Nứt cầu Thăng Long: Bị đổ lỗi, nhà thầu không phục!

Cập nhật lúc 07:08, 25/03/2010 (GMT+7)

- “Không có chuyện lu lèn dưới 15 độ C gây ra các vết nứt. Tôi loại bỏ nguyên nhân nhiệt độ. Trước, sau quá trình lu lèn đều được người của Viện cầm nhiệt kế đo rất kỹ”, đại diện nhà thầu thi công phản bác kết luận của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (GTVT).

TIN LIÊN QUAN

“Thời tiết thi công không dưới 15 độ”

Một ngày sau khi Viện Khoa học và Công nghệ GTVT có văn bản công bố nguyên nhân gây ra sự cố nứt là do một số mẻ bêtông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn vì thi công trong điều kiện nhiệt độ thấp, trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Bảo Quân (nhà thầu thi công) đã bác bỏ nguyên nhân này.

Ông Nghĩa nói: "
Thực ra kết luận của anh Tâm (Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ GTVT- PV) chưa gửi cho tôi, tôi chỉ biết qua báo chí thôi. Song kết luận không nghiêng về thi công mà nói là... thời tiết. Nhưng về yếu tố này tôi cho không đúng. Tôi khẳng định, thời tiết thi công không dưới 15 độ C.

Những hôm đó, có ngày lạnh 15-16 độ, tức vào ban đêm có thể xuống thấp. Nhưng thi công là thi công vào ban ngày, từ 9h sáng đến 6h tối, chứ không thi công vào ban đêm".

Mô tả ảnh.
Vết nứt trên mặt cầu Thăng Long - Ảnh:Chí Hiếu

- Một bên nói nhiệt độ trên 15 độ C, bên kia nói dưới 15 độ, vậy có cần mời cơ quan khí tượng thủy văn vào để làm sáng tỏ không?

Thời tiết chỉ là dự báo, còn chúng tôi có nhiệt kế. Người của Viện cầm nhiệt kế đo rất kỹ. Chúng tôi có biên bản, có nhật ký thi công để chứng minh điều này.

Họ lập ra quy trình thi công và giám sát nó. Kinh nghiệm nhiều năm thi công, chúng tôi chưa thấy một công trình nào lại có nhiều giám sát đến vậy.

- Nghĩa là các ông thi công đúng quy trình mà Viện đặt ra, và nếu có gì chưa đạt thì giám sát của Viện cũng phải chịu trách nhiệm?

Trước khi đổ bê tông, có người cắm nhiệt kế đo. Khi nào kim nhiệt kế dừng, đọc số báo nhiệt độ đạt họ mới cho đổ. Lu lèn xong họ cũng cắm nhiệt kế đo.

Quy trình thi công họ đặt ra sao, chúng tôi thực hiện đúng như thế. Nếu có gì đó chưa đạt, thì trách nhiệm của tư vấn giám sát phải nhắc, yêu cầu chúng tôi làm lại chứ!

Đầu vào vật liệu chúng tôi cũng thuê người của Viện là Phòng thí nghiệm trọng điểm đường bộ I, người của Viện bấm trộn. Hơn nữa, trạm trộn tự động, đặt 180 độ thì nhiệt độ đúng 180 độ nó mới trộn. Đặt thời gian trộn bao nhiêu thì khi xong nó mới dừng, mình không can thiệp được.

- Thưa ông, như vậy, Viện vừa kết luận nhưng cũng chính là đơn vị chọn công nghệ, vừa thiết kế, giám sát. Như thế có khách quan?

Cái này tôi không dám bình luận!

Sẽ mời "trọng tài thứ 3"

- Được biết nhà thầu cũng sẽ mời chuyên gia độc lập để kiểm định. Song giả sử kết quả này lại “vênh” với kết quả của Viện, không ai chịu ai, khi đó ông có tính đến mời một “trọng tài thứ 3” là đơn vị độc lập hoặc cơ quan quản lý nhà nước nào đó?

Có chứ! Dù Viện là cơ quan đầu ngành nghiên cứu rồi, nhưng chúng tôi cũng phải mời, để biết tường tận. Chứ nếu họ cứ đổ cho chúng tôi thì sao chúng tôi phục được, chúng tôi không nhận.
Tôi nghĩ, báo cáo của Viện mới ở mức phỏng đoán ban đầu. Để có kết luận cuối cùng thì phải một quá trình nữa, và hiện Viện đang viết đề cương.

Ví dụ, quá trình lấy mẫu bê tông phải thế nào, chúng tôi muốn tham gia nữa. Nếu lấy một điểm không thể đưa ra nguyên nhân cho chất lượng. Rồi phải lấy ở những điểm có tính đặc trưng nhất, chứ không thể lấy ở vị trí bất lợi nhất, chất lượng bê tông xấu nhất.

Nói như mẫu bê tông đưa đi kiểm định, họ nói bị biến dạng, thì không thể cho kết quả chính xác nhất được.

- Thưa ông, còn quá trình thi công vá lại sẽ thế nào, dự kiến bao giờ sẽ hoàn tất?

Đêm qua (23/3) đã bắt đầu thi công. Cũng được giám sát chặt chẽ với quy trình trước đây. Nếu không gặp mưa (vì mưa thì phải dừng) sẽ mất 4 đêm để hoàn tất.

Xin cám ơn ông!

Kết luận của Viện Khoa học và Công nghệ báo cáo Bộ GTVT ngày 23/3 nêu rõ: nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bêtông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn. Điều đó dẫn tới bêtông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp 120 độ C vừa không đủ nhiệt độ để bám dính ở lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế khiến cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh ra các vết nứt trên. Viện này cho biết thêm, cá biệt có những hôm thi công, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C cộng gió to đã làm một vài mẻ nguội rất nhanh, thấp hơn nhiệt độ yêu cầu là 120 độ C.

  • Chí Hiếu (ghi)

Tin liên quan

Các tin khác