Chủ đầu tư nói về những vết nứt mặt cầu Thăng Long
- Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 2 - Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long), ông Nguyễn Năng Thể thừa nhận, chưa có biện pháp xử lý triệt để, mặt cầu Thăng Long vẫn có khả năng phát triển vết nứt mới.
Tin liên quan:
>Cầu Thăng Long càng nứt to sau khi vá
>Bộ trưởng GTVT nói về nứt cầu Thăng Long: “Phải bình tĩnh!”
>Nứt cầu do thử nghiệm kiểu đường:Trả lời quá vô trách nhiệm
Lại tiến hành sửa chữa lớn
4 tháng sau khi xử lý các vết nứt đầu tiên trên mặt cầu Thăng Long, mặt cầu vẫn tiếp tục xuất hiện các vết nứt mới.
Quan sát của PV chiều 30/7: Có nhiều vết chạy dọc theo bánh xe, có vết lại vòng hình cánh cung. Không những thế, nhiều đoạn bị lõm xuống cả chiều ngang, khiến mặt cầu không còn bằng phẳng.
Vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện trên mặt cầu Thăng Long - Ảnh:C.Hiếu |
Ông Thể cho biết, tính đến nay, diện tích mặt cầu đã và sắp tiến hành sửa chữa lên đến 4.200m2. Trong đó, có 2.200m2 đã được vá trong 3 lần trước và thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều vết bông rộp mới, với diện tích khoảng 2.000m2
“Quan điểm của Bộ GTVT là không sửa chữa lặt vặt nữa nên đã giao Viện lập bản đồ điểm hỏng, điểm tiềm ẩn khả năng hỏng và Viện đã lập xong. Đáng ra chúng ta đã tiến hành vá nhưng do hội nghị ASEAN và 2 cơn bão nên phải lùi lại. Chắc chắn từ 5/8,nhà thầu sẽ tiến hành thảm lại, dự kiến trong 1 tuần là xong, và chỉ làm từ 23h-6h hôm sau”, ông Thể nói.
Cũng theo ông Thể, tổng kinh phí 3 lần sửa lần trước (2.200m2) là 980 triệu, còn lần này (2.000m2) vào khoảng 1 tỷ đồng do nhà thầu tạm ứng.
Như vậy, chỉ nửa năm sau khi hoàn tất thảm lại mặt cầu, cầu Thăng Long đã phải tiếp tục vá víu 4.000m2 (trên tổng số 26.000m2 mặt cầu) với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.
Song điều đáng nói là, “nguyên nhân gây nứt vẫn chưa được kết luận và vẫn có khả năng phát triển thêm nếu không có biện pháp xử lý triệt để”, ông Thể thừa nhận.
Chưa rõ trách nhiệm
Cùng với việc giao Viện Khoa học công nghệ GTVT (đơn vị thiết kế, giám sát) lập bản đồ khoanh vùng sự cố và có vùng tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục nứt, Bộ GTVT cũng yêu cầu Viện Khoa học công nghệ thời hạn trước 30/7 phải tìm ra nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý triệt để.
Song chiều 30/7, ông Thể cho biết, vẫn chưa thể kết luận chính thức nguyên nhân gây nứt mà chỉ có đưa ra các nhóm nguyên nhân dự kiến, cụ thể như: trạm trộn bê tông ở xa vị trí thi công khiến khiến bê tông bị nguội; thi công trong thời tiết rét nên nhiệt độ hạ nhanh; Vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông (một làn vẫn làm, làn ngược lại xe vẫn chạy).
Cùng với hiện tiện nứt, cầu Thăng Long còn có hiện tượng trượt bề mặt lớp nhựa SMA khiến mặt cầu có chỗ lòi lõm - Ảnh:C.Hiếu |
Do chưa kết luận chính thức nguyên nhân gây nứt từ đâu, từ thiết kế, thi công hay các yếu tố khác, nên ông Thể khẳng định: Chưa rõ trách nhiệm thuộc về bên nào!.
“Chỉ khi có kết luận nguyên nhân thì Bộ mới đứng ra phân xử, quy trách nhiệm được. Chính thế nên kinh phí sửa chữa nhà thầu cũng phải “tạm ứng”, ông Thể nói.
Ông Thể cũng thông tin thêm, ông được biết, hiện chưa có đơn vị kiểm định độc lập nào mà chỉ có một số chuyên gia của Israel do Viện Khoa học công nghệ mời tham gia cùng Viện trong quá trình tìm nguyên nhân.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 91 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 74 tỉ đồng. Dự án chia làm 3 gói thầu chính bao gồm: Gói thi công đường bảo đảm giao thông dưới 2 cánh gà; gói thi công sửa chữa lớp phủ mặt cầu và gói tháo dỡ, chế tạo, lắp đặt khe co giãn mới. Dự án khởi công ngày 23/10/2009, hoàn thành vào 23/12/2009, vượt tiến độ 1 tháng. Những vết nứt nói trên thuộc gói thầu thi công sửa chữa lớp phủ mặt cầu và gói tháo dỡ. |
-
Chí Hiếu