221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1249885
Mua vé tàu Tết: Mất tiền, mất công rồi nhận... "cục tức"
0
Article
null
TP.HCM:
Mua vé tàu Tết: Mất tiền, mất công rồi nhận... 'cục tức'
,

- Cú pháp nhắn tin mua vé tàu Tết phức tạp nên trong ngày 2/12 dù phải nhắn liên tục nhưng nhiều người lại tiếp tục "tiền mất ... tức mang".

Sáng ngày 2/12, bà Trần Thị Bích Trà (356/6 Hòa Hảo, phường 5, quận 10, TP.HCM) tiếp tục đến ga Sài Gòn để… nhắn tin, đặt chỗ mua ba vé tàu Tết đi Nha Trang vào ngày 29 tháng Chạp.

Đây là ngày thứ hai nhắn tin, nhưng do cú pháp rắc rối, đòi hỏi chính xác từng dấu chấm, chữ số… nên bà Trà nhắn nhiều lần vẫn không đúng. Vậy nhưng thông tin trả lời mà bà nhận được rất gãy gọn: “Số chỗ: BNLT3 không hợp lệ. Xin vui lòng thực hiện lại lệnh”.

Mồi” nhắn tin liên tục

Không rõ như thế nào là hợp lệ, bà Trà đành chạy ra ga Sài Gòn để nhờ… những người đi mua vé tàu Tết nhắn hộ. Cuối cùng, tin nhắn của bà Trà cũng gửi đi thành công đăng ký vé chuyến tàu SNT2 (tàu địa phương Sài Gòn - Nha Trang) nhưng kết quả nhận được là: “Số chỗ quí khách yêu cầu đã hết”. Tin nhắn trả lời cũng “kèm” hướng dẫn, nói tàu SE6 còn chỗ.

Bấm, nhắn liên tục và một điều chắc chắn là nhiều người chỉ tốn tiền, mất thời gian nhưng không mua được vé. Ảnh: H.M.A


Nhắn đặt chỗ ở tàu mới này lại nhận… tiếp được thông báo hết chỗ và kèm hướng dẫn đặt mua vé ở tuyến tàu SH2 (tuyến tàu Sài Gòn - Huế). Tiếp tục nhắn tin, bà Trà tạm yên tâm về nhà chờ.

Nhưng hơn hai giờ sau đó, bà Trà lại có mặt tại ga Sài Gòn. “Tôi không nhận được thông báo về việc đặt chỗ mua vé được chấp nhận hay không nên phải nhắn tiếp.

Cứ sau một tin nhắn đi, tôi nhận được trả lời là không còn chỗ và “mồi” nhắn tiếp khi thông báo số vé còn lại trong ngày của một đoàn tàu khác đăng ký ở tàu khác cùng ngày. Nhưng tôi nhắn đến ba tin mà nội dung trả lời y chang nhau. Không biết hỏi ai nên tôi phải trở lại nhà ga xem sao”, bà Trà nói.

Do nhiều bất cập nên người dân vẫn nườm nợp đến ga và tốn thêm tiền nhắn tin chứ không phải “tiết kiệm thời gian, tiền xăng, tiền gửi xe"... Ảnh: H.M.A


Cùng chung tâm trạng bức xúc, ông Phạm Anh Tuấn (ngụ ở Gò Vấp, TP.HCM) cho biết ông không tài nào đăng ký đặt mua được ba vé tàu đi về Nam Định trong ngày 5/2/2010 (nhằm ngày 22 tháng Chạp). Trong quyển sổ mà ông Anh Tuấn cầm trên tay có ghi chi chít tên nhiều chuyến tàu, các loại ghế, tầng, loại lạnh, không lạnh và thậm chí thay đổi cả ngày đi. Nhưng kết quả ông nhận được là những dòng tin nhắn thông báo hết chỗ và “hướng dẫn” số vé còn.

“Nghĩ là còn cơ hội, sau mỗi lần nhận được tin nhắn “hướng dẫn, tôi lại nhắn tin đặt chỗ nữa. Hôm qua (1/12) tôi đã mua một card điện thoại trị giá 50.000 đồng, nhưng hôm nay phải tiếp tục nạp card mới tiếp tục nhắn được”, ông Tuấn bức xúc.

Nhắn là trừ tiền, được hay không… tính sau !

Điểm chung mà VietNamNet ghi nhận được trong dòng người ở ga Sài Gòn trong hai ngày qua là hầu như trên tay của người nào cũng có một chiếc điện thoại và liên tục bấm bấm, nhắn nhắn. Tiếng chuông báo tin nhắn gửi đi, tin nhắn nhận được cứ liên tục vang lên.

Ông Phạm Anh Tuấn liên tục nhắn, đặt mua vé các loại tàu SE6, SE8, TN2, TN4, TN6… và đổi ngày đi nhưng vẫn không được. Ảnh: H.M.A


May mắn hơn những người còn lại, ông Phạm Văn Thắng sau nhiều lần thao tác sai cũng nhắn đúng cú pháp và đặt mua được bốn vé đi về Hà Nội, dù nhà ông chỉ ở Nam Định. Theo ông Thắng, nhiều lần kiên nhẫn nhắn tin mua vé đi về Nam Định không được chấp thuận, ông quyết định chấp nhận tốn thêm tiền vé để đặt mua vé đi đến ga Hà Nội. “Tốn thêm cả trăm nghìn tiền nhắn tin, trả giá đắt hơn so với quãng đường thực tế cần đi mà mua được vé, tôi cũng chấp nhận”, ông Thắng nói.

Nhưng bà Trần Thị Bích Trà lại bức xúc: “Tôi chấp nhận tốn tiền, nhắn nhiều lần, nhưng chẳng lẽ cứ gửi hoài như vậy mà không biết khi nào họ trả lời vé còn không. Và quan trọng hơn là tôi có mua được vé hay không”.

Lý giải điều này, ông Trần Anh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nghiên cứu xã hội và Truyền thông nói: “Trong ngày đầu, việc phản hồi cho hành khách có chậm. Trong ngày hôm nay (2/12), tình trạng đã được cải thiện nhưng do hành khách nôn nóng nên cứ nhắn tin liên tục. Dĩ nhiên, khi họ nhắn tin thì phải tốn cước phí, bất kể là đặt được chỗ hay không”.

Sau nhiều lần “cải tiến”, cảnh mệt mỏi như thế này vẫn còn ở ga Sài Gòn. Ảnh: H.M.A


Theo ông Anh, lượng cung (số vé tàu) thì ít, nhưng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Nguyên đán quá cao nên không thể giải quyết cho tất cả những tin nhắn đặt chỗ mua vé. “Chắc chắn sẽ có nhiều người không mua được vé và họ bức xúc cũng là điều bình thường. Bình thường, nếu không nhắn tin, họ đến ga cũng có mua được vé đâu”, ông Anh nói.

Ông Anh cũng cho rằng, mỗi tin nhắn chỉ trị giá 2.000 đồng. So với việc hành khách trực tiếp đến ga, phải mất tiền xăng, tiền gửi xe và thời gian đi lại, chờ đợi ở nhà ga thì mức đó là quá rẻ.

Nhưng thực tế hoàn toàn không như điều ông Anh nói, do sự phức tạp trong cú pháp tin nhắn, do chuyện chậm xử lý… nên người dân vẫn đổ xô đến ga Sài Gòn bấm, nhắn và mất tiền một cách oan uổng.  


Chỉ 10% tin nhắn thành công

Thống kê sơ bộ, tính đến đầu giờ chiều ngày 2/12 đã có khoảng 100.000 tin nhắn đặt chỗ mua vé tàu Tết. Trong đó, có khoảng 10% là thành công.

Tương ứng với lượng tin nhắn và số vé này, đơn vị cung cấp dịch vụ đã thu được phí nhắn tin đến 300 triệu đồng. Với diễn biến này, doanh thu mà đơn vị cung cấp dịch vụ thu về trong “dịp cao điểm” bán vé tàu Tết này sẽ vượt xa so với con số khiêm tốn mà VietNamNet đã ước tính.

Số tiền thu được sẽ được chiết khấu cho đơn vị viễn thông với một tỷ lệ nhất định.

Số còn lại công ty hưởng, ngành đường sắt sẽ không được “chia”. Theo ông Trần Anh, giám đốc đơn vị cung cấp dịch vụ, dĩ nhiên kinh doanh là phải có lời, nhưng khi cung cấp dịch vụ này, công ty ông không đặt nặng lợi nhuận mà chỉ để khẳng định uy tín của công ty.

Đồng thời, qua hình thức này, cũng thống kê chính xác nhu cầu đi lại của người dân đến từng khu vực cụ thể, để từ đó ngành đường sắt có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của người dân.

  • Hoàng Minh Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,