Người từng "làm việc" với 10.000 xác chết

Cập nhật lúc 16:58, 14/11/2010 (GMT+7)

- Quyết định gắn bó cuộc đời với nghề giám định pháp y, suốt 37 năm qua chưa có Tết nào ông được về trọn vẹn ba ngày với gia đình.

Buổi sáng cuối tháng 10 giá lạnh. Trong căn phòng nhỏ, hẹp ở Trạm y tế Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Giám định viên (GĐV) Nguyễn Văn Lộc vẫn chiếc áo sơ mi đã cũ, khẽ ngả lưng trên chiếc ghế xoay cạnh bàn làm việc tự thưởng cho mình chén trà nóng đậm đặc.

Một buổi sáng nhẹ nhàng và thoải mái. Hi vọng sẽ là một ngày được nghỉ ngơi, không phải đón nhận tin dữ từ một gia đình nào đó.

Nghề tối như đêm 30

Vào nghề từ năm 1972, làm việc tại khoa Giải phẫu bệnh, BV khu vực Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sau đó, năm 2006 khi tỉnh nhà thành lập Trung tâm Giám định pháp y, ông được điều chuyển sang làm GĐV.

Công việc của ông hồi ở BV khu vực là giải phẫu bệnh pháp y để tìm phương pháp điều trị. Nói cụ thể hơn công việc của ông lúc đó là xem xét việc mổ pháp y xem việc chuẩn đoán lâm sàng của bác sĩ có giống nhau không.

Mô tả ảnh.
Công việc của những người giám định pháp y âm thầm, lặng lẽ mà ông Lộc và mọi người vẫn thường ví von là "nghề tối như đêm 30" (Ảnh: VietNamNet).

Sau khi chuyển sang trung tâm, công việc chính của ông và các đồng nghiệp là giám định vết thương, giám định tình dục, giám định HIV, giám định tử thi…khi có yêu cầu từ phía cơ quan công an.

Công việc âm thầm, lặng lẽ mà như lời ông vẫn thường ví von là “tối om như đêm 30”. Cái nghề vất vả mà có khi chả mấy ai quan tâm, ngó ngàng.

Từ những vụ tai nạn giao thông đến án mạng, hiếp dâm,…bất cứ khi nào ông và các đồng nghiệp cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng lên đường bất kể nắng mưa, sớm tối hay giông bão bịt bùng.

Cả trung tâm hiện có 15 cán bộ nhân viên và quản lí. Tất cả đều phải căng sức hoàn thành công việc. Công việc nhiều khi nguy hiểm bởi mùi xác chết của nạn nhân cực kì khó chịu, nhiều người bị HIV hay bệnh truyền nhiễm như Viêm gan B nếu không cẩn thận người làm pháp y rất dễ bị ảnh hưởng.

56 tuổi, dáng người thấp đậm, giọng nói ầm vang, ông khiến mọi người nhớ lâu bởi sự giản dị và tính tình hóm hỉnh là những nét phác họa chính về GĐV Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Giám định pháp y, Trung tâm Giám định pháp y Vĩnh Phúc.

“Mình trước cũng từng công tác trong bệnh viện rồi mới chuyển về làm việc tại trung tâm. Thú thực mình chưa thấy ai nhiệt tình, “can đảm” bám trụ nghề như anh ấy cả” – nhận xét của Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Hoài Nam.

Cùng làm việc với ông trong ngành pháp y từ những năm 1972 đến giờ người còn người mất, người đã nghỉ việc. Và giờ, sắp tuổi lục tuần, “bầu nhiệt huyết” với nghề trong ông dường như vẫn như những ngày đầu, nhiệt tình và sôi nổi.

Những trường hợp kinh hoàng nhất

"Cuộc đời ông, giờ ngồi ngẫm lại ông chẳng thể nhớ mình đã "làm việc" với bao nhiêu xác chết nữa, nhưng “chắc cũng phải trên dưới 10.000 ca (các tử thi). Chỉ tính riêng từ năm 2006 tới nay, mình đã làm gần 2.000 ca. Nói chung trường hợp nào cũng xót xa cả” - ông nói.

Người dân hiếu kỳ, trèo cả lên cây xem công tác giám định pháp y tại hiện trường (Ảnh: VietNamNet).
Người dân hiếu kỳ, trèo cả lên cây xem công tác giám định pháp y tại hiện trường (Ảnh: VietNamNet).

“Ca đầu tiên mình làm là mổ giải phẫu bệnh một cháu bé sơ sinh mới được 4-5 tháng tuổi chết trong bệnh viện. Lúc đầu cũng toát mồ hôi, run run đấy” – Đôi mắt ông hấp háy, tay nhay nhay vầng trán với những “làn sóng” nếp nhăn đã xô cả vào nhau hồi tưởng về những ngày đầu mới vào nghề.

Với đặc thù của công việc, từ khi chuyển sang Trung tâm Giám định pháp y Vĩnh Phúc, bất cứ khi nào có trưng cầu giám định của pháp y, ông và các đồng nghiệp phải lên đường. Nhiều nhất là các vụ tai nạn giao thông.

“Có trường hợp người chết rồi, đã nằm trong “áo quan” nhưng do kiện tụng nên cần giám định pháp y lại phải vào làm việc. Phía trên bàn thờ, nhang khói nghi ngút. Phía dưới đặt áo quan, mình căng vải trắng bốn phía rồi cứ thế mấy anh em tiến hành công việc.

Bên ngoài, người thân của nạn nhân khóc than thảm thiết. Bên trong thì nóng nực, chật hẹp, trời thì mùa hè, bộ đồ bảo hộ cùng với cái khẩu trang khiến người mình toát mồ hôi như mưa. Lại gạt mồ hôi đi, động viên bản thân”.

Thấy tôi mặt mày tái mét, ông tiếp: “Mà như vậy đã thấm tháp vào đâu. Cách đây 3-4 năm chuyện khai quật nạn nhân đã chết để làm giám định pháp y cũng chẳng phải hiếm. Cái này cũng có nguyên do từ chuyện kiện tụng.

Chưa hết, nhiều khi việc khai quật đúng vào dịp giỗ 49 ngày của nạn nhân. Vẫn biết công việc là phải làm, song trong thâm tâm mình cũng đôi chút lo lắng.

3.jpg
Các giám định viên pháp y luôn phải làm việc trong môi trường độc hại (Ảnh: VietNamNet)

Ví dụ như vụ ở Tự Lập, Mê Linh (Vĩnh Phúc trước đây). Hôm đó đúng dịp giỗ 49 ngày của nạn nhân. Ngoài trời mưa to, gió lớn. Tờ mờ sáng anh em đang trực ở cơ quan, khi được gọi có người vẫn cứ quần cộc lên nhảy lên ô tô của cơ quan công an, rồi vừa đi trên đường vừa mặc đồ bảo hộ. Làm 2-3 tiếng xong người mệt dã dời, đau ê ẩm

Hay như vụ mổ dưới huyệt ở Thiện Kế, Bình Xuyên, nạn nhân là người công giáo chết trong tai nạn giao thông cũng khiến mình lo ngay ngáy bởi chưa làm trong địa bàn những người theo đạo nên càng phải cẩn thận hơn”.

Ghê sợ nhất đối với người làm pháp y như ông và các đồng nghiệp chính là phải làm việc với những tử thi chết đuối, bởi xác nạn nhân thường đã mấy ngày mới tìm thấy nên trương phềnh, mắt lồi, miệng lở, sờ vào da trơn tuột, giòi mọc nhung nhúc.

“Nếu làm không cẩn thận khi mổ khí tích tụ trong người nạn nhân xì ra, sộc thẳng vào mặt có thể gây ngất vì sốc” – ông cho hay.

Mùi tử thi nồng nặc tới mức nhiều ca làm xong người làm pháp y phải dùng bông cồn ngoáy sạch tai, lau khắp người mà 2-3 ngày sau vẫn còn chưa tan.

Mô tả ảnh.
Chiếc cưa tay dùng để cưa sọ nạn nhân. Hồi năm 2006 khi Trung tâm mới được thành lập, các GĐV thường xuyên phải sử dụng nó trong công tác giám định pháp y. Phải mất từ 2-3 tiếng việc cưa sọ mới được tiến hành xong.

Kinh hoàng nhất trong đời làm pháp y của ông có lẽ là trường hợp ở Trung Nguyên, Yên Lạc. Nạn nhân là đôi nam nữ yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận đã tự tử, sau nhiều ngày khi xác chết bốc mùi nồng nặc gia đình mới phát hiện.

“Chúng tôi phải dùng 4 lọ thuốc xịt muỗi to mới xua tạm hết ruồi nhặng, bọ đang bu lấy thi thể. Mùi xác chết kinh khủng tới mức chúng tôi phải nói với gia đình mua vài kg bồ kết đốt lên một bên, bên kia là một đống rơm rạ to cũng được đốt lên mà vẫn không hết.

Nhiều người hiếu kì muốn vào xem, phía người nhà, công an cũng muốn vào nhưng đành chịu vì ghê sợ mùi tử khí”.

37 năm ăn Tết cùng tử thi

Mới ngày nào còn chập chững, tay run run cầm lưỡi cưa, cây kéo giờ ngoái đầu nhìn lại, thoáng cái đã gần 40 năm ông gắn bó với công việc này. “Mọi người vẫn thường động viên nhau nhìn vào tấm gương hết lòng vì công việc của chú để cố gắng, nỗ lực hơn” – anh Thùy, kĩ thuật viên khá trẻ của Trung tâm tâm sự.

Và cùng bằng đó thời gian ông chưa được cùng vợ con hưởng một cái Tết đoàn viên trọn vẹn trong 3 ngày. Vụ này liên tiếp vụ kia, cứ cuốn ông theo guồng quay bất tận của nó.

“Năm nào mình cũng được ăn Tết cùng công an các huyện. Kể ra thì đời cũng nhiều thú vị đấy chứ. Mà này nhé, nhiều khi mình không đi làm, về vợ lại chẳng thèm ngó nhìn gì vì “không có mùi đặc trưng của cơ thể”. Thế đấy!” – ông cười sảng khoái.

“Đêm 30 năm nào tưởng được nghỉ nhưng hễ chuông reo là lại lên đường. Ơn trời là bấy nhiêu năm lăn lộn nắng mưa, tiếp xúc với tử thi với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh mà gần như chẳng mấy khi mang khẩu trang vì nóng nực, khó chịu nhưng sức mình vẫn còn tốt lắm, chẳng mảy may ốm đau”.

Một đời cống hiến cho công việc, ông vẫn luôn “tự hào” vì có một người vợ hết lòng chiều chồng, thương con. “Bà ấy làm nông nghiệp. Mình sớm tối lăn lộn với công việc, một mình bà hết lo đồng áng lại quay qua chăm sóc cho các con”.

Hai cô con gái ông, một người làm công nhân, một làm bác sĩ. Ông cũng đã có cháu ngoại bồng bế. “Xem ra cuộc đời thật quá “ưu đãi” mình rồi, cậu nhỉ?”. Ông vẫn vậy, luôn khiến mọi người có cảm giác thoải mái, vui vẻ khi tiếp xúc với mình.

  • Văn Chung (Còn nữa)

Ý kiến của bạn

Các tin khác