221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1243962
Thông xanh Đà Lạt bị bức tử?
1
Article
null
Thông xanh Đà Lạt bị bức tử?
,

- Cách gốc thông bị đốn hạ này không xa, trên đỉnh đồi, cũng có rất nhiều cây thông cổ thụ vừa bị cưa ngã. Trên mặt cắt gốc, thớ gỗ vẫn còn tươi rói. 

Nói đến Đà Lạt, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những đồi thông toả bóng, những con đường thông reo trong làn không khí se se lạnh quanh năm. Nhưng đó chỉ là ký ức...

Giờ đây, ai lên Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố trong rừng” này sẽ không khỏi chạnh lòng, hụt hẫng: nhiều nơi thông xanh đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà "hộp bê tông" xấu xí chen chúc và nhiệt độ ở Đà Lạt nhiều khi lên đến 28 độ C. Đà Lạt nóng!

Chỉ tính từ sau cơn bão số 9 đến nay, dọc đường phố Đà Lạt có rất nhiều cây  thông cổ thụ đã bị đốn hạ. Những gốc thông còn hằn dấu răng cưa, rỉ nhựa, não lòng. 

Gốc thông vừa bị đốn hạ. Ảnh: Trung Thanh


Thông xanh Đà Lạt bị bức tử?

Chiều 26/10, nhiều người đi đường và du khách rất ngạc nhiên khi thấy hai cây thông cổ thụ trên triền đồi bên bờ Hồ Xuân Hương; đường kính trên 50 cm, cành lá còn tươi xanh nhưng vẫn bị chặt nhánh để đốn hạ.

Sau khi đốn ngã một cây, thấy có nhiều phóng viên báo đài đến chụp hình, công nhân ở đây mới dừng tay, không cưa tiếp cây thông còn lại.

Hỏi vì sao lại chặt thông xanh, một công nhân giải thích do gốc thông bị mục nên được phép đốn hạ, nếu không cây sẽ đổ xuống đường gây tai nạn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại vị trí bị cưa đứt, gỗ thông có màu nâu đỏ, thớ gỗ nhìn rất chắc không có dấu hiệu bị mục gốc!

Cách gốc thông bị đốn hạ này không xa, trên đỉnh đồi, cũng có rất nhiều cây thông cổ thụ vừa bị cưa ngã. Gốc cây, thớ gỗ vẫn còn tươi rói. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Những cây thông cổ thụ bên đồi gần bờ hồ Xuân Hương bị đốn hạ chiều 26/10. Ảnh: Trung Thanh

Cuối một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (phường 3, TP Đà Lạt) cũng có gần 10 cây thông lớn vừa bị đốn hạ, trơ gốc.

Từ đây, nhìn xuống triền đồi, chỉ thấy toàn nhà là nhà! Lác đác còn vài cây thông đứng lẻ loi trong nắng.

“Trước kia, đây là đồi thông xanh ngát, giờ nhà cửa mọc lên tới đâu, thông mất tiêu tới đó”- một cụ già ở đây thở dài, nói.

Dọc đường Đống Đa, đường Lữ Gia …  chúng tôi nhìn thấy có nhiều cây thông đứng chết khô, có cây bị “bắt” làm cột điện, có cây đã bị cứa quanh gốc để thông chết cho nhanh!

“Ngoài những cây thông bị đốn để làm dự án, nhiều gia đình không muốn để cây thông chiếm đất nên tìm đủ cách giết thông”- anh T, một công nhân đốn thông thuê lâu năm ở Đà Lạt tiết lộ. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Thông bị “bắt” làm cột điện; bị đốt gốc, cắt gốc để chết nhanh hơn . Ảnh: Trung Thanh

Theo anh T, do thông rất dễ chết nên việc bức tử thông không khó. Những cách đơn giản mà hầu như người dân nào ở Đà Lạt cũng biết như tác động vào gốc, vào rễ, hoặc căn gốc (cắt lớp vỏ ở gốc cây) … để cho cây chết khô, sau đó làm đơn xin đốn hạ một cách hợp pháp. 

Biết thế, nhưng... 

“Đúng là người dân có đủ cách tác động cho thông chết khô sau đó xin giấy phép đốn hạ. Biết thế! nhưng nếu đưa lên báo vấn đề này thì sẽ … “vẽ đường cho hươu chạy” - Ông Vũ Đình Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt, nói với phóng viên VietNamNet.

Trong văn bản trả lời Báo VietNamNet về tình hình quản lý thông ở khu vực nội đô Đà Lạt, văn phòng UBND TP Đà Lạt, cho biết, qua thống kê, mỗi năm trên địa bàn rừng nội đô TP Đà Lạt có khoảng 130 cây thông chết khô phải chặt hạ, 40 cây thông tươi bị chặt hạ để phải phóng mặt bằng (theo đơn xin đốn hạ của các tổ chức, cá nhân và được cơ quan chuyên môn xác minh).

Ngoài ra, hàng năm có khoảng 20 - 40 cây thông được đốn hạ để đề phòng ngã đổ khi lụt bão. 

Những ngọn đồi có nhiều nhà dân mọc lên, thông xanh chỉ còn lác đác. Ảnh: Trung Thanh

Cũng theo văn phòng UBND TP Đà Lạt, từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn TP Đà Lạt có khoảng 200 cây thông bị chết khô phải đốn hạ. Có 60 cây thông tươi bị đốn hạ để giải phóng mặt bằng và chặt hạ khẩn cấp 80 cây thông có nguy cơ ngã đổ. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nhiều cây thông ở Đà Lạt bị chết khô một cách bất thường nhưng rất ít trường hợp bị lập biên bản, xử phạt. Ảnh: Trung Thanh

Riêng về việc kiểm tra, xử lý những cây thông bị chết khô một cách bất thường, ông Vũ Đình Cường, cho biết, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, Hạt kiểm lâm đã lập biên bản 3 vụ cố ý bức tử thông xanh. 

Tuy nhiên, theo ông Cường, do qui định còn bất cập nên một trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính trên dưới 200.000 đồng vì thế không đủ sức răn đe.

Lên Đà Lạt thấy cái nóng Sài Gòn! 

Chúng tôi đến Đà lạt vào những ngày cuối tháng 10. Đây không phải là thời điểm Đà Lạt nóng nhất trong năm nhưng có hôm mới 7 giờ sáng mà nắng đã táp mặt. Đi bộ vài trăm mét dọc bờ hồ Xuân Hương, người đã vã mồ hôi. “Đà Lạt giờ lạ quá! mới sáng sớm mà đã nóng ran!”- Anh Nguyễn Hùng, khách du lịch đến từ Sài Gòn thốt lên ngạc nhiên.

Trưa, không khí mát mẻ của “thành phố sương mù” này dường như đã biến mất. Trên phố, hầu hết phụ nữ chạy xe máy đều đeo khẩu trang. Có lẽ một phần vì nắng nóng, một phần vì đường phố Đà Lạt giờ cũng lắm bụi và khói xe như …Sài Gòn.

Vào ngồi trong quán cà phê trên đường Hoàng Văn Thụ, dù trong quán có 2 cái máy quạt đang quay tít nhưng vẫn thấy nóng. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Quán cà phê và khách sạn ở Đà Lạt cũng trang bị máy quạt như ở Sài Gòn. Ảnh:Trung Thanh

Chiều tối, đi dọc bờ hồ Xuân Hương thấy nhiều thanh niên mình trần vẫn vô tư bơi lội.

Anh Dũng, làm nghề chạy xe ôm ở khu vực này cũng ngạc nhiên: “Mình sống ở Đà Lạt nhiều năm, trước đây rất hiếm khi nhìn thấy ai tắm vào giờ này. Đà Lạt giờ không còn lạnh như trước kia, nhiều người ở Sài Gòn lên đây ra đường không thèm mặc áo ấm”.

Đêm, trời lất phất mưa, ngồi ở quán cà phê trên sườn đồi nhìn xuống phố, thấy nhiều tốp nam nữ, quần ngắn chân trần vẫn vô tư đi dạo.

Tôi đã đến Đà Lạt nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh này. 

Đêm Đà Lạt không còn lạnh như trước đây nên nhiều cô gái chân trần vẫn vô tư dạo phố. Ảnh: CTV
Khuya, về khách sạn, nhìn lên vách thấy cũng có máy quạt như ở Sài Gòn. Người quản lý khách sạn, bảo do Đà Lạt ngày càng nóng nên phòng nào cũng phải gắn một cái máy quạt.
 
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trương Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nhìn nhận, việc Đà Lạt nóng lên là vấn đề rất đáng lo ngại bởi vì khí hậu mát mẻ là nguồn tài nguyên vô giá của thành phố này.

Theo ông Hiệp, Đà Lạt nóng lên do nhiều nguyên nhân, như nạn phá rừng ở vùng ven còn nhiều, do tốc độ đô thị hóa tăng cao… 

Nhiệt độ Đà Lạt có lúc gần 28 độ C

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn Đà Lạt, trong tháng 10/2009 nhiệt độ cao nhất ở Đà Lạt là 24,5 độ C. Tính từ đầu năm 2009 đến nay, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 là thời điểm Đà Lạt nóng nhất, có ngày nhiệt độ lên đến 27,2 độ C.

Nhiệt độ trung bình ở TP Đà Lạt từ đầu năm 2009 đến nay, cao hơn nhiệt độ trung bình trong năm 2008 từ 0,3 -0,5 độ C. Còn so với nhiệt độ trung bình trong nhiều năm, nhiệt độ trung bình 10 tháng đầu năm 2009 cao hơn từ 0,2 – 0,4 độ C.

Trong khi đó, lượng mưa tại TP Đà Lạt từ đầu năm 2009 đến nay cao hơn lượng mưa cùng kỳ trong năm 2008 từ 300 -750 mm.

  • Trung Thanh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,