221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1251625
Cầu Phú Mỹ sắp bị... bán!
0
Article
null
Cầu Phú Mỹ sắp bị... bán!
,

Thông tin cầu Phú Mỹ - niềm tự hào của TP.HCM - sắp bị bán đang gây xôn xao dư luận. Ngoài ra, dự án cầu Sài Gòn 2 do PMC đầu tư theo hình thức BOT cũng đang rối về phương án hoàn vốn do tình trạng "phí chồng phí" gây ra.

Theo phương án hoàn vốn của Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC - chủ đầu tư), mức phí đưa ra thấp nhất là 10.000 đồng/lượt đối với ô tô, cao nhất là 40.000 đồng/lượt với xe container loại 40 feet qua cầu, thời gian hoàn vốn là 26 năm, kể từ ngày 1.1.2010. 

Tuy nhiên, hiện phương án hoàn vốn này đang đứng trước nguy cơ phá sản do cầu Phú Mỹ bị bao vây bởi quá nhiều trạm thu phí, trong đó có trạm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7) và trạm xa lộ Hà Nội (XLHN - Q.Thủ Đức) sẽ khiến xe ngán ngại dùng đường qua cầu.

Bị trạm thu phí bao vây

d
Tình trạng phí chồng phí khiến cầu Phú Mỹ đứng trước nguy cơ bị bán vì không thể thu hồi vốn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Với mạng lưới trạm thu phí dày đặc này, xe tải và container đi từ các cảng ở Q.4 nếu sử dụng cầu Phú Mỹ để ra XLHN sẽ phải chịu đến 2 lần phí tại trạm cầu Phú Mỹ và trạm XLHN. Còn xe từ các cảng ở Q.7, H.Nhà Bè thì phải chịu đến 3 lần phí tại các trạm đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và XLHN.

Xét về mục tiêu đầu tư, cầu Phú Mỹ đóng vai trò giải tỏa giao thông rất lớn cho xe cộ từ các tỉnh miền Tây đi Đông Nam Bộ và phía Bắc mà không phải xuyên tâm TP.HCM. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại các cảng của TP, trong đó có cảng Cát Lái (Q.2) là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, tập trung 80% lượng container của các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, xe từ các cảng tại Q.4, Q.7 và H.Nhà Bè thường đi theo lộ trình: đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (hoặc Điện Biên Phủ) - cầu Sài Gòn - XLHN. Do đó, áp lực giao thông trên các trục đường trung tâm và cầu Sài Gòn rất lớn, thường xuyên xảy ra kẹt xe. 

Nếu sử dụng cầu Phú Mỹ thì các xe này từ đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi thẳng lên cầu Phú Mỹ, qua liên tỉnh lộ 25B để vào cảng Cát Lái hoặc ra XLHN, rút ngắn 8 - 10 km so với lộ trình cũ. Tức một lượng lớn xe tải, container sẽ không còn đi xuyên tâm TP, cải thiện đáng kể tình hình giao thông. Tuy nhiên, khi phải mua đến 2 - 3 lần phí như hiện nay thì việc sử dụng cầu Phú Mỹ không còn hấp dẫn nữa, nên nhiều khả năng xe cộ sẽ vẫn sử dụng lộ trình cũ.

Thực ra, TP đã tính đến phương án xây dựng đường vành đai phía đông dài 3 km nối từ cầu Phú Mỹ ra ngã tư Bình Thái để các phương tiện sử dụng cầu Phú Mỹ không phải đi qua trạm XLHN, nhưng dự án này đến nay vẫn nằm trên giấy. Do đó, trong thời gian chờ đợi đường vành đai phía đông hoàn thành thì sẽ xảy ra tình trạng xe né trạm thu phí, và cầu Phú Mỹ rộng thênh thang nhiều khả năng trở thành nơi... thả diều như cầu Thủ Thiêm, gây khó khăn cho việc thu hồi vốn
Ông Nguyễn Thành Thái - Tổng giám đốc PMC - cho biết, theo tính toán lúc đầu, lượng xe qua cầu Phú Mỹ dự kiến là 10.000 lượt/ngày, tuy nhiên, với tình trạng "phí chồng phí" thế này thì nhiều khả năng xe cộ sẽ né cầu Phú Mỹ để giảm bớt một lần mua phí. Do đó, số lượng xe sẽ giảm đáng kể và PMC đã tính tới phương án tăng mức phí cao nhất lên 68.000 đồng/lượt với xe
container loại 40 feet. 

PMC cũng lường trước mức phí cao sẽ càng khiến tình trạng xe né cầu, tuy nhiên, nếu không tăng phí thì rất khó thu hồi 2.000 tỉ đồng vốn đầu tư cầu Phú Mỹ. Trong khi đây là dự án được Chính phủ bảo lãnh để vay vốn của Pháp, mức vay là 70% tổng đầu tư (tương đương 1.400 tỉ đồng), trả trong vòng 10 năm. Nếu không thể hoàn vốn như dự kiến thì nhiều khả năng ngân sách sẽ phải "gánh" khoản nợ này.

Theo ông Thái, bất hợp lý lớn nhất là trạm XLHN (của Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP-CII) thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) nhưng mới đây lại chuyển đến giữa cầu Rạch Chiếc và ngã tư Bình Thái, cách đường Điện Biên Phủ đến 4 km. Trạm này, do đó, sẽ "gom" luôn các xe lưu thông qua cầu Phú Mỹ, vốn không hề sử dụng đường Điện Biên Phủ.

Vừa qua, PMC đã có văn bản đề nghị UBND TP xem xét lại vị trí đặt trạm XLHN vì gây thiệt hại cho việc hoàn vốn cầu Phú Mỹ. Nhưng nếu không có các giải pháp căn cơ hơn buộc lòng PMC phải nhượng quyền thu phí cho CII hay nói nôm na là bán cầu Phú Mỹ để lấy một cục tiền còn hơn là tính toán ngồi thu phí song song với CII.

Bán luôn cầu Sài Gòn 2?

Dự án cầu Sài Gòn 2 do PMC đầu tư theo hình thức BOT cũng đang rối về phương án hoàn vốn do tình trạng "phí chồng phí" gây ra. Cầu Sài Gòn 2 dự kiến khởi công vào đầu năm 2010, nằm cạnh cầu Sài Gòn hiện hữu nhằm góp phần giải tỏa áp lực cho cây cầu vốn đang quá tải và xuống cấp này.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của PMC, dù bỏ kinh phí gần 2.500 tỉ đồng xây cầu, nhưng hiện công ty đang rất mơ hồ về phương án hoàn vốn, do từ cầu Sài Gòn đến trạm XLHN (cách nhau có 4 km) đã và sẽ có hàng loạt công trình thu phí hoàn vốn. Với khoảng cách này thì không thể đặt thêm trạm thu phí nào nữa để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2. Do đó, chỉ có thể tính tới phương án tổ chức thu phí chung tại trạm XLHN hoặc bán quyền thu phí cho CII.

Tuy nhiên, nếu tổ chức thu phí chung tại trạm XLHN sẽ rất khó thỏa thuận mức ăn chia giữa PMC và CII. Do đó, nếu TP không có phương án hoàn vốn hợp lý thì nhiều khả năng PMC sẽ tính tới việc chuyển giao luôn quyền thu phí cầu Sài Gòn 2 cho CII để thống nhất việc thu phí trên trục cửa ngõ phía đông về một mối. Bài học cũ

Việc chuyển nhượng quyền thu phí không phải là chuyện mới tại TP.HCM. Từ năm 2002, TP đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí dự án đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương nối dài (tức Kinh Dương Vương) cho CII. Đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí đầu tiên của TP.HCM và của cả nước.

Dù hoạt động chuyển nhượng quyền thu phí có ưu điểm là chủ đầu tư có ngay một khoản tiền lớn để tái đầu tư cho các dự án khác, song còn hạn chế do chưa ràng buộc được trách nhiệm của bên bán và bên mua quyền thu phí. Cụ thể, việc một đơn vị sau khi đầu tư xây dựng công trình xong bán lại quyền thu phí cho đơn vị khác sẽ đặt ra câu hỏi, bên nào chịu trách nhiệm khi công trình xảy ra sự cố? Việc bán quyền thu phí cho đơn vị khác có đồng nghĩa với việc chủ đầu tư thoát ly hoàn toàn trách nhiệm với công trình hay không?... Chính vì thiếu các quy định ràng buộc này nên việc chuyển nhượng quyền thu phí thời gian qua đã phát sinh tình trạng "cha chung không ai khóc".

Chẳng hạn, dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư, thuộc gói chuyển nhượng mà TP bán cho CII, nhưng thời gian qua, con đường này thường xuyên trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp mà không bên nào chịu trách nhiệm. Công ty Thanh niên xung phong thì cho rằng đã chuyển quyền thu phí cho CII, còn CII lại khẳng định không liên quan gì đến chất lượng công trình do Công ty Thanh niên xung phong đầu tư. Do đó, thời gian qua, CII vẫn thu phí tại trạm XLHN cho gói chuyển nhượng gồm cả đường Nguyễn Hữu Cảnh, song số tiền khổng lồ sửa chữa con đường này đều lấy từ ngân sách TP.

(Theo Thanh Niên)
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,