– “Đề án 1816 là chủ trương cấp Bộ và chỉ là một giải pháp tình thế. Nhưng với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của nước ta hiện nay việc triển khai Đề án có thể sẽ phải kéo dài từ 15 đến 20 năm”.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu |
Giảm tỷ lệ chuyển tuyến được 30%
Xin Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai Đề án 1816 trên thực tế, tính đến thời điểm này?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: - Ngày 26/5/2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT (Đề án 1816) nhằm 3 mục tiêu: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.
Tháng 8/2008 nhiều bệnh viện đã đồng loạt thực hiện đề án này trên cả nước. Tính đến nay, có 1.846 lượt cán bộ thuộc 64 bệnh viện (33 bệnh viện trực thuộc Bộ và 31 bệnh viện trực thuộc các Sở Y tế Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Kiên Giang) đi luân phiên hỗ trợ 191 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lúc nào cũng có trên 400 cán bộ tuyến trên đang làm việc tại tuyến dưới.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có 31 Sở y tế tỉnh, thành phố đã triển khai kế hoạch luân phiên cán bộ từ các bệnh viện tỉnh xuống hỗ trợ 186 bệnh viện huyện với 464 lượt cán bộ và 26 tỉnh đã cử bác sĩ từ bệnh viện huyện xuống khám chữa bệnh tại 452 xã với 543 lượt cán bộ.
Theo Bộ trưởng, những thành quả nào đã mang lại khởi sắc cho y tế cơ sở?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: - Sau hơn một năm thực hiện, kết quả rất đáng khích lệ: các cán bộ từ Trung ương về hỗ trợ tuyến dưới đã khám và điều trị cho 210.425 lượt bệnh nhân, tổ chức được 428 lớp tập huấn cho 21.526 lượt cán bộ tham gia; phẫu thuật 4.903 ca, chuyển giao được 1.023 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành, giảm tỷ lệ chuyển tuyến khoảng 30%.
Kết quả này đã tạo đà cho y tế cơ sở có những bước khởi sắc. Cụ thể là: Thông qua các lớp đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật, cán bộ tuyến dưới được cập nhật các kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề. Nhiều kỹ thuật mới trước kia chưa làm được nay đã triển khai thực hiện được ở cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác luân phiên cán bộ còn góp phần nâng cao năng lực tổ chức quản lý bệnh viện, chuẩn hoá các quy trình quản lý, quy trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, cán bộ luân phiên chuyển giao theo kiểu cầm tay chỉ việc giúp cán bộ tuyến dưới dễ tiếp thu hơn và làm được ngay.
Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cán bộ đi luân phiên ngoài việc đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật còn trực tiếp khám chữa bệnh nên chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới được nâng cao hơn và khám, điều trị bệnh nhân được nhiều hơn. Bệnh nhân được khám chữa bệnh tại địa phương mà không phải vất vả về tuyến trên điều trị đỡ tốn kém lãng phí tiền của.
Nhưng chắc cũng có nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: - Giai đoạn đầu, có đơn vị cử cán bộ hỗ trợ chưa phù hợp với nhu cầu của tuyến dưới dẫn đến hiệu quả không cao, tuyến dưới không mặn mà; có đơn vị tuyến dưới đề xuất "cái cần" không dựa trên nhu cầu theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật mà theo "yêu cầu"; có tình trạng cán bộ tuyến dưới ỉ lại, thiếu sự hợp tác, thậm chí còn có ý thử tài đồng nghiệp; có đơn vị muốn lựa chọn cán bộ tuyến trên xuống hỗ trợ; chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ đi luân phiên còn hạn chế...
Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là do đơn vị tuyến trên khảo sát chưa thật kỹ và đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc cử và nhận cán bộ luân phiên, cử cán bộ để đủ chỉ tiêu và coi nhẹ hiệu quả. Những hạn chế này, đến nay cơ bản đã được khắc phục.
Có phải chúng ta đang luân chuyển...ngược?
Ban chỉ đạo đề án đã có những cách xử lý nào trước những khó khăn này?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: - Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên…do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được trang bị hoặc trang bị chưa đồng bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế thiếu hụt trầm trọng (Ví dụ Lai Châu có 6/7 huyện nghèo, cả tỉnh có 126 bác sĩ, bệnh viện đa khoa chỉ có 26 bác sĩ) vì vậy cán bộ đi luân phiên xuống hỗ trợ tuyến dưới vừa làm thầy vừa làm thay.
Đây là khó khăn và cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Y tế và việc thực hiện Đề án 1816. Để giải quyết vấn đề này thời gian qua Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời có chính sách đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển nhằm tăng cường nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh này khắc phục những bất cập hiện nay.
Các cán bộ được cử đi luân phiên là những cán bộ giàu kinh nghiệm có khả năng độc lập tác nghiệp ở các bệnh viện Trung ương là các bệnh viện tuyến cuối có nhiều bệnh nhân nặng, thường xuyên quá tải nên việc cử các cán bộ đi ít nhiều ảnh hưởng đến công việc trong bệnh viện. Bộ Y tế đã có chủ trương tăng thêm biên chế cho các bệnh viện này để tuyển thêm cán bộ đảm bảo hoat động ổn định.
Về lâu dài cần có sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành, phải có quyết định mang tính chất pháp lý cao về việc cử cán bộ đi luân phiên tuyến dưới. Có sự chỉ đạo đồng bộ giữa Bộ Y tế, UBND các tỉnh về vấn đề giải pháp để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới, làm tốt công tác khảo sát, xác định nhu cầu của tuyến dưới và thực hiện điều phối cán bộ để tăng hiệu quả của việc cử cán bộ đi luân phiên nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các địa phương cần lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực y tế theo nhu cầu phát triển.
Có ý kiến cho rằng luân chuyển bác sỹ từ tuyến Trung ương về địa phương là luân chuyển ngược, vì điều kiện y tế cơ sở sẽ không thể giúp bác sỹ tuyến trên chuyển giao được công nghệ cho tuyến dưới? Ý kiến của ông về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: - Về mặt chủ trương, tại Kết luận số 42-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Việc thực hiện chính sách luân phiên cán bộ và thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế đối với miền núi, vùng xa, vùng nông thôn và vùng khó khăn là cần thiết, góp phần thực hiện công bằng xã hội…tiến tới luật hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn của đất nước…”
Để tiếp tục duy trì đảm bảo tính bền vững của Đề án, Bộ Y tế đề nghị: các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để cán bộ và nhân dân hiểu đúng và đầy đủ về chủ trương, mục tiệu, nội dung và hiệu quả của Đề án 1816.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
-
Cẩm Quyên (thực hiện)