"Đừng rùm beng những chuyện không đáng rùm beng"
Dường như có một số người nghĩ rằng chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nới, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”.
Ngày 13/11, VietNamNet nhận được bức thư bạn đọc ký tên Trần Tâm (cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa). Tôn trọng tính đa chiều và cởi mở của thông tin và tiếp nhận thông tin, chúng tôi đăng tải ý kiến độc giả này.
Kính gửi báo VietNamNet
Là bạn đọc thân thiết của báo, những năm qua chúng tôi đã thường xuyên đọc, theo dõi sự phát triển của tờ báo. Có thể nói VietNamNet đã trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi. Thông qua báo, bạn đọc luôn cập nhật thông tin, nắm bắt được những sự kiện nóng bỏng của đất nước, nhất là những vấn đề ở tầm vĩ mô. Những bài viết của các phóng viên, của các học giả trong và ngoài nước thật sự bổ ích, giúp bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn về thực tại tình hình đất nước.
Tuy nhiên, trân trọng những bài viết như thế bao nhiêu, tôi lại thấy thất vọng bấy nhiêu trước loạt tin bài liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ thời gian qua của quý báo bấy nhiêu. Không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều bạn bè của tôi cũng không đồng tình với việc VietNamNet khai thác quá nhiều sự kiện ông Cù Huy Hà Vũ trong khi còn biết bao vấn đề quốc kế dân sinh đang rất cần quan tâm, suy ngẫm. Việc ông Vũ bị bắt, cơ quan chức năng sẽ điều tra và công bố. Có cần thiết để quý báo phải phỏng vấn người này người khác, khai thác quá đậm những thông tin bên lề? Quý báo đang chạy theo việc săn tin giật gân câu khách, qua đó đã vô tình giúp đánh bóng hình ảnh cho người ta.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là ai và có thực là người đáng nể trọng không? Có thể một bộ phận bạn đọc không rõ. Nhưng những ai quan tâm đến nhà thơ Huy Cận hẳn biết rất rõ những chuyện lùm xùm đình đám một thời liên quan đến người con trai nhà thơ này.
Chúng tôi là những người rất yêu quí bố ông Vũ, tức nhà thơ Huy Cận. Có thể nói thơ ông và dòng văn học lãng mạn thế hệ ông đã làm say đắm bao người yêu thơ, nhất là những người có điều kiện học tìm hiểu và đã gặp ông. Và chính vì yêu quí ông nên khi có thông tin về việc ông Cù Huy Hà Vũ kiện bố đẻ của mình về đất đại, nhà cửa, lúc ấy chúng tôi đã rất quan tâm theo dõi.
Thú thực, ngay từ thời ấy chúng tôi đã rất thất vọng với nhân cách của ông Vũ. Càng yêu quí nhà thơ Huy Cận bao nhiêu, chúng tôi càng thông cảm và chia sẻ về nỗi bất hạnh mà ông phải gánh chịu. Kiện cha mình dù vì bất cứ lý do gì, cũng chính sự bất kính lớn nhất, là sự thiếu đạo lý với cha mình. Truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam khó lòng có thể tha thứ, bỏ qua cho hành vi bất hiếu ấy.
Và cũng chính vì theo dõi nên chúng tôi thấy cái sự ‘kiện” hình như đã ăn sâu vào ông thì phải. Cái gì ông cũng kiện. Không biết ông nhân danh ai: từ kiện một ca sỹ hát nhạc của một nhạc sỹ thiên tài nước ngoài (ông là hậu duệ của nhạc sỹ đó chăng) đến kiện một tỉnh về một dự án. Cao hơn ông kiện cả người đứng đầu chính phủ…Ông Vũ kiện nhiều đến mức, khiến cho người ta phải hòai nghi về động cơ thực sự của ông, vì tâm huyết hay chẳng qua là đánh bóng cho bản thân. Bởi những việc mà ông to mồm chửi bới chỉ là những việc mà các nhân sỹ, trí thức trước đó đã góp ý, bằng những phân tích có lý có tình và đúng mực trong ứng xử.
Viết như vậy không có gnhĩa là chúng tôi phản đối việc phản biện. Ngược lại, phản biện là một việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng đất nước thời hội nhập, tư duy phản biện càng trở nên quan trọng trước những thông tin đa chiều và trước những sự kiện mà đôi khi cái giá phải trả cho các quyết định sai lầm là không thể tưởng tượng được.
Nhưng đâu đó vẫn tồn tại ý tưởng rằng việc phản biện không hề có tác dụng tích cực. Từ đó, dẫn đến cách hành xử theo phong cách "Chí Phèo" trong hoạt động phản biện – như một bài viết gần đây của chính VietNamNet đã chỉ ra.
Dường như có một số người nghĩ rằng chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nới, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”. Đặc biệt, người phản bác càng to mồm, càng sử dụng những ngôn từ đao to búa lớn lại càng được cộng đồng cư dân mạng tung hô nhiệt liệt. Đọc những ý kiến phản biện kiểu này, người ta không thấy chất lượng khoa học và tính khách quan của sự phản biện, mà chỉ thấy thái độ trịch thượng , dạy dỗ người khác, đặt mình đứng trên thiên hạ để phán xét, quy chụp một cách chủ quan…Nhưng nếu ai đó trên mạng mà có lỡ lời phản biện lại họ, thì lại bị chính chủ nhân và những người ủng hộ xúm vào “đập cho tơi bời” không thương tiếc.
Những hiện tượng đó nói lên điều gì? Nếu người phản biện thực sự tâm huyết thì điều họ cần quan tâm là ý kiến của mình có được tiếp thu và đi vào cuộc sống chứ không phải góp ý để tạo danh vọng cho mình. Còn nếu những nhà lãnh đạo không tiếp thu tâm huyết của xã hội, những góp ý xây dựng chân thành…thì quy luật phát triển sẽ loại bỏ họ. Còn những người nhân danh phản biện để tạo thêm hư danh cho mình thì sớm muộn, những người hiểu biết sẽ nhận ra bản chất thực sự của họ.
Đôi lời trao đổi, có gì không phải xin được thông cảm. Xin gửi tới quí báo lời chào trân trọng!
-
Trần Văn Tâm (Cựu binh Thanh Hóa)