– Nhiều quận, huyện ngoại thành ở TP.HCM đang đối mặt với thủ phạm gây ô nhiễm mới, có tên gọi “vựa thùng phuy”.
Vựa thùng phuy hoạt động cũng giống như vựa ve chai. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, hầu như ai cũng nghĩ chúng chẳng gây hại gì cho môi trường. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.
“Bí mật” bên trong thùng phuy
Quận Tân Phú và Bình Tân được xem là “vương quốc” thùng phuy ở TP.HCM vì có hàng chục vựa thùng phuy đang hoạt động. Mỗi vựa chứa từ hàng trăm đến hàng nghìn thùng phuy.
Các thùng phuy cũ này được chủ vựa mua lại từ các cơ sở sản xuất, sau đó sơn phết lại thành thùng phuy mới và bán lại cho các công ty có nhu cầu.
Thoạt nhìn, những vựa thùng phuy như thế này chẳng gây ảnh hưởng gì đến môi trường nhưng bên trong những thùng phuy cũ này thường có rất nhều cặn hoá chất độc hại. Ảnh: Trung Thanh |
Tuy nhiên, trước khi sơn mới các thùng phuy phải được súc rửa, làm sạch. Đây chính là công đoạn phát sinh ô nhiễm. Bởi vì bên trong những thùng phuy cũ tưởng chừng vô hại này lại dính đầy các chất độc hại như thuốc trừ sâu, cặn axít, cặn hoá chất… (gọi chung là chất thải nguy hại).
Cơ sở Thu Nga (119 Tô Hiệu, phường Tân Thới Hoà, Q. Tân Phú) có thể được xem là “điển hình” về kiểu gây ô nhiễm mang tên thùng phuy. Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường Q. Tân Phú, cơ sở Thu Nga kinh doanh thùng nhựa và thùng sắt có chứa hoá chất nhưng sau khi súc rửa đều được xả thẳng ra kênh Hiệp Tân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nước thải phát sinh từ công đoạn súc sửa thùng phuy của cơ này vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần.
Bên trong một vựa thùng phuy kín cổng cao tường (phường Bình Hưng Hoà A, Q. Bình Tân) các thùng nhựa cũ đang được súc rửa và nước thải xả thẳng xuống cống. Ảnh: Trung Thanh. |
Trong hai ngày 28 và 29/11, trong vai người đi nhặt ve chai, chúng tôi tiếp cận nhiều vựa thùng phuy ở Q. Bình Tân và huyện Bình Chánh và nhận thấy nước súc rửa thùng phuy ở các cơ sở này không được xử lý mà xả thẳng ra cống.
Bị yêu cầu đóng cửa nhưng vẫn hoạt động
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đầu năm 2009 Cục Cảnh sát Môi trường phía Nam (C 36B) đã phát hiện trên 10 vựa ve chai ở Q. Tân Phú và Bình Tân gây ô nhiễm môi trường.
Các vựa ve chai gây ô nhiễm tập trung nhiều nhất ở khu phố 4, khu phố 5, phường Bình Trị Đông A (Q. Bình Tân) như: vựa ve chai của bà Trần Mỹ Dung súc rửa thùng phuy có chứa cặn axít, chất thải nguy hại; vựa của ông Huỳnh Giới Xương, Trần Văn Nam, vựa bà Huỳnh Thị Thanh Trúc, Trần Mỹ Dung… cũng bị “dính” chất thải nguy hại.
Tại phường Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân vẫn còn nhiều vựa thùng phuy hoạt động. Ảnh: Trung Thanh |
Tại phường Bình Hưng Hoà A, Q. Bình Tân, tại phường Tân Thới Hoà, Q. Tân Phú, C 36B cũng phát hiện nhiều vựa thùng phuy súc rửa các cặn hoá chất gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng vi phạm trên, C 36 B đã lập biên bản xử phạt hành chính đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm phải ngưng hoạt động.
Cơ sở kinh doanh thùng phuy Thu Nga bị buộc di dời từ cuối năm 2008 nhưng hiện vẫn còn hoạt động. Ảnh: Trung Thanh |
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, UBND Q. Bình Tân đã ban hành ít nhất 6 quyết định đình chỉ hoạt động đối với 6 cơ sở kinh doanh thùng phuy nêu trên. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân hiện nay các cơ sở này vẫn lén lút hoạt động.
Riêng cơ sở Thu Nga, từ cuối năm 2008 UBND Q. Tân Phú đã ra quyết định buộc di dời khỏi khu dân cư. Thế nhưng đến ngày 27/11/2009 theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở này vẫn còn hoạt động tại vị trị cũ.
-
Trung Thanh