221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244559
Nông trường Sông Hậu loay hoay trong "Gánh nặng mô hình”
1
Article
null
Bài 4:
Nông trường Sông Hậu loay hoay trong 'Gánh nặng mô hình”
,

– Anh hùng Trần Ngọc Hoằng trước khi mất từng nói với người viết bài này: “Tôi chết rồi, tụi nhỏ không khéo sẽ bị người ta làm khổ”.

Nên tôi đoán chắc rằng, chị Ba Sương hiểu tất cả những điều đó ít ra từ năm 1989 khi trả lời tôi là: “Phân phối thu nhập ở Nông trường Sông Hậu theo phương thức xã hội chủ nghĩa”.

Không để nông sản lăn lóc vỉa hè

“Phương thức phân phối thu nhập xã hội chủ nghĩa” ở đây cũng không trùng khớp với khái niệm triết học trong các tác phẩm kinh điển. Trong các tác phẩm kinh điển là “làm theo năng lực hưởng theo lao động” còn ở Nông trường là “làm và hưởng theo hợp đồng”. 

Nụ cười nắng gió ở Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Cũng là “làm theo năng lực hưởng theo lao động” nhưng đã được cụ thể hóa bằng một văn bản hợp đồng xây dựng trên cơ sở tự do và tự nguyện của hai bên ký kết. Qua đó “năng lực lao động” và “kết quả được hưởng” đã được lên kế hoạch trước, không có chuyện tùy hứng.

Đây là sự hiện thực hóa một khái niệm triết học. Hiển nhiên thực tế không thể trùng khớp lý thuyết và nếu phân giải tách bạch ra thì chắc gì ai cũng hiểu như phần trên đã có đề cập, nên chị Ba Sương vui vẻ để nó trong khái niệm “chủ nghĩa xã hội” lý thuyết.

Đó chính là cái “khiên” chị đem ra để che đỡ cho những việc làm sáng tạo, linh họat trong sản xuất kinh doanh, trong cả thu nhập và chi tiêu, những việc làm dù đúng nhưng không phải bao giờ cũng dễ xin phép và dễ được cho phép.

Làm chưa xin phép, sáng tạo để xây dựng “mô hình chủ nghĩa xã hội” thì sao lại bắt lỗi? Người ta sẽ có quyền hỏi lại cái người bắt lỗi việc làm xây dựng “mô hình chủ nghĩa xã hội” là vậy ông hay bà không muốn “xây dựng chủ nghĩa xã hội” hay sao”?

Tôi để ý thấy về sau chị Ba Sương còn đi xa hơn, sử dụng khái niệm “mô hình chủ nghĩa xã hội ở Nông trường Sông Hậu”, chị muốn nhấn mạnh mục tiêu lâu dài của việc xây dựng Nông trường để tránh mũi dùi công kích vào những công việc trước mắt đầy cam go và không tránh khỏi đôi khi vấp váp.

Tóm lại, để bảo vệ tư duy sáng tạo.

 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Tập tài liệu “Nông trường Sông Hậu: Ba thập kỷ xây dựng và trưởng thành” do ông Triều Hải Quỳnh, Biên tập viên Tạp chí Cộng sản viết phát hành tháng 6/2008. Trong đó, có đoạn đánh giá rất đúng nguyên nhân thành công của Nông trường: “Tính tự lực, tự cường, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, không trông chờ ỷ lại cấp trên và không dựa vào cơ chế bao cấp”.

Nhưng ở trang 10 của tập tài liệu có đọan rất lạ: “Việc qui hoạch Nông trường về bờ giữa mương cặp, trên mỗi tuyến đê bao kết hợp xây dựng đường giao thông nội bộ và đều được trồng bạch đàn phân tán (gần 4 triệu cây, tương đương 4.000 ha rừng tập trung), không chỉ tạo nên cảnh quan sinh thái hữu tình, che chắn gió lốc cho nhà ở và đồng lúa mà còn là địa hình và môi trường lý tưởng trong việc hình thành những vùng căn cứ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra; trong đó, hệ thống kênh mương sẽ trở thành giao thông hào, tán bạch đàn và cây xoài là nơi bộ đội trú ẩn và di chuyển một cách bí mật, an tòan”.

Qua điện thoại, tôi hỏi chị Ba Sương. Chị bảo: “Tập tài liệu ấy có sự đóng góp của chị để nêu rõ bài học từ Nông trường Sông Hậu”.

Tôi thầm nghĩ, cũng hệ thống kênh mương thủy lợi kết hợp đường giao thông ấy, ở trang khác của tập tài liệu lại phân tích là nhằm gắn khu dân cư với sản xuất, đảm bảo tưới tiêu theo mùa vụ, tận dụng hạn chế và lợi thế thiên nhiên theo phương châm “chống lũ tràn, rước triều, tiêu mưa”;

Quan tâm đến người sản xuất để người sản xuất thủy chung với Nông trường, từ đó có nguồn nguyên liệu lớn và tập trung để chế biến ra khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu chế biến và xuất khẩu trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh.

Có lẽ, những dòng này mới đúng với những gì đã diễn ra ở Nông trường Sông Hậu, vươn tới mục tiêu trở thành một tập đòan sản xuất nông nghiệp hùng mạnh, chứ không phải để trở thành “những vùng căn cứ chiến đấu”.

Nông trường đã xác định: “Muốn phát triển phải hội nhập; muốn hội nhập phải có bản lĩnh, tự tin; muốn có được bản lĩnh, tự tin phải bắt đầu từ học tập và nghiên cứu”.

Từ đó, Nông trường đã cử cán bộ đi nghiên cứu thị trường ở 30 nước, trọng tâm là các thị trường tiềm năng như châu Mỹ, châu Âu, châu Phi… Nông trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ gần 200 người tốt nghiệp đại học, 102 người tốt nghiệp trung cấp, 8 thạc sỹ, 2 người đang được cử đi đào tạo tiến sỹ…

 

Chăn nuôi bò lai tại trại bò hiện đại ở NTSH. Ảnh: CTV.

Tất cả nhằm tới mục tiêu cao nhất của hội nhập kinh tế thế giới: Đem nông sản Việt Nam vào các siêu thị, không để lăn lóc ngoài vỉa hè như nghìn năm qua.

Nông trường Sông Hậu đâu có mục tiêu cho nông trường viên “trú ẩn và di chuyển một cách bí mật, an toàn dưới tán bạch đàn và cây xoài”? Nhưng tại sao phải viết như thế? Cũng là để tự bảo vệ đấy thôi, để người ngoài không quá tập trung vào những việc làm sáng tạo cụ thể trước mắt (đôi lúc xin phép mà chưa được cho), để đỡ bị bắt lỗi trong cơ chế “xin-cho” chưa thóat ra được.

“Không khéo sẽ bị người ta làm khổ”

Cũng có lúc, một số phương tiện truyền thông đã làm ầm ĩ điều đó, đánh giá Nông trường Sông Hậu là “hình ảnh chủ nghĩa xã hội”, “hình ảnh tương lai nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Không! Một doanh nghiệp dù đang ở đỉnh cao thành công cũng không thể, không bao giờ, và không nên coi là một “mô hình” của một chế độ chính trị!

Doanh nghiệp và chế độ chính trị là hai phạm trù hòan tòan khác nhau. Một chế độ tồn tại có những nguyên tắc bất di bất dịch, còn một doanh nghiệp tồn tại lại phủ nhận những ràng buộc bất di bất dịch; một chế độ hoạt động phải tuân theo những khuôn phép ổn định, còn một doanh nghiệp họat động phải biết linh hoạt thích ứng.

Mục đích họat động của một chế độ là tạo ra sự công bằng với các cơ hội ngang nhau cho các tầng lớp xã hội. Mục đích họat động của một doanh nghiệp là lợi nhuận và luôn tìm cách chớp lấy các cơ hội kiếm lời.

Một doanh nghiệp họat động trong cơ chế thị trường không tránh khỏi những lúc thăng trầm. Mặt khác, đem doanh nghiệp làm “mô hình” cho một chế độ khác gì bắt doanh nghiệp “làm mẫu”, tương tự bắt doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc họat động phải theo khuôn thước. Có khác gì hạn chế sức sáng tạo của doanh nghiệp?

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình một lần về thăm nông trường. Ảnh: CTV.

Chị Ba Sương tính đem “mô hình chủ nghĩa xã hội ở Nông trường Sông Hậu” để che chắn bớt mũi dùi dư luận nhằm được yên ổn sáng tạo, làm giàu cho Nông trường nhưng vô tình chị đã đặt thêm lên vai mình một gánh nặng mới, ngoài gánh nặng cơ chế “xin-cho”.

Đã bị gánh nặng cơ chế đè trĩu vai, thêm gánh nặng mô hình nữa làm nên một gánh nặng rất đặc trưng của doanh nghiệp Nông trường Sông Hậu.

Tôi ngờ là chị Ba Sương cũng đã nhận ra điều đó và đã tìm cách quyết liệt thoát ra. Nông trường Sông Hậu ráo riết chuyển đổi 8 đơn vị thành viên thành công ty cổ phần. Năm 2004, địa bàn của Nông trường được thành lập xã Thới Hưng để lo việc hành chính cho dân, Nông trường chỉ còn lo việc kinh doanh để trở thành Tổng công ty Nông nghiệp Sông Hậu.

Thế nhưng việc tách như thế lại gây thêm nợ cho Nông trường ở chỗ các công trình phúc lợi công cộng do Nông trường đầu tư được nhà nước nhận nhưng không trả tiền. Vốn ban đầu hơn 40 tỷ đồng nay lãi mẹ đẻ lãi con đã lên gần 100 tỷ đồng.

Chị lại loay hoay với các khái niệm. Nên khi có vị giáo sư đáng kính gọi Nông trường là “mô hình chủ nghĩa xã hội thu nhỏ” thì chị nhanh chóng đón lấy.

“Thu nhỏ” nghĩa là không còn tòan diện, tòan bộ, nó đã được lược bớt, chỉ còn những đường nét cơ bản với những màu sắc tượng trưng.

Chỉ là “thu nhỏ” thì phiên phiến thôi, người trong cuộc không băn khoăn với đôi điều chưa sắc nét, người bên ngòai không quá khắt khe khi nhìn ngắm thấy có điểm chưa rõ ràng, sẽ đỡ bị bắt nhặt bắt xuôi.

 

Chế biến bạch đàn đóng đồ gỗ để xuất khẩu ở NTSH. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, dù “mô hình thu nhỏ” thì nó cũng là một loại “mô hình” như tượng Thần Tài dù thu nhỏ vẫn là tượng Thần Tài, không thể là tượng Ông Thọ chẳng hạn. Cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không dù thu nhỏ lại bao nhiêu theo sự biến hóa của Tôn Ngộ Không thì nó vẫn là cái vòng kim cô, hễ câu thần chú đọc lên là Tôn Ngộ Không dù rất mạnh mẽ cũng phải ngã vật ra ôm đầu quằn quại.

Cho nên, có lẽ tôi khó quên một buổi chiều đến Nông trường, lúc cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng còn sống, ông nằm trên chiếc ghế kê ở hành lang Nông trường bộ.

Lúc này ông đã yếu lắm. Con người vùng vẫy trong bão táp thiên nhiên và bão táp cơ chế xây dựng nên mấy nông trường tiếng tăm, bấy giờ nằm trên ghế hướng mắt ra đường nhìn người qua lại.

Chợt ông nói: “Nằm đây tôi đếm bà con nông trường viên đi lại trên đường, muời người thì đã ba, bốn người có xe máy. Cuộc sống đỡ lắm rồi nhưng chưa giàu. Làm lúa không thể giàu. Muốn giàu thì phải nuôi tôm vào ruộng lúa”.

Tôi sững sờ ngắm nhìn ông, lòng trào lên cảm xúc khó tả. Trong con người ấy, đã gần tàn hơi rồi, vẫn không nguôi suy nghĩ tìm cách làm giàu cho nông dân.

Tôi đáp lời ông: “Thưa, ruộng lúa Nông trường cũng đã nuôi tôm rồi, nuôi cả cá. Chị Ba Sương còn tính chế biến xuất khẩu”. Ông buông một tiếng cắt ngang lời tôi: “Hừ, Ba Sương”.

Ông vẫn nhìn ra con đường trước mặt, ánh mắt nheo nheo theo thói quen của ông. Tôi chờ đợi. Một lúc, ông nói tiếp: “Tôi chết rồi, tụi nhỏ không khéo sẽ bị người ta làm khổ”.

Tôi định hỏi thêm nhưng thấy ông đã nhắm mắt, dường như đã ngủ. Câu nói ám ảnh tôi đến bây giờ.

  • Sáu Nghệ (tác giả là nhà báo, hiện sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,