- Tính đến đầu giờ trưa 3/11, bão số 11 đã làm 14 người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước lũ. Giao thông, liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Phú Yên đang chìm trong cơn "hồng thủy".
Nghe PV VietNamNet tường thuật công tác cứu hộ, tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả bão lũ tại Phú Yên: |
Leo lên nóc nhà chờ cứu hộ
Tại huyện Tuy An, toàn bộ các xã hạ lưu sông Kỳ Lộ bị chìm sâu trong nước, giao thông bị chia cắt. Tại Thị trấn Chí Thạnh, phía Nam đoạn qua cánh đồng đã bị ngập nặng, phía Bắc cầu Ngân Sơn nước đã tràn qua và ngập vào đến chùa Cảnh Phước...
Một người dân giơ tay lên để báo hiệu cho lực lượng cứu hộ - Ảnh: Thanh Xuân |
Các lực lượng cứu hộ đã điều động 8 chiếc ca nô để cứu hộ nhưng gặp nhiều khó khăn do dòng nước chảy xiết, những nhà dân hai bên bờ sông đều ở trong các rặng tre, rất khó tiếp cận.
Sáng 3/11, chúng tôi có mặt trên hai chiếc ca nô cứu hộ của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên để đi vào các thôn phía Đông xã An Định. Nước lớn rất nhanh từ 22 giờ đêm 2/11 sau khi cơn bão vừa tràn qua khiến bà con không kịp di dời lên những vùng cao hơn.
Đưa người dân lên chỗ cao hơn - Ảnh: Thanh Xuân
Nhiều căn nhà ngập hoàn toàn trong nước, một số căn nhà chỉ còn phần nóc nhà nhô lên trong dòng nước chảy mạnh. Nhiều người dân đã bị mắc kẹt trong những căn nhà này. Họ phải leo lên nóc nhà chờ các phương tiện cứu hộ đến.
Ưu tiên cứu hộ người già và trẻ em trước - Ảnh: Thanh Xuân
Những chiếc ca nô đưa bà con đến trú tạm tại Trường tiểu học của xã An Định là nơi cao nhất trong vùng. Ngôi trường này có hai tầng, nhưng toàn bộ tầng một đã chìm trong nước.
Ăn uống cũng là một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi nhiều người dân bị đói do đồ đạc trong nhà đã bị trôi hết. Việc cung cấp thức ăn và nước uống cho bà con tại các địa phương ngập lụt là hết sức cần thiết hiện nay.
Đưa người dân, gia súc lên vùng cao hơn để tránh lũ - Ảnh: Thanh Xuân
Trưa 3/11, trên QL1A đoạn qua thôn Ngân Sơn, hàng trăm người đứng trên lề đường mong ngóng những chiếc ca nô cứu hộ đưa người từ vùng thấp ở các xã An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông lên tạm trú.
Hiện tại, tình hình tại đây rất căng thẳng vì nước chảy xiết và ca nô của lực lượng bộ đội hoặc công an không thể chở được nhiều người cùng lúc.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cao niên ở đây cho biết, sau cơn bão “năm tý” từ cách đây 60-70 năm đến nay mới có một trận lũ lớn đến như vây. Nước lũ đã tràn qua đường sắt là chuẩn mà người Pháp khi xây dựng tuyến đường này đã khảo sát mực nước lũ.
Tại huyện Tuy An, nhiều ngôi nhà chỉ còn thấy nóc - Ảnh: Thanh Xuân
Thiệt hại nặng nề
Theo ghi nhận ban đầu của PV ViêtNamNt, thiệt hại nặng nhất là các huyện Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, TP Tuy Hoà. Trong đó, huyện Tuy An có 6 người chết, có 19 căn nhà sập hoàn toàn sau bão, 201 căn nhà bị tốc mái, toàn huyện ngập sâu trong nước.
Cũng tại huyện Tuy An, bờ kè Quảng Đức đã bị vỡ. Bốn chiếc thuyền đang neo đậu tại đây cũng bị sóng đánh chìm. Hiện tại, huyện Tuy An đã huy động được 8 canô để tiếp cận và cứu vớt dân bị kẹt trong lũ. Tuy nhiên những chiếc canô trên đều có công suất nhỏ đồng thời nước lại chảy xiết nên việc tiếp cận những gia đình trong vùng nước lũ gặp khó khăn.
Thị xã Sông Cầu có 8 người chết, 1 người mất tích. Tính đến cuối giờ chiều 3/11, trong số 8 người chết, chỉ mới vớt được xác là em Nguyễn Thị Thu Trang 14 tuổi (thôn Tuyết Viên, xã Xuân Bình) và Lê Thị Xuân (thôn Bình Long, xã Xuân Long). 6 thi thể còn lại vẫn đang vẫn đang tìm kiếm và chưa xác định được danh tính.
Lực lượng cứu hộ tiếp cận người dân đang mắc kẹt - Ảnh: Thanh Xuân
Huyện Đồng Xuân có 1 người chết là Dương Thị Xạ (thôn Long Châu, thị trấn La Hai), 1 người bị thương tên Đỗ Văn Kiệm (thôn Yên Đức, xã Xuân Quang 2) và 1 người mất tích tên Nguyễn Thị Sử (thôn Thành Đức, xã Xuân Quang 3). 10.000 ngôi nhà ở huyện này cũng bị ngập hoàn toàn và hơn 2.000 thuyền neo đậu cũng bị sóng đánh chìm, vỡ. Đường giao thông tại các địa bàn thôn, xã trong huyện Đồng Xuân đều bị cô lập.
Tại huyện Đông An có 8 người bị thương, 93 nhà sập, 4924 nhà tốc mái, 200 nhà ngập nước, 560m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, 55.000 cây ăn quả bị hư hại, 15 tàu thuyền neo đậu bị đắm. Ngành giáo dục bị thiệt hại gần 1 tỷ đồng, trong đó có 127 phòng học bị tốc mái, 6.000m2 vuông đầm nuôi tôm bị vỡ.
Huyết mạch giao thông bị cắt đứt
Giao thông tại QL1A bị đứt mạch từ Sông Cầu đến TP. Tuy Hòa từ tối ngày hôm qua đến 15h ngày 3/11 vì nước ngập sâu qua đường. Lực lượng CSGT đã tạm thời chặn các phương tiện lưu thông của các phương tiện hướng từ TP.HCM ra các tỉnh miền Bắc qua địa phận tỉnh Phú Yên. Dòng xe nằm kẹt tại trên QL1A kéo dài hơn 10km.
Trước tình hình trên, nhiều hành khách trên xe tỏ ra mệt mỏi và đói. Họ đã phải tìm vào các hàng quán hai bên đường để nghỉ ngơi, ăn uống. Các chủ quán đã lợi dụng tình hình mưa bão khó khăn đã “chặt chém” hành khách vì biết lũ chưa thể rút trong vài giờ tới.
Chị Nguyễn Thị Nhân, đi trên chuyến xe từ TP.HCM ra Quảng Ngãi cho biết, xe chị xuất bến từ 5h sáng ngày 2/11 đến địa phận tỉnh Phú Yên thì kẹt cứng nên rất đói và mệt.
Mong ngóng người thân đang được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi vùng nguy hiểm - Ảnh: Thanh Xuân
Hiện mực nước ở các con sông đi qua các huyện phía Nam tỉnh Phú Yên dâng cao và chảy xiết sau khi xả hồ thủy điện vào trưa 3/11.
Ông Huỳnh Nhu (60 tuổi, thôn Thành Đức, xã Xuân Hưng 3, huyện Đồng Xuân) kể lại: Lúc 23h ngày hôm qua nước ngập bất ngờ. Ông Nhu chỉ kịp leo lên bàn và đu lên nóc nhà rồi tháo tấm tôn ra, thò đầu chui lên mái nhà thoát thân. Đúng lúc đó trời mua lớn, ông Nhu đã dùng chiếc bao tải chùm lên đầu đứng suốt đêm trong mưa.
Đến 7h sáng 3/11, anh Huỳnh Lâm đã đưa hai thân dừa khô để đón và đưa ông Nhu vào bờ an toàn.
Ông Trân Ngọc Anh, một người dân địa phương cho biết: “Mưa kéo dài nên nước lớn bất ngờ làm trâu bò chết rất nhiều”.
Tại thị xã Sông Cầu, bờ sông Bình Đá bị vỡ. Nhiều quán xá dọc bờ biển ở TP. Tuy Hoà đổ sập.
Một người dân ở khu vực Gành Đỏ xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu kể lại: Ở khu vực Gành Đỏ, người dân vớt được gần 10 con bò trôi trên biển; nhiều người cũng vớt được nhiều vật dụng quý giá khi nước ở thượng nguồn đổ về.
Chùm ảnh PV VietNamNet vừa chuyển về từ vùng lũ dữ Phú Yên:
Tan tác - Ảnh: An Bang |
Dòng xe kẹt dài trên 10km trên đoạn QL1 đi qua TP Tuy Hòa, Phú Yên - Ảnh: An Bang |
Nhà cửa bị nhấn chìm trong nước - Ảnh: An Bang |
Trường học cùng chung số phận - Ảnh: An Bang |
Tranh thủ lợp mái nhà sau sơn bão - Ảnh: An Bang |
Xơ xác một vùng quê - Ảnh: An Bang |
TP Tuy Hòa bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông - Ảnh: An Bang |
Cứu hộ trong điều kiện khó khăn - Ảnh: An Bang |
Trắng xóa màu nước - Ảnh: An Bang |
Không phân biệt nổi đường và nhà - Ảnh: An Bang |
- An Bang - Dương Thanh Xuân - Mạnh Hoài Nam