– Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân thứ 2 tử vong vì cúm A/H1N1. Đây là bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong thứ 37 của cả nước.
Theo báo cáo của Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, bệnh nhân là nam, 38 tuổi, trú tại phường Yên Hà, thị trấn Yên Viên, thành phố Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử: Viêm cầu thận - hội chứng thận hư cách đây 1 năm.
Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho, tức ngực, khó thở, mệt mỏi. Ngày 5/10 bệnh nhân đến khám và nhập Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, được chẩn đoán Viêm phổi/Viêm cầu thận - Hội chứng thận hư và được điều trị ngay Tamiflu, kháng sinh, hồi sức tích cực, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, ngày 6/10 có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.
Tình trạng viêm phổi diễn tiến ngày càng nặng, bệnh nhân phải thở máy. Đến ngày 9/10 bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm lại, kết quả âm tính với cúm A/H1N1.
Mặc dù được điều trị tích cực trên cơ địa hội chứng thận hư, nhưng cơ thể kháng tất cả các kháng sinh, phụ thuộc máy thở, thể trạng suy kiệt nặng nên đến 8h ngày 31/10 bệnh nhân tử vong. Các bác sĩ chẩn đoán lúc bệnh nhân tử vong: Viêm phổi nặng do cúm A/H1N1/Viêm cầu thận - Hội chứng thận hư.
Hiện nay, Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo phụ nữ có thai, nhất là có thai ở giai đoạn cuối, cần hết sức chú ý theo dõi sức khỏe. Ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A/H1N1. Do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm thai phụ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong cho cả mẹ và con.
Cũng liên quan đến cúm A/H1N1 tử vong, ngày 3/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã có thêm một nam bệnh nhân đã tử vong. Đó là anh Nguyễn Vũ Anh T., sinh năm 1977, thường trú tại xã Lạc Sơn, huyện Hòa Bình, thành phố Hà Nội.
Bị ho, sốt, đau họng nên anh T. đã tự điều trị 4 ngày trước khi nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh (đi thăm người thân tại Tây Ninh). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ, ho, đau ngực, phổi có ran nổ, được chẩn đoán bị viêm phổi do virus. Các bác sĩ đã cho anh T. uống thuốc Cefotin, Ciprofloxacin và tamiflu nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Bị ho ra máu nên bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM vào ngày 24/10 (ngày thứ 6 từ khi khởi bệnh). Tại đây, các bác sĩ nhận thấy cả hai lá phổi của anh T. đều bị tổn thương nặng.
Ngay lập tức bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, cho uống tamiflu liều cao, thở oxy qua mask có túi trợ khí. Tuy nhiên, anh này có dấu hiệu suy hô hấp nặng nên đã phải đặt ống nội khí quản.
Tới ngày 29/10, bệnh nhân bị mê man, phổi tiếp tục bị tổn thương, xét nghiệm cho thấy vẫn còn virus cúm A/H1N1 nên đã được điều trị phối hợp thêm kháng sinh và sử dụng relenza qua ống nội khí quản.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã cùng với Bệnh viện Trưng Vương hội chẩn nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu để cứu sống bệnh nhân này.
Ngày 30/10, kết quả xét nghiệm PCR cho thấy bệnh nhân đã âm tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, do phổi đã bị tổn thương nặng, sức khỏe quá yếu, anh T. đã không qua khỏi, tử vong vào hồi 13h15 phút ngày 3/11.
-
Cẩm Quyên - Thanh Huyền