221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244639
Nông trường Sông Hậu, 30 năm nhìn lại
0
Article
null
Nông trường Sông Hậu, 30 năm nhìn lại
,

 - Loạt bài trích đăng từ một công trình nghiên cứu về mô hình Nông trường Sông Hậu của một tiến sỹ, cũng là một nhà báo, tác giả Triều Hải Quỳnh.

Khởi nghiệp gần như từ tay trắng, chỉ sau 30 năm, từ một cái tên xa lạ và rất đỗi bình thường, Nông trường Sông Hậu (NTSH) đã làm ngời sáng tên tuổi của mình bằng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Hai giám đốc của hai thế hệ kế tiếp đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Kết quả của ba mươi năm xây dựng và phát triển của NTSH đã chứng tỏ mô hình sản xuất - kinh doanh tổng hợp, đa dạng và phương thức liên kết kinh tế rộng rãi với kinh tế hộ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan khoa học, đào tạo… là những hướng đi đúng đắn và hợp lý.

Máy gặp đập liên hợp dùng thu hoạch lúa ở Nông trường Sông Hậu, hình ảnh sau 30 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: CTV.

Những nghiên cứu bước đầu dưới đây của hai tác giả (Triều Hải Quỳnh và Tấn Vũ) nhằm góp một tiếng nói khẳng định những bước đi vượt thời gian của mô hình sản xuất - kinh doanh của NTSH sau 30 năm xây dựng và phát triển, để đông đảo bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về NTSH.
Bài 1: Cuộc chuyển đổi ngoạn mục ở vùng đất hoang hóa sình lầy

Những thành tựu mà NTSH đạt được về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng đã thể hiện thành công một mô hình xã hội chủ nghĩa thu nhỏ. Bởi nếu so sánh chương trình 135/CP của Chính phủ về xây dựng 1.500 xã nghèo trên toàn quốc, thì NTSH là một xã nghèo tự lực hoàn toàn (thay vì lẽ ra Nhà nước phải “rót” vào đây một nguồn ngân sách rất lớn); trở thành xã khá và giàu sớm nhất của cả nước bằng việc phát huy nội lực trong quá trình xây dựng và phát triển.

Ông Lê Quang Đạo (nguyên Chủ tịch đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi đến thăm Nông trường ngày 8/8/1998) đánh giá: “… Nông trường đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ tiến lên ngày càng hiện đại, đi từ sản xuất có tính chất tự túc, tự cấp tiến lên sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, từ nghèo nàn tiến lên ngày càng giàu có.

Nông trường đã coi trọng xây dựng cả cơ sở vật chất kĩ thuật và xây dựng con người, xây dựng cơ sở chính trị vững vàng, phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, nhân viên và tất cả các thành viên của nông trường… đem hết tâm huyết, sức lực, tài năng và trí tuệ sáng tạo ra một mô hình kinh tế tiên tiến xuất sắc, làm gương cho các cơ sở kinh tế trong cả nước, góp phần đáng kể để xây dựng đất nước ta tiến lên giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…”.

Đoàn người “đi mở đất” 30 năm trước

Nằm về phía Tây, cách thành phố Cần Thơ 30 km, NTSH được thành lập tháng 4 năm 1979 theo Quyết định số 33/QĐ-UBT của UBND tỉnh Cần Thơ. Tiền thân của NTSH là Nông trường Quyết Thắng, với ý nghĩa quyết tâm chiến thắng thiên nhiên, giặc giã, lạc hậu, đói nghèo. Trong hai thời kỳ kháng chiến, đây là nơi cán bộ kháng chiến nằm vùng.

Do địa hình sình lầy, cỏ lác ngập đầu, nên trong kháng chiến chống Mỹ, do không thể đi càn trên bộ nên quân đội Mỹ phải dùng phi cơ oanh tạc tự do từ trên cao nhằm biến nơi đây thành vùng đất trắng. Sau giải phóng, vùng đất heo hút và rộng ngút tầm mắt này một thời là chốn dung thân của đám tàn quân, sau này đã bị tiểu đoàn Tây Đô của Tỉnh đội Hậu Giang xóa sổ rồi thành lập Nông trường Quyết Thắng vào năm 1976.

Năm 1979, tỉnh Hậu Giang chủ trương cắt 50% diện tích từ Nông trường Quyết Thắng giao cho Ty Nông nghiệp Hậu Giang. Người thiếu tá cựu chiến binh, nguyên Chính ủy trường Quân chính Quân khu 9, nguyên huyện đội trưởng huyện Châu Thành, sau đó là Phó giám đốc Ty Nông nghiệp Hậu Giang Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) đã xin tự nguyện về đây để xây dựng Nông trường.

Cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng, người mặc áo đen, đứng) và bà Trần Ngọc Sương (ngồi gần ông Hoằng) gầy gò thời kỳ đầu xây dựng Nông trường như mọi nông trường viên. Ảnh: CTV.

Đoàn người “đi mở đất” do đồng chí Năm Hoằng là đảng viên duy nhất phụ trách ngày ấy chỉ có 16 người, gồm nam nữ đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ, có cả học sinh trung cấp vừa ra trường. Tài sản buổi đầu chỉ có 3.450 ha đất, 10 chiếc máy kéo mua chịu, 50 ngàn đồng để mua sắm nồi chảo, gạo mắm phục vụ cho “cuộc đọ sức với thiên nhiên”.

Qua ba thập kỷ, trải qua 3 giai đoạn xây dựng-phát triển, NTSH đã có những bước tiến vượt thời gian mà dấu ấn của những bước tiến ấy là những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực từ xây dựng phát triển kinh tế bền vững đến đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, từ đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở đến xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, từ chăm lo thế hệ trẻ đến việc chăm lo, phụng dưỡng người cao tuổi…

Rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà kinh tế… khi đến đây đều có chung một nhận định: NTSH đã “làm nên một huyền thoại trong lĩnh vực nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”. Huyền thoại đó gắn liền với ba cuộc chuyển đổi diễn ra qua ba thời kỳ, tùy hoàn cảnh cụ thể được định hình chuẩn xác và triển khai một cách năng động với một bản lĩnh vững vàng và tinh thần cách mạng đầy sáng tạo.

Cuộc chuyển mình thứ nhất: Dựng cơ đồ từ tay trắng
Giai đoạn khởi đầu này (1979 - 1989), được xác định đây là thời kỳ xây dựng cơ bản với ba nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi điều kiện để chuyển đổi căn bản từ sản xuất lúa mùa nổi một vụ sang sản xuất lúa đặc sản 2 vụ; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; xác lập và ổn định một số ngành nghề căn bản trong sản xuất nông - công nghiệp.

Chính trong giai đoạn đầy khó khăn thách thức này đã bắt đầu hình thành cơ sở cho những bước đi vượt thời gian của nông trường Sông Hậu.

“Đòn bẩy kinh tế” đầu tiên mà cố giám đốc Năm Hoằng áp dụng là đất đai được cải tạo đến đâu, tùy theo khả năng lao động, Nông trường khuyến khích các hộ nhận khoán đến đó. Nội dung chủ yếu của phương thức khoán là Nông trường hoàn toàn đầu tư vốn, đảm nhận các khâu cày đất, cung cấp giống, phân bón, tưới tiêu nước; hộ dân nhận đất, bỏ công chăm sóc, thu hoạch và nộp khoán cho Nông trường theo mức quy định, phần vượt khoán họ được hưởng trọn.

Thu hoạch lúa trong những năm đầu gầy dựng nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.
Trong điều kiện Nông trường không được nhà nước cấp vốn, người lao động không ai được hưởng lương “biên chế”, cách làm mới mẻ mà giám đốc Trần Ngọc Hoằng gọi là “Phương cách tự cân đối, tự trang trải” với tính thiết thực của nó trong việc bảo đảm ba lợi ích: Nhà nước, tập thể nông trường và nông dân đã có một sức hút mạnh mẽ đối với người dân.

Phương thức giao khoán đã giúp các hộ nông trường viên có đất, tìm được bát cơm manh áo trên mảnh đất nhận khoán của mình nhờ mô hình đa canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nông trường. Người dân từ chỗ lang bạt trên những chiếc xuồng cũ nát, cuộc sống trôi nổi, bấp bênh bởi “ba không” (không nhà cửa, không đất đai, không việc làm), khi trở thành hộ nông trường viên, họ đã thực sự đổi đời nhờ Nông trường cùng lúc đem đến “nhiều có”: đó là có đất để sản xuất, có việc để làm, có vốn để sản xuất, có nhà ở, trường học, trạm y tế...

Không đâu khác, chính cuộc sống mới hứa hẹn “an cư lạc nghiệp” đã mang đến cho họ niềm tin, thôi thúc họ tìm đến và tự nguyện “neo” lại với Nông trường ngày càng đông.

Quả vậy, trong khi cùng thời điểm, hầu hết các nông trường trong cả nước đang loay hoay tìm hướng đi hoặc đang trong tình cảnh “làm đâu lỗ đó”, “làm ít lỗ nhiều” thì ở NTSH, chỉ sau 4 năm (1979-1982), “tiếng lành” đã “đồn xa”, vượt ra khỏi phạm vi địa phương và khu vực. Bằng sức người là chính, kết hợp với sự hỗ trợ của máy móc, NTSH đã đào 21 km kênh mương, phục hóa hoàn toàn 3.450 ha đất canh tác, nhanh chóng chuyển đổi trên 3.000 ha đất hoang hóa từ quảng canh sang thâm canh, đưa sản lượng lương thực nộp nhà nước lên 5.000 tấn, gấp 7 lần năm đầu.

Cùng với trồng trọt, Nông trường đẩy mạnh phát triển mạnh chăn nuôi với mục đích tăng hiệu quả kinh tế và tạo thế tương hỗ trong sản xuất ttheo phương châm “vững cả hai chân”. Một trại heo giống Yóoc - sai 700 con, trại ngỗng giống Hung-ga-ri, trại vịt giống Bắc Kinh, Hà Lan hàng chục ngàn con, đàn trâu cày kéo, sinh sản hàng trăm con… đã giúp Nông trường tăng vốn tài sản, tăng thu nhập cho cán bộ, nông trường viên, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Liên tục bốn năm, NTSH được tỉnh và Bộ Nông nghiệp công nhận là đơn vị xuất sắc. Trong báo cáo tổng kết 4 năm đầu hoạt động của NTSH, Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định: “Phương thức quản lý của nông trường là thích hợp với trình độ sản xuất và điều kiện kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Hậu Giang”. Tỉnh ủy cũng có chỉ thị yêu cầu “… các nông, lâm trường trong tỉnh phải đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm làm ăn của NTSH”.

Tin tưởng ở hướng đi mới và hiệu quả sản xuất của Nông trường, năm 1984, khi Tiểu đoàn Tây Đô được rút đi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, UBND tỉnh Hậu Giang quyết định tiếp tục giao 50% diện tích còn lại của Nông trường Quyết Thắng cho NTSH, đưa tổng diện tích của Nông trường lên xấp xỉ 7.000 ha.

Cái mới vốn thường ra đời trong bi kịch
Tuy nhiên, cái mới vốn thường ra đời trong bi kịch, thưòng phải đối diện với những phán xét và sự hoài nghi. Cách làm “không giống ai” của ban Giám đốc NTSH mà người khởi xướng là giám đốc Trần Ngọc Hoằng buổi đầu khó tránh khỏi những điều tiếng dị nghị.

Ngôi nhà xây cao tầng đầu tiên ở Nông trường Sông Hậu chính là trường học. Ảnh: CTV.
Nhưng với ý chí “gặp sóng cả không ngã tay chèo” của người Đảng viên cộng sản, Ban Giám đốc Nông trường vẫn vững tin: tính mục đích, hiệu quả của mô hình làm ăn mới trước hết là vì dân và cho dân, tự nó sẽ có sức thuyết phục.

Thực tiễn đã chứng minh, những bài học được rút ra từ thực tiễn ở NTSH sau đó không chỉ đã góp phần vào sự ra đời của một chủ trương (khoán hộ) hợp lòng dân mà còn đánh thức mọi tiềm năng, mang đến cho con người và đồng ruộng một sức sống mới. Sau này, trên cơ sở cách làm thành công của các đơn vị quốc doanh, trước hết là từ NTSH, Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

Kết thúc chặng đường 10 năm tạo dựng (1979-1989), NTSH đã trở thành một “hiện tượng mới” của kinh tế quốc doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, được biểu hiện bởi các thành tựu nổi bật. Đó là hoàn thành việc cải tạo đồng ruộng, cơ bản xác lập và xây dựng công trình thủy lợi với hệ thống bờ bao phục vụ tưới tiêu, kết hợp xây dựng hệ thống giao thông nội bộ hoàn chỉnh. Thực hiện cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Chuyển đổi 100% diện tích lúa mùa nổi một vụ thành đất trồng lúa 2 vụ ăn chắc với diện tích 5. 640,7 ha, nâng tổng sản lượng bình quân từ 2000 tấn/năm trước đây lên trên 60. 000 tấn/năm, mở ra một hướng mới trong trong sản xuất là kết hợp mô hình canh tác lúa - nuôi trồng thủy sản trên 5.000 ha đất, đạt tỷ lệ 90% diện tích.

Hình thành khá đầy đủ, đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống như trạm biến thế, lò gạch, nhà xưởng, kho tàng, phương tiện vận chuyển; hệ thống đường sá - trường học - trạm y tế - nhà văn hóa… tạo ra những điều kiện cơ bản và thuận lợi để bảo đảm cho người dân vừa có điều kiện “an cư”, vừa có cơ hội “lạc nghiệp. Xây dựng được bộ máy quản lý và sản xuất kinh doanh gồm 245 người, thu hút 1.100 hộ vào làm nông trường viên với trên 3. 000 lao động (tính đến năm 1985); thành lập chi bộ đảng có 15 đảng viên, chi đoàn 55 đoàn viên, tổ chức công đoàn với 170 đoàn viên…

Với 35 tỷ đồng vốn vay ngân hàng là chủ yếu và tích cóp lợi nhuận từ sản xuất để đầu tư cho mua sắm máy móc, thiết bị, cộng với sức người, Nông trường đào đắp và san ủi trên 24 triệu m3 đất, tạo nên 200 km kinh mương thủy lợi, xây dựng 300 cống lớn nhỏ và 2 trạm bơm điện… nhờ đó đã đưa toàn bộ diện tích canh tác của Nông trường từ đất loại 5, loại 7 lên thành “nhất nhị đẳng điền”, chuyển hoàn toàn từ quảng canh sang thâm canh, đạt năng suất bình quân 9 tấn/ha.

Trong khi cùng thời điểm, cả nước có khoảng 400 nông trường quốc doanh, phần lớn đang bối rối trong việc tìm hướng đi, thì ở NTSH, hầu hết hộ dân nhận khoán với Nông trường đã tự tổng kết rằng: Nhận khoán ở NTSH, hộ nông trường viên có được những cơ hội và điều kiện mà chắc chắn không nơi nào có được. Đó là trong sản xuất không sợ bị thiên tai bão lũ vì có những lũy bạch đàn và có đê bao cao ngăn chặn gió bão, lũ lụt; sản xuất đạt hiệu quả cao vì có hệ thống thủy lợi chủ động tưới, tiêu nước và mạng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật với trang thiết bị kỹ thuật vật tư đầy đủ.

Được gieo trồng giống tốt, được Nông trường hỗ trợ phương tiện sản xuất và phương pháp canh tác tiên tiến; sản xuất không sợ lỗ vì được Nông trường bảo hiểm giá và bao tiêu sản phẩm; quyền làm chủ của nông trường viên và CBCNV luôn được phát huy nhờ cơ chế khoán hấp dẫn, công bằng, minh bạch.

CBCNV và con em nông trường viên được quan tâm đào tạo, được học hành chu đáo nhờ hoàn toàn được bao cấp bằng quỹ tích lũy tập thể và nhờ Nông trường thực hiện xã hội hóa giáo dục hiệu quả. Ở NTSH không sợ bị thất nghiệp, không có các tệ nạn xã hội vì Nông trường luôn quan tâm đến việc làm, thu nhập; chú trọng đến đời sống tư tưởng và văn hóa tinh thần, coi trọng xây dựng và phát huy vai trò của các đoàn thể và có phong trào bảo vệ trật tự - an ninh quần chúng tốt.

Hình ảnh thuở nào, cô giáo với học sinh, những căn nhà lá, lu nước lóng phèn và hoa dại bên đường. Ảnh: CTV.

Bên cạnh đó, góp phần cùng Nhà nước trong việc giúp người dân có đất sản xuất và ổn định đời sống, trong 3 năm (1989 - 1991), dù phải đương đầu với bao khó khăn, thách thức nhưng NTSH đã tiếp nhận thêm trên 1.300 hộ nông dân, đưa họ vào sản xuất theo cơ chế khoán sản phẩm.

Đều đặn từ 1990 trở đi, theo yêu cầu của tỉnh và bằng khả năng của mình, năm nào Nông trường cũng tiếp nhận thêm hàng trăm hộ, nâng số hộ nông trường viên lên 2.800 hộ với hơn 10.000 lao động, gần 15.000 nhân khẩu.

Năm 1993, trước tình hình một bộ phận nông dân do từng bỏ đi hoặc đã giao đất cho chủ cũ nên bị mất đất sản xuất, thay vì phải trông chờ vào Nhà nước, Nông trường quyết định vay trên 16 tỷ đồng lúc lãi suất tăng cao để thực hiện chi trả thành quả lao động cho số hộ cũ có đất tại Nông trường, được nông dân phấn khởi và nhiệt liệt hưởng ứng (phần vốn và lãi phát sinh hoàn toàn do Nông trường tự trả, sau 10 năm đã lên trên 50 tỷ đồng, đến năm 2002 mới được nhà nước thừa nhận bồi hoàn gốc vay).

Sau đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản giới thiệu 15 đơn vị “điển hình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta”; trong đó riêng với mô hình thực tiễn của NTSH.

Văn bản trên kết luận: “Kinh nghiệm của Nông Trường Sông Hậu có ý nghĩa phổ biến… Các nông trường, cả lâm trường có thể nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm Nông Trường Sông Hậu, áp dụng đầy đủ cơ chế tự cân đối, tự trang trải và chuyển đại bộ phận lao động biên chế sang lao động hợp đồng khoán sản phẩm đến từng gia đình công nhân đi đôi với khuyến khích giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình của công nhân”.

Như vậy, khởi đầu gần như từ tay trắng, nhưng nhờ "nhận ra cái khó, nhìn tỏ cái khôn", những thành quả mà Nông trường Sông Hậu đạt được có thể nói là ngoài sức tưởng tượng.

Ghi nhận những đóng góp xuất sắc đó, chỉ sau 6 năm xây dựng, năm 1985, NTSH được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lao động".

Trung ương đã nêu lên 5 kinh nghiệm từ mô hình Nông trường Sông Hậu: Mô hình quốc doanh với cơ chế tự trang trải và sử dụng lao động hợp đồng của nông dân theo cơ chế khoán sản phẩm đã giải quyết được khó khăn về vốn ban đầu; Tạo ra sự kết hợp trực tiếp giữa kinh tế nhà nước và kinh tế nông dân, vừa sử dụng và phát huy năng lực sản xuất vốn có của nông dân, vừa sử dụng lực lượng quốc doanh làm dịch vụ nông nghiệp một cách có hiệu quả; tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tránh được các hiện tượng tiêu cực do quan liêu bao cấp đẻ ra, tiết kiệm được chi phí, bảo đảm đời sống, tăng tích lũy; với cơ chế tự chủ tài chính, tự trang trải, Nông trường đã phát huy quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh.
(còn tiếp)

  • Triều Hải Quỳnh và Tấn Vũ (tác giả là Tiến sỹ, hiện là Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản. Những nội dung trong loạt bài này trích từ nghiên cứu năm 2008 của tác giả).

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,