- Nhà thầu và đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ thi công hơn để kịp dìm đốt hầm đầu tiên xuống lòng sông Sài Gòn vào tháng 1/2010, không thể kéo dài dây dưa như thời gian vừa qua.
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công các đốt hầm Thủ Thiêm tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai vào ngày 7/11.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín cùng các sở ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra các vết nứt, hạng mục đúc các đốt hầm sau thời gian dài nhà thầu khắc phục sự cố vết nứt hầm dìm Thủ Thiêm.
Theo đó, nhà thầu và đơn vị thi công cần có lịch trình cụ thể công tác khắc phục sự cố, tiến độ thi công các hạng mục để thành phố báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước (hội đồng). Khi hội đủ các tiêu chuẩn được hội đồng chấp thuận, thành phố mới cho phép đơn vị thi công triển khai dìm đốt hầm xuống lòng sông Sài Gòn.
Các đốt hầm dìm Thủ Thiêm đang được khắc phục vết nứt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thái Phương |
“Nhà thầu cần giám sát quá trình thi công thật khoa học, đẩy nhanh tiến độ đến cuối tháng 12/2009 phải hoàn thiện các đốt hầm. Nhanh nhưng đảm bảo chất lượng công trình sao cho tháng 1/2010 có thể dìm đốt hầm đầu tiên” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo.
Theo lãnh đạo thành phố, đến nay công tác giải ngân cho dự án đã được thành phố tiến hành. Chính vì vậy, nhà thầu và đơn vị thi công cần đẩy mạnh tiến độ thi công, nếu chậm trễ sẽ không được tham gia đấu thầu các công trình tiếp theo. “Không thể dây dưa kéo dài công trình như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP.HCM” - một vị đại biểu trong đoàn nhận xét.
Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm gồm 2 đường dẫn, một đầu ở phía Q.1 ngay gần bến Bạch Đằng và một ở phía Q.2 bên khu đô thị mới Thủ Thiêm. Được biết, đoạn được dìm ngầm dưới lòng đất vượt sông Sài Gòn dài 370m gồm 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều rộng khoảng 33m, chiều dài 92m, cao 9m và nặng khoảng 25 tấn.
Theo thiết kế, sau khi hoàn thành xong hầm vượt sông Sài Gòn sẽ cho phép lưu thông 2 chiều với 6 làn xe, có hành lang cho người đi bộ và hành lang thoát hiểm. Ban quản lý dự án cho biết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông, trong hầm sẽ được lắp đặt hệ thống thiết bị vận hành như hệ thống cấp nước, chiếu sáng, thông gió, hệ thống đo đạc độ ô nhiễm không khí…
Hầm Thủ Thiêm được đánh giá là hầm dài nhất Đông Nam Á vượt sông Sài Gòn khi hoàn thành. Tuy nhiên trước đó vào giữa 2008, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (trong báo cáo công tác kiểm tra chất lượng công trình dự án Đại lộ Đông Tây) đã nêu lên những con số đáng lo ngại về hàng loạt vết nứt ở các đốt hầm Thủ Thiêm.
Theo đó, cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện các vết nứt trên tường và bản nắp buộc nhà thầu, đơn vị thi công phải nhanh chóng đưa ra các phương án khắc phục sự cố.
-
Thái Phương