng làm” là ở Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Tử thi chết từ Tuyên Quang, sau 7-8 ngày xác chết trôi dạt về đây. Nhận “lệnh” anh em lên đường ngay.

“Lúc tiếp nhận, xác chết đã ở dạng thối rữa, da sờ vào khá nhớt, trơn tuột, lưỡi phù to, mắt lồi, thi thể biến dạng do vi khuẩn, giòi xâm nhập quá nhiều. Mùi tử khí bốc lên thì khỏi phải nói, không quen là dễ ngất vì sốc lắm. Ca đó trung tâm mình làm gần 1 giờ thì xong” – Kĩ thuật viên Trần Hải Đăng nhớ lại.

Xét ở khía cạnh phải mất nhiều thời gian và phải tỉ mỉ, chi tiết nhất với những người làm pháp y chính là những trường hợp người chết có liên quan tới án mạng. Dù chỉ là một vết xước nhỏ cũng không thể bỏ qua vì rất có thể đó là manh mối tìm ra hung thủ.

Kĩ thuật viên Thùy (sinh 1986) cho hay: “Nhiều vụ 4 người làm hết 3-4 giờ đồng hồ là chuyện thường. Sau đó, khi tòa có cần lại triệu tập người của trung tâm tới để thông tin về thương tích nạn nhân”.

Vất vả, mệt mỏi từ công việc này thì…có thừa. Kể lại trường hợp đi làm vụ án giết người hồi năm 2006, khi xác nạn nhân treo cổ ở mãi trên điểm cao nhất của Tây Thiên là đền Thượng, kĩ thuật viên Trần Hải Đăng vẫn không hiểu sao “cái người mình gầy gầy, bé tí lại bền sức đến thế!”.

“Khoảng 14 giờ, Công an huyện Tam Đảo gọi điện và xuống đón anh em, tới chân núi mọi người xuống đi bộ, ròng rã gần 2 tiếng, tới 17 giờ chiều mới tới nơi.

Khám nghiệm xong, ngẩng mặt lên nhìn thì trời đã tối mù mịt. Mấy đồng chí công an thông báo đã 21 giờ đêm. Lúc lên đã vất, khi xuống còn cực nhọc hơn. Hồi đó anh em chẳng có điện đóm gì, cứ mò mẫm mà đi. Địa điểm xác chết nạn nhân nằm sâu trong rừng, cỏ lau cao ngập đầu.

Khi ra, mọi người phải bỏ hết giày để đi chân đất. Cỏ khứa vào tay như những lưỡi dao lam cứa ngọt vào da thịt, đau buốt. Thỉnh thoảng lại có người té trượt, ngã dúi dụi.

Còn có trường hợp bị “đày ải” như thế này. Chỉ một ngày thôi mà mình cùng các đồng nghiệp phải “chạy” 6 trường hợp. 18 giờ chiều có điện thoại từ Công an thị xã Phúc Yên, chưa xong phía huyện Vĩnh Tường đã giục, mệt bơ phờ thì huyện Mê Linh yêu cầu tới gấp rồi phía thị xã Phúc Yên lại réo “anh pháp y đâu rồi?. Hoàn thành xong cuộc “marathon” này thì đã 21 giờ đêm hôm sau”.

Chỉ sợ… người còn sống!

Khi được hỏi có bao giờ bị ám ảnh bởi những xác chết chưa? Câu trả lời tôi nhận được từ các anh em đều là những tiếng cười và cái lắc đầu vui vẻ.

Mới chập chững vào nghề được hơn 4 tháng, nhưng như kĩ thuật viên Nguyễn Văn Định cho hay: “Lúc mới vào làm, ai chẳng run sợ và lo lắng, song mình cũng như mọi người làm việc ở đây chỉ nghĩ là làm để giúp cơ quan công an có thể tiến hành công việc được thuận lợi. Cũng là giúp cho mọi người thôi”.

’’’"Lúc’’
"Lúc đầu mới vào nghề, nhìn xác chết cũng run sợ lắm nhưng giờ thì quen rồi, thấy cũng bình thường thôi" - Chia sẻ của Kĩ thuật viên Nguyễn Văn Định (Ảnh: Công an nhân dân)

“Ai cũng nghĩ làm nghề này chắc người phải chai lì, lạnh tanh hay ghê sợ lắm. Suốt ngày bên xác chết với tử thi thì chết khiếp, còn đâu dám mơ chuyện vợ chồng” – ngồi kế bên, kĩ thuật viên Thùy cười buồn: “Nhiều lúc nghĩ cũng nản, nhưng đã trót yêu nghề rồi, chẳng thể bỏ được nữa”.

Kĩ thuật viên Trần Hải Đăng tâm sự: “Mình không sợ ám ảnh xác chết, chỉ sợ… người còn sống?!”. Mới hay, 27 tuổi đầu chàng trai đất “rừng cọ đồi chè” vẫn là “lính phòng không”, chưa một mảnh tình vắt vai. Đi chơi, cô nào gặp nói chuyện ban đầu cũng vui vẻ, phấn khởi lắm. Rồi tới khi hỏi anh làm gì, 10 cô thì cả 10 lắc đầu ngản ngẩm, tìm cách…chạy mất tiêu.

“Muốn tìm được một người thực sự hiểu và thông cảm cho công việc của mình xem ra khó quá… (ngưng một lát). Thôi, chuyện gia đình hẵng cứ còn dài dài, “còn phải tính tiếp”!

Và họ lại cùng nhau chuyện trò, sẵn sàng đón đợi chặng đường tiếp theo với nụ cười vui vẻ.

  • Văn Chung

Các tin khác