- Chiều 30/11, Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo đã có một trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại Điện Biên.
Theo báo cáo từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh nhân là nam, năm nay 23 tuổi, thường trú tại phường Sam Mín, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Bệnh nhân khởi bệnh ngày 18/11/2009 với triệu chứng sốt cao đột ngột, ho, khó thở. Ngày 24/11/2009, bệnh nhân đến khám tại Trạm y tế phường rồi được chuyển lên Phòng khám đa khoa khu vực Bản Phú ngày 25/11/2009.
Ngày 26/11/2009, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi viêm phổi nặng do vi rút và được điều trị kháng sinh, truyền dịch, hạ sốt. Bệnh tiếp tục diễn biến nặng hơn, bệnh nhân tử vong ngày 28/11/2009.
Cá bác sĩ xác định tiền sử dịch tễ: bệnh nhân có ăn tiết canh vịt khoảng một tuần trước khi khởi phát bệnh.
Ngày 29/11/2009, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kết quả xét nghiệm với vi rút cúm A/H5N1.
Dịch cúm gia cầm đang quay trở lại làm dấy lên lo ngại về việc virus cúm A/H5N1 có thể tái tổ hợp với virus cúm A/H1N1 tạo ra một loại virus mới có tốc độ lây lan nhanh và độc lực cao (Ảnh minh họa: VNN) |
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận do cúm A/H5N1 tại tỉnh Điện Biên kể từ khi địa phương này thông báo có dịch cúm gia cầm tại xã Noọng Luống và xã Thanh Yên, huyện Điện Biên ngày 21/10/2009.
Như vậy, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã ghi nhận 5 ca nhiễm cúm AH5N1, cả 5 trường hợp này đều tử vong (tính đến nay, tỉ lệ tử vong của cúm A/H5N1 tại Việt Nam là 100%). Ca tử vong gần nhất so với ca mới nhất này xảy ra vào hồi tháng 3/2009. Trước đó, vào tháng 10/2009, nhiều địa phương các tỉnh Tây Bắc đã ghi nhận sự trở lại của cúm A/H5N1.
Theo các nhà chuyên môn, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cúm A/H1N1 đã lan rộng ở cả 63 tỉnh/thành. Nếu vi rút cúm A/H1N1 kết hợp với vi rút cúm A/H5N1 thfi khả năng tạo thành một chủng vi rút mới có độc lực cao hơn là rất lớn.
Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
Ngoài ra, người dân không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Mỗi người dân khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
-
Cẩm Quyên