- Chủ động chuyển đổi phương thức làm ăn, dám nghĩ dám làm, có những lúc dễ nhìn chiếc áo cơ chế cũ đã quá chật so với sức phát triển của Nông trường Sông Hậu.
Cuộc chuyển mình thứ hai: Bắt nhịp cùng Đổi mới
Trong giai đoạn này (1990 - 1995), NTSH chủ trương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để củng cố, mở rộng phát triển sản xuất; thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất theo hướng hiện đại (trong đó ưu tiên cho công nghiệp chế biến), tạo đà vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.
Trong vai trò là một đơn vị trung tâm và là đơn vị chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước về sản xuất nông nghiệp của khu vực, quyết tâm của Ban Giám đốc Nông trường là phải trở thành nơi minh chứng cho “ý Đảng - lòng dân” trong công cuộc đổi mới. Đó là tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện đa dạng hóa sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, từng bước hướng hoạt động của Nông trường theo hướng hòa nhập để bắt nhịp cùng đất nước. Thành công nổi bật của cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng là đã phát huy được sức mạnh của tập thể. Trong ảnh là cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng tại buổi lễ thành lập Chi hội hữu nghị Việt - Xô tại Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.
Từ năm 1981, NTSH đã hợp tác với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, trường đại học Cần Thơ, viện Cây Lương thực - Thực phẩm, viện Khoa học miền Nam v.v… để tiếp nhận thông tin, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn thử nghiệm và đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, đặc biệt là các giống lúa mới vào sản xuất.
Thành công đáng kể nhất của NTSH thời kỳ này là đã tuyển chọn, đưa vào sản xuất trên toàn bộ diện tích canh tác những giống lúa phẩm chất tốt, năng suất cao, kháng sâu rầy dịch bệnh; nhanh chóng trở thành trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhờ vậy, năm 1992, trong khi toàn vùng ĐBSCL bị dịch rầy nâu hại lúa, thì giống lúa kháng rầy của NTSH không chỉ đủ cho sản xuất (cho sản lượng thu hoạch đạt tới 45.000 tấn), mà còn cung cấp 10.000 tấn giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Việc chú trọng đầu tư vốn liếng, lao động vào xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng, cải tạo đồng ruộng đã giúp Nông trường đưa toàn bộ diện tích gần 7.000 ha đất hoang hóa từ chỗ sản xuất lúa một vụ bấp bênh, năng suất 700-800kg/ha lên sản xuất lúa hai vụ, đạt năng suất bình quân trên 10 tấn/ha/năm.
Đến năm 1991, Nông trường bắt đầu áp dụng phương pháp IPM để trồng lúa kết hợp nuôi thử nghiệm cá trên hơn chục ha ruộng lúa. Phương pháp này qui định: chỉ có thể thả cá được khi đất và nước trong ruộng lúa không bị ô nhiễm vì các loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, phân bón quá mức.
Chỉ sau 4 năm, diện tích lúa - cá của Nông trường đã lên tới 2.364 ha, chiếm 60% diện tích thả cá ruộng của cả nước lúc đó, góp phần đưa Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới về nuôi cá ruộng.
"Xương sống" RRRVAC Xương sống RRRVAC gồm:
Trên cơ sở phát huy ba lợi ích, trong đó “mũi đột phá” là phát triển kinh tế hộ, Nông trường quyết liệt thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mà “xương sống” là áp dụng mô hình mới: sản xuất nông nghiệp tổng hợp RRRVAC (Ruộng - Rẫy - Rừng - Vườn - Ao - Chuồng)
Ruộng: được trồng lúa cao sản ngắn ngày với 2 vụ chính là hè thu và đông xuân.
Rẫy: trên bờ ruộng trồng các loại rau màu như khổ qua, dưa, bầu bí, đậu, bắp… và các loại cây trồng khác nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến.
Rừng: trên các đê bao được trồng cây gây rừng phân tán, chủ yếu là bạch đàn, xà cừ, keo lai và một phần tràm bông vàng.
Vườn: trồng cây ăn trái trên bờ giữa, chủ lực là xoài, trong đó mỗi hộ nông trường viên trồng từ 80 - 100 cây xoài, chủ yếu là giống xoài cát Hòa Lộc.
Ao: để ươm cá con giống và trữ cá thịt; mùa lũ có thể tận dụng và xem toàn bộ diện tích ruộng là ao nuôi cá.
Chuồng: trên diện tích đất bờ, đất thổ cư, các hộ nông trường viên xây dựng chuồng, trại để nuôi gia súc, gia cầm như heo, gà, vịt… sau này là chăn nuôi thêm bò sữa và bò thịt.
Để mô hình trên nhanh chóng phát huy tác dụng, Nông trường thành lập các tổ, đội dịch vụ đảm nhận các khâu làm đất, hướng dẫn kỹ thuật, tưới tiêu nước, cung ứng phân bón…, thực chất của cách làm này là thực hiện “đầu tư ứng trước” cho người sản xuất, tạo ràng buộc để đôi bên cùng có lợi, mà trước hết là lợi ích của hộ nông trường viên.
Cùng với khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp RRRVAC đã góp phần cải tạo đất qua sử dụng nguồn hữu cơ tại chỗ, tạo tiền đề và kinh nghiệm để hướng tới xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Kết hợp với mô hình sản xuất sinh thái, Nông trường cũng thực hiện gắn kết sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái về lâu dài. Với một vùng sản xuất nông nghiệp bền vững cùng với xây dựng cảnh quan xinh đẹp, trong lành, đây cũng chính là một điểm tham quan lý tưởng, mang đến cho du khách cái nhìn mới về hình ảnh nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập; qua đó giới thiệu những nét văn hóa trong sản xuất và đời sống của Nông trường ra bên ngoài, đồng thời tạo thêm cơ hội để mở rộng hợp tác, giao dịch với khách hàng về mặt kinh tế.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp RRRVAC của NTSH một lần nữa đã chứng minh tính đúng đắn của nó trong việc lựa chọn hướng đi cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội mà nó mang lại. Qua mô hình, gián tiếp nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; nâng cao trình độ quản lý kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho nông trường viên và nông dân nơi Nông trường đến đầu tư, liên kết; tận dụng nguồn lao động, thu hút việc làm, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa; qua thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới; tăng giá trị tổng sản phẩm xã hội, bảo đảm cho Nông trường có nguồn nguyên liệu thường xuyên, dồi dào, chất lượng cao để chủ động về chế biến và xuất khẩu.
Ở phạm vi rộng là gián tiếp thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện đại theo chủ trương của Đảng. Với mô hình này, thu nhập của các hộ nông trường viên tăng đều qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước, với mức bình quân 40-50 triệu/hộ/năm; thu nhập trên một đơn vị diện tích bình quân 40 triệu đồng/ha/năm (trong khi mức bình quân chung của cả nước năm 2001 mới chỉ đạt 17 triệu đồng/ha/năm). Lúa được chở bằng ghe trọng tải lớn cập bờ kênh do Nông trường Sông Hậu xẻ để làm giao thông đường thuỷ. Từ đó, đã tiết kiệm được sức người, sức của trong việc vận chuyển các sản phẩm do nông trường sản xuất ra. Ảnh: CTV.
Trên cơ sở những thành công của mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp RRRVAC, Nông trường đã đầu tư hỗ trợ thành lập và phát triển một số hợp tác xã tại những vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, trong đó đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khuyến công nhằm thu hút nông dân ngoài nông trường tham gia.
Dựa trên các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng cung cấp nguyên liệu của từng vùng, mười sáu xí nghiệp chế biến lương thực, nông sản - thực phẩm, lâm sản, thủy sản, sửa chữa cơ khí của Nông trường đã lần lượt ra đời trên các vùng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh Cần Thơ. Các mô hình hợp tác phát triển, liên kết kinh tế trang trại, liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đó lần lượt được triển khai.
Cách làm chủ yếu là trong giai đoạn đầu, Nông trường đầu tư vốn xây dựng thủy lợi, đê bao khép kín; hỗ trợ về kinh nghiệm tổ chức và quản lý sản xuất; hỗ trợ về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu tư giống lúa, vật tư nông nghiệp cho nông dân vùng nguyên liệu theo hình thức trả chậm; giai đoạn tiếp theo, Nông trường thực hiện đầu tư chiều sâu, cùng với chú trọng hỗ trợ xây dựng cơ bản, hỗ trợ các hợp tác xã tăng cường năng lực quản lý, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông; nâng cao việc đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật nông nghiệp; cuối cùng là thông qua các hợp tác xã, ký hợp đồng bảo hiểm về giá bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất.
Hệ thống các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng tại chỗ đã thực sự làm gia tăng giá trị của phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của các vùng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long do được thu mua, chế biến thành hàng hóa xuất khẩu.
Để thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa người sản xuất với nhà chế biến, xuất khẩu, Nông trường đầu tư nhiều tỷ đồng hỗ trợ trên 30 hợp tác xã trong và ngoài tỉnh Cần Thơ, từ cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc vật tư phục vụ sản xuất và trợ giá bao tiêu sản phẩm đến trả lương cán bộ chuyên trách.
Nông trường còn hỗ trợ kinh phí cho bộ phận khuyến nông Sở Nông nghiệp Cần Thơ nghiên cứu khôi phục lại diện tích trồng khóm (dứa) chuyên canh ở Long Mỹ, Vị Thanh; hỗ trợ liên kết với các trang trại miền Đông Nam bộ trồng và chế biến trái cây xuất khẩu như chuối sấy, chôm chôm đóng hộp; hỗ trợ liên kết với các đơn vị của tỉnh Daklak trồng và chế biến cà phê, gừng non muối.
Năm 1992, năm đầu tiên được phép chính thức xuất nhập khẩu trực tiếp (xuất khẩu nông sản chế biến và nhập khẩu máy móc thiết bị chế biến), Nông trường đã xuất 607 tấn rau quả, đạt doanh thu 158. 368 USD.
Năm 1994, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Nông trường đạt con số trên 1 triệu USD, thì chỉ một năm sau, năm 1995 đã tăng gấp 3 lần ( trên 3 triệu USD). Mặc dù chưa được là đầu mối xuất khẩu gạo trực tiếp nhưng cũng trong năm 1995, Nông trường đã xuất khẩu được 10. 500 tấn gạo, 300 tấn nếp.
Thành công của NTSH trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực đã củng cố niềm tin và góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương phá bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đó là từ chỗ quyết định chọn NTSH làm nơi thí điểm vừa sản xuất, vừa chế biến và trực tiếp xuất khẩu gạo, thu ngoại tệ và nhập khẩu phân bón thành công, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp quốc doanh có đủ điều kiện, sau đó là một số công ty tư nhân, cuối cùng là cho phép tất cả các thành phần kinh tế tham gia hoạt động này. Bảo quản lúa sau thu hoạch rất thô sơ những ngày đầu ở Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.
Trong 4 năm (1997-2000) kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội xuất khẩu Lương thực Việt Nam, NTSH đã nhập khẩu 400.000 tấn phân bón, xuất khẩu 753.000 tấn gạo với doanh số xuất - nhập khẩu đạt trên 200 triệu USD. Hiệu quả thu được từ sản xuất - kinh doanh nói chung, nhất là từ hoạt động xuất khẩu gạo của Nông trường Sông Hậu đã đưa tổng doanh thu của Nông trường năm 1998 lên 1.143 tỷ đồng, gấp 6,6 lần năm 1996; trong đó phần xuất khẩu gạo chiếm 55 triệu USD.
Đây cũng là bước chuyển rõ nét của Nông trường trong cơ cấu sản xuất - kinh doanh: từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần (với tỷ lệ chiếm 90% những năm đầu), Nông trường đã đưa tỉ lệ chế biến và xuất khẩu lên 90%. Trên đà tăng trưởng đó, tài sản cố định của Nông trường đã nhanh chóng được nâng lên 130 tỷ đồng vào năm 1998 (trong đó vốn nhà nước cấp chỉ là 4%); nộp ngân sách 26 tỷ đồng (năm 1999), tăng 20 lần so với năm 1979.
Năm 1993, NTSH được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, giám đốc Trần Ngọc Hoằng vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lao động. Năm 1999, sau 20 năm xây dựng và phát triển, NTSH được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” lần thứ hai.
Cuộc chuyển mình thứ ba: May áo cho người… khổng lồ
Trong giai đoạn này (từ 1996 trở đi), Nông trường xác định chuyển dịch mạnh mẽ và đồng bộ cơ cấu kinh tế Nông trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hiện đại hóa sản xuất - chế biến- xuất khẩu theo hệ thống chất lượng quốc tế với tinh thần chủ động hội nhập.
Ngày 20-5-1996 mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển thứ 3 của NTSH - với quyết định của UBND tỉnh Cần Thơ bổ sung chức năng cho phép NTSH được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang loại hình sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu tổng hợp.
Quyết định này của tỉnh nhằm tạo điều kiện để NTSH tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, thúc đẩy kinh tế quanh vùng phát triển; hỗ trợ tích cực các hình thức tổ chức sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các vùng nguyên liệu; tiến tới thực hiện một nền sản xuất xã hội hóa, sản xuất hàng xuất khẩu trên phạm vi rộng lớn, khẳng định sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trại nuôi heo tiên tiến, và nuôi nhiều gia súc, gia cầm, thuỷ sản ở Nông trường Sông Hậu những năm phát triển... Ảnh: CTV.
Đây cũng là bước đi quan trọng, tạo cơ sở và tiền đề cần thiết để NTSH chủ động tiến tới xây dựng thành một tập đoàn nông nghiệp mạnh với tầm hoạt động có thể vươn ra phạm vi cả nước và quốc tế, cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò (nhà đầu tư, nhà kỹ thuật sản xuất, nhà chế biến xuất khẩu…) nhằm khai thác thế mạnh và khai thác sức mạnh của “tam nông” (nông thôn, nông nghiệp, nông dân), tạo tiền đề vững chắc để thực hiện “tam hóa”: tri thức hóa, hợp tác hóa và hiện đại hóa - là mục tiêu cao nhất của NTSH trong cuộc đồng hành cùng nông dân trên con đường đi tới ấm no, giàu mạnh.
Sau nhiều năm tích cực chuẩn bị các điều kiện, bước sang năm 2004, trên cơ sở tình hình thực tế và xu hướng khách quan, nhất là vững tin vào hướng đi và quy mô phát triển của mình, Ban Giám đốc NTSH nhận định: đã đến lúc như đứa con khỏe mạnh mau lớn, chiếc áo cũ đã chật, cần được thay chiếc áo mới vừa với tầm vóc của nó. Và một cuộc chuyển đổi mới lại bắt đầu.
Đó là thực hiện “cải biên” về cơ cấu tổ chức sản xuất - kinh doanh. Dựa trên vai trò, nhiệm vụ và khả năng của từng xí nghiệp, phân xưởng, ngành nghề… từ “công ty mẹ” có tên gọi mới là Công ty Nông nghiệp Sông Hậu đóng vai trò là “hạt nhân”, Nông trường lần lượt hình thành và xây dựng 8 công ty cổ phần trong vai trò là “công ty con” có vốn góp của Nông trường theo phương châm: “Đa dạng trong thống nhất, độc lập trong tổng thể, hợp lực để tạo ra động lực mới”.
Mục đích của cuộc chuyển đổi này, một mặt giao quyền chủ động và phát huy nội lực và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các công ty thành viên; mặt khác, vẫn bảo đảm duy trì và phát huy tốt hơn vai trò của “công ty mẹ”.
Trong đó, “công ty mẹ” vẫn đảm nhận đầy đủ chức năng của một “người nội trợ” trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất - kinh doanh: từ sản xuất (đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật…) đến chế biến (tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, thường xuyên và tập trung) và tiêu thụ (bao tiêu sản phẩm thông qua xuất khẩu). Từng “công ty con”, tuỳ theo khả năng và sự năng động của mình mà phát triển sản xuất - kinh doanh; trong khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn tập trung về một đầu mối duy nhất là “công ty mẹ” với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp.
Còn đây là lán trại chăn nuôi những ngày sơ khai của nông trường Sông Hậu. Bà Trần Ngọc Sương khi mới tốt nghiệp đại học, bước chân về nông trường là đảm nhận việc phụ trách chăn nuôi. Ảnh: CTV.
Về sâu xa, phương thức này sẽ tránh được sự cồng kềnh, chồng chéo nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh doanh và tạo ra khả năng đóng góp nhiều hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Cái đích chung của mô hình nói trên là nhằm góp phần phát huy hiệu quả của nền kinh tế nông nghiệp quá độ đi lên công nghiệp hóa đồng thời thúc đẩy quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất.
Đó cũng là những bước đi đầy thực tế, hợp với các quá trình và quy luật: từ không đến có, từ khó đến dễ, từ thiếu tới đủ, từ ít đến nhiều; đặc biệt là từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán đến hợp tác, hợp lực và đi tới mục tiêu chung: xã hội hóa sản xuất - kinh doanh, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về xây dựng và phát triển “tam nông”: nông thôn - nông nghiệp - nông dân.
Để biến các mục tiêu đó thành hiện thực, Nông trường đã triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây: Một là, mở rộng mạng lưới tiếp thị. Ngay trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất, NTSH đã rất chú trọng nghiên cứu để phát triển mạng lưới tiếp thị. Nhờ có được một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, việc mở rộng và khai thác thị trường trong và ngoài nước của NTSH được triển khai nhanh chóng và thuận lợi. Nông trường đã xây dựng trang Web có tên gọi SOHAFARM.COM để giới thiệu hình ảnh về các hoạt động và sản phẩm của Nông trường với bạn hàng trong và ngoài nước. Đội ngũ làm công tác đối ngoại được Nông trường hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cần thiết để tự trang bị kiến thức chuyên môn, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu về luật pháp, tập quán thương mại, tiềm năng và nhu cầu hàng hóa của các nước có quan hệ và các nước dự kiến sẽ xác lập quan hệ. Trong công tác này, quan điểm của ban Giám đốc Nông trường là, muốn phát triển phải hội nhập, muốn hội nhập phải có bản lĩnh, tự tin; muốn có được bản lĩnh, tự tin phải bắt đầu từ học tập, nghiên cứu. Hai là, chủ động tìm kiếm thị trường nước ngoài. Với đội ngũ tiếp thị nói trên, Nông trường thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đi nghiên cứu thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu, Châu Phi… Đội ngũ tiếp thị của Nông trường bằng sự năng động, nhạy bén của mình đã đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu đầy đủ và cập nhật các thông tin về nhu cầu của khách hàng ở từng thị trường khác nhau, từ đó cùng Ban Giám đốc xây dựng chiến lược sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phù hợp. Ba là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân. Thông qua các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức thương mại khác, Nông trường xác lập và duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tổ chức và bạn hàng thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ sau một thời gian tích cực mở rộng quan hệ, Nông trường đã trở thành thành viên của nhiều hội Hữu nghị với các nước như Hội Hữu nghị Việt - Nga, Hội Hữu nghị Việt - Ấn, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia v.v… Qua đó, Nông trường đã xác lập được nhiều mối quan hệ cần thiết và quan trọng để đưa hàng hóa và giới thiệu thương hiệu, hình ảnh của mình ra thị trường thế giới. Đến năm 1998, khi TW có chủ trương đổi mới về công tác đối ngoại, nhờ có sự chuẩn bị chủ đáo, NTSH đã chủ động và nhanh chóng xác lập quan hệ xúc tiến thương mại gần 40 quốc gia trên thế giới, sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển trong xu thế hội nhập. |
(còn nữa)
-
Triều Hải Quỳnh (tác giả là tiến sỹ ngành Truyền thông đại chúng, hiện là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Những nội dung trong loạt bài này trích từ nghiên cứu năm 2008 của tác giả)